Thursday, November 24, 2011

KHÁCH SẠN, NHÀ TRỌ THÀNH KHO CHƯA HÀNG LẬU (Phi Hùng/Người Việt)



Phi Hùng/Người Việt
Wednesday, November 23, 2011 4:16:48 PM

QUẢNG NAM - Gần đây, khu vực miền Trung, đặc biệt là các khu nhà trọ ở những huyện miền núi, những nơi vắng vẻ, ít có người qua lại ở tỉnh Quảng Nam, nhà trọ mọc lên rất nhiều, dường như suốt cả một năm trời không thấy mấy người khách nhưng chủ của nó thì lại giàu phất lên.
Họ vẫn đóng thuế đều đặn, vẫn im ỉm đóng cửa. Và chỉ có một số dân buôn lậu cùng một vài người biết chuyện, có máu mặt trong khu vực mới rõ được nguồn thu bất chính của nó.
Chúng tôi vào vai dân buôn gỗ huỳnh đàn (một loại gỗ quí bán sang Trung Quốc theo đường “tiểu ngạch”), mua trầm, kỳ nam... Gặp một đầu mối, đến một nhà trọ bình dân, chuyên trung chuyển hàng lậu ở huyện Trà My, Quảng Nam, gặp bà H., chủ nhà trọ, bà thăm dò: “Cậu ăn hàng loại nào? Cỡ bao nhiêu ký?”
Sau khi tôi trả lời một loạt các câu hỏi “thử lửa,” thấy đủ tin để nói chuyện làm ăn, bà H. cho biết: “Ở đây, tui sẽ giúp cậu trung chuyển hàng trong vòng mười ngày đến ba tháng, đàn em khá đông, đương nhiên là cậu không được gặp họ và tốt nhất là không biết họ là ai, cậu phải thật thà, nếu không, tụi nó xử cậu bất kỳ giờ nào!”
“Tụi tui có một yêu cầu, cậu tuyệt nhiên không được chơi với báo chí, nếu lỡ chơi rồi thì đừng bao giờ cho tụi nó bước tới đây, và hơn hết là mỗi khi có công an khu vực đến kiểm tra, cậu phải chung một chục 'chai' (1 triệu đồng, tiếng lóng của dân buôn lậu và cá độ) phát sinh, bình thường thì để tui lo lót cho họ, cậu cũng không được xuất hiện nhiều ở đây!”
Tôi gật đầu hứa sẽ thự hiện đúng như bà H. yêu cầu, ba ngày sau hàng sẽ tới, trong ngày mai nếu hàng không có trục trặc gì thì tôi sẽ giao trước bà một nửa tiền thuê phòng và giao mấy giấy chứng minh nhân dân (thẻ căn cước) cho bà.

Dùng thẻ căn cước để buôn lậu
Kể đến đây, có lẽ độc giả sẽ hỏi tại sao lại thuê hai chục phòng và giao hai chục thẻ chứng minh nhân dân?
Ðơn giản, phòng họ xây ra để chứa hàng lậu, những thứ hàng luật cấm mua bán đều được vận chuyển thông qua nhiều đường như treo băng rôn “xe tìm mộ liệt sĩ” để chở, mượn xe cán bộ cao cấp vận chuyển, mượn xe kiểm lâm để đưa hàng đến nơi tập trung... Nhưng chung qui, phải có trạm trung chuyển.
Hiện tại, không có trạm trung chuyển nào an toàn hơn các nhà trọ, khách sạn loại bình dân. Thường thì nguyên tắc hoạt động của khách sạn, nhà trọ là chủ đến trình báo, đăng ký số khách tạm trú tại công an khu vực. Khi đi trình báo, đăng ký, họ phải mang theo giấy chứng minh nhân dân của những người khách tạm trú. Và khi đã thông qua thủ tục này, phòng của khách sạn, nhà trọ được xem như một căn nhà tạm thời của khách, không ai được xâm nhập nếu chưa có sự đồng ý của khách trọ.
Ðương nhiên là cán bộ (dù luật pháp không qui định) vẫn có thể kiểm tra đột xuất không cần lý do gì ở bất kỳ phòng nào, giờ nào của khách sạn. Ðiều này không có luật nào qui định như vậy, nhưng đã xảy ra nhiều lần.
Lấy một số giấy chứng minh nhân dân đến khai báo (trong đó có cả chung chi cho cán bộ an ninh để họ “miễn” kiểm tra đột xuất), tuồn hàng lậu vào những phòng đã đăng ký và đóng cửa, đợi đến chuyến đưa đi. Thủ tục đơn giản, gọn nhẹ.
Hôm sau, tôi báo cho bà H. biết tình hình hàng của tôi ổn, tôi cần hai phòng trong vòng 20 ngày. Bà cho biết số tiền tôi phải trả là hai mươi triệu đồng (tương đương $1,000). Tôi thắc mắc sao giá phòng quá cao như vậy trong khi tôi muốn làm ăn lâu dài, bà H. cười: “Cậu đúng là tính toán quá keo kiệt, sao cậu không tính luôn tiền tui chung công an?”
“Phòng bình dân, giá bèo nhất cũng bảy chục ngàn đồng cho một đêm, vậy hai phòng là 140,000 đồng mỗi đêm. Hai mươi đêm phải là hai triệu tám trăm ngàn đồng. Cộng thêm mười triệu tiền chung cho công an, sáu triệu tiền bảo kê, như vậy là đứt hai chục triệu rồi. Mà hai phòng chứa hàng thì là bạc tỉ, cậu còn muốn chi nữa!”
Tôi gật đầu, bà H. nói tiếp: “Huỳnh đàn đang ăn giá, bữa nay Tàu nó mua đến năm 'chai' một ký, cậu chứa hai phòng thì tệ chi cũng là hai tấn, cậu kiếm bạc tỉ, cậu nên cho thêm tụi bảo kê để sau này nó giúp cậu!”
Tôi hỏi lòng vòng một hồi, bà H. để lộ ra tên ông T. bảo kê khu vực. Ông này khét tiếng giỏi võ, đánh ác đòn và có mấy đệ tử ruột làm trong ngành an ninh, đàn em thì nhiều vô kể... Khu vực ông sống, nếu chỉ mỗi công an bảo kê thì không xong với ông, vì ông có thể cho đàn em đến quậy phá, lật tẩy. Chính vì vậy mà sau khi chung chi cho công an, dân buôn lậu phải nhờ đến ông T. bảo kê.
Tạm biệt bà H., chúng tôi qua Phước Sơn, ở đây, dường như nhà trọ nào ở đây cũng dùng để chứa hàng chuyển sang Trung Quốc, chủ yếu là gỗ quí, thú rừng, động vật quí hiếm trong danh sách đỏ.
Khác với khu nhà trọ của bà H. bên Trà My, các chủ nhà trọ ở Phước Sơn thường không trực tiếp bàn chuyện với khách, họ có một đội bảo kê chuyên cho việc này. H., làm bảo kê cho khu nhà trọ thị trấn cho biết: “Tụi này tính tiền trọ theo giá trị hàng hóa, cứ hàng bảng A (ngà voi, trầm, kỳ nam, gỗ huỳnh đàn) là ít nhiều mặc kệ, mỗi đêm hai triệu đồng, bảng B thì một triệu đồng. Cứ vậy mà tính.”
“Chuyện cớm (công an) thì bọn này không biết, ông cứ sang hỏi thẳng tụi nó, nó chịu thì làm. Ông cứ chung tương đương tụi này hoặc cao hơn một chút là tụi nó chịu à! Nếu tụi nó bật đèn xanh thì tụi này sẽ giúp ông, tụi nó mà không chịu thì khó đó, ông phải chung tụi này gấp năm lần tụi này mới dám làm, lạng lách mệt lắm!”
“Ông cứ đến quán cà phê con nhỏ Th., thương lượng với nó, nó là chỗ đại diện của mấy ông cớm, cứ nói với nó cái gì ông cần. Nó chịu thì phải chung tiền ngay và bắt tay vào việc. Ðương nhiên là ông phải thật thà, chứ ông đóng vai này vai nọ vào đó mà định hốt tụi tui thì xem như ông xong đời!”
“Ở đây làm ăn có luật, luật nhà nước không bằng luật rừng đâu ông ạ! Ông phải biết là để tồn tại gần hai chục năm nay, tụi tui bắt buộc phải có sức mạnh riêng từ trên xuống dưới, nên ông đừng mơ hồ nếu có ý định khác, tôi khuyên ông nếu như vậy thì nên đi khỏi đây càng sớm càng tốt!”
Tôi cười, chìa tay ra bắt tay, siết mạnh tay với H., tiếp tục đến quán cà phê của Th.

Xứ sở của đường lên... thiên đường
Th. Năm nay 25 tuổi, có 3 đời chồng và 2 đứa con, hiện đang là bồ nhí của một sếp cấp tỉnh. Mỗi tuần Th. xuống thành phố hai ngày để gặp gỡ sếp lớn, thời gian còn lại, Th. giao du với mấy cớm khu vực để kiếm thêm chút “cháo.” Tuy chân yếu tay mềm nhưng là người có thế lực nên Th. nói chuyện rất tự tin, mạnh miệng.
Sau khi nghe tôi nói ý định thuê phòng trọ chứa hàng, cần bảo kê của các cớm, Th. phán: “Anh chung cho thằng H. một đồng thì chung cho em một đồng rưỡi, cứ thế mà nhân lên, bảo đảm anh đi đến nơi về đến chốn. Trúng mánh, cần lên thiên đường thì đến đây gặp em, em chỉ đường cho mà đi!”
Tôi hỏi Th. liệu tôi có thể chung thêm cho Th. cao hơn một chút để khỏi phải chung cho H., Th. cười: “Không được, làm vậy thành ra mình phỗng tay trên, anh nên thật thà, cứ chung đủ!”
Tôi hỏi thêm Th., trường hợp tôi thay đổi chỗ trọ thì nên đến đâu cho an toàn, Th. cười: “Anh có thể đi bất cứ khách sạn, nhà trọ nào trong huyện này, tụi em đều bảo kê hết, và tụi em sẽ phục vụ anh đến tận chân răng, mọi nơi đều an toàn!”
Tôi tạm biệt Th., nói là đi rút tiền, tức tốc rời khỏi cái nơi mà Th. có thể cho lên thiên đường bất kỳ giờ nào nếu như đất ở địa ngục đang sốt giá!

.
.
.

No comments: