Sunday, November 13, 2011

MẤY LỜI BÀN VỀ MÔ HÌNH TRUNG QUỐC : THƯ NGỎ GỬI GS FRANCIS FUKUYAMA (Phạm Gia Minh)



Phạm Gia Minh
Hà Nội, Việt Nam
Viet-studies  11-11-11


Thưa Giáo sư,

1.
Cuộc đối thoại mang tính luận chiến về mô hình Trung quốc đề cập tới nhiều lĩnh vực như lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế, tôn giáo và minh triết giữa Giáo sư và ngài Trương Duy Vi (Giáo sư Đại học Ngoại giao Geneva, đại học Phúc Đán, Thượng Hải) được đăng tải trên tạp chí New Perspective Quarterly, số mùa Thu 2011, quả thực đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của công chúng tại Việt nam và có lẽ trên toàn thế giới.

Không quan tâm sao được khi Trung Quốc đang trỗi dậy như một thế lực toàn cầu còn Mỹ và Châu Âu thì đang phải chật vật để vượt qua cơn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Đó đây đã có những giọng nói bi quan về mô hình tổ chức xã hội đặt nền móng trên nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội dân sự mà Phương Tây vẫn hằng theo đuổi và quảng bá. Đồng thời, mô hình Trung Quốc với nhiều đặc trưng khác biệt với những giá trị Phương Tây đang được một số quốc gia thế giới thứ ba tìm hiểu như một định hướng phát triển thay thế.

Gíao sư đã công bằng khi nhận xét rằng “ở Phương Tây người ta quen mô tả sự phát triển của các thể chế theo những chuẩn mực của thực tiễn Châu Âu…”. Và ngay cả Karl Marx - người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản, do chưa có nhiều dữ kiện về các nước Phương Đông nên trong tác phẩm “Tư bản luận” của mình vẫn còn phải để ngỏ một hướng tìm tòi quan trọng liên quan đến “phương thức sản xuất kiểu Châu Á” (một số nhà nghiên cứu còn đặt tên là “phương thức sản xuất nhà nước”).

Hình thái xã hội này đã từng hiện hữu trên phần lớn lãnh thổ của hành tinh chúng ta, nó trải dài từ Mỹ latinh (Inca, Aztec, Maya), Bắc Phi (Ai Cập, Algerie), Trung Đông, Trung Á, Ấn Độ, Trung Hoa và các quốc gia cận kề. Hình thái nêu trên có những đặc điểm sau:

- Dạng sở hữu đặc biệt: không có tư hữu mà chỉ có sở hữu công cộng. Sự thay đổi chính quyền đồng nghĩa với sự thay đổi chủ sở hữu.

- Phương thức bóc lột đặc biệt: khác với chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ nông nô, đây là chế độ nô lệ toàn dân. Dân chúng bị bắt buộc lao động nặng nhọc để xây dựng những công trình công cộng quy mô lớn (ví dụ như đắp đê trị thủy sông Dương Tử, xây Vạn lý Trường thành v.v…). Một hệ thống tự quản được thiết lập chặt chẽ, đó là chế độ bạo hành của chính quyền được hỗ trợ bởi quân đội, mật vụ và bộ máy hành chính cồng kềnh.

- Vai trò đặc biệt của nhà nước: chủ sở hữu tối cao về đất đai và là trung tâm của quyền lực toàn trị.
Nguyên nhân xuất hiện phương thức sản xuất kiểu Châu Á nằm trong sự bảo toàn sở hữu kiểu công xã hay tập thể, dạng này đã từng rất phổ biến ở nước Nga và nhiều nước Châu Á v.v…trước đây. Cùng với thời gian, hình thức sở hữu này không trở thành tư hữu, mà cuối cùng chuyển biến sang sở hữu nhà nước với đại diện là bạo chúa điều hành bằng bộ máy quyền lực. Dân chúng hoàn toàn lệ thuộc vào nhà nước với tư cách là chủ sở hữu tối cao về đất đai và đồng thời cũng là thể chế có chủ quyền chính trị.[1]

Vì lẽ đó phương thức sản xuất kiểu Châu Á còn có tên gọi là “ phương thức sản xuất nhà nước” với đặc trưng là: quyền lực chi phối xã hội chứ không phải là tư liệu sản xuất như trong xã hội Phương Tây. Trong phương thức sản xuất này, quyền lực đã biến những ai gắn liền với nó, từ cấp thấp tới cấp cao thành những chủ nhân ông đích thực đối với toàn bộ khối của cải xã hội.[2]

Cùng vào giai đoạn lịch sử đó trong lòng xã hội Hy- La cổ đại ở Tây Âu dưới tác động hòa quyện (rất hiếm khi xảy ra đồng thời) của những yếu tố văn hóa, địa lý, nhân chủng, kinh tế và xã hội đã giúp hình thành nên một hình thái phát triển kinh tế- xã hội và một nền hành chính rất khác với Phương Đông. Trong hình thái này đã xuất hiện quyền tư hữu được luật pháp bảo vệ và thị trường tự do trao đổi hàng hóa không bị nhà nước chi phối. Cùng với đó là các chủ sở hữu tài sản – những cá nhân có đủ các quyền công dân mà Phương Đông chưa hề được biết đến, dù chỉ là khái niệm.

Nguyên nhân của sự khác biệt giữa hai hình thái xã hội ở Châu Âu và Châu Á có thể nằm trong những khác biệt về nhân chủng (anthropology) và địa lý dẫn tới những nền kinh tế khác nhau, những diễn tiến khác nhau về chính trị và tư duy.[3] Người La Mã đã sớm biết tạo ra cho mình một nền kinh tế đa dạng (nông nghiệp, thủ công nghiệp, khai thác mỏ…) trong đó thương nghiệp nắm phần chủ chốt vì biết lợi dụng sự giao thương giữa 3 châu lục Âu, Á, Phi. Nền kinh tế đa dạng của La Mã luôn có những quyền lợi trái ngược nhau, những tranh chấp đòi hỏi sự trọng tài của quyền lực chính trị. Nhưng khi quyền lực chính trị trở thành trọng tài thì đã mặc nhiên từ bỏ tính cách tuyệt đối của mình. Muốn làm trọng tài phải đặt ra luật lệ phân minh. Luật La Mã vẫn còn được áp dụng cho tới bây giờ và là nền móng của mọi chế độ Pháp trị thời nay.
Địa Trung hải cũng là nơi giao lưu của mọi tư tưởng triết học, khoa học, tôn giáo theo truyền thống đã có từ thời cổ Hy Lạp. Trong số các tôn giáo có Ki Tô giáo từ Do Thái đến. Ki Tô giáo đưa ra ý niệm chỉ có một đấng sáng tạo ra con người và vạn vật vì vậy mọi chủng tộc, mọi con người sinh ra đều bình đẳng. Ý tưởng về mọi người đều bình đẳng trong mọi nền dân chủ Phương Tây cũng ở đạo này mà ra.

Trái lại, người Hán trong 2000 năm chỉ biết bám chặt vào nông nghiệp. Nông nghiệp cổ sơ cách đây 10.000 năm gọi là nông nghiệp sinh nhai có mục đích là sản xuất đủ lương thực cho chính gia đình của mỗi người nông dân. Nhờ sự tiến bộ của công cụ lao động (ví dụ như lưỡi cày bằng sắt) mà sản xuất nông nghiệp tăng trưởng tạo ra sản phẩm dư thừa để trao đổi nên đã hình thành một nền kinh tế nông nghiệp. Lúc đó quyền lực chính trị đã tự cho mình cái quyền quản trị nền kinh tế đó. Đó là trường hợp của Ai Cập cổ đại và Trung Hoa thời phong kiến nhà Chu.

Sau đó nhà Tần vẫn coi nông nghiệp là chủ chốt nhưng để sự quản trị nông nghiệp được hữu hiệu hơn, một phần cũng vì muốn nắm toàn quyền sở hữu đất đai ngày trước nằm trong tay giới quý tộc, nhà Tần, và cả nhà Hán đã thay thế chế độ phong kiến nhà Chu bằng chế độ trung ương tập quyền.

Dưới chế độ này trong xã hội nông nghiệp Trung Quốc chỉ có hai hạng người: người làm ruộng và người cai trị. Người cai trị lại được tuyển lựa theo tiêu chuẩn Khổng giáo đó là có năng lực điều hành nhất định và phải tuyệt đối trung thành với quyền lực chính trị (triều đình) để thay mặt triều đình chia ruộng đất, trị thủy, thu thuế và duy trì trật tự.

Cũng vì trong xã hội chỉ có hai thành phần và người sản xuất cũng là người tiêu thụ không có người trung gian, không có sự mất cân bằng giữa sản xuất và phân phối nên xã hội có vẻ ổn định.[3] Nhưng cũng vì vậy mà trong suốt hơn hai nghìn năm xã hội Trung Quốc vẫn chỉ là một xã hội nông nghiệp bất động, xơ cứng và thiếu hẳn động lực nội tại cho sự “vượt rào” ra khỏi những cấu trúc đã quá quen thuộc. Cho dù đã xảy ra bao lần thay đổi các triều đại ở Trung Quốc nhưng kết cục, lại là sự tái hình thành những cơ cấu và thể chế quản lý xã hội theo hình thái “phương thức sản xuất nhà nước”- nơi mà quyền lực chi phối hết thảy.

Trong lịch sử tồn tại của mình, Phương Đông không hề biết đến một hình thái phát triển nào khác ngoài hình thái đã nêu trên và cũng không thể dễ dàng chấp nhận con đường của Phương Tây, ngoại trừ có sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ bên ngoài.

Phải đợi cho tới khi chủ nghĩa tư bản Phương Tây với thể chế nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự phát triển đến giai đoạn cần vươn ra chinh phục thị trường thế giới cách đây 200- 300 năm thì sự thâm nhập của nó vào trong lòng xã hội Phương Đông mới thực sự là khởi đầu cho một cuộc chuyển biến lớn lao trong cơ cấu xã hội và hình thái nhà nước nơi đây. Quá trình này đối với Phương Đông có ý nghĩa như một cuộc cách mạng xã hội vĩ đại, nó đã diễn ra hàng trăm năm và gần như ngày nay vẫn còn đang tiếp diễn. Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước công nghiệp mới Á châu là những ví dụ thành công của quá trình chuyển đổi này.[4]

Tuy nhiên tại nhiều quốc gia trên thế giới, ở những cấp độ khác nhau, “phương thức sản xuất nhà nước” vẫn tồn tại dưới những hình hài đã biến thể để thích ứng với (hoặc chống đối lại) những thay đổi toàn cầu ngày càng có xu hướng dân chủ và trí tuệ.

Nếu nói về vai trò của tôn giáo ở Trung Quốc thì có lẽ Will Durant đã có nhận định tinh tế khi nói rằng: “đàn ông Trung Hoa là con người có ít tinh thần tôn giáo nhất trong lịch sử nhân loại; họ lo kiếm ăn trên cõi trần này, có khấn vái thần thánh thì không phải để được lên thiên đường mà để kiếm thêm tiền cho vợ con… Do đó người Trung Quốc không cuồng nhiệt theo Hồi giáo, Ki Tô giáo hay Phật giáo vì những tôn giáo ấy chỉ hứa cho họ lên thiên đường sau khi chết, mà họ lại muốn được hạnh phúc ngay trên cõi trần này… Sau 1000 năm Ki Tô giáo vào Trung Quốc cũng chỉ cải giáo được có 1% dân chúng.[5] (Hiện nay ở Trung Quốc con số này vào khoảng từ 1-4%, riêng ở Việt nam số người theo Ki Tô giáo hiện nay vào khoảng từ 6-8 triệu người tức vào khoảng 7-9% dân số). Tuy nhiên đa số người Trung Quốc có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, Trời và các vị Thánh thần theo tinh thần Khổng giáo.

Do ảnh hưởng sâu rộng và lâu đời của Khổng giáo – một hệ thống những quy định về nghi lễ và chuẩn mực đạo đức giúp điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người trên trần thế, nhằm đạt được sự hài hòa, ổn định trong xã hội nên các giá trị đạo đức luôn được đề cao trong cuộc sống thường nhật và hệ thống chính trị Trung Hoa. Đó là một đặc điểm nổi bật của nền văn hóa các nước chịu ảnh hưởng Khổng giáo trong đó có Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore, Đài Loan và Nhật Bản.

2.
Nhân đây xin có mấy ý kiến về những nhận định của GS Trương Duy Vi (Zhang Weiwei ) về mô hình Trung Quốc.

Thứ nhất, đúng như GS Samuel Huntington đã nêu, giai đoạn có tham nhũng cao thường trùng hợp với quá trình hiện đại hóa nhanh chóng chủ yếu do chế độ điều hành và giám sát không theo kịp sự tăng trưởng về tài sản và vốn. Tuy nhiên những bất cập của chế độ điều hành và giám sát lại phát sinh ra do hai loại nguyên nhân sau:
- Nguyên nhân “kỹ thuật” mang tính hiện tượng và nhất thời, có tác động vô tình tạo ra những lỗ hổng về pháp lý và cơ chế hoạt động. Đấu tranh với tham nhũng có nguyên nhân “kỹ thuật” là khó khăn nhưng không phải là không làm được nhờ nêu cao vai trò của truyền thông, xã hội dân sự và hoàn thiện hệ thống luật pháp.
- Nguyên nhân “cấu trúc mang tính bản chất của hệ thống chính trị- kinh tế - xã hội, có xu hướng chủ động sản sinh ra môi trường thuận lợi để tham nhũng phát triển. Đấu tranh với tham nhũng có nguyên nhân này là vô cùng khó khăn, ví như một câu ngạn ngữ của Việt nam là “bắt cóc bỏ đĩa”, đòi hỏi phải đại phẫu thuật cả hệ thống.

Trong một nền kinh tế dựa trên quyền lực thì tham nhũng là hiện tượng phổ biến, nếu như không nói là bản chất của hệ thống. Các quốc gia đi sau trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà lựa chọn mô hình dựa vào nhà nước đều phải đối mặt với vấn nạn tham nhũng, tuy nhiên khả năng thoát khỏi nạn tham nhũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ xây dựng một nền kinh tế thị trường tự do lành mạnh trong một xã hội dân sự với một nhà nước pháp quyền, có vị thế độc lập và khách quan để làm trọng tài. Hiện tại, có thể ở nhiều quốc gia nạn tham nhũng đang rất trầm trọng (thậm chí hơn cả Trung Quốc) một phần do những nguyên nhân “kỹ thuật” của hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, phần khác là do các khiếm khuyết mang tínhcấu trúc” của các nền kinh tế dựa vào quyền lực. Tuy nhiên nếu nhìn về trung và dài hạn thì rõ ràng Trung Quốc vẫn sẽ là một nền kinh tế dựa vào nhà nước tức là dựa nhiều vào quyền lực lớn nhất thế giới.

Xin dẫn ra một vài ví dụ. Ở Trung Quốc, hệ thống thanh tra, các ủy ban kiểm tra của đảng Cộng sản, tòa án vẫn điều tra thường xuyên, cách chức và trừng phạt nghiêm khắc các quan chức phạm tội một cách đều đặn nhưng việc chiếm đoạt tài sản công vẫn diễn ra phổ biến vì hai lý do Một là, theo mô hình cấp bậc hành chính hiện nay thì chỉ có các quan chức chính quyền cấp cao hơn mới có thể trừng phạt những người dưới quyền mà không có chuyện ngược lại. Giải trình và chịu trách nhiệm chỉ theo chiều từ dưới lên trên. Như thế hình phạt sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ cá nhân của người phạm tội với quyền lực của người bảo hộ ở cấp cao hơn, thay vì tính nghiêm trọng của tội phạm. Chính điều này đã làm giảm mạnh hiệu quả của các biện pháp trừng phạt.

Hai là, khó khăn thực sự bắt nguồn từ việc không thể tách rời chính quyền với việc quản lý các doanh nghiệp do di sản xã hội chủ nghĩa và cách thức cải cách từng phần đã không cho chính quyền đóng vai trò là một thực thể riêng rẽ để đạt được các mục tiêu quản lý độc lập của mình.[7] Tình hình còn nguy ngập hơn khi các doanh nghiệp cu kết với quan chức trong chính quyền để hình thành nên những “tập đoàn lợi ích” đã và đang bắt làm con tin các chính sách quốc gia, và sau khi đã bắt cóc chính sách công, lợi ích lớn thì bọn họ ôm lấy còn cái giá phải trả thì chủ yếu do những người dân bình thường gánh chịu. Ví dụ như tập đoàn lợi ích thủy điện, bất động sản, sinh đẻ có kế hoạch, dầu khí, kinh tế biển, sản xuất vũ khí...Các tập đoàn này không cần vận tác trên tài nguyên kinh tế mà quan trọng hơn là dựa vào sự bảo hộ về chính trị. Dự án đập thủy điện Tam Hiệp hay đường sắt cao tốc vừa gây tai nạn là những minh họa thuyết phục. Trong xã hội dân sự có hệ thống truyền thông độc lập không bị chính quyền “uốn nắn” hay bịt miệng, trả thù thì những mối liên kết kiểu “tập đoàn lợi ích” này dễ trở thành đích ngắm của công luận và luật pháp. Tóm lại, tham nhũng và tội phạm kinh tế ở Trung Quốc phần lớn có nguyên nhân mang tính “cấu trúc”.

Về vai trò của giai cấp trung lưu ở Trung Quốc có nhiều ý kiến cho rằng tầng lớp này sẽ trở thành động lực thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa. Nhưng giai cấp trung lưu ở Trung Quốc đã đủ lớn mạnh để làm sứ mạng đó chưa? Cuối năm 2010 tờ Japan Times đưa ra con số: giai cấp trung lưu chiếm 23% dân số Trung Quốc, tức là khoảng 300 triệu người. Tại các nước công nghiệp phát triển con số này chiếm khoảng 70%. Các nhà nghiên cứu định nghĩa giai cấp trung lưu ở Trung Quốc là những gia đình có thu nhập tính theo đầu người khoảng 1000 USD/ tháng. Với thu nhập đó thì họ đang sống rất vất vả trong các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, nơi mà giá một căn hộ từ 200.000 tới 400.000 USD, tức là cao gấp từ 30- 50 lần số lương một năm của một gia đình trung lưu. Thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc trong năm 2009 vào khoảng 2000 tỷ USD nhưng một nửa số đó được chi vào việc mua nhà. Số tiền còn lại là rất nhỏ trong ngân sách gia đình. Japan Times kết luận rằng giai cấp trung lưu ở Trung Quốc đang cố gắng để sống chứ không phải là một động lực chủ yếu trong xã hội Trung Quốc. Vậy tiền bạc của cải được tạo ra nhờ cuộc cải cách kinh tế trong hơn 30 năm qua đi đâu ? Theo Japan Times trong 10 năm qua đa số tiền tiêu thụ là do những người rất giàu có, khoảng 17% dân số (gần 70 triệu người ) là đảng viên hoặc có quan hệ mật thiết với đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ chính là những người sẽ bảo vệ chế độ chính trị hiện nay đến cùng bất chấp những nguyên tắc phân phối công bằng trên lý thuyết của chủ nghĩa xã hội và hệ số đánh giá phân chia giàu nghèo Gini của Trung Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới (xấp xỉ 1.0).

Trở lại với tranh luận về nguyên nhân và thủ phạm của cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ phố Wall, có lẽ giờ đây không ai có thể phủ nhận được những khiếm khuyết mang tính “cấu trúc” của thị trường tài chính Mỹ và Phương Tây nói riêng và quốc tế nói chung. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những nguyên nhân “kỹ thuật” không kém phần quan trọng. Ngay từ năm 1998 nhà toán học Thụy Sĩ Paul Embrests làm việc tại ETHZ (Zurich Technology University ) đã cảnh báo về những lỗ hổng lớn trong hệ thống quản lý rủi ro tài chính thế giới – một điều ắt dẫn đến khủng hoảng tài chính. Trên cơ sở lý thuyết “Extreme Value Theory” ông và các cộng sự đã chỉ ra rằng chỉ số VAR (Value at Risk ) dùng trong công ước Basel 2 về quản lý rủi ro ngân hàng lại là một thước đo tồi cho quản trị rủi ro, và cần được thay thế, vì sao việc định giá các sản phẩm phái sinh như “CDO Square là không thể thực hiện được chính xác nên việc buôn bán chúng với số lượng lớn trên thị trường tài chính đã tạo nên rủi ro khủng hoảng tài chính toàn cầu v.v...

Đúng như câu ngạn ngữ Việt nam: “mất bò mới lo làm chuồng” , hiện nay Federal Reserve của Mỹ và IMF mới quan tâm đến các công trình “mang tính hàn lâm” của Paul Embrechts.[6].

Về lâu dài, nền kinh tế dựa trên quyền lực có xu hướng bóp méo nguyên tắc phân phối thu nhập của hệ thống kinh tế dựa trên năng suất và hiệu quả. Nó hậu đãi một cách có hệ thống những người có quyền lực trong chính quyền hoặc có quan hệ gần gũi với trung tâm quyền lực, vì vậy tình trạng này đã khuyến khích các hành vi tìm kiếm hối lộ hơn là hoạt động sản xuất và sáng tạo công nghệ. Nền kinh tế dựa vào quyền lực làm nảy nở nền kinh tế “quan hệ (Guanxi) nơi mà các luật chơi công bằng của nền kinh tế thị trường tự do lành mạnh sẽ bị “uốn cong”, hủy hoại những nỗ lực kinh doanh trung thực và sáng tạo. Với những hậu quả đã được báo trước như vậy, mô hình của nền kinh tế dựa trên quyền lực quả là không có tương lai lâu dài và sáng sủa trong thế giới văn minh và dân chủ của thế kỷ XXI. (Cũng cần nhắc lại rằng nền kinh tế các quốc gia Trung đông như Ai Cập, Libya, Tunisia...tuy không hoàn toàn, nhưng phần lớn dựa vào quyền lực chính trị và quân sự của các nhà độc tài.)

GS Trương Duy Vi có lý khi nói rằng “những gien di truyền lịch sử” ngày hôm nay vẫn tồn tại trong xã hội Trung Quốc. Xét theo một góc độ nào đó thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Trung Quốc sẽ rất khó khăn, vì từ thời xa xưa các triều đại phong kiến Trung Hoa đã bắt các nước nhỏ láng giềng phải triều cống, còn chính Hán Văn Đế (179-157 trước Công nguyên) đã đặt ra cái lệ đút lót các tướng địch để họ lui binh([5], trang 117). Đó chẳng phải là những hình thức đưa và nhận hối lộ tầm cỡ quốc gia đó sao?

Khái niệm “khí” mà GS Trương nói đến, đối với người Phương Tây tuy có vẻ mang màu sắc huyền bí, siêu hình nhưng nếu được hiểu là xu hướng chủ đạo của thời đại thì nó phải là hòa bình, hợp tác bình đẳng trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế,cùng có lợi và tự do, dân chủ cho mọi người, mọi quốc gia. Nếu Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy theo xu hướng đó thì sẽ là một hạnh phúc và cơ hội lớn lao cho toàn thế giới.

GS Trương đã sáng suốt khuyên Mỹ và Phương Tây đang trượt dốc nên cần đại tu và cải cách. Hoa Kỳ cũng đã nhận thức được điều này nên trong bài diễn văn quan trọng của Ngoại trưởng Hillary Clinton gần đây nhan đề:Thế kỷ Thái bình dương của Hoa kỳ Mỹ đã một lần nữa khẳng định lại kế hoạch rút khỏi các chiến trường Afghanistan và Iraq sau khi Bin Laden đã bị tiêu diệt gần Islamabad, Pakistan, để tập trung cho sự trở lại và tiếp tục dẫn đầu ở khu vực Châu Á – Thái bình dương. Mỹ sẽ chú trọng tới từng bước đi ngay trong nước, đó là gia tăng tiết kiệm, cải cách hệ thống tài chính, nhờ cậy ít hơn vào các khoản vay và khắc phục sự chia rẽ giữa hai đảng. Xin trích dẫn lại một đoạn diễn văn như sau:Cứ mỗi lần nước Mỹ thất bại thì chúng ta đều đã lại vượt qua bằng sự sáng tạo và đổi mới. Năng lực trở lại cuộc chơi một cách mạnh mẽ hơn của Hoa kỳ là không ai sánh kịp trong lịch sử đương đại. Ngọn nguồn của sức mạnh đó được tuôn trào từ mô hình xã hội tự do - dân chủ và tự do kinh doanh, đó là thứ mô hình cho đến nay vẫn là cội nguồn của sự phồn vinh và tiến bộ mãnh liệt nhất mà nhân loại biết đến.”[8]

GS Trương có nêu một dẫn chứng về tính dân chủ trong xã hội Trung Quốc là cứ 5 năm một lần người dân lại có cơ hội đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân và các văn kiện quan trọng khác của đảng Cộng sản và chính phủ. Thực sự, điều này thật là ấn tượng, nhất là nó lại diễn ra trên một đất nước 1,3 tỷ dân. Nếu GS Trương cung cấp được số liệu thống kê so sánh có bao nhiêu % ý kiến đóng góp đã được xử lý, lắng nghe được đưa vào văn kiện cuối cùng thì sẽ rất thuyết phục. Còn nếu không, hàng chục ngàn đợt góp ý dù có sôi nổi diễn ra trên khắp đất nước sẽ chỉ là những màn biểu diễn đông người về một nền dân chủ giả tạo (mass showbiz of a fake democracy) không hơn không kém, và các tập đoàn lợi ích được quyền lực chống lưng như đã nêu ở trên sẽ vẫn tiếp tục tác yêu tác quái trên lưng người lao động lương thiện.

Có một điểm quan trọng trong phát biểu của GS Trương đó là truyền thống tuyển dụng nhân tài cho bộ máy chính quyền ở Trung Quốc. Đây là một nét văn hóa Khổng giáo có nhiều mặt tích cực. Ít nhất truyền thống này cũng nuôi dưỡng một tinh thần hiếu học mạnh mẽ và thành tích học tập khá cao của thanh thiếu niên trong xã hội các nước Đông Á. Tri thức phong phú, sâu sắc và đạo đức cao cả là những tiêu chí rèn luyện, tu thân của người quân tử đáng được ghi nhận như một đóng góp của văn hóa Trung Hoa nói riêng và Phương Đông nói chung vào văn hóa nhân loại. Tuy nhiên, trong thời đại của toàn cầu hóa, nhân tài phải có tư duy độc lập, sáng tạo, không giáo điều, rập khuôn và miễn dịch với tư tưởng dân tộc hẹp hòi hay sôvanh nước lớn. Tuyển được nhân tài là quan trọng nhưng phải có môi trường để người tài tự do tư duy, tự do thử nghiệm, phản biện, đề xuất ý kiến táo bạo thì mới tránh được tình trạng trong xã hội chỉ toàn những kẻ phục tùng mẫn cán mà thiếu người lãnh đạo xuất chúng dám nghĩ dám làm và có thể bứt phá thành công.

Nước Mỹ với thể chế tự do của mình đã sản sinh ra những nhân tài đa dạng mà theo lối đánh giá khuôn mẫu truyền thống của Phương Đông chắc sẽ bị loại bỏ tức thì. Đó là một Bill Gates hay một Steve Jobs chưa hề tốt nghiệp đại học. Khoa học ngày nay đã chứng minh được rằng con người ta có ít nhất là 7 loại trí thông minh nên những cách sát hạch cùng thang điểm áp dụng ở nhà trường từ trước tới nay đã rất lạc hậu.[9] Có lẽ đã đến lúc cần có tư duy mới tương xứng để chọn nhân tài cho xã hội.

GS Trương có đề cập tới một chủ đề thú vị, đang rất “mốt” hiện nay đó là minh triết trong lịch sử. Theo thiển nghĩ của tôi thì ngay như định nghĩa về minh triết giới học giả trên thế giới còn chưa thống nhất được với nhau. GS Trương cho rằng minh triết và tri thức là khác biệt, thế nhưng nhiều học giả khác lại cho rằng minh triết chính là tri thức được nhào nặn bởi kinh nghiệm. Vả chăng minh triết là những gì được đúc rút ra từ trải nghiệm của từng cá nhân và nhóm người nên khó có thể dự báo được . Ngoài ra minh triết còn thiếu tính phổ quát, tính duy lý và thiên về duy cảm nên khó có thể trở thành một yếu tố cơ bản của một thể chế chính trị hiện đại, tuy rằng nó vẫn thấp thoáng đâu đó trong phong cách lãnh đạo của những nhà chính trị mang dấu ấn của nền văn hóa đã đào tạo nên họ.

Cuối cùng tôi cho rằng mô hình phát triển của Trung Quốc phải do chính nhân dân Trung Quốc góp ý xây dựng theo cách dân chủ và phù hợp nhất, bởi lẽ chỉ có nhân dân mới biết rõ những chi phí xã hội như nạn ô nhiễm môi trường, gian lận trong chế biến thực phẩm, thuốc men để đến nỗi nhiều căn bệnh nan y như ung thư, trẻ sơ sinh quái thai v.v… phát sinh ra từ đây, hay hạn hán, lũ lụt bất thường do những công trình tàn phá môi sinh và cả những đội ngũ dân nghèo mất ruộng phải thất thểu ra thành phố kiếm sống bằng đủ nghề đáng xấu hổ....Trong khi đó có tới 46% các triệu phú ở Trung Quốc (con số này theo một báo cáo của Bank of China – Hurun Report vào khoảng 960.000 người) được phỏng vấn đều có ý định rời Trung Quốc để sang sống ở một nước Phương Tây phát triển. Với thế lực đang lên như hiện nay và trong tương lai, mô hình đó phải thể hiện rõ những trách nhiệm toàn cầu mà Trung Quốc sẽ gánh vác như giúp đỡ các nước nghèo, đối phó với biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình và phát triển kinh tế toàn cầu, những dịch vụ công mà Trung Quốc sẵn sàng cung ứng cho cộng đồng quốc tế - điều mà Hoa Kỳ và Phương Tây đã có nhiều đóng góp từ hàng chục năm nay.

Xin kính chúc GS khỏe và hạnh phúc

Thăng long- Hà nội 11/11/2011
Phạm Gia Minh


[1] Kovaliev.I.N. Lịch sử kinh tế và các học thuyết kinh tế. NXB Fenix. Rostov on Don. Russia. 2008 (tiếng Nga )
[2] Pham Gia Minh. Okrut. Z. M. Mô hình phát triển kinh tế của Hàn quốc. NXB “ Tài chính và Thống kê” Moscow.1993 (tiếng Nga)
[4] Phạm Gia Minh. “ Thoát Á mới có thể thoát thân” http://tuanvietnam.net/2010-01-08
[5] Will Durant. Lịch sử văn minh Trung hoa. NXB Văn hóa- Thông tin. 1997
[7] ). Li Tan. Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp.Tư duy lại mô hình phát triển kinh tế dựa vào nhà nước. NXB Trẻ.2008
[8] Hillary Clinton. America’s Pacific Century. Foreign Policy. November 2011
[9] Thomas Armstrong. 7 loại hình thông minh. Seven Kinds of Smart. NXB Lao Động & Alpha books.2007

Tác giả gửi viet-studies ngày 11-11-11

--------------------------------------

 
New Perspective Quarterly  -  Fall 2011
Bản dịch của Phạm Gia Minh
Thăng long- Hà nội 3/11/2011
.
.
.

.
.

No comments: