Sunday, November 20, 2011

ĐỌC TẬP SÁCH "CHẾT BỞI TRUNG QUỐC" của TÁC GIẢ PETER W. NAVARRO & GREG AUTRY [Phần 1/1] - Lý Thái Hùng



Lý Thái Hùng
Cập nhật: 25/08/2011

Lời Giới Thiệu:
Trong thời gian qua đã có nhiều tác phẩm ca tụng về sự phát triển vượt bực của Trung Quốc, trong đó có hai tác phẩm đáng chú ý là Trung Quốc Mua Cả Thế Giới và Trung Quốc Chi Phối Tất Cả. Người ta không trách tác giả đã viết những lời ca tụng quá đáng đối với sự lớn mạnh của Trung Quốc hiện nay, nhưng dư luận đã tỏ ra bất bình về những loan tải không thật về sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc gần đây. Nguyên do chỉ vì một số nhà nghiên cứu đã quá tin và căn cứ vào các số liệu cung cấp của nhà cầm quyền Trung Quốc và của một số con buôn quốc tế. Người ta đã che giấu rất nhiều những thảm kịch đàng sau các phát triển hào nhoáng của Trung Quốc. Từ một làng đánh cá có khoảng 100 ngàn dân ở Thẩm Quyến vào năm 1978 đã vươn lên thành một thành phố công nghiệp hàng đầu của thế giới với gần 8 triệu dân trong vòng 25 năm với những phát triển không quân bằng trên căn bản phục vụ con người và đường dài, thử hỏi đã có bao nhiêu thảm kịch về ô nhiễm môi sinh, về những biến thái của xã hội đã phát sinh bị che dấu đàng sau những ca tụng hết lời của chính sách “tứ hiện đại” của Đặng Tiểu Bình.

Rất may là đã có những học giả âm thầm điều tra về những tác hại do sự phát triển vô lối của chính sách “tứ hiện đại hóa” (nông nghiệp, kỹ thuật, công nghiệp, quốc phòng) của Trung Quốc trong vòng 30 năm qua. Người ta không trách những hướng phát triển của Trung Quốc vì chính nhờ những hướng phát triển này đã giải phóng hơn 1 tỷ con người ra khỏi nghèo đói và mở ra thời kỳ hòa dịu hơn trên thế giới từ thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng cũng vì hướng phát triển này mà những nhà lãnh đạo Trung Quốc bỗng chốc trở thành người khổng lồ quá khuôn khổ và khả năng của họ. Từ đó họ đã hành xử theo nhu cầu bành trướng vốn có của dân tộc Đại Hán, không nghĩ gì về những hậu quả xảy ra cho chính họ và cho thế giới chung quanh. Chính sách bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán là tóm thu thiên hạ bằng mọi thủ đoạn.

“Chết Bởi Trung Quốc” (Death By China) là tập sách nói về hiểm họa nói trên. Trung Quốc đang gieo rắc cái chết đến với nhân loại từ chính những tham vọng phát triển của chủ nghĩa Đại Hán. Có những cái chết gây ra trực tiếp từ những sản phẩm của Trung Quốc, nhưng có những cái chết gây ra bởi những hệ lụy của các chủ trương phát triển vô lối của Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đã vượt qua Nhật Bản vào tháng 8 năm 2010, đứng hàng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Tham vọng của Trung Quốc là từ đây (2010) sẽ cố gắng phát triển bằng mọi cách để GDP vượt qua Hoa Kỳ vào năm 2035, hầu đến năm 2050 trở thành siêu cường số 1 Thế giới về mọi mặt. Hiện nay GDP của Trung Quốc là 5,000 tỷ Mỹ Kim và GDP của Hoa Kỳ là non 15,000 tỷ Mỹ Kim. Để vượt qua GDP của Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ phải nỗ lực gấp 3 lần so với quá khứ. Đây là một thách đố chết người?

Trung Quốc không phải là quốc gia tự do dân chủ mà là quốc gia độc tài, mọi chính sách đều do một thiểu số cầm quyền hoạch định theo nhu cầu quyền lực của đảng Cộng sản. Vì thế, để vượt qua Hoa Kỳ, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ làm tất cả mọi thứ kể cả việc phá nát Trung Quốc và hủy diệt hàng triệu người như Mao Trạch Đông đã từng làm trong các chính sách Bước Nhảy Vọt và Cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Là con người bình thường, không ai có thể tham lam đến nỗi bỏ chất độc melamine vào sữa chỉ vì cạnh tranh lợi nhuận với thứ sữa bò bình thường, dẫn đến hệ quả gây nguy hại cho hàng triệu trẻ em; hay sẵn sàng chấp nhận sản xuất mọi sản phẩm với giá thành rẻ mạt để có thể cạnh tranh và thu lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng hay sự an toàn đối với người tiêu thụ. Chính vì thế mà các sản phẩm của Trung Quốc đang trở thành một vấn nạn lớn cho nhân loại. Nó không chỉ giết chết nền sản xuất của nhiều quốc gia vì giá thành quá rẻ mà còn là nơi phải giải quyết hàng triệu tấn rác hàng phế thải của Trung Quốc vì thiếu chất lượng và nguy hại.

Hàng hóa Trung Quốc hiện chiếm 80% trên thị trường Việt Nam. Nói cách khác, Việt Nam đang vừa lệ thuộc, vừa là sân sau của mọi sản phẩm từ Trung Quốc. Người Việt Nam đang sống và đang tiêu thụ tất cả những gì mà người Trung Quốc chế tạo từ cái ly, cái chén, cái ghế đến quần áo, đồ điện, thức ăn khô và các loại hàng xa xí phẩm khác. Nếu một ngày nào đó, Trung Quốc không bán hàng sang Việt Nam hoặc khống chế một số mặt hàng, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ có vấn đề. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là những sản phẩm độc hại của Trung Quốc đang tràn ngập Việt Nam, và Việt Nam luôn là nơi tiêu thụ đầu tiên cũng như bãi chứa cuối cùng cho những mặt hàng độc hại đã bị thế giới lên án và ruồng bỏ? Đây là một thực tế nhưng ít người hiểu rõ hoặc quan tâm.

Hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry đã giúp cho chúng ta hiểu biết về những sản phẩm độc hại của Trung Quốc đang tung ra trên thị trường thế giới và những tham vọng bành trướng trong tác phẩm “Death By China”.
Bình Luận Gia Lý Thái Hùng đã giúp chúng ta tóm lược một số ý chính của tác phẩm “Chết Bởi Trung Quốc” để hiểu rõ hơn tham vọng và dã tâm của những con người mang trái “Tim Đen”. Chúng tôi hy vọng là qua phần điểm sách này, quý vị sẽ hiểu rõ hơn nhu cầu tại sao chúng ta phải Tẩy Chay Hàng Hóa Trung Quốc. Chúng ta tẩy chay không chỉ vì Trung Quốc đang chiếm các biển đảo Việt Nam mà còn là để bảo vệ sức khoẻ và sự sống còn của gia đình, bà con và bạn bè đang sống tại Việt Nam, sân sau tiêu thụ những sản phẩm độc hại của Trung Quốc.

Chúng tôi ước mong quý độc giả sẽ tiếp tay phổ biến rộng rãi bài điểm sách “Chết Bởi Trung Quốc” của Bình Luận Gia Lý Thái Hùng đến tất cả mọi người tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

BBT WebVT
— -

PHẦN I:

I- TỔNG QUÁT:

Kỷ niệm 22 năm (1989-2011) biến cố Thiên An Môn, Tiến sĩ Peter Navarro, Giáo sư môn kinh doanh thuộc Đại học Irvine của Tiểu bang California và ông Greg Autry, giảng viên về chiến lược, kinh tế vĩ mô tại Viện Kinh Doanh Paul Merage, cũng thuộc Đại học Irvine của Tiểu bang California đã cho phát hành tập sách “Death by China – Confronting the Dragon – A Global Call to Action(Chết Bởi Trung Quốc - Đối đầu với Con Rồng - Lời kêu gọi hành động toàn cầu) vào ngày 4 tháng 6 trên mạng Amazon.com. Tập sách đã thu hút một sự chú ý đặc biệt. Chỉ trong tuần lễ phát hành đầu tiên, hàng trăm ngàn ấn bản đã được bán ra trên toàn thế giới.

Tác phẩm “Chết Bởi Trung Quốc” là kết quả của hơn 2 năm nghiên cứu, phỏng vấn và những chuyến thăm viếng tại nhiều thành phố, công xưởng ở Trung Quốc của hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry về những tham vọng của Bắc Kinh đang muốn thu tóm Thế giới và Nhân loại vào trong tay, qua những thủ đoạn “hắc ám”.

 Với 300 trang sách, tác phẩm “Chết Bởi Trung Quốc” gồm có 16 chương, chia làm 5 phần chính:

1/ “Buyer Beware on Steroids”(Người tiêu dùng hãy coi chừng Steroids): Nhân loại đang chết vì chất độc và phế phẩm của những sản phẩm độc hại của Trung Quốc như thế nào? Trong sữa có chất melamine, trong các loại Vitamine đều có độc tố và hầu hết những đồ chơi, đồ dùng sản xuất từ Trung Quốc đều dễ bị bốc cháy, bị gãy, vỡ bất cứ lúc nào.
2/ “Weapons of Job Destruction” (Vũ khí hủy diệt công việc): Vạch trần những thủ đoạn phá hoại hạ tầng sản xuất tại Hoa Kỳ; kềm giá đồng nhân dân tệ, khóa chặt tài nguyên và khuynh loát thị trường toàn cầu của Trung Quốc.
3/ “We Will Bury you, Chinese Style” (Ta sẽ chôn vùi ngươi, kiểu Trung Hoa): Trung quốc tăng cường sức mạnh quân sự với chiến lược “hải quân nước xanh” ở mức báo động đỏ và đang mở mặt trận gián điệp, tin tặc đỏ để tấn công và làm suy yếu Hoa Kỳ;
4/ “A Hitch-hiker’s Guide to the Chinese Gulag”: (Dẫn dắt của kẻ quá giang tới ngục tù Trung Quốc): Những lời tung hô, cổ võ sự phát triển kỳ diệu của Trung Quốc chính là đang giúp lãnh đạo Bắc Kinh từng bước biến Trung Quốc thành quần đảo ngục tù.
5/ “A Survival Guide and Call to Action” (Một hướng dẫn để tồn tại và kêu gọi hành động): Thế giới đang chết. Phải làm gì để có thể tồn tại và thịnh vượng trong kỷ nguyên của Con Rồng.

Điểm nổi bật và thu hút người đọc là hai tác giả đã không chỉ trình bày vấn đề mà còn đưa ra những dữ kiện đã xảy ra để chứng minh cho các điều phân tích của mình. Ví dụ khi đề cập trong thực phẩn của Trung Quốc chế biến có quá nhiều độc tố, hai tác giả đã liệt kê những sản phẩm nào và những độc tố nào đã phát hiện, gây bao nhiêu thiệt hại vào lúc nào, ở đâu. Hay khi đề cập việc Trung Quốc đang phá hoại hạ tầng sản xuất tại Hoa Kỳ, hai tác giả đã đưa ra những dữ kiện chứng minh Trung Quốc gian lận như thế nào, lũng đoạn tài chánh ra sao, chiếm dụng công việc từ tay công nhân Hoa Kỳ ra sao vân, vân...

Bên cạnh 16 chương sách, hai tác giả đã nhờ hai nhân vật đọc và viết lời giới thiệu. Nhà phản kháng Trung Quốc Đường Bạch Kiều (Tang Baiqiao) viết Lời Mở Đầu và Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Dana Rohrabacher viết Lời Bạt.

Trong Lời Mở Đầu, ông Đường Bạch Kiều là một cựu sinh viên đã tham gia trong biến cố Thiên An Môn năm 1989. Sau mấy năm ở tù, ông đã được thả và trốn sang Hồng Kông; từ đó ông được can thiệp đi tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ vào năm 1992, hiện sống tại Nữu Uớc. Họ Đường cho rằng, những nội dung trong tập sách “Chết Bởi Trung Quốc” là những sự thật về một Trung Quốc ác độc: Một mặt thì giai cấp cai trị ở Bắc Kinh tiếp tục đàn áp dã man những tiếng nói của nhân dân Trung Quốc; mặt khác họ tuôn tràn ra thế giới bên ngoài những sản phẩm độc hại và nguy hiểm, hạ giá thành xuống rẻ mạt và bán phá giá để tiêu diệt nền kinh tế Phương Tây, và nhanh chóng trang bị những vũ khí lợi hại nhất nhờ vào hệ thống gián điệp tối tân của họ.

Họ Đường viết:Tôi cũng có thể hiểu tại sao những sự kiện hiển nhiên thức tỉnh và những sự thật thô bạo này có thể đi ngược với kinh nghiệm cá nhân của chính bạn. Khi đi du lịch Trung Quốc, bạn có thể đã ngồi trên một du thuyền tiện nghi dọc theo sông Dương Tử, quyến rũ vì những người lính đất nung, đi bộ hớn hở dọc theo Vạn Lý Tường Thành, hay say mê với Cẩm Thành. Thậm chí bạn còn có thể là một giám đốc điều hành một công ty Hoa Kỳ tại Thượng Hải hay Thẩm Xuyên, kiếm được nhiều tiền và được chiêu đãi với những bữa ăn thịnh soạn, không nhìn thấy cái gì khác ngoài bầu trời xanh và những đại lộ màu vàng phía trước. Tiếc thay, đa số người Mỹ không bao giờ nhìn thấy mặt trái của Trung Quốc và dân tộc Trung Quốc đã trả giá ra sao cho những “tiến bộ” này qua ô nhiễm môi sinh, tham ô, bất công xã hội, vi phạm nhân quyền, thực phẩm nhiễm độc và nghiêm trọng nhất là sự suy đồi đạo đức trong linh hồn của họ.”

Trong Lời Bạt ở cuối tập sách, Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Dana Rohrabacher đã nhắc đến thời kỳ mà quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ coi như tốt đẹp nhất là từ năm 1978 đến năm 1988. Từ tháng 6 năm 1989 trở đi, sau biến cố Thiên An Môn, Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi và mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên bất thường, do những ứng xử quá “yếu” của các chính quyền Bush Cha, Clinton, Bush Con và cả ông Obama hiện nay. Dân biểu Dana Rohrabacher cho rằng các vị Tổng thống nói trên và cả lãnh tụ của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã vấp phải một sai lầm cơ bản là đã đối xử với các lãnh đạo Bắc Kinh, giống như và nhiều lúc “trịnh trọng” hơn đối với những người bạn dân chủ gắn bó với nước Mỹ từ Nhật Bản, Âu Châu; trong khi thực tế, Bắc Kinh là chế độ hung ác không thua gì Ahmadinejad của Iran hoặc Gadhafi của Libya, tàn bạo không thua gì Nga dưới thời Stalin.

Dân Biểu Dan Rohrabacher cho rằng: “Tôi có thể xác định với bạn rằng nếu Tổng thống Ronald Reagan còn là Tổng thống ngày hôm nay, ông sẽ đối đầu lại chế độ toàn trị tại Bắc Kinh như ông đã từng làm đối với Liên Xô. Sẽ không bao giờ có “tối huệ quốc” và cũng không thể để ngân sách của chúng ta lệ thuộc vào sự tài trợ từ Trung Quốc. Sẽ nhanh chóng xét xử gián điệp Trung Quốc, mạnh mẽ cấm vận chống lại Cyberwarfare của Trung Quốc và không khoan nhượng cho những hành động vụ lợi như thao túng tiền tệ chẳng hạn. Đồng thời sẽ bày tỏ nhiều lần sự phẫn nộ ngoại giao đối với việc Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết của Liên Hiệp Quốc để thu tóm được các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng từ những quốc gia bất hảo. Và giống như ông Ronald Regan đòi hỏi ông Gorbachev “phá đổ bức tường” và tuyên bố với nhân dân Trung Quốc rằng “chúng tôi đứng về phía các bạn, không phải bên phía đàn áp các bạn”. Và ông sẽ bảo đảm với các công nhân Hoa Kỳ rằng: “Chúng tôi sẽ không chuyển công ăn việc làm của quý vị đến Quảng Châu để sản phẩm được chế tạo rẻ hơn bởi nô lệ lạo động, trợ cấp xuất khẩu bất hợp pháp, vi phạm bản quyền trắng trợn và đồng nhân dân tệ bị hạ thấp.”

.
.
.

No comments: