Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [7]
Đăng ngày 25-2-2009
Ba ngày Tết qua nhanh, những người thợ hồ đã đi làm trở lại, buồng bên cạnh sắp hoàn tất, những cánh cửa được lắp vào và một ngày thật bất ngờ, khi cánh cửa sắt của khu mở ra và mấy anh em chúng tôi gọi là nhóm “Thập toàn” xuất hiện với đồ đạt khệ nệ trên tay. Chúng tôi vui mừng như được đoàn tụ với người thân. Ba người được anh em chào đón nồng nhiệt nhất tất nhiên là Phạm văn Thành-Nguyễn ngọc Đăng và Phạm anh Dũng, trong anh em họ là những người hùng, nhất là Phạm Văn Thành được anh em yêu quý nhất. Họ dành cho Thành tình cảm đặc biệt vì Thành là người năng nổ nhất- gần gũi với anh em nhất, chia sẽ với anh em nhiều nhất cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi chưa thấy một người nào đối xữ với anh em tốt như anh Thành.
Tôi vào Xuân Phước cuối năm 1993, anh Trần Tư và Gs Đoàn Viết Hoạt bị chuyển đi Bắc mấy tháng sau đó, tôi chưa có dịp nói chuyện và làm quen với anh Trần Tư, nhưng qua anh em tôi được biết anh Trần Tư là người hào phóng, chia xẻ với anh em rất nhiều.
Những ngày sống ở Thanh Hoá, Thành đã chia xẻ tất cả những gì mình có, từ thuốc men, tiền bạc quà cáp, phải nói Thành là một người luôn ở bên cạnh mọi người lúc khó khăn.
Một thời gian sau đó, cuộc sống của chúng tôi có sự điều chỉnh, vì trại có nới bớt sự hạn chế áp đặt bấy lâu lên chúng tôi, có lẽ vì sự quan tâm của những đoàn Đại sứ Pháp,Mý,Canada.
Tôi và anh Nguyễn Ngọc Đăng nói chuyện với nhau nhiều hơn, anh Đăng hơn tôi một tuổi, có nhiều điểm chúng tôi giống nhau, cái giống nhau nhiều nhất là sự thoải mái trong giao tiếp.
Anh Đăng là một con người cởi mở, nói năng bộc trực đôi lúc thiếu tính ngoại giao nên làm mất lòng nhiều người.
Anh không kiêng nể ai, bất bình là nói bất chấp hậu quả, có lần trong cuộc tranh luận về những quyền Tự do Dân chủ với một số cán bộ của trại Thanh Hoá, anh đã so sánh Việt Nam với Canada, anh nói, ở Canada, chính phủ phải có trách nhiệm lo cho dân, phục vụ dân, luôn phải lắng nghe ý kiến của dân qua những cuộc thăm dò ý kiến hoặc trưng cầu dân ý. Chính phủ hiểu người dân muốn gì nghĩ gì, sau đó họ sẽ đưa ra những quyết định hợp lòng dân, không phải như ở VN, Đảng CS quyết định tất.
Mấy tay cán bộ trả lời anh: Vì Đảng chúng tôi là Đảng lãnh đạo.
Anh Đăng hỏi: Nhưng ai quyết định cho Đảng CS lãnh đạo.
Mấy cán bộ trả lời: Dân.
Anh Đăng hỏi: Dân nào, phải có bầu cử Tự do chứ, phải có sự giám sát của quốc tế và có sự chạy đua giữa các đảng phải với nhau để người dân chọn lựa chứ, còn ở đây các ông một mình một chiếu, vừa đá bóng vừa thổi còi, người dân không có quyền lựa chọn nào cả. Không bầu cử cho các ông thì bầu cho ai. Có ai tranh cử đâu ?.
Cán bộ: -Mỗi nước mỗi khác, ở Việt nam chúng tôi có luật pháp của Việt nam, không sao chép khuôn mẫu luật pháp nước khác.
Anh Đăng: Đó là khuôn mẫu và giá trị chung của loài người tiến bộ văn minh. Đảng CS các ông và các chế độ độc tài khác chỉ là thiểu số. Cán bộ và ai cũng biết chế độ độc tài nào cũng nghèo đói lạc hậu cả, ai cũng muốn có dân chủ và sự giàu có, người dân VN cũng vậy nếu họ được tự do lựa chọn…
Một tay cán bộ không kìm được sự tức giận, hắn hỏi xách mé:
- Anh Đăng án mấy năm?
Anh Đăng nhìn với một chút ngạc nhiên nhưng cũng trả lời:
- 20 năm.
- Anh ở hết 20 năm rồi về Canada đã nói chuyện dân chủ.
Câu nói này làm anh nỗi xung..và không kiềm chế được
- Nói với các người, nói với đầu gối còn hơn.
Anh bỏ đi, mọi người ai cũng sững sốt và lo lắng. Mấy tay cán bộ đứng đờ người ra.
Câu nói của anh rất nặng..nhưng hoàn toàn đúng..chỉ có là không ai dám nói như vậy..ở VN nói như vậy thì mục xương. Chắc có lẽ họ lờ đi vì anh là công dân Canada
Cùm một công dân Canada vì lý do như vậy cũng khó giải thích với Đại sứ Canada.
Sau lần đó tôi càng cảm phục anh.
Chúng tôi càng ngày càng thân nhau qua những lần uống trà. Cuộc sống của chúng tôi đỡ hơn vì có nhiều anh em nhận được quà..thăm nuôi..bưu phiếu.
Sự có mặt của mấy anh em trong tổ chức Liên Đảng của Hoàng Việt Cương đã mang đến những thay đổi lớn trong đời sống của chúng tôi.
Người ta mang hạt giống vào theo yêu cầu của một số anh em, mảnh đất trước sân khá rộng, chúng tôi trồng rất nhiều thứ rau xanh: Khổ qua, mướp, bí đao, chuối, đu đủ, mồng tơi..Từ ngày anh em “việt kiều”-Tôi tạm gọi như thế đến, BGT trại mang rất nhiều chậu hoa và cây cảnh vào, chúng tôi là những người trong nước chỉ hưởng theo thôi. Chúng tôi nhìn thấy sự khác biệt lớn lao giữa một công dân VN và một công dân nước ngoài. Chính CSVN đã tạo ra đẳng cấp và ranh giới, những “việt kiều” được đối xữ khác họ được ưu tiên trong việc khám chữa bệnh, thư từ liên lạc với gia đình dễ dàng hơn, thời gian thăm gặp lâu hơn. Còn chúng tôi, những người mang quốc tịch VN, chúng tôi chẳng là gì cả, thua cả một con vật, con vật chết người ta sợ tổn thất, chúng tôi chết chỉ mất một tờ biên bản.
Chính CSVN đã đẩy thân phận người Việt đến chỗ tận cùng của sự khinh miệt, sự rẻ rúng, chính họ đã tạo nên cái hàng rào đẳng cấp giữa công dân việt nam và công dân ngoại quốc với sự khinh trọng khác nhau.
Chính CSVN đã tạo nên sự khác biệt về thân phận giữa một người VN và một công dân ngoại quốc, người ngoại quốc thì quý trọng, người VN thì hèn mạt và CSVN phải chịu trách nhiệm về việc này. Họ đã làm tổn thương đến lòng tự hào dân tộc, đẩy dân tộc VN xuống hàng man di mọi rợ…họ đã làm xuất sắc cái mà bọn thực dân Pháp đã làm.
Cuộc sống của tôi có một sự điều chỉnh, anh Phạm văn Thành mời chú Phan văn Bàn, anh Trần nam Phương, anh Hoàng xuân Chinh và một số anh em khác về ăn chung một mâm để tiện giúp đỡ. Tôi được anh Đăng mời ăn chung với Nguyễn duy Cường -một người trong tổ chức Liên Đảng nhưng ở quốc nội. Cuộc sống của tôi từ trước đến nay vẫn tạm ổn vì luôn được gia đình quan tâm, không nhiều nhưng tôi cũng không thiếu thốn, ăn chung với anh Đăng cuộc sống của tôi dễ chịu và đầy đủ hơn rất nhiều.
Mấy tháng sau Bộ CA tổ chức tuần học tập về chính trị, lịch sử Việt Nam. Họ bắt buộc mọi người phải học, và trong mỗi ngày đi học mỗi người được bồi dưỡng hai lạng thịt heo. Tôi cáo bệnh không đi. Mấy nhân viên công an của Bộ đến hỏi từng người sao không đi (khoảng 3-4 người không đi) cùng với CA của bộ còn có Doãn Hồng Phong phụ trách trạm xá -thượng uý Công an). Phong là một người cao gầy, có khuôn mặt khó đăm đăm, hắn ta luôn có thái độ hằn học với anh em vì mặc cảm chăng? Hay đơn giản chỉ là cái bệnh chung của những người CS là thù ghét những người dân chủ. Đặc biệt hắn tỏ ra không ưa tôi từ lần gặp đầu tiên. Tôi bảo bị đau răng, hắn yêu cầu há miệng cho kiểm tra. Tôi có bị đau răng nhưng không đến nỗi không đi được. Tôi không thích phải ngồi từ ngày này sang ngày khác để nghe luận điệu tuyên truyền, tôi đã phát ngấy cái chuyện này rồi.
Qua ngày thứ nhất, đến ngày hôm sau thì chia nhóm ra để thảo luận. Tôi vẫn cáo bịnh nằm nhưng khi nghe anh em thảo luận tôi thấy đây là cơ hội để tranh luận, trình bày quan điểm của mình.
Chiều hôm đó tôi tự nguyện tham gia buổi học, người ta cấp giấy bút cho tôi, mỗi tờ giấy đều đánh số để sau này thu lại, chỉ được ghi chép nhưng không được mất tờ giấy nào.
Lần này chúng tôi nghe họ trình bày về thế và lực của “Cách mạng VN”. Chính sách đối nội và đối ngoại của CSVN trong thời kỳ “hội nhập-đổi mới”
Đó là năm 1996, sau một năm bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng luận điệu của họ vẫn căm ghét Mỹ, quan hệ với Hoa Kỳ là một nhu cầu chiến lược không thể không làm..để tránh tình trạng bị cô lập…để phát triển kinh tế. Mỹ là một thị trường lớn, muốn hội nhập với thế giới không thể không quan hệ với Mỹ.
Và cũng trong những buổi học chính trị này, thái độ của họ đối với Trung Cộng đã thay đổi hẳn, không còn coi Trung cộng là bọn…nước lớn, chủ nghĩa Đại Hán bành trướng. Họ coi Trung cộng là đồng chí là anh em, quan hệ với TC trở lại như môi với răng, môi hở răng lạnh của thời Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng. Tôi biết chuyện VC..bám đuôi TC từ vài năm nay vì không còn sự lựa chọn nào khác, hơn nữa đây là sự lựa chọn có lợi nhất cho VC và sự lựa chọn này phù hợp hoàn toàn với bản chất của người CS, đó là: Thực dụng, tráo trở, vụ lợi, vô nguyên tắc và không có lý tưởng, không có giá trị gì để tuân thủ để theo đuổi.
Nguyên tắc xử thế của CS chỉ có hai chữ: quyền và lợi, tất cả mọi chính sách chủ trương đường lối đều phục vụ cho hai mục đích này.
Để đối phó với diễn biến phức tạp và khó lường đoán trước của thế giới ,VC cần có chỗ dựa. Trước đây họ coi Liên Xô là hòn đá tản, bây giờ quan hệ với TC là sự sống còn của chế độ. Người dân đang nhìn vào thế và lực của chế độ CS để quyết định thái độ của mình.
Đảng viên các cấp cũng nhìn vào thế và lực của chế độ để suy đoán tương lai chế độ đi về đâu…có vững vàng không để quyết định có nên…trung thành với Đảng CS không. Miếng bánh quyền lợi mà đảng CS đem ra chia chát để duy trì sự sống còn có lâu dài và đáng giá không?
Không có chỗ dựa từ TC, CSVN đơn độc lung lay, lúc đó người dân và các đảng viên cs có còn phục tùng, sợ hãi, ủng hộ chế độ không? Đây là nỗi ám ảnh với VC và nó sẽ vẫn tiếp tục cho dù CSVN có thành công trong việc liên kết với TC để bảo vệ chế độ cho nhau, nhưng trật tự TG sẽ luôn thay đổi, tương quan lực lượng giữa Mỹ, các nước Phương Tây và TC sẽ chuyển dịch, sự cần bằng chiến lược một ngày nào đó sẽ đổ vỡ và sự đối đầu bằng quân sự là tất yếu. Cái thiện, cái ác không thể sống chung, Tự do Dân chủ và Độc tài toàn trị không thể song song tồn tại. Đó là quy luật tự nhiên như ngày và đêm,sáng và tối.
Nhưng dù sao ngay trong thời điểm này VC cũng cảm thấy đuợc an toàn để tiếp tục cai trị một thời gian dài nữa.
Quan hệ ngoại giao với Mỹ đã thành công, liên kết chiến lược với TC đã ổn định, những người CS lúc này càng vênh váo, kiêu ngạo hơn cho nên sẽ nguy hiểm với các nhà dân chủ.
Tôi biết tương lai trước mắt còn tăm tối, việc phục hưng Tự do-Dân chủ cho Việt Nam còn xa vời, và vô cùng khó khăn. Tôi chỉ còn một chút hy vọng rằng: Người Mỹ sẽ nhận ra cái hiểm hoạ từ một nước TC đang lớn mạnh như vũ bão, một nước Nga đang bất ổn, có thể quay lại với chế độ độc tài bất cứ lúc nào và không loại trừ hai thế lực này liên kết với nhau..và người Mỹ sẽ hành động để tự bảo vệ mình và bảo vệ thế giới. Tôi vẫn luôn luôn xác tín rằng (cho đến khi tôi đang viết những dòng này) hiểm hoạ CS chỉ có thể giải quyết bằng cuộc chiến hạt nhân, hay một liệu pháp Sốc nào đó.
Kỳ vọng những người CS sẽ chuyển đổi qua con đường dân chủ là một ảo tưởng ấu trĩ và thảm hại và có thể phải trả giá bằng sự huỷ diệt của chính mình.
Sau đó chúng tôi được hướng dẫn về những câu hỏi, những đề tài cho một ngày thảo luận và viết thu hoạch.
Những đề tài, những hướng dẫn mà người ta gợi ý cho chúng tôi là để dẫn dắt chúng tôi theo một lộ trình đã được vạch sẵn, là cách áp đặt lên suy nghĩ của chúng tôi theo ý của họ. Họ không muốn chúng tôi đi vào những đề tài những lĩnh vực “nhạy cảm”.
Tổ thảo luận của tôi có: Bs Nguyễn Kim Long, anh Nguyễn Ngọc Đăng, Nguyễn văn Trung, anh Lê thiện Quang và 6 anh em khác, chúng tôi tranh luận và chất vấn họ về mọi đề tài, có những câu hỏi nằm trong nghị trình thảo luận nhưng cũng có những câu hỏi không nằm trong nghị trình. Họ chăm chỉ lắng nghe nhưng trả lời theo cách của họ.
Tôi ngồi giữa anh NVT và Bs NKL, Tôi nói với anh Trung:
- Em “nổ” trước nhé.
Anh Trung cười,
- Không không..chú mày nhường cho anh nổ trước.
Anh Trung cầm trên tay một miếng giấy đứng dậy
- Tôi muốn biết nhà nước CHXHCNVN có quan điểm và hướng giải quyết như thế nào về quần đảo Hoàng sa đã bị Trung Cộng chiếm năm 1974 và một số đảo ở Trường sa gần đây.
Họ vòng vo nói về chủ trương giải quyết vấn đề trên cơ sở thương lượng, không làm phức tạp tình hình và họ hứa sẽ thu hồi Hoàng sa và Trường sa nhưng không phải lúc này.
Anh Nguyễn Ngọc Đăng đứng dậy
- Nếu các ông sợ TC không dám đánh nhau với nó thì vẫn còn có LHQ, là một cơ chế để giải quyết vẫn đề này. Tại sao các ông không đưa vấn đề này ra toà án quốc tế. Tôi nghi ngờ về những gì các ông nói và thực tâm của các ông trong cách giải quyết vấn đề này.
Trước câu hỏi và cách đặt vẫn đề của anh NNĐ,…,họ chỉ bảo câu hỏi của anh Đăng mang tính khiêu khích.
- Không phải chúng tôi không dám đánh nhau, Mỹ là một siêu cường mạnh hơn hẳn Trung quốc mà chúng tôi còn dám đánh, vấn đề là đất nước cần có hoà bình và ổn định để xây dựng, còn chuyện nhờ LHQ và toà án quốc tế can thiệp thì chúng tôi chưa dám trả lời các anh chờ xin ý kiến cấp trên nhưng lập trường của chúng tôi là không để bên ngoài can thiệp
Anh NNĐăng nỗi nóng đứng lên một lần nữa
- Nói như quý vị thì 100 năm nữa cũng không giải quyết được vẫn đề. Như thế này không được, như thế kia cũng không được, thực ra quý vị không muốn hoặc không dám trực diện với vấn đề, không quan tâm đến quyền lợi quốc gia.
Tôi đứng lên tiếp lời anh Đăng
-Vấn đề Hoàng sa-Trường sa không phải là không giải quyết được, chỉ tại nhà nước này và đảng CS không muốn giải quyết vì sợ mất lòng Trung Cộng. Với tư cách là một công dân VN, tôi nghi ngờ về cách thức lãnh đạo đất nước của quý vị. Các vị đã đặt quyền lợi và sự sống còn của đảng CS lên trên quyền lợi và sự sống còn của quốc gia và dân tộc. Tôi muốn biết quý vị là ai? Lập trường của quý vị như thế nào? Quý vị đứng về phía nào giữa dân tộc VN và bọn bành trướng Bắc Kinh.
- Khi quý vị gọi những tên cướp nước của dân tộc chúng tôi là đồng chí, là anh em.
Họ sững sờ tuy cố giữ vẻ bình tĩnh nhưng chúng tôi thấy mặt họ tái xanh vì tức giận và lúng túng
Anh Nguyễn Kim Long đứng dậy, tay run lên vì tức giận
- Tôi cũng muốn hỏi quý vị như vậy. Quý vị là ai? Mục đích của quý vị là gì? Quý vị đứng về phía nào giữa dân tộc Việt Nam và bọn Trung cộng cướp nước? Quý vị xem họ là anh em là đồng chí thì nhân dân VN là gì của quý vị, người ta nói bạn của kẻ thù là kẻ thù. Quý vị phải chứng minh cho dân tộc VN biết quý vị là ai?
Vấn đề Hoàng sa-Trường sa là một thử thách để biết quý vị là ai. Nhân dân VN không thể không biết, không thể chờ đợi mãi mãi, (anh NKL là người rất nóng nảy).
.
.
.
No comments:
Post a Comment