Friday, November 4, 2011

CUỘC CÁCH MẠNG CHÂU Á (Andreas Lorenz)



Andreas Lorenz

Ba Cơ dịch
Thứ Sáu, 04/11/2011

Andreas Lorenz – “Phương Đông mới” thay đổi thế giới ra sao
Ba Cơ dịch

Lời của Nhà xuất bản: Andreas Lorenz là thông tín viên của báo Spiegel từ 1982 đến 1986 ở Moscow. Năm 1988, ông đến Bắc Kinh lần đầu tiên và ngoài những việc khác đã trải qua lần chấm dứt đẫm máu của phong trào dân chủ vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Con đường thông tín viên nước ngoài dẫn ông đến Warsaw năm 1991, nơi ông dõi theo sự phát triển của Ba Lan và của các quốc gia vùng Baltic sau đổi mới.

Năm 1996 ông đến Đông Nam Á và chẳng bao lâu sau đấy đã chứng kiến chính quyền Suharto sụp đổ ở Indonesia và lực lượng Khmer Đỏ từ bỏ cuộc đấu tranh của họ ở Campuchia. Từ năm 1999 ông trở lại sống ở Bắc Kinh và viết cho tờ Spiegel về lần khởi dậy đầy thu hút của Trung Quốc và những mâu thuẫn của nó cho tới cuối 2010.
Trong quyển sách này, với kiến thức sâu sắc của mình, ông mô tả những phát triển hết sức nhanh chóng ở Viễn Đông và phác họa nhân vật có nhiều quyền lực nhất: Trung Quốc. Nhưng ông cũng phân tích với tầm nhìn xa những yếu tố nào có thể cản trở sự vươn lên của châu Á: chế độ độc tài, xung đột lãnh thổ và ô nhiễm môi trường.

Lời của người dịch: Tại sao lại có bản dịch này? Đơn giản là mình tình cờ đọc được quyển sách này, thấy có nhiều điều thú vị nên muốn trích dịch vài chương chia sẻ với mọi người. Đơn giản thế thôi. Người dịch không hề nhận được sự giúp đỡ của bất cứ ai cả, và cũng không có một thế lực nào xúi giục đâu.
Tựa của những bài post kế tiếp theo sau đây là tựa của từng chương một trong quyển sách này. Ba Cơ mời các bạn đón đọc tại đây hay trên Facebook:http://www.facebook.com/bacothuquan. Cảm ơn sự quan tâm của các bạn.

------------------

Chương I: “Phương Đông Mới”

Lịch sử đã chấm dứt hay bây giờ nó mới thật sự bắt đầu?
Đó là ngày Chủ Nhật, ngày 10 tháng 3 năm 1985. Tiếng nhạc trang nghiêm vang lên trong buổi sớm mai trên đường phố của Frunse, thủ đô của nước Cộng hòa Xô viết Kyrgyzstan, được đặt theo tên của người lãnh đạo quân đội Mikhail Vasilyevich. Đó là dấu hiệu rõ rệt cho việc một quan chức cấp cao đã qua đời, hoặc là ở đây trong Trung Á hoặc là ở Moscow xa xôi, nằm cách năm giờ bay về phía Tây. Và quả thật là như vậy: người có nhiều quyền lực nhất của Liên bang Xô viết, Konstantin Ustinovich Chernenko, đã không qua khỏi một cơn bệnh phổi nặng. Người tổng bí thư của Đảng Cộng sản Liên xô chỉ giữ chức vụ có 13 tháng.

Tôi đã trải qua lần bắt đầu chấm dứt của một vương quốc rộng lớn như thế đấy. Trong lịch sử, đó không phải là một hiện tượng mới: đế quốc suy tàn, thành phố lớn chìm vào trong quên lãng. Ai mạnh vào ngày hôm qua thì lại yếu vào ngày hôm nay, ai hôm nay đang sống trong một góc nhỏ thì ngày mai lại có thể là một nhân vật quan trọng. Dịch bệnh và nạn đói, thảm họa khí hậu và khủng hoảng kinh tế, chính trị gia bất tài và tướng lĩnh điên rồ làm cho những quyền lực thoái trào, các quốc gia khác bước vào vị thế đó.

Ví dụ Trung Quốc cho thấy một vương quốc phát triển cao với trên 150 triệu dân cư, với một hệ thống kênh tưới nước tinh vi, quan lại được đào tạo tốt và với một hạm đội đã vươn đến tận Đông Phi trong thế kỷ 15 lại bất thình lình tự nguyện từ giã thế giới và còn quên cả những phát minh của chính mình như thế nào.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, những kẻ đã từng kiêu hãnh thống trị thế giới – ngày nay là những quốc gia hết sức bình thường với một núi nợ. Venice, từng là tâm điểm của thương mại thế giới, chỉ còn là một nơi thu hút khách du lịch. Có ai còn nhớ đến những vương quốc hùng mạnh của châu Á, như Vương quốc Malasia Srivijaya trên Sumatra, vương quốc mà đã kiểm soát thương mại ở Eo biển Malacca trong thế kỷ thứ 8 và đã là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất trong Đông Nam Á?

Vào cái ngày tháng 3 năm 1985 có nhiều hậu quả đó, một đồng nghiệp người Thụy Điển và tôi đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc tranh giành quyền lực kéo dài cho người kế nhiệm Chernenko. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cẩn thận ngừng chuyến đi khảo sát Kyrgyzstan – và bị bất ngờ. Ngay trong buổi tối đó, trong lúc máy bay đỗ lại trên cảng hàng không của thành phố Ufa gần Ural, một nữ tiếp viên hàng không tóc vàng của Aeroflot rạng rỡ nói với chúng tôi: “Chúng tôi đã có một tổng bí thư mới. Ông ấy có tên như là Gorbunov hay sao ấy.”

“Gorbunov” hóa ra là Mikhail Gorbachev, một quan chức ngành nông nghiệp từ Stavropol, cho tới lúc đấy hầu như không có tiếng tăm gì. Phần còn lại là lịch sử. Mikhail Gorbachev cải tổ Liên bang Xô viết, và chẳng bao lâu sau đó những từ ngữ mới của hy vọng, perestroika và glasnost, cải tổ và minh bạch, lan truyền đi khắp nước, những từ ngữ mà cũng trở thành những từ chắp cánh ở nước ngoài. Tôi không thể nào quên được khoảng khắc khi nhà vật lý nguyên tử và cũng là người bất đồng chính kiến Andrei Sakharov bước ra khỏi con tàu hỏa trên sân nhà ga Kazansky ở Moscow như một người tự do vào sáng sớm ngày 19 tháng 12 năm 1986. Không ai khác hơn là chính tổng bí thư của Đảng Cộng sản Liên xô đã gọi điện và mời ông quay trở lại – Liên bang Xô viết đã trở thành một đất nước khác.

Vài tháng trước đó, lò phản ứng hạt nhân ở Tchernobyl đã nổ tung. Thảm họa đấy được xem như biểu tượng cho tính dễ vỡ của đất nước này và cho tính bất lực không thể phản ứng nhanh chóng được của nó. Lời đe dọa của người Mỹ, chạy đua vũ trang với những kế hoạch chiến tranh trong vũ trụ để đẩy người Xô viết vào tình trạng phá sản, xói mòn lòng tự tin của họ. Cuộc chiến ở Afganistan làm cho họ kiệt quệ, tham nhũng làm cho họ yếu đi. Cường quốc thế giới tan rã.

Ngày nay, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Kyrgyzstan có tên là Kyrgyzstan. Thủ đô không còn mang tên Frunse mà là Bishkek. Đất nước tuy lao đao trong khủng hoảng nhưng độc lập, công dân của nó được phép đi bầu – một nền dân chủ còn trong trứng nước. Người Mỹ cũng có ở đây nữa, với một căn cứ không quân ở cảng hàng không quốc tế Manas.

Bức màn sắt rơi xuống, những nhà Xã hội chủ nghĩa Thống nhất của CHDC Đức biến mất cùng với An ninh Quốc gia và những món ăn phụ cốt làm cho no. Nhà độc tài Romania cuồng vĩ Nicolae Ceauşescu và Elena vợ của ông ấy đã kết liễu trong vũng bùn trên sân của một trại lính vào Giáng Sinh 1989 – bị những người cầm quyền mới bắn chết. Cuộc Chiến tranh Lạnh chấm dứt.

Đối với nhà chính trị học người Mỹ Francis Fukuyana, điều đấy giống như “Chấm dứt lịch sử”, như ông đã gọi quyển sách xuất bản năm 1992 của ông như vậy. Sự tan rã của Liên bang Xô viết, ông lý luận, đã chứng tỏ rằng mô hình của nền dân chủ tự do phương Tây không có cạnh tranh trên khắp thế giới.[1]

Hai mươi năm sau đấy, tình hình không còn rõ ràng như thế nữa. Dường như là lịch sử lại bắt đầu mới. Vì ở Viễn Đông có một quyền lực đang lớn lên, một quyền lực mà trong những phần rộng lớn là phi dân chủ nhưng mặc dù vậy sẽ quyết định cuộc sống của chúng ta. Đó là một quyền lực đầy quyến rũ và đồng thời cũng không lường trước được: châu Á.

“Một ngày nào đó, châu Á sẽ đảo lộn thế giới, không một thứ gì sẽ còn như nó đang là. Hàng tỉ người bước vào hiện đại, hàng trăm triệu người sẽ được giải thoát khỏi móng vuốt của sự nghèo đói”, Kishore Mahbubani tiên đoán, trước đây là Permanent Secretary của Bộ Ngoại giao Singapore. Quá trình này đi cùng với “sự giải phóng tư tưởng con người”. Thế giới không phải đã đi đến ‘chấm dứt lịch sử’, như Fukuyama tiên đoán, mà là đến ‘chấm dứt kỷ nguyên thống trị của phương Tây trong lịch sử thế giới”.[2]

Châu Á năng động, người sống ở đây nhiều không thể tưởng được, nó có nhiều tiền tới mức ảnh hưởng của nó tăng liên tục – ở châu Phi, châu Mỹ La tinh hay ở châu Âu, trong những ủy ban quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay Liên Hiệp Quốc.

Nhưng: cùng với sự lớn mạnh của châu lục đã hình thành những mối bất an mới, thế giới không hòa bình hơn. Có những mối nguy hiểm đang đe dọa từ châu Á vì

- Đã bắt đầu một cuộc chạy đua vì nguyên liệu, những nguyên liệu phải nuôi dưỡng cho sự thăng tiến của châu Á;
- thay vì giải quyết mâu thuẫn ở bên cạnh bàn thương lượng, những chính phủ có tinh thần chủ nghĩa dân tộc đã cổ vũ cho những cuộc tranh chấp về đường hàng hải, đảo và biên giới mà có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh;
- quân đội nhiều nước châu Á đang tăng cường vũ trang mạnh;
- những kẻ thống trị không lường trước được ở Triều Tiên đang ngồi trên quả bom nguyên tử;
- thống trị ở Trung Quốc, đất nước mạnh nhất châu Á, là một đảng mà không biết được rằng liệu đảng này có khả năng giải quyết một cách hòa bình các xung đột xã hội đang tăng lên hay không;
- môi trường châu Á bị ô nhiễm nhiều đến mức có thể là hàng trăm nghìn người sẽ lên đường đi tìm nước sạch và không khí sạch mà trong lúc đó không hề quan tâm đến đường biên giới quốc gia;
- ngày càng có nhiều người chen chúc nhau quanh những nguồn nước ngày càng ít đi. Khi các con sông băng của Himalaja tan chảy, mạch sống của hàng triệu người có nguy cơ bị khô cạn.

(còn tiếp)
______________________

[1] Francis Fukuyama: “The End of History and the Last Man”, Free Press, New York, 1992
[2] Kishore Mahbubani: The New Asian Hemisphere”, Public Affairs, New York, 2008

.
.
.

No comments: