Saturday, November 19, 2011

CD MỚI "KHÔNG" của CA NHẠC SĨ TÚ MINH (Phong Yên)




Nhạc sĩ Tú Minh là một gương mặt quen thuộc trên ca đàn (sân khấu ca nhạc) hải ngoại, cùng với một vóc dáng trẻ trung, thon thả và một vẻ đẹp trong sáng, dịu hiền, tiếng hát cô từ lâu đã đi sâu vào lòng người, gây nhiều ấn tượng sâu sắc với khách mộ điệu.

Với ca khúc Hãy Cứ là Tình Nhân (1998) tên tuổi và giọng hát Tú Minh đã âm vang cùng khắp các cộng đồng và ca trường hải ngoại và quốc nội. Không phải do ý tưởng mới lạ đả phá tình nghĩa vợ chồng hay những kết hợp hôn nhân, mà chính là tình ý đích thực của một người đã tháo gỡ và vượt thoát những quan hệ và quan niệm đời thường về vợ chồng và những thói quen và đối xử nhàm chán, ca từ và âm điệu trầm bổng, tuyệt diệu và dễ nhớ của bài hát đã nói đúng tâm tư nên đi sâu vào tâm thức của khán thính giả.

Nhìn qua nét đẹp nữ sinh – nhất là khi cô thướt tha trong những tà áo dài trắng gợi nhớ thời Gia Long-Trưng Vương xa xưa – người ta khó có thể ngờ được dưới vẻ thơ mộng mông lung đó, Tú Minh là một nàng thơ quốc hồn, quốc túy với những sáng tác dân ca đậm đà hương đồng gió nội và những bài viết theo lối cổ nhạc đượm vẻ ca trù thuần túy Việt Nam, mang đầy bản sắc truyền thống của dân tộc.

Không những thế, nhạc sĩ Tú Minh là một người đời nay, những bài tân nhạc do cô sáng tác, được soạn theo thể điệu mới pha một ít Jazz hoặc bán cổ điển của Tây phương (Tiếng Đàn XưaĐỉnh Mây Hồng) với lối hoà âm và phối khi du dương của Duy Cường) theo điệu New Age hoặc Blue. Cô là một nhạc sĩ giàu tình cảm, biết rung động trước những nỗi đau của đồng loại (Nhả Trống Quá, Chị Ơi), đôi lúc con tim nàng cũng biết thổn thức, san sẻ nỗi niềm riêng của chính mình với nỗi đau trong thân phận con người với tình yêu (bài Đắng trong CD mới), đôi lúc con tim diệu vợi của nàng cũng chùng xuống với nét thanh tao êm ả của thiên nhiên và cõi thiền tĩnh mịch, xa vắng trần tục.

Trong CD mới nhất của cô: Không, tất cả những tâm tư và ân tình này được gói ghém qua những sáng tác trữ tình, mượn lời và ý thơ của thi sĩ và bằng hữu để nói lên tâm hồn khắc khoải của người nhạc sĩ với những nguồn thơ lai láng và phong phú.

CD Không gồm 12 bài do Tú Minh sáng tác:
1. Xa Cách
2. Tương Tư
3. Tiếng Đàn Xưa
4. Xót Xa trong Chiều
5. Giọt Nhớ
6. Đắng
7. Giấc Mơ Nhiệt Đới
8. Đóa Hồng Dâng Mẹ
9. Hoa Trắng
10. Ngộ
11. Đỉnh Mây Hồng
12. Có Có Không Không

Tất cả do Tú Minh hát – sáng tác và/hoặc phổ nhạc – trừ hai bài Tiếng Đàn Xưa và Đỉnh Mây Hồng do Diệu Hiền hát. Trong CD này, phần đông các bài hát đều mang một âm hưởng diệu vợi, xa vắng, như bài Tương Tư với tiếng dương cầm nhẹ nhàng và thánh thót, hoặc Tiếng Đàn Xưa với phần phối khí tuyệt vời của Duy Cường, một nhạc sĩ tài ba mà tôi hâm mộ từ lâu; và ca sĩ Diệu Hiền, một giọng hát rất Hà Nội, (tên nhạc sĩ Chopin được phát âm ‘Xô-panh’, rất xưa và Hà nội). Những bài có điệu phách nhịp nhàng, syncope/xin-cốp như Xa CáchXót Xa trong Chiều; Đắng; hoặc trầm lắng nhịp điệu như Giọt Nhớ; Giấc Mơ Nhiệt Đới, một bài chậm buồn gõ nhẹ trong tâm tư lắng đọng sầu nhớ, (đương nhiên không hẳn tất cả đều là những bài mà tôi yêu thích nhất).

Ngoài bài Có Có Không Không, Đóa Hồng Dâng Mẹ là một bài mà tôi yêu thích, được nghe lần đầu cách đây hai năm nhân một buổi văn nghệ mừng sinh nhật mẹ của Tú Minh, hôm đó Tú Minh làm nhiều người mủi lệ vì cô đã nghẹn ngào khóc và nói lên những lời chân tình, tri ân với người mẹ thân yêu và quý mến. Hoa Trắng là một bài nữa ca tụng lòng mẹ; giọng ca Diệu Hiền trong bài này mang một âm chất mới mẻ, rất vi vu, thì thầm xa vắng mà tôi cứ ngỡ là giọng hát của Tú Minh. Không tin, tôi phải dụi tai vài lần đọc lại CD và nghe lại mới nhận ra tiếng hát này không phải của nàng ca sĩ hiếu thảo Phạm Tú Minh!

Bài Ngộ, đệm dương cầm theo lối New Age của George Winston, càng được tăng thêm phần mê-ly với tiếng hú liêu trai cao vút, đem hồn người đến cõi xa xôi mê chìm, vượt thoát cõi ta-bà, khiến người nghe phải hỏi mình có thật sự được siêu thoát, được ngộ như những lời thanh thoát trong bài không?

Đỉnh Mây Hồng, một bài pha chút âm hưởng bán cổ điển của Tây phương, một lần nữa được tăng phần thanh vắng, mênh mang với tiếng hú trong vắt và tiếng piano gõ nhẹ vào lòng. Ước gì bài này và những bài được đệm bằng MIDI software hay synthesizer – như bài Có Có Không Không – được phối khí bằng những nhạc cụ acoustic, violons, saxophone, sáo hay nhạc cụ cổ truyền (như đàn bầu, phách gỗ…) thay vì điện tử thì nghe hay và êm tai biết chừng nào! Nói thế không phải tôi không biết được kinh phí cao phải chi trả khi phải mướn những nhạc công trình tấu và sử dụng những nhạc cụ này.

Phải nói đây là một CD được phối khí và thu âm kỹ lưỡng theo đúng kỹ thuật tân kỳ của các phòng thâu có tiêu chuẩn cao (La Vân Studio, LXT Media Inc.) xứng đáng để mọi người lưu giữ trong bộ sưu tập CD hay của mình. Mỗi khi được thưởng thức đĩa Không qua này hệ thống âm thanh bóng hi-end của mình, tôi rất hân hoan hình dung và nghe được tiếng hát và sân khấu âm thanh tuyệt hảo, rất thật, rất sống động của các ca và nhạc sĩ, được tái tạo bởi dàn loa Martin Logan và bộ máy Conrad Johnson bóng trung thực của mình. Đã đến phiên những người sành điệu khác làm chủ đĩa Không ưu tú này để thử nghiệm dàn âm thanh của mình.

Chủ Nhật 20 tây tháng 11 này tại Santa Clara Convention Center là cách hay nhất để khách mộ điệu thưởng ngoạn tiếng hát Tú Minh-Trần Quảng Nam và các ca sĩ trong Câu Lạc Bộ Âm Nhạc và ủng hộ mua CD này!

© Phong Yên

------------------------------



.
.
.

No comments: