Sunday, November 20, 2011

ĐỌC TẬP SÁCH "CHẾT BỞI TRUNG QUỐC" của TÁC GIẢ PETER W. NAVARRO & GREG AUTRY [Phần 6/2] - Lý Thái Hùng



Lý Thái Hùng
Cập nhật: 14/10/2011

Chương 12:
Death to Big Planet: Do You Want To Be Fried With That Apocalypse?
Hành Tinh Lớn Sẽ Bị Tận Diệt: Bạn Có Muốn Bị Chiên Với Ngày Tận Thế?

Tuần Báo Time đã viết như sau: “So với thành phố màu xám tro Lâm Phần trong nội địa Tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc thì thành phố Luân Đôn u tối trong tiểu thuyết của Charles Dicken trông có vẻ nguyên thủy như một công viên thiên nhiên. Sơn Tây là trái tim của vành đai than đá của Trung Quốc, và những ngọn đồi xung quanh Lâm Phần lỗ chỗ những mỏ than, hợp pháp lẫn bất hợp pháp, và không khí thì đầy ngập mùi than đang cháy. Đừng bận tâm phơi quần áo, nó sẽ bị nhuộm đen trước khi khô.”
Theo tác giả thì dân Trung Quốc không phải là sắc dân ngu đần. Nhưng những gì mà giới kinh doanh và lãnh đạo nhà nước đang làm cho không khí, đất và nước của xứ sở họ - với sự chấp nhận ngầm của đa số người dân - phải là một trong những hành vi mù quáng nhất, thiển cận nhất, và tự hủy diệt nhất đối với Mẹ Thiên Nhiên mà thế giới chưa từng chứng kiến. Cho dù đau nhức mắt, ngứa họng, sưng phổi với thứ không khí nhiễm độc phun ra từ những nhà máy Trung Quốc, hay là ồ ạt tuôn ra như sóng thần của những hóa chất gây ung thư, và phân tươi đang tràn ngập những dòng sông lớn như Hoàng Hà, Dương Tử ; hay chất thải kim loại nặng, thuốc trừ sâu rầy và chất thải điện tử chết người (e-waste) nhiễm ngập các thửa ruộng mầu mỡ nhất; hay cuộc Đại Trường Chinh nhằm phá rừng và sa mạc hóa của Trung Quốc từ tỉnh cực tây Tân Cương đến tận cửa ngõ Bắc Kinh; tất cả đang ngày càng biến thành một Mùa Xuân Im Lìm cùng năm tháng.
Dĩ nhiên, các quan chức đảng Cộng sản quen biện hộ cho những tội ác chống lại Mẹ Thiên Nhiên bằng lối ngụy biện rằng đế chế non trẻ của họ hãy còn trong giai đoạn đầu của phát triển kinh tế. Họ nhấn mạnh rằng ít nhất một số hư hại môi trường được ước đoán sẽ xảy ra trước khi Trung Quốc Đỏ tạo nên một quá trình chuyển đổi “không thể tránh khỏi” thành Trung Quốc Xanh. Và ít nhất một số quan chức với chủ trương “việc làm bây giờ, môi trường tính sau” nhanh chóng chỉ ra rằng, khi kỹ nghệ Hoa Kỳ phát triển buổi ban đầu hơn một thế kỷ trước, Pittsburgh đã bị bao phủ trong đám mây than bụi và Cleveland là thành phố mà ở đó, nếu bạn không đi trên nước được (vì quá tù đọng) thì ít nhất có thể đốt cháy nước đó.
Qua những nhận định kiểu so sánh của các giới chức Trung Quốc nói trên, theo tác giả thì rõ ràng lãnh đạo Trung Quốc không quan tâm về môi trường mà chỉ chú tâm phát triển kinh tế. Chính quyền Trung Quốc muốn đánh đổi không khí, nước và đất của họ lấy tiền và giành một phần thị trường thế giới lớn hơn. Nên nhớ là những vi khuẩn, dioxins, kim loại nặng và những tàn dư của thuốc trừ sâu rầy vốn làm ô nhiễm nước và đất ở Trung Quốc đang thấm vào nước táo, gà, cá, tỏi, mật ong, thuốc bổ và những thực phẩm khác mà Hoa Kỳ đang nhập khẩu từ Trung Quốc. Song song, khi Trung Quốc bị ô nhiễm môi trường như vậy, chắc chắn các vụ thu hoạch sẽ bị ảnh hưởng, khiến thiếu hụt lương thực như lúa mì, lúa gạo, đậu nành. Trung Quốc sẽ phải gia tăng cạnh tranh để mua lương thực từ khắp nơi – và giá cả sẽ tăng vọt theo, từ những làng mạc tận Phi Châu cho đến các siêu thị ở Á Châu hay những khu thực phẩm của Walmart, Hoa Kỳ.
Vì tất cả những lý do nói trên và nhiều lý do khác nữa – bao gồm cả vai trò của Trung Quốc như là kẻ hâm nóng địa cầu tệ hại nhất thế giới - tất cả chúng ta khắp nơi cần hiểu rõ: “Thảm kịch của cư dân toàn cầu” đang hiển hiện và Trung Quốc phải đương đầu với thảm kịch này một cách tương xứng.

Bầu Trời Không Có Màu Xanh.
Bất cứ ai đã đến du lịch Trung Quốc để thăm Cấm Thành, Vạn Lý Trường Thành, hay nghĩa trang vĩ đại của dân chủ còn gọi là Quảng Trường Thiên An Môn đều biết chính xác vấn đề là: Bạn không nên có thể thấy, nếm – hay phải bị nghẹn– không khí mà bạn cần để thở. Nhưng đó là cảnh sống đầy rẫy hàng ngày của hàng trăm triệu người dân Trung Quốc với bệnh ho kinh niên; đa số họ thực sự không hề có ý niệm rằng bầu trời có thể là màu xanh thẳm ban ngày và lấp lánh hàng tỷ ngôi sao ban đêm.
Tuy nhiên, đó không chỉ là một bầu trời bị xóa nhòa (a blotted sky) mà người dân Trung Quốc còn phải lo lắng khi nói đến những hệ quả xấu của ô nhiễm không khí. Theo một nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới, ô nhiễm như vậy, giết chết một con số chóng mặt 700 ngàn người hàng năm. Con số này tương đương với việc làm nghẹt thở toàn bộ dân số thành phố San Francisco, các tiểu bang Wyoming hay Delaware, tỉnh bang New Brunswick của Gia Nã Đại, hay thậm chí toàn bộ nước Bahrain mỗi năm.
Khi bản báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới được phổ biến, nhà cầm quyền Bắc Kinh đòi gạch bỏ thống kê 700 ngàn xác chết này trong ấn bản chính thức. Bắc Kinh nói rằng báo cáo của Ngân hàng Thế Giới không nói sai sự thật; nhưng nếu phổ biến như thế có thể tạo ra những xáo trộn xã hội, gây bất lợi cho chính quyền Trung Quốc. Quả đúng vậy – và có phải bây giờ đúng là thời điểm cho sự bùng nổ đó?
Tác giả cũng đề cập đến một thống kê làm tê liệt tâm trí, tuy không là bí mật quốc gia. Trung Quốc hiện có 100 thành phố với hơn 1 triệu dân và hầu hết mọi người trong đám đông dày đặc này bị bao phủ trong đám hơi độc của a-xít lưu huỳnh (Sulfur dioxide) và những hạt bụi xuyên lủng phổi (lung-piercing particulates). Hơn nữa, trong số 20 thành phố lớn nhất thế giới đang bị ô nhiễm nặng nề nhất thì Trung Quốc chiếm 16 thành phố.
Câu hỏi đặt ra là tại sao không khí ở Trung Quốc lại dơ bẩn tới vậy? Tác giả cho rằng vì Trung Quốc lệ thuộc đến 75% nguồn năng lượng than đá, nhưng lại không có nỗ lực nghiêm chỉnh để giải quyết việc dùng than một cách sạch sẽ. Thực vậy, khắp Trung Quốc, than được vận chuyển, đốt và thải khói với rất ít kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm và thậm chí còn ít quan tâm hơn về những ảnh hưởng của nó trên đời sống con người và súc vật.
Than đá không chỉ là chọn lựa cho nguồn điện của Trung Quốc. Trong nhiều gia đình nông thôn Trung Quốc, than sống vẫn còn được đốt để nấu ăn và sưởi ấm – với rất ít hay không thông gió. Và vì than hiện diện khắp nơi trong nền kinh tế Trung Quốc nên chiếm tới 90% khí thải a-xít lưu huỳnh – thành phần chủ yếu của sương mù. Sự lệ thuộc vào than đá quá lớn như vậy cũng là lý do tại sao không khí ở Trung Quốc lại chứa đầy các hạt bụi chất thải chết người; chúng có thể xâm nhập sâu và xé rách mô phổi. Với mỗi 100 tấn a-xít lưu huỳnh, hạt bụi chất thải, hay thủy ngân chết người mà những nhà máy Trung Quốc tung lên vùng trời Trung Quốc, hàng ngàn cân Anh của những chất ô nhiễm này, cuối cùng sẽ đi vào mắt, phổi, cổ họng và hệ thống thần kinh của người dân tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và sau đó cả ở Bắc Mỹ.

Không Còn Nước Sạch Để Uống.
So sánh độ dơ bẩn giữa những dòng sông lớn của Hoa Kỳ như Colorado, Mississippi và Ohio với những dòng sông lớn của Trung Quốc là Dương Tử, Châu Giang và Hoàng Hà thì phải nói là một trời một vực. Tuy độ dơ bẩn trên những dòng sông của Hoa Kỳ có thể nguy hiểm cho người bơi lội và ăn cá bắt được; nhưng đối với Trung Quốc, nếu các con sông chỉ dơ bẩn như Hoa Kỳ thì đó là một sự may mắn. Tất cả những dòng sông ở Trung Quốc đều đen ngòm và hầu như không còn con vật gì có thể sống ở trong đó. Tuy nhiên, một hiện tuợng trái ngược là tuy mới bị dơ bẩn như thế, người dân Hoa Kỳ đã bày tỏ sự giận dữ, trong khi đó ở Trung Quốc, hầu như không ai quan tâm đến việc bảo vệ các tài nguyên quý giá nhất trong số những tài nguyên quý báu của họ là nước.
Tác giả rất ngạc nhiên về sự thiếu quan tâm của người Trung Quốc trong việc quản lý môi trường. Chiếm 20% dân số thế giới, nhưng Trung Quốc chỉ có 7% nước ngọt; nhiều vùng đất rộng lớn của lãnh thổ này – bao gồm 100 thành phố - phải chịu hạn hán triền miên. Bất chấp nạn khan hiếm nước uống như thế, giới kinh doanh và chính quyền Trung Quốc đã để cho 70% sông, hồ suối và 90% nguồn nước ngầm của họ trở nên ô nhiễm trầm trọng. Hơn nữa, tại những khu công nghiệp như Sơn Tây, nhiều nước sông bị nhiễm độc không thể sờ tay vào. Ông Jeffrey Hayes đã cho rằng sự ô nhiễm sông hồ Trung Quốc rất nghiệm trọng. Các dòng sông ở Trung Quốc đều có màng và bọt trên mặt, bốc lên mùi hôi thối. Các con kênh đều nổi lềnh bềnh những lớp rác. Đa số các lớp rác này là những lọ bằng nhựa mang đủ màu sắc đã phai màu vì nắng.
Sự nguy hại này gây ra bởi dòng thác của hàng tỷ tấn chất thải công nghiệp phần lớn không được giải quyết, những phân hóa học và nước cống từ người và thú vật tuôn ra từ mọi nơi từ những nhà máy hóa học, nhà máy bào chế thuốc và phân bón cho đến nhà máy thuộc da, nhà máy sản xuất giấy và những trại nuôi heo. Chính vì sự phóng uế không nao núng này, một tỷ dân Trung Quốc phải uống nước ô nhiễm hàng ngày trong khi ít nhất 700 triệu trong số những người này, phải cam chịu dùng nước uống có “gia vị” chất thải của người và thú vật.
Trong khi đó, sông Liêu, vốn là con sông lớn nhất ở Nam Mãn Châu, là một biểu tượng cho câu châm ngôn: Trung Quốc càng tăng trưởng nhanh thì lại càng lùi lẹ trong việc bảo vệ môi trường. (The faster china grows, the further it gets behind in environmental protection). Ngay cả khi dọc theo những bờ sông có các nhà máy giải quyết nước mới, nhưng những nhà máy này hoàn toàn bị áp đảo bởi mức độ ô nhiễm liên tục gia tăng.
Tai sao có quá nhiều ô nhiễm tập trung vào nguồn nước của Trung Quốc, hãy lấy một trường hợp “bay đêm” điển hình của “Vua T shirt” thuộc tỉnh Quang Đông, xưởng dệt Phú An (Fuan). Bị cáo giác qua phóng sự đăng trên tờ Washington Post, nhà máy Phú An đã phải đóng cửa vì đã đổ 20 ngàn tấn chất thải bất hợp pháp nhuộm đỏ dòng sông địa phương. Thế nhưng, trước nạn thất nghiệp gia tăng, các viên chức đảng tại địa phương đã âm thầm khuyến khích công ty Phú An chỉ đổi tên và di chuyển sang một địa điểm mới.
Thực tế, tình hình ô nhiễm nước kinh khủng của Trung Quốc đã thêm vào kho tự vựng về các thảm họa môi trường - gọi là “làng ung thư” (cancer Village). Chỉ tính dọc theo con Sông Hoài, có hơn 100 làng ung thư; và những nông dân ở những làng dọc theo con sông này mắc bệnh ung thư thực quản, ruột và dạ dày với tỷ lệ cao như tỷ lệ tử vong của binh lính Hoa Kỳ khi đổ bộ xuống Normandy.
4
Đất Nhiễm Độc
Theo Worldwatchs Institute (Viện Canh Chừng hay Quan Sát Thế Giới): “Đất canh tác của Trung Quốc – nơi nuôi sống 22% dân số thế giới – đang đối mặt với nạn ô nhiễm và suy thoái. Đó là lời cảnh báo của ông Chu Hiếu Thanh (Zhou XianSheng) giám đốc Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (SEPA). Sự suy thoái chất lượng đất trở thành một phó sản đáng lo ngại nhất của sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc. Những kim loại nặng đang tích tụ trong đất, làm chai mặt đất, giảm màu mỡ và những tàn dư của phân hóa học và thuốc trừ sâu xuất hiện trong các nông sản, gây ngộ độc cho cả con người và gia súc. Gần đây, khoảng 10 triệu mẫu tây đất trồng trọt – tương đương với 10% đất trồng trọt nội địa đã bị nhiễm độc.
Trong khi đó, tờ Thời Báo Môi Trường Trung Quốc gọi sự nhiễm độc đất là “ô nhiễm vô hình (invisible pollution) vì, không như ô nhiễm nước và không khí, nó không thể thấy rõ bằng con mắt thường. Và ngày nay, trong bất kỳ phần đất nào của Trung Quốc, thực sự là bạn đang nắm “chất độc trong đất”.
Ví dụ, tại trung tâm sản xuất đồ điện tử ở đồng bằng Châu Giang, vấn đề lớn nhất là với những kim loại nặng như thủy ngân, chì và kền. Tuy nhiên, vựa lúa mì miền Bắc, không khác gì một trận lụt thuốc trừ sâu, trong khi những vùng trồng rau quả tốt nhất bị tràn ngập chất nitrate gây ung thư do bón phân quá độ (over-fertilization). Trong khi đó, các vườn trái cây khắp nước sử dụng quá nhiều “hợp chất sulfate đồng trong thuốc diệt trùng và trừ sâu đã gây nhiễm độc rộng khắp trong trái cây và có thể gây nhiễm độc mãn tính. Và bất chấp lệnh cấm chính thức trên toàn quốc, chất DDT vẫn được sử dụng liên tục và đều đặn đưa đến hệ quả dài hạn thấy rõ qua khung cảnh không còn côn trùng và chim chóc ở vùng đồng ruộng phía Tây Trung Quốc.
Thật là thiển cận với quá nhiều ô nhiễm đến từ sự tác hại của một triết lý điên rồ “càng nhiều càng tốt” được chấp nhận bởi hàng triệu nông dân Trung Quốc. Dù đó là phân bón hay thuốc diệt trùng cho mùa màng hay kháng sinh cho gia súc (hay là chì trong đồ chơi và sơn), chẳng có chút kỹ xảo nào trong việc dùng hóa chất mà là chỉ biết “đổ vào” và “sơn lên”, thói suy nghĩ hành xử vốn an toàn như cho chút gia vị Plutonium vào trong những lát khoai tây chiên.
Hãy xét về nạn dùng phân bón quá độ. Các nông dân Trung Quốc sử dụng hơn 30 triệu tấn phân đạm mỗi năm và thường xuyên dùng gấp đôi hay gấp ba lượng cần thiết cho mùa màng. Theo chuyên gia về đất Dương Phú Sở (Zhang Fu So) thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, sự thừa thãi phân bón làm độ pH trong đất giảm mạnh, kết quả đất bị a-xít hóa sẽ làm giảm sản lượng cây trồng từ 30-50% ở một số khu vực. Việc ưa thích tương tự đối với thuốc trừ sâu – cùng với lối xử dụng không đúng cách - dẫn đến ô nhiễm hơn 5% đất trồng Trung Quốc. Trong khi, nhìn chung, số đất canh tác của Trung Quốc bị mất do nhiễm độc lên tới 10%. Cần phải làm rõ ở đây là, hơn 25 triệu mẫu đất bị nhiễm độc tương đương với sự phá hủy hoàn toàn hơn 80% đất nông nghiệp ở Iowa.
Tuy nhiên, câu chuyện chưa kết thúc. Còn một vấn đề nữa là Trung Quốc sẵn sàng- quả thực – tới độ hăng hái quá mức - muốn làm bãi rác thải cho những loại hợp chất độc hại tân tiến nhất chưa từng có – cái gọi là “bãi rác điện tử”.
Bãi rác điện tử như thế gồm những máy điện toán hư, điện thoại di động lỗi thời và các đồ điện tử khác; và đó thực sự là một hỗn hợp kim loại nặng thực sự không giống một hỗn hợp nào khác. Tờ Science Daily đã kể: “Có tới 50 triệu tấn chất thải điện tử được tạo ra trên toàn cầu mỗi năm - đủ để chất đầy đoàn xe tải thu gom rác xếp hàng dài tới nửa vòng trái đất;” và đương nhiên, Trung Quốc dự trữ đủ xe tải chở rác để thu gom tới 70% số rác thải điện tử đó.
Đây không chỉ là vấn đề phương Tây thải sang phương Đông. Đó cũng là thế kỷ 15 chạm mặt thế kỷ 21. Trong đống rác điện tử bẩn thỉu đó, những nông dân Trung Quốc ngồi xổm trước lò nướng than củi bé tẹo để làm tan chảy hàn chì ở các bảng mạch và cũng chỉ dùng chiếc quạt cầm tay nho nhỏ để quạt đi những làn khói độc hại giống như việc họ dùng các ngón tay trần tách các con chip máy tính, các tụ điện và điốt để sau bán lại cho các nhà máy sản xuất đồ dùng điện.
Đó là một quá trình tái chế cực kỳ man khai tồn tại giữa tất cả những đồ dùng của cuộc sống hiện đại. Và nó giúp cho những công xưởng của Trung Quốc một lợi thế cạnh tranh khác đối với những quốc gia như Brazil, Mễ Tây Cơ, Pháp hay Hoa Kỳ vốn đối xử những công dân của họ như những con người chứ không phải là những vật hy sinh cho mục tiêu vô thần của sản xuất rẻ tiền.

Tại Sao Trung Quốc Tự Giết Mình?
Tác giả hy vọng là qua những phân tích nói trên, chúng ta đã thấy rõ bức tranh ô nhiễm – và tại sao Trung Quốc đã bỏ mặc nguồn tài nguyên thiên nhiên như thế ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Tuy thế, còn một vấn đề môi trường nữa mà chúng ta cần đặt lên bàn thảo luận cấp hành tinh. Đây là vấn đề rất quan trọng về những đóng góp to lớn của các công xưởng của Trung Quốc vào sự biến đổi khí hậu.
Theo tác giả thì cho đến ngày hôm nay vẫn còn nhiều người Mỹ không tin vấn đề biến đổi khí hậu là có thật, chứ đừng nói là hiểm họa chính đáng. Tác giả nhấn mạnh: Cái giá phải trả cho hậu quả việc không ngăn chặn biến đổi khí hậu nếu nó đúng là có thật sẽ cao hơn nhiều bất kỳ số chi phí nào chúng ta cần bỏ ra để ngăn biến đổi khí hậu nếu hóa ra đó chỉ là trò lừa đảo. Theo quan điểm này, hành động ngăn chận biến đổi khí hậu dường như thể hiện một chính sách bảo hiểm thận trọng chống lại một hiện tượng mà chúng ta vẫn còn biết quá ít.
Từ năm 2006, Trung Quốc đã có bước nước rút qua mặt Hoa Kỳ trong việc trở thành kẻ thải khí gây hiệu ứng nhà kính (greenhouse gas) lớn nhất. Hơn nữa, sau vài thập kỷ tới, nếu cứ tiến hành không kiểm soát, mô hình tăng trưởng nhờ vào năng lượng than đốt của Trung Quốc, song song với dự phóng về số lượng khổng lồ hàng triệu xe ô tô mới trên các đường phố Trung Quốc, sẽ dẫn đến sự gia tăng các loại khí gây hiệu ứng nhà kính theo cấp số nhân – mức độ tăng tuyệt đối vượt xa các quốc gia khác cộng lại – bao gồm cả Hoa Kỳ.
Tại sao chính quyền độc tài toàn trị Trung Quốc – lý ra có thể kiểm soát mọi thứ họ muốn bên trong lãnh thổ của họ - lại đang để cho Trung Quốc biến thành bãi đổ rác của Thế giới?
Trả lời câu hỏi này là điều tối quan trọng – đặc biệt đối với người dân Trung Quốc. Vì điều chắc chắn đúng là việc Trung Quốc phá hủy Mẹ Thiên Nhiên cuối cùng sẽ tạo ra những thống khổ nặng hơn bất kỳ những gì mà người dân Trung Quốc đã phải chịu đựng trong vụ Cưỡng Hiếp Nan Kinh kinh hoàng do lực lượng đế quốc Nhật gây ra trong thập niên 1930 hay hơn cả “cuộc chiến tranh Nha Phiến” tàn nhẫn của đế quốc Anh vào thế kỷ 19. Thực vậy, những “nỗi nhục ngoại bang” mà đảng Cộng sản Trung Quốc thích rêu rao với thế giới, cho dù tàn bạo và sâu rộng vào thời điểm đó, bây giờ chỉ là thứ yếu so với nỗi nhục môi trường mà đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang giáng xuống chính nhân dân họ.
Theo tác giả thì trách nhiệm gây ra thảm kịch ô nhiễm tại Trung Quốc và đang ảnh hưởng đến nhân loại, một phần lỗi dứt khoát nằm nơi giới điều hành của những đại công ty như BASF, DuPont, GE, Intel và Volfseagen, đã xuất khẩu ô nhiễm sang Trung Quốc. Ngoài việc đắc ý các thủ đoạn trợ giá xuất khẩu phi pháp khác nhau mà nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng để khuyến khích xuất khẩu, giới điều hành những công ty nước ngoài rất thích những luật lệ lỏng lẻo và sơ sài của Cơ quan giám sát môi trường Trung Quốc hơn là đối với các cơ quan bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ, bộ môi trường của Nhật hay cơ quan môi trường của Âu Châu.
Nhưng trên hết, theo tác giả thì nhà cầm quyền Trung Quốc có trách nhiệm lớn nhất vì chính đảng Cộng sản Trung Quốc đã không những không nhìn nhận mối nhục của họ về môi trường – mà còn chủ trương và tài trợ cho mối nhục đó. Trên thực tế, sự sẵn sàng chưa từng có của “màu xanh” Trung Quốc để cho phép ô nhiễm toàn bộ không khí, nước và hệ sinh thái đất của họ, rút cuộc quy về ba yếu tố gây chết người với một nhãn quan hoàn toàn thiển cận.
Yếu tố thứ nhất đến từ nguyên tắc bất thành văn của đảng Cộng sản Trung Quốc rằng “bây giờ cứ ô nhiễm và tăng trưởng đã; còn bảo vệ tính sau.” Với nhãn quan này cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng đánh đổi một phần môi trường để lấy đi vài triệu việc làm của phương Tây – và nhờ đó giữ an toàn chính trị bên trong – hơn là phải tốn phí cho việc bảo vệ môi trường.
Yếu tố thứ hai bắt nguồn từ những công ty quốc doanh của Trung Quốc với những cạnh tranh lợi nhuận mà không cần biết hậu quả. Theo tác giả thì đám quốc doanh nằm trong thành phần ác ôn tệ hại nhất khi cho tuôn ào ạt những chất thải ô nhiễm xuống sông và đất Trung Quốc.
Yếu tố thứ ba đến từ sự dửng dưng trước môi trường của tư tưởng Nho Giáo. Theo Khổng Tử thì con người đóng vai trò chinh phục thiên nhiên chứ không phải thích nghi và sống cộng sinh cùng môi trường.
Qua ba yếu tố mà tác giả đã liệt kê bên trên, rõ ràng là tội diệt chủng chống thiên nhiên của nhà nước Trung Quốc đã không chỉ diễn ra trong 3 thập niên cải tổ mở cửa từ năm 1978 mà diễn ra trước đó qua chính sách Bước Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hoá của họ Mao, đã sát hại hàng triệu người không gớm tay.

(Còn tiếp)

Lý Thái Hùng
13/10/2011.

.
.
.

No comments: