Tuesday, November 8, 2011

HỒ SƠ WIKILEAKS (44) : Mục Sư Thân Văn Trường vô cớ bị đưa vào nhà thương điên (Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt)


HỒ SƠ WIKILEAKS (44) :
Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
Thứ Ba - 8 Tháng 11, 2011

WESTMINSTER (NV) - Năm 2004, Việt Nam đang nằm trong danh sách các nước đáng quan tâm vì giới hạn tự do tôn giáo - thường gọi là danh sách CPC.

Mục Sư Thân Văn Trường (trái) với Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. (Hình: Blog Lương Tâm Công Giáo)

Cũng năm đó, Việt Nam vô cớ ép Mục Sư Thân Văn Trường vào bệnh viện tâm thần, gây nên một loạt phản ứng từ đoàn ngoại giao không chỉ của Mỹ mà còn của các nước khác, lan tới thủ đô Washington.

Báo cáo tự do tôn giáo thế giới của Bộ Ngoại Giao Mỹ năm 2006 miêu tả Việt Nam là “có tiến bộ” trong lãnh vực này, nhưng đồng thời nêu cụ thể trường hợp Mục Sư Trường như một thí dụ của tự do chưa hoàn toàn. Bản báo cáo cho biết, cuối năm 2005, ngoại trưởng Mỹ tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách CPC.

Mục Sư Thân Văn Trường là một cựu sĩ quan Quân Ðội Nhân Dân, một đảng viên gốc Bắc Giang ở miền Bắc, theo một công điện ngày 12 tháng 5, 2005, ký tên Tổng Lãnh Sự Seth Winnick. Ông vào miền Nam, lập nghiệp ở Ðồng Nai, và công tác trong Hội Cựu Chiến Binh. Tại Ðồng Nai, ông trở thành tín đồ đạo Chúa. Năm 2000, ông thành mục sư đạo Báp-tít. Từ đó, ông bắt đầu truyền giáo và tổ chức các hội thánh tư gia, tiếng Anh gọi là “house church.”
“House church” là chữ dùng để miêu tả tình trạng khi người tín đồ - thường là đạo Tin Lành - phải tổ chức thờ phượng tại gia vì một lý do nào đó - thường là do chính quyền ngăn cản - họ không có được một nhà thờ để thờ phượng.
Mục Sư Trường phục vụ hai hội thánh tư gia như vậy. Công an địa phương sách nhiễu hai hội thánh này, “tịch thu Kinh Thánh, tài liệu cầu nguyện, và ngăn chặn việc thờ phượng.”
Công an cũng loan tin đồn là Mục Sư Trường đang dạy một thứ “đạo của Mỹ” và sẽ bị bắt.
Cũng trong năm 2000, Mục Sư Trường gởi thư cho giới lãnh đạo đảng Cộng Sản, kêu gọi họ “từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê nin và theo lời dạy trong Kinh Thánh.”
Tới năm 2003, khi bản sao những bức thư này được phân phát tại địa phương thì ông Trường bắt đầu gặp khó khăn với chính quyền của tỉnh. Ngày 27 tháng 5, 2003, Mục Sư Trường bị bắt. Ông bị giam giữ qua tới năm sau nhưng không hề có cáo trạng.

Cải hóa đảng cộng sản?
Vào nhà thương điên

Tháng 6, 2004, ông được thả và bị quản thúc tại gia. Cuối tháng, ông về Bắc Giang thăm gia đình thì bị bắt lại. “Bà vợ mục sư được thông báo là ông đã bị đưa đến một bệnh viện tâm thần để chẩn đoán,” bức công điện viết.
Tới ngày 30 tháng 9 năm 2004, Bộ Công An tại Ðồng Nai và Viện Kiểm Sát của tỉnh ra lệnh giữ Mục Sư Trường vào khu tội phạm của bệnh viện tâm thần tại Biên Hòa. Theo công điện này cho biết, “Mục Sư Trường nói với vợ ông là công an đánh lừa khiến ông ký giấy tự nhận mình cần chữa trị.”

Bà Nguyễn Thị Kim, vợ Mục Sư Trường, nói ông không bị điên. Nhân viên tòa tổng lãnh sự liên lạc với một mục sư khác, đứng đầu một nhóm 83 hội thánh tại gia với 8,000 tín đồ khắp miền Nam và miền Trung. Vị mục sư này cũng quả quyết Mục Sư Trường không bị điên. Không những vậy, mục sư này đã tới thăm Mục sư Trường trong bệnh viện. Bác sĩ điều trị nói với mục sư này là Mục Sư Trường không bị tâm thần.

Nhân viên tổng lãnh sự hẹn gặp bác sĩ điều trị. Ông này lúc đầu đồng ý gặp nhưng sau rút lại. Nhân viên tổng lãnh sự bèn gọi điện thoại nói chuyện hơn 1 tiếng đồng hồ. Bác sĩ này nói cấp trên cho ông biết, Mục Sư Trường bị bệnh tâm thần - cụ thể là paranoid schezophrenia và paranoid delusion (tâm thần phân liệt dạng hoang tưởng nghi kỵ), nhưng chính bác sĩ này cũng không được xem hồ sơ bệnh lý, mà chỉ được phép cứ thế mà cho thuốc.

Lý do Mục Sư Trường bị cho vào bệnh viện, theo bác sĩ này, là vì dám viết thư đòi cải hóa giới lãnh đạo đảng. “Một động thái tôn giáo và nửa chính trị như vậy bị xem là bất thường ở Việt Nam vì một mục sư ở tỉnh không bao giờ lại viết thư cho chính phủ,” công điện viết.
Vị bác sĩ nói Mục Sư Trường không có dấu hiệu gì của người bị trầm cảm (depression) hay cuồng (mania), cũng như không có bạo lực. Bức thư gửi giới lãnh đạo được miêu tả là “mạt sát nặng nề chủ nghĩa Mác Lê nin nhưng không hăm dọa gì.”
Nhưng khi hỏi thẳng là Mục Sư Trường có đáng ở trong bệnh viện tâm thần không, thì vị bác sĩ này “né không trả lời,” công điện viết.

Chuyện ngày càng xé ra to
Lúc đầu, vụ này chỉ nằm gọn trong địa phương Ðồng Nai. Tham tán chính trị gặp Sở Ngoại Vụ TPHCM vào ngày 9 tháng 3 - trên thực tế là một thứ văn phòng miền Nam của Bộ Ngoại Giao - và yêu cầu giải quyết vụ này. Viên tham tán chính trị giải thích cho phía Việt Nam là “vụ này gây bất bình vì giống kiểu của Gulag thời Liên Xô.”
Ông cũng cố thuyết phục phía Việt Nam là đừng để cho vụ này bị lớn lên quá đáng - nhất là trong lúc Việt Nam đang trong danh sách CPC. Công điện trích lời ông này:
“Chúng tôi chưa từng nghe tới một vụ như này bao giờ và hy vọng là những điều chúng tôi nghe được không phải là sự thật. Chúng tôi nhấn mạnh là vụ này phải được làm rõ nhanh chóng và toàn diện, nếu không thì vụ này sẽ phá hỏng những thiện cảm mà Việt Nam đang gây dựng được trong vấn đề tự do tôn giáo.”
Nếu vụ này là có thật, ngay cả khi chỉ là một trường hợp cá biệt do một quan chức địa phương làm quá trớn, thì, viên tham tán khuyên phía Việt Nam, “những ai liên quan sẽ cần phải chịu trách nhiệm.”

Sở Ngoại Vụ hứa sẽ làm việc với Ðồng Nai. Trong khi đó, phía Mỹ báo cáo về Washington là “trong khi có thêm chi tiết chúng tôi tạm thời không kết luận, vì đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe tới việc (Việt Nam) dùng bệnh viện tâm thần để trừng phạt các nhà hoạt động tôn giáo hay chính trị.”

Tới tháng 5, vẫn chưa có gì mới. Lúc đó, Việt Nam đang chuẩn bị cho chuyến đi của Thủ Tướng Phan Văn Khải qua Washington DC, một chuyến đi quan trọng cho Việt Nam lúc đó. Phó Ðại Sứ John S. Boardman có buổi làm việc với Thứ Trưởng Lê Văn Bàng cho chuyến đi này, được kể lại trong công điện ngày 27 tháng 5, 2005. Trong khi làm việc với phía Việt Nam về một bản thông cáo chung, về đoàn đàm phán WTO, và cả về gợi ý của bà Khải muốn gặp Ðệ Nhất Phu Nhân Laura Bush, thì ông Boardman nêu vấn đề Mục Sư Thân Văn Trường:
“Phó đại sứ nêu vấn đề vị Mục Sư Báp-tít Thân Văn Trường, mới đây bị đưa vào bệnh viên tâm thần ở Ðồng Nai. Thứ Trưởng Bàng nói ông không biết chi tiết vụ này và sẽ điều tra rồi trả lời lại.”

Một tháng sau, ông Trường vẫn bị giữ trong bệnh viện. Một công điện đề ngày 10 tháng 6 cho biết tòa đại sứ đang chuẩn bị gặp Thứ Trưởng Bộ Công An Nguyễn Văn Hưởng để nêu vụ này lên, và đề nghị là tùy ông Hưởng nói gì, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nên “triệu tập đại sứ Việt Nam hay một nhân vật cao cấp tương xứng” để làm việc về vụ này.

Không chỉ Mỹ quan tâm, các nước khác cũng lo lắng. Trong cuộc Ðối Thoại Nhân Quyền giữa Việt Nam với Thụy Sĩ và Liên Âu, phía Liên Âu cho biết trước là họ quan tâm vụ Mục Sư Thân Văn Trường, nhưng khi hai bên họp, phía Việt Nam không cung cấp thông tin gì. Công điện của Tòa Ðại Sứ Mỹ đề ngày 24 tháng 6, 2005, tiết lộ: “Viên chức tòa đại sứ Hòa Lan tỏ vẻ thất vọng là chính phủ Việt Nam không có thông tin gì ... dù Liên Âu đã nhấn mạnh vụ này trước buổi họp.”

Tới tháng 8, lời lẽ của đoàn ngoại giao Mỹ về vụ Mục Sư Thân Văn Trường có vẻ cấp bách hơn. Công điện đề ngày 4 tháng 8 gởi về và ghi “yêu cầu có hành động” từ Bộ Ngoại Giao ở Washington.
Công điện này cho biết, “Mục Sư Báp-tít Thân Văn Trường vẫn tiếp tục bị giam trong khu hình sự của bệnh viện Tâm Thần Trung Ương 2 ở Ðồng Nai mà không có dấu hiệu gì vụ này được giải quyết.”

Luật sư của Mục Sư Trường là Luật Sư Nguyễn Văn Ðài. Luật Sư Ðài nói với tòa tổng lãnh sự, bệnh viện Ðồng Nai đã xác nhận Mục Sư Trường “đủ khỏe để có thể điều trị ở nhà” và đề nghị cho ông xuất viện. Giám đốc bệnh viện nói với Viện Kiểm Sát, Viện Kiểm Sát ra lệnh tiếp tục giữ ông Trường cho tới khi “hoàn toàn bình phục.”

Trong khi đó, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh trả lời tổng lãnh sự là “Thân Văn Trường là một công dân Việt Nam vi phạm luật Việt Nam. Việc ép buộc điều trị là hoàn toàn theo đúng quy trình của luật pháp.”

Luật Sư Ðài bỏ ra một tuần ở Ðồng Nai để được gặp Viện Kiểm Sát, nhưng bị từ chối. Ông khuyên vợ Mục Sư Trường nộp đơn khiếu nại, nhưng cho biết “không có hy vọng nước cờ pháp luật này sẽ thành công.”

Ngày 5 tháng 7, công điện cho biết, có 10 lãnh đạo trong phong trào hội thánh tại gia tới thăm Mục Sư Trường trong bệnh viện. Họ gặp mặt và cầu nguyện với Mục Sư Trường trong 3 tiếng đồng hồ. Tất cả các mục sư này đều tin rằng ông Trường không có dấu hiệu bệnh tâm thần và đồng ý ký thỉnh nguyện thư xin thả ông ra.
“Một đồng nghiệp người Anh nói, vào cuối tháng 6, ông Trường được đặt vào danh sách tù nhân lương tâm được Liên Âu quan tâm đặc biệt,” công điện viết.

Tòa Ðại Sứ Anh muốn gặp Mục Sư Trường, nhưng phía Việt Nam chưa trả lời.
Chính phủ Ðức cũng quan tâm. Người điều tra viên nhân quyền chính phủ Ðức tại Hà Nội nói chuyện với Luật Sư Ðài về vụ này, và hứa sẽ nêu vấn đề với chính phủ Việt Nam.
Bức công điện này chính thức yêu cầu Bộ Ngoại Giao triệu tập đại sứ Việt Nam, và cung cấp những điều cần nói, trong đó, có điều “chúng tôi yêu cầu thả Mục Sư Trường vô điều kiện.”

Thả, với điều kiện
Phải tới tháng 9, 2006, Mục Sư Trường mới được tha. Nhưng, trước khi cho ông về nhà, chính quyền ép ông ký một bản văn thú nhận mình có bệnh tâm thần, theo một công điện đề ngày 20 tháng 9, 2005.
“Mục Sư Trường nói, điều kiện họ thả ông ra, là ông phải ký một văn bản do Viện Kiểm Sát Nhân Dân Ðồng Nai soạn thảo, mang tựa đề 'Biên bản Thông báo Quyết Ðịnh Ngừng Biện pháp Ðiều trị Bắt buộc.' Văn bản này trong đó nói ông Trường bị bệnh hoang tưởng, được điều trị và tạm thời bình thường, và do đó được đưa về nhà để tiếp tục điều trị.”

Ông nói các quan chức không chịu đưa ông bản sao biên bản dù ông nhiều lần yêu cầu. Họ cũng không cho ông “viết thêm vào biên bản là ông không đồng ý với chẩn đoán.” Họ bảo ông rằng “ông muốn thì sau này khiếu nại.”
Ðây là một văn bản nguy hiểm, và Tổng Lãnh Sự Winnick cũng nhận biết điều này. “Ông có nguy cơ bị (bắt lại) nếu trong tương lai ông lại 'không đi đúng đường lối.'”

Và lý do ông được thả, cũng không phải vì Việt Nam tôn trọng gì quyền làm người của ông, mà, theo Tổng Lãnh Sự Winnick, “một phái đoàn tỉnh Ðồng Nai đang chuẩn bị đi Mỹ vận động đầu tư vào tỉnh nhà.”
.
.
.

No comments: