Nỗi ám ảnh Nguyễn Sinh Hùng với VN-Index và dự án cao tốc
Minh Quang
Đăng bởi bvnpost on 16/06/2010
“Hai năm kể từ sau khi lời tuyên bố của một nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, chỉ số VN-Index chưa bao giờ vượt qua mức 800 điểm (đúng với thời điểm tuyên bố của ông). Ngược lại, chỉ số ngoi lên được trên 600 điểm là niềm vui mừng khôn xiết của nhiều nhà đầu tư vốn nhẹ dạ nghe theo lời kêu gọi của ông. Đối với nhiều nhà đầu tư, lời tuyên bố chắc như bắp của Nguyễn Sinh Hùng về đại dự án cao tốc Bắc Nam như nỗi ám ảnh của hai năm trước đang trở lại. Họ đã quá hiểu khả năng phán đoán của một nhà tài chính tầm cỡ mang tên Nguyễn Sinh Hùng” – Minh Quang.
Ông Nguyễn Sinh Hùng vấp cú VN-Index hai năm trước mà chưa rút kinh nghiệm, lại mang vẻ mặt “chắc như cua gạch” lên diễn đàn nghênh ngang nói… chắc như đinh đóng cột. Vì sao thế nhỉ? Vì ông là “dân chi phụ mẫu”, tức là quan, mà quan thì xưa nay cái miệng vẫn thế, vẫn cứ nói những điều rất chắc để rồi cuối cùng nếu chẳng có gì là chắc thì … mặc chúng bay. “Tiền thầy” (tiền lại quả, tiền tư vấn, tiền “chi phí khác”… toàn những món khổng lồ cả) bỏ túi rồi là cái chắc nhất chứ còn gì nữa. Trong trường hợp này câu tục ngữ “miệng quan… trẻ” sao mà đúng thế!
Bauxite Việt Nam
-------------------------------------------
Cái tên Nguyễn Sinh Hùng lại một lần nữa nổi lên với tuyên bố đầu tư đại dự án đường cao tốc Bắc Nam không đáng lo ngại về vốn. Với sự tự tin từ tăng trưởng GDP như một bảo chứng cho nguồn vốn của dự án và khả năng hoàn vốn của nó, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự án sẽ “thắng” (!?). Lời tuyên bố này làm nhiều người nghĩ đến lời tuyên bố của ông cách đây hai năm về thị trường chứng khoán Việt Nam.
Còn nhớ thị trường chứng khoán Việt Nam như con tàu cao tốc thẳng tiến về phía trước, đạt trên 1.000 điểm, xuất phát từ sự hưng phấn quá mức của các nhà đầu tư. Thế rồi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra ở Mỹ, kéo theo đó là sự thoái trào của nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng rơi vào thời kỳ đen tối nhất. Chỉ số chứng khoán VN-Index lao dốc như con tàu rơi xuống vực thẳm, từ mức trên 1.000 điểm, xuống 900, 800 điểm… Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia chứng khoán nhận định thị trường đã chạm đáy. Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng khi đó cũng “lạc quan” không kém. Nhiều nhà đầu tư vẫn còn nhớ như in lời tuyên bố dõng dạc của Nguyễn Sinh Hùng khi ấy: “bán là thua, mua là thắng”, ý nói rằng nhà đầu tư bán chứng khoán vào thời điểm đó là thua, là quyết định nóng vội, thay vào đó ông cho rằng mua vào là cơ hội tốt.
Hai năm kể từ sau khi lời tuyên bố của một nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, chỉ số VN-Index chưa bao giờ vượt qua mức 800 điểm (đúng với thời điểm tuyên bố của ông). Ngược lại, chỉ số ngoi lên được trên 600 điểm là niềm vui mừng khôn xiết của nhiều nhà đầu tư vốn nhẹ dạ nghe theo lời kêu gọi của ông. Đối với nhiều nhà đầu tư, lời tuyên bố chắc như bắp của Nguyễn Sinh Hùng về đại dự án cao tốc Bắc Nam như nỗi ám ảnh của hai năm trước đang trở lại. Họ đã quá hiểu khả năng phán đoán của một nhà tài chính tầm cỡ mang tên Nguyễn Sinh Hùng. Sự phán đoán của ông về thị trường chứng khoán Việt Nam hai năm về trước và khả năng tạo vốn từ tăng trưởng GDP lần này liệu có giống nhau? Dự đoán tăng trưởng GDP mà ngài Phó thủ tướng giải trình với các đại biểu Quốc hội nghe chừng như quá cảm tính, một sự cảm tính đã được chứng minh từ thị trường chứng khoán.
Nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã quá nhẹ dạ vì nghĩ “miệng nhà quan có gang, có thép”. Lẽ nào các đại biểu Quốc hội cũng “nhẹ dạ”, bị chinh phục bởi những tính toán cảm tính? Sự mất mát từ thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư dẫu không nhỏ nhưng thuộc từng cá nhân. Hậu quả do những sai lầm của đại dự án tàu cao tốc là vô cùng to lớn và lâu dài cho cả quốc gia và nhiều thế hệ con cháu.
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
.
.
.
Câu nói ấn tượng nhất trong tuần
Đăng bởi bvnpost on 16/06/2010
“Bản thân tôi nhiều khi cũng tự hỏi mình làm trăm việc, làm mười việc thế nào cũng sai một hai việc cũng nên, có khi sai lớn, có khi sai nhỏ, nhưng mà các đồng chí cứ dẹp đi thì bầu không kịp?” – PTT Nguyễn Sinh Hùng.
Sai có một việc nhỏ Thủ tướng các nước thi nhau từ chức, cụ này sai cả "lớn" lẫn "nhỏ" vẫn sợ bãi miễn thì lấy đâu ra người mà bầu. Cứ xem cái mặt cụ ta, cái dáng dấp cụ ta thì hình như nhân tài trong thiên hạ không còn ai ngoài cụ ấy.
Đặng Thị
------------------------------
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng:
Làm sai không có nghĩa là “chặt chém” ngay
Tôi đồng ý xử nghiêm, xử đúng quy định pháp luật. Kể cả các Bộ, các ngành, Phó thủ tướng, Thủ tướng thì các đồng chí QH có thể xử lý… đúng quy định của pháp luật, đúng thực tiễn của tình hình để chúng ta cân lên, đặt xuống và xử lý một cách thận trọng. Còn hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, “cách chức đi, kỷ luật đi”, ngày mai thấy sai chỗ kia, “cách chức đi, kỷ luật đi”, lấy ai mà làm việc các đồng chí? Giả sử làm mười việc tốt, có một việc sai thì cũng phải tính toán…
Cho nên quy định của Đảng, pháp luật có cái đạo đức, tính hợp lý là phải cân nhắc, thận trọng, có tính toán. Nghiêm ở đây không có nghĩa sai là “chặt chém” ngay, như vậy thì hết người, không có người để làm. Thử hỏi trong số chúng ta ngồi đây, bản thân tôi nhiều khi cũng tự hỏi mình làm trăm việc, làm mười việc thế nào cũng sai một hai việc cũng nên, có khi sai lớn, có khi sai nhỏ, nhưng mà các đồng chí cứ dẹp đi thì bầu không kịp?
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
.
.
.
Ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Tính cua trong lỗ
Thảo Dân
Đăng bởi bvnpost on 16/06/2010
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tự tin: “Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm nay ước đạt 106 tỷ USD. Với đà tăng trưởng hiện nay, đến 2020, GDP sẽ đạt gần 300 tỷ USD; 2030 là 700 tỷ USD; 2040 đạt 1.200-1.400 tỷ USD và đến 2050 sẽ gấp đôi số đó. GDP bình quân đầu người đến 2050 dự kiến lên 20.000 USD, thay vì mức hơn 1.000 USD hiện nay. Nếu cứ lấy ngưỡng an toàn vay nợ là 50% GDP, đến 2020, Việt Nam có thể vay 150 tỷ mà vẫn an toàn” (Nguồn: Vnexpress).
Được biết, nguồn thu ngân sách của Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác dầu mỏ và khoáng sản. Cứ kiểu bán khoáng sản thô như hiện nay thì tài nguyên thiên nhiên nước ta chẳng mấy nỗi cạn kiệt. Xin được nhắc lại điều lo ngại của ông Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo Tây Bắc ngày 3/8/2009: “Việc khai thác và chế biến khoáng sản, ta dứt khoát một điều đừng bán thô. Các đồng chí bán thô, không biết mấy triệu năm nữa mới tái tạo được mỏ. Chắc chắn rằng con cháu sau này sẽ trách móc Đảng và Chính phủ. Các đồng chí có tạo ra bao nhiêu GDP đi nữa, nếu nhân dân không thuận lòng thì chế độ không đứng vững được đâu. Con cháu chê bai mình, thì lúc đó anh em mình sẽ thành “ma đói” các đồng chí ạ…”
Mặc dù ông Thường trực Ban bí thư lo ngại mai ngày trở thành “ma đói”, tình hình tài nguyên thiên nhiên vẫn ngày đêm ồ ạt chảy qua bên kia biên giới. Việt Nam là nước có trữ lượng than đá lớn, nhưng việc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cho xuất khẩu ồ ạt mấy năm qua khiến “Việt Nam sẽ bắt đầu nhập khẩu than từ năm 2012. Số lượng nhập khẩu có thể sẽ tăng lên 34 triệu tấn năm 2015 và 114 triệu tấn vào năm 2020” (Nguồn: VnMedia).
Vậy mà các ông Nghị có chỉ số IQ cao như ông Trần Tiến Cảnh (ĐB Hà Nam) “với quyết tâm chính trị” xây dựng bằng được đường tàu cao tốc, dù phải nợ nần ngập đầu. Để thuyết phục những đại biểu chưa được đi tàu cao tốc (những đại biểu này chỉ số IQ chắc thấp hơn chỉ số IQ của ông Cảnh), ông Cảnh trưng ra bằng chứng mình đã được ngồi trên tàu cao tốc rồi, thuận tiện cho “trẻ con đi học, bà mẹ đi làm”. Thử hỏi ông Cảnh đi tàu cao tốc của nước nào thế? Ông đi bằng tiền túi của ông hay ông đi bằng tiền tài trợ? Xin ông cho biết giá vé chuyến tàu ông đã đi để dân Việt Nam tham khảo xem cái vé tàu cao tốc ông đi trị giá bằng mấy tạ lúa của nông dân?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì nhìn xa: "Đây là dự án đón đầu, có tầm nhìn xa. Năm 2030, khi dự án đi vào hoạt động, thu nhập người dân sẽ khác, có thể là 3.000 USD/người chứ không phải 1.000 USD như bây giờ. Vì thế, nếu tính giá vé đường sắt cao tốc, phải tính bằng thu nhập lúc đó. Tính thế nào cũng vẫn rẻ hơn vé máy bay".
Ông Phùng Quốc Hiển nói như vậy quả không biết ngượng mồm, không biết xấu hổ với chính mình. Hai “đại dự án” “có tầm nhìn xa” ở Yên Bái là: Trung tâm du lịch Thác Bà và Nhà máy luyện gang thép Cửu Long Vinashin, sản sinh ra dưới thời ông làm lãnh đạo giờ đang đắp chiếu. Không biết ông đã kiếm được bao nhiêu từ hai “đại dự án” đó? Khi leo lên cái ghế Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, ông cổ xúy cho Dự án đường sắt cao tốc, chắc hẳn ông đang nhằm cái ghế cao hơn?
Ông phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, chắc hẳn chỉ số IQ cao hơn ông nghị Trần Tiến Cảnh và Phùng Quốc Hiển, cứ tưởng ông đưa ra giải pháp nào cho việc xây dựng đường sắt cao tốc, hóa ra ông lặp lại cái ý của ông Hiển và ông Cảnh. Tức là “quyết tâm đi vay” để xây dựng bằng được đường sắt cao tốc, vì tin tưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế và tin vào con cháu chúng ta thông minh hơn, tài giỏi hơn chúng ta hôm nay có thể trả thay món nợ mà các ông đã chất lên đầu con cháu. Đúng là chuyện tính cua trong lỗ. Ăn hết phần của con cháu, lại đổ nợ nần cho con cháu, không biết ông Phó Thủ tướng có đáng mặt làm cha mẹ không nhỉ? Lo ngại như ông Trương Tấn Sang: “Con cháu chê bai mình, thì lúc đó anh em mình sẽ thành “ma đói”, rất đúng, vì ăn hết phần con cháu, mai ngày con cháu chúng ta sẽ xúc món gì thơm tho lên bàn thờ ông Phó Thủ tướng và các ông nghị bấm nút hôm nay?
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
.
.
.
No comments:
Post a Comment