Monday, November 14, 2011

CHỈ TIN CẬY VÀO CHÍNH PHỦ CHUYÊN GIA ? (Lê Phan/Người Việt)



Lê Phan
Saturday, November 12, 2011 5:26:30 PM

Cuộc khủng hoảng nợ ở Âu Châu càng tệ hại thì chúng ta lại càng thấy các lãnh tụ Âu Châu cố bám lấy những giải pháp vốn sẽ sử dụng các chính phủ chuyên gia để thay thế các chính phủ dân chủ. Và có vẻ đây không phải là một cố gắng khôn ngoan để cải tổ khu vực Euro thành một liên minh tiền tệ thực sự mà chỉ là một kiểu chạy trốn tìm về một giải pháp quen thuộc.

Ai cũng biết là từ nhiều tháng nay, các lãnh tụ Âu Châu đã không giấu nổi ước muốn đuổi ông Silvio Berlusconi về vườn. Càng ngày có vẻ như họ càng coi ông thủ tướng tỷ phú này như một tên hề diễu dở, không hiểu hay cố tình không hiểu phải làm gì. Nay, sau quá nhiều scandal về đời tư cá nhân, ông ta đã vừa đùa dai, vừa diễu dở, đưa quốc gia của mình đến bờ vực thẳm của thảm họa tài chánh.

Tuy các lãnh tụ Âu Châu chẩn đoán đúng bệnh của ông Berlusconi và sự thất bại cay đắng của ông trong việc lãnh đạo đất nước mình, họ có vẻ đang không vững lòng lắm khi thúc đẩy một chính phủ đoàn kết quốc gia ở Ý, cầm đầu bởi một chuyên gia như ông Mario Monti, một cựu ủy viên Ủy Hội Âu Châu, tức là trong ngôn từ lẩm cẩm của liên hiệp, một bộ trưởng trong chính phủ của khối EU.

Ở Hy Lạp cũng vậy, đuổi ông George Papandreou ra khỏi chức vụ thủ tướng là chuyện dễ, ủng hộ cho một chuyên gia không thuộc đảng phái nào như Lucas Papademos, một cựu phó thống đốc Ngân Hàng Âu Châu, để rồi không biết ông có thành công nổi hay không mới là chuyện khó.

Chuyện thứ nhất mà các lãnh tụ, nhất là bà Angela Merkel và ông Nicolas Sarkozy, quên mất là mặc dầu nền tài chánh công và hệ thống hành chánh của họ đổ đốn đến đâu chăng nữa, Ý và Hy Lạp là hai quốc gia đầy tự kiêu dân tộc. Họ rất ghét, ngay cả trong khi đang có khủng hoảng, phải nhận lệnh từ người ngoại quốc. Lập trường đó biểu lộ rõ trong thái độ của dân chúng cũng như của giai cấp cầm quyền. Nó giải thích phản ứng tức giận của ông Antonis Samaras, lãnh tụ của đảng bảo thủ đối lập tại Hy Lạp, trước đòi hỏi mới nhất của ông Olli Rehn, ủy viên tiền tệ của liên hiệp.

Ông Rehn cả quyết là, trước khi Hy Lạp nhận số giải ngân mới 8 tỷ Euro viện trợ quốc tế, ông Samaras và tất cả các chính trị gia thuộc mọi thành phần phải ký vào một văn bản xác nhận họ chấp nhận các biện pháp khắc khổ mà Âu Châu đòi hỏi. Ông Samaras, mới tuần rồi đã đứng trước Quốc Hội lên tiếng ủng hộ các biện pháp này, đã được nghe tuyên bố “Còn niềm tự hào quốc gia của chúng tôi thì sao!”

Nhưng các lãnh tụ khối Euro, nhất là khối “chuyên gia Ðức và Pháp” đang chế ngự hành chánh của liên hiệp, phải nói là đã đến mức chịu không nổi nữa rồi. Sau nhiều thập niên bực tức trước thái độ vô lối của Ý và sự tham nhũng của Hy Lạp, họ nay có vẻ như nghĩ là những người Ý và Hy Lạp duy nhất mà họ có thể tin tưởng được là những người đã trải qua hầu hết sự nghiệp làm việc cho chính những định chế của liên hiệp đang áp đặt các biện pháp giải quyết vấn đề này. Những người này, ít nhất đối với họ, nói cùng cái thứ ngôn ngữ phi chính trị của các chuyên gia vốn là ngôn ngữ duy nhất mà Brussels biết nói. Cảm tưởng này của họ lại càng được tăng cường trước kinh nghiệm suýt chết mà Hy Lạp và các quốc gia trong khối Euro đã phải trải trong 18 tháng qua trên thị trường công khố phiếu quốc tế. Họ cũng không muốn tha thứ sự việc là chính những chính trị gia của Hy Lạp và Ý đã làm cho đồng Euro mà họ sùng kính bị lâm nguy.

Nhân danh cứu nguy cho liên hiệp tiền tệ, các lãnh tụ của Âu Châu chọn con đường đình chỉ chính trị ở Hy Lạp và Ý và thay thế nó bằng khả năng chuyên môn phi đảng phái. Chính sách của các quốc gia này sẽ được kiểm tra, nếu không nói là soạn thảo từ Brussels và đặc biệt ở Frankfurt, tổng hành dinh của Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu ECB. Và chúng sẽ được thi hành một cách nghiêm chỉnh bởi các chuyên gia Ý và Hy Lạp cũng có đồng một quan điểm Âu Châu như họ.

Dĩ nhiên cũng tại chính Hy Lạp và Ý mới nên nông nỗi này. Nhưng quan điểm phi chính trị của các chuyên gia cũng nằm trong DNA của Liên Hiệp Âu Châu. Cha đẻ của hiên hiệp, ông Jean Monet, kinh tế gia tài ba của Pháp có thể là một nhà ngoại giao tài ba nữa nhưng chưa từng tham gia chính trường và chưa từng được một người dân Âu Châu nào bầu lên cho một chức vụ nào cả.

Thành ra vẫn còn phải chờ xem là chính phủ chuyên gia có phải là câu trả lời thích hợp cho cuộc khủng hoảng hiện nay của liên hiệp hay không. Ở ngay chính Athens và Roma, những chính trị gia được tín nhiệm, những nhà bình luận lão thành, đã đặt nghi vấn về liệu ông Papademos hay ông Monti có đủ khả năng thực hiện sứ vụ khó khăn của mình hay không. Họ có đủ cương nghị hay khôn ngoan để điều hành những chính quyền mà nhiệm vụ là phải thúc đẩy những biện pháp khắc khổ vô cùng thất nhân tâm và những cải tổ kinh tế khó khăn để Quốc Hội thông qua? Ngay chỉ sự việc họ không phải là những người được dân bầu lên cầm đầu đất nước cũng đủ để làm cho công việc của họ thêm khó khăn rồi.

Thực ra có một lựa chọn khác, dân chủ hơn và có lẽ thích hợp hơn. Ðó là con đường mà Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan và Bồ Ðào Nha đã chọn. Khi bị khủng hoảng, chính phủ đổ, và chính cử tri sau đó đã chọn một nhóm chính trị gia mới để áp dụng những liều thuốc đắng mà dân chúng ở các quốc gia này hiểu là phải uống. Các chính phủ ở Dublin và Lisbon đã phải đối diện với những khó khăn kinh hồn, nhưng ít nhất họ không phải luôn luôn biện minh cho tính chính đáng của mình với Quốc Hội hay dân chúng.

Một chuyện tương tự sắp xảy ra vào ngày 20 tháng 10 này ở Tây Ban Nha, nơi mà đảng bảo thủ Bình dân được chờ đợi sẽ thắng lớn đảng Xã Hội đang cầm quyền. Sẽ có một bước khởi đầu mới, hay ít nhất, một cảm tưởng là quốc gia bước sang một trang sử mới.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ và nợ lần này có lẽ sẽ thúc đẩy khối Euro trở thành kết hợp hơn. Nhưng cái khối Euro đó, và Liên Hiệp Âu Châu nói chung, có thể đã trả một giá quá đắt nếu trên con đường tiến tới một liên hiệp tiền tệ thực sự, khối đã ngày càng coi dân chủ là một xa xỉ phẩm cổ hủ mà liên hiệp không còn đủ sức xài nữa. Nếu quả vậy thì đáng tiếc lắm thay.
.
.
.

No comments: