Về đơn kiện của linh mục Nguyễn Văn Lý
BBC
Cập nhật: 06:12 GMT - thứ tư, 16 tháng 6, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/06/100616_tranthanhhiep_fatherly.shtml
Linh mục bất đồng chính kiến Thadeus Nguyễn Văn Lý vừa gửi đơn lên Tòa án Nhân quyền LHQ để kiện nhà nước Việt Nam vì đã bắt ông "trái công luật quốc tế".
Trong lá đơn "gửi Tòa án Nhân quyền LHQ và các tổ chức nhân quyền quốc tế" hôm 08/06, linh mục Lý viết "tiến trình chịu bất công" của ông bao gồm bốn lần bị bắt với 17 năm tù giam và 14 năm quản chế, kể từ 1977.
Ông tuyên bố: "Tôi hoàn toàn vô tội, vì tôi luôn chỉ làm những gì Công luật quốc tế cho phép".
Linh mục Nguyễn Văn Lý yêu cầu nhà nước Việt Nam phải bồi thường cho ông về cả vật chất và tinh thần.
Đài BBC đã hỏi chuyện luật sư Trần Thanh Hiệp, cựu luật sư Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn và Paris về đơn kiện của linh mục Lý.
LS Trần Thanh Hiệp: Tôi đã được đọc đơn kiện của linh mục Nguyễn Văn Lý. Quyết định đưa các vi phạm nhân quyền ra trước ánh sáng công lý là điều mà nhiều người quan tâm. Thế nhưng vấn đề là lá đơn đó sẽ được xét xử như thế nào?
Rất tiếc vấn đề đó lại không phụ thuộc các nạn nhân, mà phụ thuộc vào các định chế của quốc gia cũng như quốc tế. Tôi thấy có một số chỉ dấu thuận lợi nhưng cũng không hẳn hoàn toàn thuận lợi.
Theo tôi đứng về mặt pháp lý thì chúng ta cứ dè dặt, hy vọng rằng tiếng kêu oan của những người bị vi phạm nhân quyền một ngày nào đó sẽ được công lý xét đến.
Hiện thời các điều kiện cho việc đưa vấn đề ra trước cơ quan tài phán quốc tế chưa được thuận lợi lắm, nhưng tôi cho rằng vẫn cứ phải bắt đầu.
BBC: Trong lịch sử đã có tiền lệ người cho rằng mình bị vi phạm nhân quyền kiện chính phủ hay nhà nước lên tòa án quốc tế chưa ạ?
LS Trần Thanh Hiệp: Tiền lệ thì cũng đã có, nhưng không phải tiền lệ áp dụng chung cho toàn thế giới, toàn nhân loại.
Công pháp quốc tế bây giờ còn phải tính tới chủ quyền của các quốc gia thành viên nữa. Ở các địa phương có cam kết nhân quyền cao, thí dụ ở cộng đồng Âu châu, thì việc kiện giới cầm quyền xâm phạm quyền cá nhân, hay quyền của nhân dân hoàn toàn có thể thực hiện được.
Thế nhưng ở Á châu, hay ở Việt Nam, thì điều này không làm được vì luật quốc gia thì không thụ lý mà tòa án khu vực hay quốc tế thì lại không có. Thẩm quyền hình sự không thể vượt qua chủ quyền quốc gia.
Việt Nam không tham gia Công ước Geneve về việc thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế nên việc đưa ra tòa không thể được.
Vả lại, Tòa Hình sự Quốc tế trên thực tế nay chỉ xử có ba tội phạm: tội diệt chủng, vi phạm luật chiến tranh và tội ác chống nhân loại. Trước có một tội phạm nữa mà Tòa Hình sự Quốc tế thành lập năm 1998 tại Rome có thể thụ lý là tội xâm lược, nhưng tội này đang tạm hoãn vì khó có thể định nghĩa cho chính xác thế nào là xâm lăng.
BBC: Thưa ông, Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cũng không thể thụ đơn kiện được?
LS Trần Thanh Hiệp: Vâng, đó là một cơ quan của Hội đồng Nhân quyền, có quyền hạn thâu nhận tất cả các tin tức, chứng cứ về vi phạm nhân quyền. Đây không phải là tòa án xét xử.
Ủy ban này sẽ chuyển thông tin cho cơ quan của mình chuyên nghiên cứu về mặt pháp lý để xác định xem hình thức nào để giải quyết chứ không phải giải quyết bằng hình thức tranh tụng trước tòa án.
Cá nhân có quyền tố cáo các hành vi xâm phạm nhân quyền, nhưng không thể theo dõi kết quả như quá trình tranh tụng thông thường. Thủ tục đó hoàn toàn không có.
Tôi nghĩ về mặt chính trị việc lên tiếng và giữ thái độ như linh mục Nguyễn Văn Lý là có giá trị lớn vì đó là hành động mũi nhọn, tấn công vào các vi phạm của chính quyền và cần được ủng hộ.
Nhưng về mặt thực tế, hành động đó có được đáp ứng đúng hay không nó phụ thuộc nhiều điều kiện, cả quốc gia lẫn quốc tế.
.
Luật sư Trần thanh Hiệp sinh năm 1927 tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Công Pháp, Đại Học Aix Marseille và Cao Đẳng Chính Trị Học, Đại Học Paris II. Ông còn là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam về Nhân quyền tại Paris.
.
.
.
LM NGUYỄN VĂN LÝ KHỞI KIỆN NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ra trước TÒA ÁN NHÂN QUYỀN LHQ
LM NGUYỄN VĂN LÝ TRẢ LỜI VỀ ĐƠN KIỆN NHÀ NƯỚC VN TRƯỚC LHQ
LM NGUYỄN VĂN LÝ TIN TƯỞNG SẼ THẮNG Ở TÒA ÁN NHÂN QUYỀN LHQ
.
.
.
No comments:
Post a Comment