Tuesday, November 8, 2011

KHI NGƯỜI TRONG NHÀ LÊN TIẾNG (Trần Bình Nam)



Trần Bình Nam
Posted on 07/11/2011 by Doi Thoai

Trong năm 2011 có nhiều văn bản của những nhóm trí thức và những nhà đấu tranh dân chủ ở trong và ngoài nước gởi đến nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại Hà Nội bày tỏ ý kiến về tình trạng đất nước. Trong đó có 3 văn bản đáng quan tâm.

Thứ nhất là Bản Kiến Nghị về Bảo Vệ và Phát Triển Đất Nước ” ngày 10/7/2011 của 20 nhà đấu tranh dân chủ trong nước có quan điểm đối lập với đảng cộng sản. Trong đó có người từng là cán bộ cao cấp của đảng nay đã nghỉ hưu.

Văn bản thứ hai là một Thư Ngỏ viết ngày 21/8 của 36 nhà trí thức không cộng sản sống tại hải ngoại.

Văn bản thứ ba là bản “Ý Kiến Chúng Tôi ” của 14 nhân sĩ Việt Nam từng có khuynh hướng ủng hộ đảng cộng sản Việt Nam và chế độ cộng sản (từ giai đoạn đấu tranh chống Pháp giành độc lập) gởi đến nhà cầm quyền ngày 8/9/2011 và được phổ biến rộng rãi ngày 27/10/2011 .

Trong 3 bản văn nói trên, bản Ý Kiến Chúng Tôi có ý nghĩa và trọng lượng nhất ở chỗ nó do 14 nhà trí thức sống ở nước ngoài có lập trường ủng hộ – và vẫn còn giữ lập trường này dưới hình thức này hay hình thức khác- chế độ cộng sản tại Việt Nam. Các vị này ủng hộ chế độ cộng sản tại Hà Nội vì nhiều lý do: chủ thuyết, chính trị, tình cảm, quyền lợi … Lý do quan trọng nhất là “tình cảm” đối với vai trò của đảng cộng sản Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập.
Sau cuộc chiến đuổi Pháp thành công, trong thập niên 1960, nhiều người trong số trí thức thiên tả này bắt đầu thắc mắc về cuộc chiến xâm lăng miền Nam do Hà Nội phát động, nhưng tự an ủi bằng chiêu bài tuyên truyền “chống Mỹ cứu nước” của Hà Nội.
Bước vào hậu bán thập niên 1970, đất nước thống nhất, họ kiên nhẫn chờ đợi một ngày tươi sáng, ngày đảng cộng sản Việt Nam hoàn thành cuộc cách mạng xã hội xây dựng một nước Việt Nam mười lần tươi đẹp hơn như họ đã hứa với quốc dân.
Nhưng … 36 năm đã trôi qua, quỹ thời gian của đời người đã cạn, trong khi đất nước suy đồi, tụt hậu, an ninh quốc gia dưới sự lãnh đạo độc tôn của đảng càng lúc càng bị đe dọa.
Và họ đồng nhận định rằng tình hình suy sụp quốc gia đang đi đến điểm “không thể vãn hồi” không còn chờ đợi được nữa. Bản “Ý kiến chúng tôi” ra đời trong bối cảnh đó.

Bản văn phản ánh trung thực tình trạng suy đồi của đất nước về các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, đối ngoại và đưa ra nhận định rằng nguyên nhân sâu xa không gì khác hơn là: (1) thiếu dân chủ và hệ lụy là (2) nhân sự lãnh đạo (nói cách khác là cán bộ đảng viên) tồi tệ.

Trên cơ sở phân tích đó, bản văn đưa ra một chương trình cải cách gồm: cải cách thể chế, củng cố bộ máy nhà nước, cải cách và phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Trên hết bản ý kiến đưa ra một chiến lược đối ngoại đặt trọng tâm vào quan hệ với Trung quốc và Hoa Kỳ. 14 nhà trí thức ký tên xác định rằng chính sách che giấu quan hệ tế nhị giữa Trung quốc và Việt Nam bằng 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” không đánh lừa được ai mà chỉ “để lộ yếu kém, sợ hải, khiếp nhược”. Chính sách ngoại giao của Việt Nam đối với Trung quốc phải là “Nam quốc sơn hà nam đế cư” mới có thể làm bạn với Trung quốc trên một vị thế không khúm núm, thần phục.

Trở về đề nghị cải cách thể chế để giải quyết vấn đề thiếu dân chủ, rất tiếc các nhà trí thức ký tên đã không đi thẳng vào cội nguồn của nguyên nhân thiếu dân chủ là “điều 4 của bản Hiến pháp” giao quyền lãnh đạo quốc gia vào tay đảng cộng sản và chỉ đảng cộng sản Việt Nam mà thôi. Ngoài đảng cộng sản, không đảng chính trị nào được phép hoạt động.

Tôi tin 14 nhà trí thức ký tên thấy được điều đó, nhưng đã không muốn đánh thẳng vào phòng tuyến cuối cùng của đảng vì quan điểm chính thức của đảng, qua buổi nói chuyện của ông Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Nhà nước với các sỹ quan thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị của quân đội cộng sản Việt Nam trong tháng 8 năm 2007 rằng bỏ điều 4 Hiến Pháp đồng nghĩa với tự sát. Các nhà trí thức tin rằng với các cải cách đề ra, các diễn biến chính trị sẽ đưa đến một bản Hiến pháp dân chủ trong đó sẽ không còn điều 4 quái ác và nghịch nhĩ đó nữa. Tuy nhiên, điểm không nói ra tế nhị này – theo tôi – là nhược điểm lớn nhất của bản “Ý kiến chúng tôi”. Không phá cái cũi nhốt mình thì không thể tự giải phóng được.

Dù sao, nếu đảng cộng sản Việt Nam xem “Kiến Nghị” của 20 nhà đấu tranh dân chủ trong nước và “Thư ngõ” của 36 nhà trí thức không cộng sản hải ngoại là chuyện “thọc gậy bánh xe” đảng cộng sản Việt Nam không thể làm ngơ đối với bản “Ý kiến chúng tôi” vì đây là ý kiến của những người từng ủng hộ chế độ, nói cách khác là của những “người trong nhà”.

Khi phải lên tiếng, và lên tiếng một cách tương đối rốt ráo như bản “Ý kiến chúng tôi” này của những người thuộc phe ta là lúc đất nước thật sự đang lâm nguy, đảng cộng sản Việt Nam ắt phải thấy rõ trách nhiệm của mình trước lịch sử.
Lúc này hơn bất cứ một lúc nào khác nữa .

Trần Bình Nam
Nov. 7, 2011

.
.
.

No comments: