Sunday, November 13, 2011

HẠ LONG: CÓ MỘT CUỘC BẦU CHỌN KHÁC (Mai Thanh Hải)



Mai Thanh Hải
Ngày 12 tháng 11 năm 2011

Trương Duy Nhất - Trong khi cả nước, cả hệ thống chính trị triển khai rầm rộ cuộc vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long, thì website Trương Duy Nhất- một góc nhìn khác làm một cuộc bầu chọn khác: bầu chọn ngược cho “cuộc bầu chọn Hạ Long”.

Tính đến đúng 11 giờ ngày 11/11/2011, cuộc bầu chọn ngược này cho một kết quả hoàn toàn ngược với sự hồ hởi, háo hức của cuộc bầu chọn Hạ Long: chỉ có 16% ủng hộ cuộc bầu chọn Hạ Long, 5% ý kiến khác và có đến 79% không ủng hộ, thậm chí cảm thấy xấu hổ vì cách bình chọn không khách quan, không trung thực, gian lận và phản văn hóa.

So với “cuộc bầu chọn Hạ Long”, cuộc bầu chọn ngược này khách quan, trung thực và văn hóa hơn. Bạn đọc bầu chọn một cách tự giác, không bị lôi cổ ấn tay vào ép buộc phải bầu theo định hướng cho đủ chỉ tiêu… thi đua, hoặc để chứng tỏ rằng như thế là “yêu nước”!? Cũng không thể gian dối vì mỗi người ở mỗi chỉ số IP khi truy cập chỉ được phép bình chọn một lần duy nhất.

Tôi vui với kết quả ngược này. Vui khi nhận thấy vẫn còn đến 79% ý thức được việc “bầu chọn Hạ Long” kia là không cần thiết, thiếu trung thực, gian manh, phản văn hóa. Vì
thế, tôi tin rằng, nếu cuộc bầu chọn kia được tổ chức một cách tự giác, trung thực, khách quan thì chưa chắc Hạ Long đã chiến thắng.

Tôi muốn Hạ Long thất bại. Giả nếu thất bại, Hạ Long cũng không vì thế lùn đi. Di sản 2 lần được UNESCO vinh danh vẫn sừng sững cao ngạo giữa biển trời từ hàng thiên niên kỷ qua. Nếu thất bại, tôi lại vui, vì như thế chứng tỏ sự gian xảo không thể chiến thắng, những phương cách phản văn hóa không thể lên ngôi trong các cuộc bầu chọn văn hóa. Nếu thất bại, Hạ Long sẽ không bị khoác thêm chiếc áo di sản hàng mã mang tên New Open World.

Nhưng Hạ Long lại “chiến thắng”.

Hạ Long trở thành 1 trong 7 “kỳ quan mới của nhân loại” trong cuộc bầu chọn gây nhiều tranh cãi của New Open World. Sự “chiến thắng” này tôi nhìn như một điều xấu hổ. Không thể tôn xưng một danh hiệu văn hóa có được bằng những mánh lới phản văn hóa. Vì thế tôi không vui khi nghe tin Hạ Long chiến thắng. Bởi đó là sự chiến thắng của trò gian manh phản văn hóa.
Tác giả Nguyễn Thế Thịnh có một so sánh rất hay: khi chàng ca sĩ mua một thúng sim điện thoại phát không cho fan của mình nhắn tin bầu chọn trong một cuộc thi thì bị các “nhà văn hóa” dè bỉu khinh khi vì cho rằng như thế là “chơi không đẹp”, báo chí thì xúm vào đánh hội đồng một trận tơi tả. Thế nhưng khi một người nhắn nhiều lần, nhiều người nhắn nhiều lần, người chưa biết Hạ Long cũng nhắn, hướng dẫn, chỉ thị theo kiểu ép buộc chỉ được nhắn cho Hạ Long thì kỳ lạ thay, nhà nước, chính phủ lại vận động, cổ súy và ném cả núi tiền cho cách làm phản văn hóa này. Đến cả quốc hội đang họp cũng phải dừng giải lao để bầu cho Hạ Long.

Nhìn cảnh quốc hội nghiêm trang bầu Hạ Long, thấy cảnh ngài Phó Thủ tướng đến Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch và công chức các tỉnh thành, đội ngũ hùng hậu những thanh niên xung kích áo xanh, những giáo sư, tiến sĩ, sinh viên học sinh, những nhà báo, nghệ sĩ, ca sĩ, người mẫu, chân dài… hò hét bầu cho Hạ Long, khiến không thể không liên tưởng đến hình ảnh “đàn cừu” trong câu nói nổi tiếng của giáo sư Ngô Bảo Châu.

Vì thế, ngược với sự hồ hởi mừng vui “cả nước reo hò”- với tôi, chuyện Hạ Long “chiến thắng” là một tin buồn. Buồn vì cuối cùng sự gian xảo lại chiến thắng, những phương cách phản văn hóa lại lên ngôi trong một cuộc bầu chọn văn hóa.

Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO và nhiều quốc gia tỏ ra dửng dưng, không mặn với cuộc bầu chọn của New Open World. Nhiều di sản khác thua cuộc, nhưng tôi nhìn họ cao hơn, thấy cái di sản của họ di sản hơn, cái văn hóa của người ta đáng trọng hơn.

Như trò đánh bạc, thằng gian lận có thể thắng. Nhưng khi ôm bạc đứng lên, hắn sẽ bị dè bỉu, khinh khi, và khó có chân cho các cuộc chơi kế tiếp. Tiếc thay, Hạ Long đã “chiến thắng” theo cách này.

(Viết sau khi nhận tin buồn Hạ Long chiến thắng)

.
.
.

No comments: