Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [8]
Đăng ngày 26-2-2009
Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu đã từng nói: “Đừng nghe những gì CS nói, hãy nhìn những gì CS làm”.
Tôi sợ anh đi quá xa không có lợi nên tôi khéo léo kéo tay anh. Tay cán bộ có quân hàm lớn nhất (làm ra vẻ tự nhiên tuy khuôn mặt đã méo xệch vì tức giận) nói với anh Long
- Đề nghị anh Long bình tĩnh, có gì anh em cứ trình bày, nhưng phải bình tĩnh, những thắc mắc của anh em chúng tôi sẽ ghi lại và trình lên cấp trên ..sẽ có ý kiến.
Buổi thảo luận đầu tiên kết thúc trong sự căng thẳng.…trên đường về buồng giam chúng tôi trao đổi với nhau về cuộc thảo luận. Anh Đăng cười vui vẻ, anh nói theo giọng Sài Gòn.
- Dui quá, không hẹn mà gặp ai cũng suy nghĩ giống nhau, lần này bố chúng nó cũng không trả lời được.
Anh PADũng ở một tổ khác cười rất tươi, nghe anh em bên này nổ ..quá, bên chúng tôi cũng nổ. Tôi -Thành, anh Phương cũng làm cho chúng nó lúng túng. Cũng là vấn đề Trường sa - Hoàng sa thôi.
Rất tiếc trong thời điểm mà chúng tôi thảo luận (vào năm 1996) chúng tôi không hề biết về công hàm của Phạm Văn Đồng ký năm 14/09/1958, nếu lúc đó chúng tôi có được thông tin đó thì CSVN sẽ bẻ mặt như thế nào.
Công hàm bán nước của tập đoàn cộng sản Việt nam ký bởi vc Phạm văn Đồng
Buổi chiều chúng tôi tập trung thảo luận về quy chế trại giam, về điều kiện chăm sóc sức khoẻ, khẩu phần ăn và những hạn chế trong tiêu dùng của chúng tôi.
Tôi, anh Nguyễn ngọc Đăng, anh Nguyễn kim Long, anh Nguyễn văn Trung đều tập trung vào hai đề tài này. Anh Đăng ý kiến trước, cũng là ý kiến đại diện của chúng tôi.
- Về chỗ ở chúng tôi ghi nhận rằng chúng tôi có chỗ ở rộng rãi, và một vườn hoa cây cảnh đẹp, giờ giấc sinh hoạt thoải mái nhưng thời tíêt mùa hè nóng quá, yêu cầu cho chúng tôi mua quạt để xữ dụng, yêu cầu trại cho chúng tôi một cái Tivi màu, nếu trại khó khăn tài chính chúng tôi sẽ bỏ tiền ra mua.
Còn về mức sống của trại quá thấp, tiêu chuẩn cho một người tù mỗi tháng chỉ có 3 lạng thịt, 5 lạng cá, 3 lạng đường, 2 lạng xà bông, nửa lít nước mắm là quá ít. 5 lạng cá thì thường là cá muối hư thối, không thể ăn được, nửa lít nước mắm cũng không ăn được. Cho nên chúng tôi đề nghị trại dỡ lệnh phong tỏa tiền bạc để chúng tôi tiêu xài và không hạn chế số lượng và trọng lượng bưu phẩm.
Chúng tôi muốn giúp đỡ những anh em thiếu may mắn của chúng tôi vì trại không cấp đủ nhu cầu cho họ sống còn được, nên để chúng tôi làm điều đó. Việc hạn chế sự ăn uống của chúng tôi là vi phạm nhân quyền, việc cấm chúng tôi giúp đỡ nhau trong hoàn cảnh ngặt nghèo là vi phạm đạo đức, nó hoàn toàn phi nhân tính, vô nhân đạo, nó thủ tiêu bản chất tốt đẹp của con người. Trong khi Đảng CSVN lúc nào cũng nói đến chính sách nhân đạo, nhân đạo mà như vậy sao?
Người đại diện của Bộ CA trả lời chúng tôi như thế này:
- Mỗi tháng các anh được cấp 15kg gạo với rau xanh, 3lạng thịt, 5lạng cá, 3lạng đường. Chúng tôi tính về khẩu phần như vậy là đủ lượng calo cho 1 người.
Còn việc các anh muốn giúp đỡ bạn bè chúng tôi không cấm nhưng các anh phải xin phép cán bộ quản giáo nếu muốn giúp ai. Còn việc hạn chế số tiền tiêu dùng, số quà được phép nhận hàng tháng là để tránh những hiện tượng tiêu cực: Vì có một số người dùng số tiền gia đình gởi vào để đánh bạc, cá độ, một số khác dùng tiền bạc để mua chuộc dụ dỗ người khác làm việc xấu.
Đến đây anh em không chịu nỗi, nhiều người giơ tay xin ý kiến, tôi thấy có anh Nguyễn kim Long và nhiều người khác, anh NKL không chờ cán bộ đồng ý đã lên tiếng:
- Tôi không đồng ý với cách giải thích của cán bộ. Thứ nhất: Tiêu chuẩn dành cho một người tù mà cán bộ gọi là “đủ calo” là một tiêu chuẩn giết người. Không ai có thể sống được với cái tiêu chuẩn như vậy. Tôi là một bác sĩ, tôi biết một con người cần gì để sống, con người cần thịt, cá, trứng, sữa….đường. Không ai có thể sống được với cơm rau và muối trắng một khoảng thời gian dài như chúng tôi, 10 năm, 20 năm, chung thân. Làm sao chúng tôi có thể sống được, đây là bản án tử hình được thực hiện từ từ, nó cực kỳ vô nhân đạo. Thử hỏi các vị, trong thời VNCH, quý vị bị chính phủ của chúng tôi giam giữ, quý vị được đối xữ như thế nào. Nhiều người của quý vị ở tù nhưng còn có tiền gởi về nuôi gia đình…vì lúc đó chế độ CH tạo công ăn việc làm cho quý vị để quý vị hoàn lương.
Đến đây nhân viên bộ CA không chịu được giơ tay ngắt lời anh Long.
- Thôi…thôi..đủ rồi đó anh Long, chấm dứt cái luận địệu của anh đi.
Trước khi ngồi xuống anh Long nói thêm -Đó là sự thật.
Anh NNĐ cũng không chờ cho phép có ý kiến.
- Ai dùng tiền của gia đình gởi vào để đánh bạc, cá độ thì trại xử lý người đó, không thể vì họ mà hạn chế người khác, ở đây chúng tôi không có tiền mua thức ăn đắt như vàng thì lấy tiền đâu mà đánh bạc.
Còn cái gọi là “mua chuộc” người khác là không đúng, quan hệ của anh em chúng tôi là tương kính và trách nhiệm như một gia đình. Đây là cách để các vị cô lập chúng tôi.
Tôi cũng lên tiếng:
- Việc giúp đỡ cho các anh em gặp khó khăn là xuất phát từ lương tâm, từ nhân tính, chẳng lẽ mỗi lần giúp anh em một gói mì để ăn tối mà phải báo cáo với lãnh đạo, xin phép rồi mới cho, hoặc người bệnh lúc đêm hôm, một lon sữa cũng phải chờ sáng mai lên xin phép cán bộ. Quý vị muốn biến chúng tôi thành những người máy, muốn thủ tiêu nhân tính của con người, tiêu diệt cái quý giá nhất của một con người đó là lương tâm là nhân tính hay sao?.
Đứng trước những lập luận như thế họ không thể bác bỏ được bằng những lời lẽ nguỵ biện nên họ chỉ hứa sẽ xem xét ý kiến của chúng tôi.
Chiều về trao đổi với anh em tôi mới biết ở tổ bên kia, anh Lê Hoàng Sơn, PVT và PADũng nổ còn hơn bên này.
Sau đợt học tập chính trị chúng tôi bị đưa đi lao động ở bên ngoài. Đầu giờ lao động chúng tôi tập họp ở ngoài sân trại và đi làm như mọi người. Đội của chúng tôi do anh Lê Hoàn Sơn làm đội trưởng, chúng tôi làm việc ở khu vườn trồng rau xanh, bên cạnh con đường đất đỏ, ở đó có một xưởng cắt gạch, gạch lót nền được cắt từ những tản đá vôi, những mảnh đá nhỏ còn lại chúng tôi đập thành đá 1x2.
Một hàng dừa bên cạnh ao nuôi cá nhỏ, mấy cây mít to tán lá sum sê trải rộng và khá nhiều trái, những cây mít này do những cựu tù của VNCH trồng, một giếng nước xây bằng đá, nước trong vắt.
Chúng tôi được giao chỉ tiêu mỗi người 4 xô 10 lít đá 1x2/một ngày. Công việc này có rủi ro là có thể hỏng mắt vì đá văng phải. Chúng tôi bảo nhau không nên làm đúng chỉ tiêu giao khoán vì nếu làm đúng chỉ tiêu này thì sẽ được nâng lên đến mức nào không ai biết chắc, lúc đó mọi người sẽ vất vả. Hàng ngày chúng tôi chỉ đập được 3 xô hoặc 3 xô rưởi. Anh NNĐ chỉ được hai xô. Tôi, anh Đăng và một số người khác không hoàn thành mức khoáng nên bị gọi lên gặp cán bộ để làm việc. Chúng tôi trình bày không thể đập đá nhanh hơn được vì sợ đá văng vào mắt. Cán bộ quản giáo là người khó tính và rất hay vòi vĩnh. Đội chúng tôi có một số anh em bên thường phạm được biên chế vào để kiểm soát, theo dõi chúng tôi nhưng một thời gian ở chung họ tỏ ra mến chúng tôi ..Tôi thấy họ là những người rất tốt, rất dễ mến, tính tình nhu hoà ăn nói gãy gọn. Một anh tên là H, quê ở Thái Nguyên, tội buôn bán ma tuý. H là một người thanh niên lịch sự lễ độ và thông minh nhưng vì cuộc sống nghiệt ngã, cái đói nghèo và bế tắc đã đẩy anh vào con đương tội lỗi nhưng H vẫn là một con người có lương tri. Với anh bán ma tuý để kiếm một ít vốn rồi giải nghệ, kiếm một việc kinh doanh lương thiện…nhưng chỉ lần đầu tiên là đã bị bắt, cơ hội đổi đời không thành, xa vợ xa con, ở trong tù bị chèn ép. Trong một lần làm việc với cán bộ, tôi gặp anh H này mang quà đến cho cán bộ. Thấy tôi, anh hơi lúng túng, còn tay cán bộ thì vẫn tỉnh bơ. Tôi biết cuộc sống đói khổ trong tù không ai tự nguyện mang quà cho cán bộ cả, mà người ngửa tay nhận món quà này cũng là một thứ máu lạnh. Đây là việc trái tự nhiên, một người thiếu đói lại đi tặng quà cho một người dư thừa.
Tôi bước vào căn phòng nhỏ, tay cán bộ điềm nhiên cất hộp bánh ra hiệu cho anh H đi về. Với một thái độ hơi trịch thượng tay cán bộ quản giáo hạch sách tôi về cái gọi là thái độ cải tạo của tôi. Tôi thẳng thắn bác bỏ.
- Tôi xin minh định với cán bộ là tôi ở tù vì một sự chụp mũ với tội danh mơ hồ và vi phạm công ước quốc tế về các quyền dân sự - chính trị của Đảng CSVN. Tôi bị cưỡng bách lao động, tôi không có tội gì để cải tạo cả.
Tay cán bộ trân tráo nói với tôi với cái luận điệu cũ rích, luận điệu lưỡi gỗ mà chế độ này vẫn trả lời khi bị cộng đồng quốc tế lên án về những vi phạm nhân quyền.
- Anh không có tội sao bị bắt.
- Tôi bị bắt vì lý do chính trị, đảng CS muốn bịt miệng không cho tôi nói lên sự thật tại VN, cái sự thật mà nhân loại cần biết về những tôi ác của chế độ.
- Ở VN không có tù chính trị, chỉ có những người vi phạm luật pháp.
- Tôi không tranh luận với cán bộ về vấn đề này ở đây..nếu chế độ này có bản lĩnh và muốn chứng minh ở VN không có tù chính trị thì hãy mở ra một diễn đàn để tranh luận công khai công bằng với sự chứng kiến của báo chí quốc tế.
Quay lại với vấn đề mức khoán của tôi hắn nói:
- Nếu anh không hoàn thành mức khoán thì tôi buộc lòng phải lập biên bản kỷ luật anh với những biện pháp chế tài..anh biết rồi đó.
Tôi được ra về với lời cảnh cáo như vậy.
Chúng tôi trao đổi với nhau là những anh em nào thừa chỉ tiêu thì chuyển qua cho những anh em thiếu. Thứ nhất để tránh sự khó khăn và nguy cơ kỷ luật cho những anh em thiếu và cũng không tạo cơ hội để chúng nó nâng chỉ tiêu lên.
Một vài tuần như vậy trôi qua, bất ngờ quyết định của BGT trại buộc chúng tôi phải làm tăng lên gấp đôi.
Chúng tôi phản đối, anh Lê Hoàng Sơn -đội trưởng đại diện cho chúng tôi ý kiến.
- Cán bộ về trao đổi với BGT, với mức khoán 4xô, anh em khó khăn lắm mới hoàn thành được, bây giờ nâng lên 8 xô làm sao chịu đựng nổi.
Tay cán bộ an ninh trại thấy thái độ anh em cương quyết, nó tìm cách dụ dỗ.
- Hiện nay trại đang thi công xây dựng khu nữ, vì nhu cầu về đá dăm nên chúng tôi mới nâng chỉ tiêu lên, mong các anh chia xẻ với khó khăn của trại, chỉ tạm thời một hai tháng thôi. Khi xong công trình các anh trở lại làm việc với mức khoán cũ.
Chúng tôi biết đây là cái mánh lới để đánh lừa chúng tôi, nếu chúng tôi đồng ý với mức khoán này thì mãi mãi sẽ không có sự thay đổi nào hết.
Anh Lê Hoàn Sơn trình bày ý kiến của anh em
- Nếu trại đang thi công, cần đá dăm thì sao lại không đi mua. Đá dăm đâu có bao nhiêu tiền, nếu anh em chúng tôi có làm 20 xô một ngày thì số lượng cũng chẳng đáng là bao, hơn nữa trại có ngân sách của mình chứ làm gì có chuyện xây dựng một công trình mà không có ngân sách từ Bộ rót về. Đội chúng tôi đa phần là những người già, còn số trẻ thì sức khoẻ yếu. Chúng tôi không thể thực hiện theo yêu cầu của BGT được.
Những ngày sau đó là những ngày rất căng thẳng, vì không ai hoàn thành nỗi chỉ tiêu, từng người một bị kêu đi làm việc, với lời lẽ đe doạ kỷ luật, có một số người vì sợ nên đã cố sống cố chết làm cho đủ mặc dù đã được anh em khuyên nên cùng với anh em đấu tranh chứ đừng làm thế, vừa thiệt cho bản thân vừa đẩy anh em vào thế bí nhưng ở tập thể nào cũng vậy, luôn có sự xé rào và lần này sự xé rào đã đẩy anh em vào khó khăn. Khi bị gọi lên làm việc cán bộ an ninh đã đưa những người đó ra làm điển hình để ép chúng tôi.
- Tại sao các anh không làm được mà anh a,b,c làm được. Các anh cũng như anh ấy thôi, vấn đề là các anh có ý muốn chống lại không chịu cải tạo.
Chúng tôi họp lại để phân tích tình hình, ai cũng có cùng một nhận định: Đây là cách họ trả đủa đối với chúng tôi về những phát biểu trong lần học chính trị vừa qua, và không loại trừ họ dùng cái cớ này để kỷ luật chúng tôi. Chúng tôi chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và cũng là tình huống có nhiều khả năng nhất.
Đây là chiến dịch trấn áp chúng tôi, đẩy chúng tôi vào tình thế một là quy phục hoặc sẽ đi cùm.
Chúng tôi nhất quyết chọn phương án đi cùm
Buổi trưa khi mọi người đã đi ngủ anh Nguyễn ngọc Đăng gọi tôi ra một góc riêng để thông báo cho tôi một quyết định, anh nói:
- Tình hình này chúng nó muốn đẩy anh em vào kỷ luật, không cách gì tránh được, đây là chủ đích của họ, nếu chúng ta cố gắng hì hục làm đủ 8 xô thì vài ngày sau chúng nó sẽ nâng lên 12 xô rồi 16 xô. Bọn CS thì mình còn lạ gì, đây là một sự trả thù.
Tôi đồng ý với anh Đăng
- Chỉ còn có cách là đi kỷ luật thôi.
Anh Đăng nhìn tôi
- Trong anh em mình nhiều người bệnh hoạn già yếu. Ông cũng đâu có khoẻ. Ở lâu trong biệt giam anh em mình chịu có nỗi không. Tôi dù sao cũng có quốc tịch Canada. Tôi rất lo cho ông và Cường.
Tôi có cách này, tôi chỉ nói một mình ông biết thôi. Tôi sẽ dùng dao sắc đâm vào bụng để phản đối.
Tôi giật mình nhìn anh và dứt khoát nói với anh:
- Không được đâu, như vậy thì nguy hiểm quá, lỡ nó chạm vào chổ hiểm thì sao, chết như chơi. Ở đây xa bệnh viện, chúng nó bỏ liều, nhiễm trùng cũng đủ chết. Thôi…thôi..không được đâu, nguy hiểm quá!.
- Ông đừng lo, đây là sở trường của tôi, tôi sẽ dùng một con dao nhỏ, sát trùng thật kỹ. Tôi sẽ đến trước mặt tay cán bộ quản giáo tuyên bố phản đối sự đàn áp của trại nhắm vào tù chính trị..và đâm vào chỗ này..đâm đến đây thôi (anh Đăng đưa con dao nhỏ trắng bóng cho tôi xem) ngập hết chỗ này thì mới qua lớp mữ bụng thôi.
Tôi vẫn phản đối kịch liệt
- Không được đâu, lỡ nó chạm vào ruột thì sao. Thôi bỏ chuyện này đi, tôi xin ông..đừng giỡn với tử thần
Anh Đăng vẫn cười một cách tự tin
- Không sao đâu, ông cứ tin ở tôi
Tôi vẫn phản đối,
- Chuyện này nguy hiểm quá, bỏ đi ông ạ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment