Thứ bảy, ngày 05 tháng mười một năm 2011
Đừng vội bảo rằng lắm chuyện. Xin đừng vặn rằng không do người viết sử biên soạn ra, viết ra thì còn ai? Nếu vậy đã đi một nhẽ.
Chả là Hội khoa học lịch sử Việt Nam vừa kỷ niệm 45 năm thành lập. Lễ to ra phết, ở nhà hát lớn thủ đô, có cả chủ tịch nước tham dự. Tại buổi lễ trọng, vị đứng đầu nền sử học nước nhà hiện nay, giáo sư Phan Huy Lê nói rằng một trong những việc lớn của các nhà sử học sắp tới là soạn ra bộ quốc sử, chí ít cũng 25 tập.
Ông giáo sư Lê bộc lộ chút băn khoăn, các vương triều ngày trước, triều nào cũng có bộ quốc sử, gần đây nhất là triều Nguyễn với bộ Đại Nam thực lục (một phần quan trọng của bộ này là Đại Nam thực lục chính biên Đệ lục kỷ phụ biên chép về hai đời Thành Thái, Duy Tân, được ông bạn tôi- nhà nghiên cứu, một tay Hán Nôm cự phách, hàn sĩ Cao Tự Thanh đã dịch và chú giải xong, sách vừa ra đầu tháng 11), vậy mà “triều” ta, suốt từ khi khai sinh đến giờ, trải gần 70 năm không hề có quốc sử.
Nói như ông Lê, nghĩa là chưa có bộ sử ra hồn chứ thực tình triều ta cũng nhiều bộ sử lắm rồi. Ông giáo sư nâng lên tầm quốc sử cũng là cách nói tránh, nói khéo thôi bởi các bộ sử bấy lâu nay dưới chính thể này, bộ nào chả quốc. Sử tỉnh, sử huyện, sử xã ấp thì kể làm chi. Nhiều thì nhiều thật đấy nhưng không ra hồn. Sao nhỉ?
Còn sao nữa. Phải nói mà không sợ bị ném đá rằng dưới triều ta chỉ có những nhà soạn sử, viết sử, vẽ sử, tán sử, tô hồng sử chứ tìm mỏi mắt chẳng thấy nhà chép sử, ghi sử, những người gọi là sử công đúng nghĩa. Thứ tiêu chuẩn quan trọng nhất của sử là sự trung thực đã được xếp xuống hàng thứ yếu, thay vào đó là ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là chủ trương đường lối của đảng. Sử gia hầu hết là cán bộ, đảng viên, lĩnh lương biên chế, viết sử theo chỉ đạo của trên, họ làm vậy kể ra không có gì lạ. Chính vì thế mà sử bao năm nay thường một chiều, thiếu khách quan, hay tô hồng, thường bỏ sót, cố ý làm đậm điều này, buông lơi điều khác. Đọc sử dưới triều ta, hơi hướng bao trùm là ta thắng địch thua, ta hay địch dở, thành công lẫy lừng thất bại không đáng kể. Luôn nhắc dân tộc có 4.000 năm lịch sử nhưng bọn học trò, nhất là sinh viên hầu như chỉ biết đến sử đảng dù đảng từ lúc khai sinh đến giờ chỉ hơn 80 năm.
Lại nói chuyện chép sử. Sự việc, con người trong cái dòng chảy vô tận của thời gian, cuộc sống cứ trôi qua không ngừng. Người làm sử trước hết hãy là người thư ký trung thành của thời đại, của dân tộc, nếu chưa đủ sức bàn luận đánh giá thì hãy cứ biên niên cho chăm chỉ, đừng lý do này nọ mà bỏ sót, coi thường. Theo tôi, người làm sử phải độc lập về tư tưởng, không để bất cứ quan điểm chính trị, đường lối cầm quyền nào chi phối. Thiết nghĩ chả cần nhắc lại đầy đủ chuyện anh em nhà Thái sử Bá nước Tề. Họ nào sợ gì Thôi Trữ, vì chỉ biết đặt sử lên trên hết, dù dao gươm kề cổ. Trữ chuyên quyền, dám giết cả vua, bắt sử công phải chép theo ý mình, Bá chép vào thẻ “ngày ất hợi, tháng năm mùa hạ, Thôi Trữ giết vua là Quang”, Trữ chém Bá. Các em Bá gồm Trọng, Thúc chép như anh, số phận cũng như anh. Quý là người em cuối cùng vẫn chép không thay đổi, bởi “chép đúng sự thực là chức phận của người làm sử, nếu trái chức phận mà sống thì chẳng thà chết còn hơn”.
Bộ sử mà giáo sư Lê mong mỏi rồi cũng có ngày ra đời. Chỉ hy vọng nó ghi lại những bước đi của dân tộc như dân tộc đã đi, những thăng trầm biến cải, hào hùng đau thương, những hay dở, tốt xấu mà dân tộc đã trải nghiệm. Một Điện Biên Phủ kết thúc vẻ vang cuộc chiến gần chục năm chống Pháp hầu như ai cũng biết, nhưng chả mấy ai biết chỉ riêng chiếm được đồi A1quân ta đã phải hy sinh gần vạn người. Thành cổ Quảng Trị hè 72 là nơi hơn vạn người lính trẻ, phần lớn sinh viên vừa nhập ngũ, ngã xuống. Sau 1 đêm chiến đấu, cả trung đoàn Cát Bi tuyền lính Hải Phòng chỉ còn mấy chục người. Đánh một cái đồn nhỏ K’Nak ở huyện K’Bang, Gia Lai mặt trận Tây Nguyên, một đêm hơn nghìn chiến sĩ bỏ xác… Suốt bao năm, từ thời còn chiến tranh, có mấy ai biết chiến tranh bi thương đến mức thế, bởi sử giấu. Sử không chép thì quả thật phụ bạc sự hy sinh của biết bao con người. Ngay thời hòa bình, làm ăn sinh hoạt, cũng chả thể tìm thấy trong sử chuyện người dân đã phá bung kìm trói ràng buộc như thế nào, vậy đến khi tổng kết quá trình đổi mới thì lại quy công về cho người có “công” trói; rồi chuyện cải cách ruộng đất, cải tạo công thương, chuyện văn nghệ sĩ đòi tự do sáng tác… đố tìm được chi tiết trong sử chính thống, họa chăng chỉ có vài dòng lên án, kết tội. Viết đến đây, tôi xin trích ra mấy nhời tâm huyết của blogger Quang Đông, rằng “sử Việt đầy biến động thú vị nhưng vì lý do chính trị đã bị bóp méo… Chúng ta ngần ngại không dám nhìn thẳng vào quá khứ thì khó mà có bản lĩnh tự tin bước vào tương lai”.
Quốc sử, triều ta chưa có. Nhưng có mà vẫn như cũ, giọng điệu và cách làm cũ, lấy việc sáng tác làm chính, thì thà đừng có còn hơn.
5.11.2011
Nguyễn Thông
.
.
.
No comments:
Post a Comment