Saturday, November 5, 2011

GẶP LẠI CHA PADMO, HOÀI NIỆM GALANG (Bùi Văn Phú)



Bùi Văn Phú

“Đẩy xe, lên đồi, tình xù” là những từ ngữ mang ý nghĩa riêng đối với những ai đã từng sống ở Galang, một đảo nhỏ được chính phủ Indonesia và Liên Hiệp quốc dùng làm nơi đón tiếp hơn 200 nghìn người Việt vượt biển tìm tự do trong 20 năm kể từ sau ngày 30-4-1975. Đó là ngôn ngữ của hẹn hò, buồn vui, đổ vỡ trong tình yêu trại tị nạn.

Chủ Nhật 30-10-2011 vừa qua, những tiếng đặc thù đó lại được gợi lên trong vở kịch vui Gia đình bác Tám đi thanh lọc do những cựu thuyền nhân trình diễn nhân dịp hội ngộ với linh mục Padmo, nguyên tuyên úy công giáo tại trại Galang đến thăm Hoa K.

Trại tị nạn trên đảo Galang những năm cuối thập niên 1980

Vở kịch dựng lại khung cảnh Galang của những năm 1990 khi người vượt biển đến các nước Đông nam Á không còn được mặc nhiên công nhận là người tị nạn mà phải qua thanh lọc để xác nhận quy chế tị nạn, những ai rớt thanh lọc sẽ bị trả về Việt Nam. Trước năm 1990 cụm từ Galang cửa ngõ tình người đã ghi sâu trong trí nhớ của thuyền nhân đến đây trong thập niên trước đó, nhưng từ khi có chính sách mới đối với người vượt biển, những chữ nghĩa đẹp này không còn được nhắc đến mà thay vào hai chữ thanh lọc đầy bất công và gian nan trong đời sống Galang. Qua thanh lọc là một quá trình đắng cay và đầy nước mắt đối với nhiều chục nghìn người vượt biển đã đến được các nước như Indonesia, Thái Lan, Hồng Kông, Malaysia kể từ năm 1990.

Theo những thay đổi chính sách của quốc tế, đặc biệt là Hoa K, thập niên sau cùng của lịch sử Galang người vượt biển bị biệt lập không cho liên lạc với thế giới bên ngoài. Trong tình cảnh như thế cha Padmo là niềm hi vọng của họ. Cha là một một linh mục dòng Tên, đến phục vụ trong trại từ năm 1986, đã giúp họ liên lạc với thế giới bên ngoài, đem nguồn an ủi đến cho họ cho đến khi chương trình định cư thuyền nhân vượt biển chấm dứt, với sự tự nguyện hồi hương những người không đđiều kiện tị nạn để sau đó được Hoa K nhận cho qua Mỹ trong chương trình ROVR.

Những cựu thuyền nhân ở Galang chụp hình kỉ niệm với cha Padmo trong buổi hội ngộ ở San Jose
Cựu thuyền nhân Galang vui mừng gặp lại vị ân nhân

Nhiều người đến Galang trong những ngày đầu của trại vào năm 1979, hay những ai đã qua những khoá học Anh ngữ, văn hoá Mỹ rồi lên đường định cư thì ít biết đến cha Padmo vì ngài là người tiếp tục công việc mục vụ của các cha Dominici và cha Sugundo. Cha Padmo đến trại năm 1986 vàđó cho đến khi trại đóng cửa vào năm 1996.

Linh mục Vũ Hải Đăng, một cựu thuyền nhân và cũng là người từng giúp cha Padmo trong thời gian ở trại cho biết chuyến đi Hoa K của ngài nằm trong dịp kỉ niệm 30 năm thành lập đoàn Thiếu nhi Thánh thể Galang, 1981-2011. Các anh chị huynh trưởng cũng như các em thiếu nhi ở Galang trước đây, nay đã ổn định cuộc sống và có nhã ý mời cha Padmo qua Mỹ dịp này để bày tỏ lòng biết ơn đối với ngài.

Hai trăm cựu thuyền nhân và gia đình, đa số là người đến đảo trong giai đoạn cuối của lịch sử thuyền nhân, đã có mặt tại hội trường Unify Event Center chào đón cha Padmo trong một buổi sinh hoạt kéo dài từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều.

Một thánh lễ tạ ơn được cử hành vào lúc 11 giờ hơn do cha Padmo và cha Vũ Hải Đăng đồng tế. Cộng đoàn đã dâng lời cầu nguyện cho cha Dominici và cho những người đã bỏ mình trên đường tìm tự do.

Trong bài giảng, cha Padmo đã nhắc đến Chân phước Mẹ Têrêsa qua những lời Mẹ dạy về những hoa trái của niềm tin phát xuất từ lời cầu nguyện, từ niềm tin dẫn đến tình yêu, từ tình yêu đến phục vụ và hoa trái của phục vụ là sự bình an trong tâm hồn. Ngài nhấn mạnh đến tình thần phục vụ anh em trong đời sống mỗi người. Cha Padmo cũng chia sẻ cảm nhận riêng là từ ngày rời trại chưa bao giờ ngài lại được hiện diện giữa những người Galang đông như hôm nay. Cha nói đây thực là không khí Galang ngày trước và cuộc hội ngộ này có được cũng là do ý Thiên Chúa.

Sau thánh lễ mọi người chung vui với nhau trong bữa cơm thân mật và một chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn. Đến sinh hoạt còn có linh mục Nguyễn Vũ nguyên là một ấu nhi ở Galang trong những năm cuối thập niên 1980. Bài ca sinh hoạt Mỗi người là một cành hoa đã được cách anh chị cất tiếng hát to đôn lại kỉ niệm trong trại ngày xưa. Nhắc đến Galang cũng không thể quên giọng hát Khánh Ly với Biển nhớ vang vang trên loa phát thanh mỗi sáng có chuyến tàu định cư. Hôm nay những lời nhạc đó đã được hai bạn trẻ song ca, gợi lại nhiều kỉ niệm buồn vui đời sống tị nạn. Vui cho người lên đường định cư và buồn cho những ai còn ở lại đảo. Những buổi sáng như thế đã có bao nhiêu nước mắt rơi xuống đảo, trước văn phòng ban đại diện, nơi cầu tầu.

Nhắc đến Galang, chị Liên Lê nhớ đến những thánh lễ vào sáng sớm ở trại 1, rất vắng người nhưng cha Padmo vẫn cử hành. Một anh kể cho người viết bài nghe về các sinh hoạt của hướng đạo trong công tác dựng nhà mới thay cho nhiều ba-rắc đã mục nát theo thời gian. Chị Oanh tâm sự về nỗi lo sợ phải trở về Việt Nam trước khi được qua Mỹ theo diện ROVR.

Cha Vũ Hải Đăng, bên trái, cha Padmo và cha Nguyễn Vũ
Cha Padmo, đội mũ, trong một buổi sinh hoạt ngoài trời với thanh niên tại bãi biển Galang. Tác giả bài viết đứng bên trái của cha

Trong niềm vui được hội ngộ, hôm nay nhiều người đã quây quần bên cha Padmo chụp hình, tặng cha những món quà để tỏ lòng biết ơn. Gặp lại nhau các cựu thuyền nhân Galang ôn lại những kỉ niệm, những khó khăm của nhiều năm trước khi tương lai chưa biết về đâu. Nhiều hình ảnh cũ được chiếu lên. Những con đường trại, những ba-rắc, nhà thờ Thánh Giuse, nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, chùa Kim Quan, quán cà phê, cầu tầu, những lần đi đàng Thánh giá. Hình ảnh cha Padmo hiện diện trong nhiều sinh hoạt.

Sau gần phần tư thể kỉ, một lần nữa được dự thánh lễ do cha Padmo chủ tế, cha Hải Đăng nhận xét là sau bao năm không còn tiếp xúc với người Việt mà tiếng Việt của cha Padmo khá hơn, đọc sách lễ trôi chảy hơn. Còn hình dáng ngài vẫn gầy, có điều mái tóc đã bạc trắng so với những ngày còn ở Galang.

Trong thời gian công tác tại Galang người viết bài đã có nhiều dịp cùng cha Padmo tham dự các sinh hoạt thanh niên. Gặp lại ngài ở San Jose là một niềm vui vì đây là cơ hội để cám ơn cha đã giúp đỡ tinh thần cho thuyền nhân trong giai đoạn đầy sóng gió của cuộc đời họ. Một lần nữa xin gửi đến cha Padmo hai tiếng “Terima kasih”.

(ảnh trong bài của tác giả)
© 2011 Buivanphu
.
.
.

No comments: