Friday, November 11, 2011

NGƯỜI GIÀU ĐÓNG NHIỀU THUẾ HƠN Ở NƯỚC MỸ ? (Ngô Nhân Dụng)



Ngô Nhân Dụng
Friday, November 11, 2011

Nước Mỹ lúc nào cũng có người bàn chuyện thuế. Các nhà chính trị hầu như chỉ cãi nhau về thuế. Trong những năm sắp bầu cử, người ta càng tranh cãi nhau nhiều hơn. Bởi vì, chính phủ là những người thu thuế của dân! Mà quốc hội Mỹ, theo hiến pháp, đóng vai trò kiểm soát chi thu của nhà nước! Năm 2012 sắp tới, một đề tài quan trọng mà hai đảng sẽ yêu cầu các cử tri lựa chọn, chính là chuyện thuế. Cụ thể, là vấn đề có nên triển hạn toàn thể các luật cắt thuế năm 2001 và 2003 của Tổng thống Gorges W. Bush hay không. Đảng Cộng Hòa nói nên làm. Đảng Dân Chủ đồng ý giữ một phần, nhưng muốn tăng thuế trên những người lợi tức từ 250,000 đô la trở lên.

Một lý luận thường được nêu lên để chống lại việc tăng thuế những người lợi tức cao nói rằng những người đó đóng góp quá nhiều cho nhà nước trong khi những người “nghèo” với lợi tức dưới nửa triệu một năm đóng góp quá ít. Đây là một đề tài cần phân tích cho rõ hơn, vì những người ủng hộ hoặc chống đối thường chỉ nêu ra các dữ kiện hoặc con số phù hợp với mục đích của họ trong khi bỏ qua các chứng cớ ngược lại. Khi ngó vào nhiều khía cạnh, chúng ta có một cách nhìn cân bằng hơn.

Những người giầu nhất phải đóng suất thuế lợi tức cao nhất, không phải chỉ ở Mỹ mà tại các nước dân chủ và kinh tế tiến bộ đều như vậy. Trung bình, 10% những người kiếm lợi tức cao nhất đóng góp một phần ba số thuế nhà nước thu được. Tỷ lệ đó thay đổi, ở Pháp là 28%, Đức 31%, bên Anh 39% và ở Mỹ 45%.
Những người giầu nhất trong giới nhà giầu đóng góp mạnh hơn. Tại Mỹ, nhóm 1% những người lợi tức cao nhất chỉ đóng góp 28% trong tổng số thuế vào năm 1988, đến năm 2006 phần góp của họ đã lên tới gần 40%.

Nhưng nhóm 1% này cũng được an ủi, vì được hưởng lợi nhiều hơn; phần lợi tức của họ trong tổng số lợi tức của quốc dân tăng nhanh hơn phần đóng góp của họ vào tổng số thuế. Trong thập niên 1970 nhóm 1% này được chia phần khoảng 10% lợi tức cả nước, đến năm 2009 họ giành được 18%, tăng gần gấp đôi, lợi tức trung bình của họ lên khoảng 400,000 đô la một năm. Từ 1976 đến 2007, kinh tế Mỹ tăng lên thì nhóm 1% này thu lấy 58% tổng số lợi tức gia tăng của cả nước. Trong nhóm đó, những người trong số 0.1% còn được hưởng nhiều hơn nữa, phần chia của họ đã tăng gấp 4 lần. Hệ thống kinh tế và thuế khóa không đến nỗi xử tệ để cho những nhà giầu bị thiệt thòi như người ta lo ngại.

Một điều hay được nhắc tới khi nêu ý kiến chống việc tăng thuế người giầu là họ đóng góp nhiều quá trong khi người nghèo được góp rất ít. Thí dụ, người ta nói nhóm 1% giầu nhất ở Mỹ đóng góp gần 40% tổng số thuế lợi tức thu được, trong lúc một nửa dân đóng thuế (50%) nghèo nhất họ được hưởng gần 13% lợi tức chung mà đóng góp chưa được 3%! Giầu phải đóng góp nhiều, nghèo thì góp ít quá, như vậy là hệ thống thuế khóa thiên vị những người nghèo, bất công với người giầu.

Nhưng đây chỉ là một “huyền thoại.” Vì khi nêu lên các sự kiện trên người ta chỉ tính một thứ thuế, là thuế lợi tức. Mà người dân sống ở nước Mỹ còn đóng thuế cho nhà nước dưới nhiều hình thức khác, ngoài thuế lợi tức. Thí dụ, người giầu hay người nghèo đều phải đóng thuế khi mua quần áo, giầy dép, hay khi lái xe, khi đổ xăng; nếu có nhà ở thì ai cũng đóng thuế thổ trạch. Khi tính đủ các loại thuế chứ không chỉ nói đến thuế lợi tức, thì phần đóng góp của những người giầu nhất cũng không lớn quá so với những người nghèo hơn.

Bản báo cáo năm 2010 của tổ chức Công lý trong Thuế khóa (Citizens for Tax Justice) cho biết khi tính tất cả các loại thuế mà người dân Mỹ phải đóng, cho các cấp chính quyền từ liên bang, tiểu bang cho tới địa phương, thì tỷ lệ thuế trên lợi tức và lương bổng giữa người giầu với người nghèo không khác nhau quá đáng như những người chống thuế hay nêu lên.

Khi chia những người đóng thuế làm 5 lớp từ lương thấp nhất trở lên, vào năm 2009 những người thuộc tầng lớp thấp nhất (lợi tức trung bình 12,400 đô la một năm) phải đóng góp 16% lợi tức của họ cho các loại thuế mặc dù nhiều người không phải đóng thuế lợi tức. Lớp người một phần năm thứ nhì từ dưới lên (kiếm trung bình 25,000 đô la) phải đóng 20.5%. Lớp thứ ba lương cao đứng giữa (33,400 đô la) đóng 25.3%; lớp trên nữa (66,000 đô la) đóng 28.5%. Trong bốn tầng lợi tức này (80% những người đóng thuế), suất thuế họ phải đóng đã tăng lên khi lợi tức tăng; đúng là suất thuế có tính lũy tiến.

Nhưng khi phân tích số thuế mà những người giầu nhất thì tính lũy tiến không còn nữa. Trong số 10% những người giầu nhất, một nửa dưới (khoảng 141,000 đô la một năm) đóng góp 31.2% cho các sở thuế; còn 1% những người kiếm nhiều nhất (hơn một triệu đô la vào năm 2009) chỉ phải đóng 30.8% lợi tức của họ cho các sở thuế.

Khi tính tất cả các thứ thuế mà dân Mỹ phải đóng, chứ không nhìn riêng vào thuế lợi tức thì những người trung lưu (33,000 đô la một năm) đóng thuế mất hơn 25% lợi tức còn 1% giầu nhất (lợi tức hàng triệu) đóng gần 31%; như vậy thì sự chênh lệch cũng không quá lớn.

Những người giầu nhất trên nguyên tắc phải đóng thuế lợi tức tới 36% nhưng suất thuế thật sự lại thấp hơn. Khi nhấn mạnh rằng những người kiếm một triệu đô la một năm phải đóng thuế lợi tức quá cao, người ta bỏ qua không nói đến một thứ thuế mà họ được “miễn” khi kiếm trên 100,000 đô la. Một loại thuế mà người nghèo đóng góp với tỷ lệ cao hơn người giầu là thuế an sinh xã hội, hễ đi làm lãnh lương là phải đóng (payroll taxes) để góp tiền vào các quỹ hưu bổng, y tế hay bảo hiểm tai nạn, vân vân. Loại thuế này chỉ đánh trên số lợi tức dưới 106,800 đô la một năm; lợi tức trên con số đó sẽ không phải đóng. Những người lãnh số lương hàng triệu sẽ không phải đóng loại thuế này trên số 106,800 đô la đầu tiên (năm 2010). Tức là họ đóng cùng một món tiền như những người kiếm được 107,000 đô la; lương một triệu mà 900,000 được miễn thuế. Đó là một lý do khiến lợi tức cao mà suất thuế thực tế phải đóng vẫn thấp mặc dù trên danh nghĩa họ bị tăng thuế. Nếu chính phủ Mỹ đổi luật để mọi người phải đóng thuế hưu bổng xã hội này như những người kiếm được dưới 100,000 đô la thì sẽ thu được một số tiền lớn giúp cho quỹ hưu bổng xã hội đỡ khiếm hụt.

Luật thuế còn ưu đãi những người giầu khi thuế đánh trên tiền lời đầu tư hiện nay rất thấp; mà những người giầu kiếm được tiền phần lớn nhờ đầu tư chứ không nhờ lương bổng. Đó là một đề tài cần được phân tích đầy đủ hơn trong một bài khác.

.
.
.

No comments: