Tuesday, June 8, 2010

"PARIS BY NIGHT" THỨ 100 và NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA (2)

“Paris By Night” thứ 100 và những chặng đường đã qua (Kết)

Nguyễn Văn Lục

08-06-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7500
.
Paris By Night gợi một cái căn cước, một tên tuổi
.
Theo ông Tô Văn Lai, chặng đường 27 năm dài, Paris By Night đã là một tên tuổi quen thuộc của người Việt Nam khắp thế giới. Tên tuổi ấy trở thành một nhãn hiệu quen thuộc như Rolex, Louis Vuiton, v.v…
Nay nếu ông có bán được tiền là bán cái tên ấy.
Nếu chỉ nói về một cái tên thì bắt buộc người ta phải nghĩ Paris By Night là một cái Show, một cái phòng trà, một nơi giải trí trong đó nội dung hay chủ đề đều được diễn ra tại Paris hằng đêm với âm nhạc, ánh sáng với các biểu diễn về ca múa như biểu tượng của “kinh đô ánh sáng”.
Nhưng thật ra, 99 cuốn băng hay đĩa DVD của Trung Tâm Thúy Nga do ông Tô Văn Lai, người chủ của các chương trình ấy đã có mấy cuốn dành cho Paris về đêm? Thế cho nên cái tên ấy chỉ giúp gợi nhớ một thời kỷ niệm về gốc gác của chủ nhân bắt đầu sự nghiệp khiêm tốn như một tiểu thương đầy tham vọng từ những năm đầu ở tại thành phố Paris.

Bước chân đầu đời khởi công xây dựng một sự nghiệp ấy hầu hết những người Việt thành công đều đã trải qua. Nay cái tên ấy đã có một nhân cách, một tên tuổi, một địa vị.
Và nhất là một chỗ đứng trong lòng người Việt Hải ngoại.
.
Có một gia đình nào chưa một lần xem Paris By Night không? Có bao nhiêu triệu người trong nước đã xem Paris By Night và đã có ai tìm hiểu xem, nó ảnh hưởng trên cách nhìn, cách thưởng ngoạn
và nhất là một điều quan trọng là thái độ chính trị của họ đối với chính quyền đương đại ra sao?
Có lẽ đối với tôi đây là điều quan trọng nhất mà Paris By Ninght làm được có thể ngoài cả ý muốn của chính họ. Thật vậy, có viết hằng trăm bài báo đi nữa cũng không bằng một cuốn băng hay đĩa DVD được mọi người xem và tán thưởng. Cuốn băng ảnh hưởng một cách gián tiếp và vô thức trên tâm thức người xem trong nước. Nó là một thứ tuyên truyền “êm dịu” được chấp nhận một cách tự nhiên.
Nó là thứ tuyên truyền mà như thể không tuyên truyền. Chẳng hạn trong cuốn DVD 99 nói về sự thành công của người Việt hải ngoại đương nhiên tác động đến người trong nước không nhỏ và làm cho cha mẹ trong nước có dịp so sánh số phận con em họ với số phận con em của những người gia đình ở nước ngoài.
Lúc ấy người Việt hải ngoại sẽ là mẫu mực, là tiêu chuẩn, là giấc mơ của người trong nước mong muốn cho con cái mình cũng được như vậy.
Phải nói đến một giấc mơ hải ngoại. Phải chăng đó là điều đáng nói nhất?
Mơ học thành tài, mơ giầu có và mơ đủ thứ.
Mơ được như người Việt hải ngoại.
PBN đã đưa người đọc trong nước vào những giấc mơ kể như thần thoại ấy thay vì mơ Thiên đường XHCN. Và trẻ con đêm nằm ngủ sẽ không còn dại dột mơ gặp Bác Hồ nữa.
Đề cao những thành tựu của người hải ngoại là gián tiếp miệt thị chế độ ấy.
Không cần chống cộng trực tiếp mà kể như chống cộng sản hữu hiệu và được sự tán đồng của mọi người. Chúng ta còn đòi hỏi điều gì hơn thế nữa?
.

Sức mạnh truyền thông trong trường hợp này là Incontestable.
Và vì thế, tôi viết bài này chẳng phải chỉ vì cái “sản phẩm hóa học “ trái cựa cù lần và vô duyên giữa Kỳ Duyên và Nguyễn Ngọc Ngạn tạo ra một chất hữu cơ có thể sủi bọt làm cho thiên hạ cười được.
Cũng chẳng phải vì ông Tô Văn Lai mà mỗi lần đi chợ rau gần đấy, ghé qua cái tiệm của ông, số 9295 Bolsa Ave, ông lại vẫn tính mau mắn: Này cậu đã coi cuốn băng này chưa? Nghĩ bụng tiền đâu mà mua? Và không bao giờ ông đề nghị viết một bài về Paris By Night đi.
.
Nghĩ đến PBN, cần một suy nghĩ đảo ngược, nghĩ đến vai trò quan trọng của nó đối với người trong nước nhiều hơn hải ngoại. Khi làm PBN, họ chỉ nghĩ trước tiên đến đám khán thính giả ngoài nước và phản ứng của họ.
Điều đó rất đúng, vì người Việt hải ngoại nuôi sống Paris By Night.
Nhưng cũng cần nghĩ tới con số 80 triệu người và nghĩ tới phản ứng cũng như nhu cầu của 80 triệu người ấy - Và có thể tạm quên nghĩ đến lợi nhuận.
Biết rằng người trong nước không đủ tiền để bỏ ra 20 đồng, 25 đồng cho một cuốn băng Paris By Night. Việc xem băng lậu trong nước là điều thực tế phải chấp nhận.
.
Với tư cách người cầm bút, tôi luôn luôn sung sướng và tự hào khi có nhiều người trong nước nay có phương tiện đọc bài mình, đọc Web mình đang cộng tác. Chúng tôi thường thăm dò số độc giả trong nước từ 10% lên đến 20%, chúng tôi hãnh diện.
Sở dĩ chúng tôi có quyền mong muốn như thế vì có sự phân biệt rõ ràng hai đối tượng trong nước. Đối tượng là chính quyền cộng sản mà chúng tôi đả phá và phê phán và đốt tượng người dân mà chúng tôi muốn bày tỏ và thuyết phục họ.
Có nghĩa là người cầm bút coi người dân chỉ là nạn nhân của chế độ đương quyền mà thôi.
.
Không có một thăm dò chính thức, nhưng những băng Paris By Night đã ảnh hưởng ở mức độ vượt xa những cơ quan tuyên truyền của nhà nước?
Chúng ta cần suy nghĩ rất kỹ về điều này và đừng chỉ đứng ở góc độ người Việt HảI Ngoại với cái tâm thức và khung định kiến sẵn để đòi hỏi theo đúng tiêu chí của mình.
Chẳng hạn, có nhiều dư luận phản ánh một cách chắc nịch rằng Paris By Night đã bị trong nước “mua rồi”. Chỉ không ai tự hỏi xem nó mua để làm gì chứ? Mua để rôi tiếp tục phải nghe nhức đầu nhức tai những chủ đề: Chúng ta đi mang theo quê hương hay Giọt nước mắt cho Việt Nam.
Theo tôi, nếu quả thực họ muốn mua đi nữa, thì mục đích mua là để dẹp tiệm Thúy Nga, dẹp một cơ quan tuyên truyền bất lợi cho họ.
.
Thực tế, ai nuôi mình thì mình phục vụ người ấy. PBN không thể phản bội lại cộng đồng người Việt hải ngoại.

Tôi tin chắc như thế. Khi được tin vé bán chạy cho cuốn PBN 100, ông Tô Văn Lai tin rằng khán thính giả không bỏ mình. Ông nói với một sự xúc động khác thường.
Và nếu quả thực diễn tiến xảy ra đúng như trên thì những phê phán Thúy Nga hiện nay cần suy xét lại.
.
Paris By Night với những kỷ niệm
.
Phải nói chung chung là xem Paris By Night là để sống lại với rất nhiều kỷ niệm của một số người. Kỷ niệm về một bài hát thân thương, về một tên tuổi, về một nhà văn, về một nhà thơ, về một nhạc sĩ Về môt câu ca dao, một câu hò, một cảnh trí sinh hoạt đồng quê, nhất là cảnh quân đội Việt Nam cộng hòa, các cuộc hành quân hào hùng, những cảnh thương đau máu lửa, tiếng nhạc oai hùng, hinh ảnh người phụ nữ nhất là các bà mẹ quê, rồi cảnh sinh hoạt làm ăn, ngày lễ hội, cảnh sông nước miền Nam thân yêu.
Có khi chỉ cần một chi tiết rất nhỏ đủ làm cho lòng người rung động.
Kỷ niệm là cái gì đắt giá trong những cuốn băng này.
Người đi nghe PBN đồng thời là đi mua lại kỷ niệm, đi tìm lại bản thân mình, cuộc sống của mình.
Có rất nhiều cận cảnh cho thấy những giọt nước mắt của khán thính giả. Cười cũng có mà khóc cũng không thiếu.
Mỗi một cuốn băng là muôn vàn kỷ niệm quay về và cảm thông và xúc động khi nhìn lại những khung cảnh ấy.
.
Tôi cảm thấy không tiện để mang ra đây như kể công về những công việc có tính vừa chuyên môn, vừa nghệ thuật, vừa có tham vọng đạt tính kỹ thuật cao, vừa mong trội vượt, vừa thương mại ấy của Paris By Night.
Lắm lúc tôi có cảm tưởng những điều người khác không làm được, PBN dám làm trở thành nỗi đắng cay và thù hận cho chính họ?
Chẳng hạn cái công sưu tầm tài liệu vô số kể không đếm được trong mỗi phút của một bài hát, ở trong từng bài hát một, trong mỗi chủ đề kể đến hằng trăm tài liệu bằng hình ảnh là quý giá lắm.
Chỉ một bài hát đã có liên tiếp nhiều hình ảnh sưu tập hỗ trợ. Có khi lướt qua trong tích tắc, trong vài giây.
PhảI là những người có lòng với nghệ thuật, mới bỏ công sức ra sưu tầm tài liệu như vậy.
Chẳng hạn, bản thân tôi đã viết về cái chết của trung tá cảnh sát Long đã đứng trước tượng Thủy Quân lục chiến, trước tòa nhà Quốc Hội rồi rút súng tự Sát. Ông đã nằm chết ngay dưới chân pho tượng những ngày đầu giải phóng.
Và trong bài viết của tôi Đi tìm Thời gian đã mất. Tôi đã viết như thế này:
“Đó là cái chết bằng ngàn lời ca, bằng vạn tiếng nói.
Và kẻ chết cuối cùng vẫn là kẻ có lý. Và tự sát bao giờ cũng vẫn được hiểu là một sự hy sinh cuối cùng (ultimate sacrifice) đáng được tôn trọng.
Không có cái chết vô ích mà chỉ có cái sống vô ích.”
Nhưng làm sao tôi có được hình ảnh sống động của Trung tá Long nằm trong tư thế chuẩn bị của một người ra đi với chiếc mũ két cảnh sát để trước ngực, hai chân duỗi thẳng nghiêm chỉnh?
.
Hay là đã có lần tôi viết về cái tên đang ngồi xử án người thanh niên Trần Văn Bá cũng là cái tên bị quy án tử hình thời đệ nhất công hòa và được các tướng lãnh sau 1963 thả ra để rồi sau này y ngồi xử án Trần Văn Bá. Cái phiên tòa xử án người quốc gia anh hùng và trớ trêu ấy được Paris By Night trình chiếu lại và đã có bao nhiêu khán giả thấy hết được giá trị một vài phút phim lịch sử quý giá ấy?
Những hình ảnh ấy mới giá trị bằng ngàn lời ca, bằng vạn tiếng nói.
.
Cũng vậy, ông kể cho tôi nghe về bản nhạc Việt Nam Minh ChâuTrời Đông của nhạc sĩ Hùng Lân mở đầu cho băng nhạc chủ đề Chúng ta đi mang theo quê hương, Paris by Night 49. Chọn bản nhạc ấy, một bản nhạc mà nay hiếm hoi còn có một số người biết được. Nó biểu tượng cho một thời tân nhạc Việt Nam còn ở giai đoạn phôi pha. Một bản nhạc trầm hùng và mang ý nghĩa lịch sử của cả một thời kỳ.
Nhạc sĩ Hùng Lân nay đã chết.
Tôi đã nghe bản hợp ca này và thật sự cùng lúc ấy, tôi sống lại quá khứ hơn 50 năm về trước.
Tô Văn Lai phải đì tìm lại gia đình nhạc sĩ Hùng Lân ở Việt Nam để thương lượng mua bản quyền trình chiếu cho được bài hát ấy.
Một bản nhạc trình chiếu trong vài phút nó mang ý nghĩa sưu tầm có giá trị văn học và lịch sử âm nhạc,“tân nhạc” Việt Nam của cả một thời kỳ mà tên nhạc sĩ Hùng Lân nay mấy người biết tới.
Phải biết ơn và trân trọng những điều như thế.
.
Tôi đã được ông cho coi nhiều cuốn băng khác nhau từ những cuốn băng đầu tiên hoặc đơn điệu do nhà văn Duyên Anh biên tập cho đến những cuốn băng sau này do Nguyễn Ngọc Ngạn và Kỳ Duyên làm MC.
Có quá nhiều điều để nói. Có quá nhiều điều để phê phán theo ý kiến của mỗi người mà nhiều điều tôi nghe đến ngạc nhiên và đôi khi không khỏi sửng sốt vì những điều suy diễn của khán giả.
Chẳng hạn như cuốn băng với nhan đề: Tôi là người Việt Nam. Nhằm vinh danh những thành tựu “vẻ vang dân Việt”.
Cuốn băng gặp những phản ứng trái chiều như: Vinh danh người Việt hải ngoại mà không nói gốc gác gia đình, vinh danh một người con của một chiến sĩ mà không dành ít phút để nói về viên đại úy đã chết trận. Gián tiếp đề cao tên Việt Cộng nằm vùng Trịnh Công Sơn qua một Việt kiều và qua tiếng hát Khánh Ly. Gián tiếp đề cao những Việt kiều thành công về giúp những chương trình xã hội như giúp người mồ côi, trẻ khuyết tật, v.v... Cái ông võ sĩ mỗi lần thượng đài khi thắng bao gìờ cũng không quên quấn thêm lá cờ vàng ba sọc đỏ.
Có điều chi lẩn khuất? Có điều chi muốn giảm giá trị lá cờ Quốc gia? Nhưng mà hôm nay đâu có phải là lúc thượng đài? Và chẳng nhẽ trong dịp như thế này, ông không được phép mặc bộ áo vét?
Người viết script, phải chăng có toàn quyền hay lệ thuộc vào kỹ thuật cắt xén, sắp xếp của các chuyên viên thu hình, chuyên viên điện ảnh mà từng sự kiện tính toán theo từng giây không phải từng phút?
Chúng ta đi xem để thưởng ngoạn một công trình nghệ thuật, đôi phút giải trì hay là đến để bày tỏ một lập trường chính trị?
.
Cả một cuốn băng dài mấy tiếng đồng hồ, tôi đã bắt gặp những phút giây quý hóa, như khi người phụ nữ thành công lên cám ơn mọi người và đặc biệt cám ơn phu quân. Ống kính máy thu hình đã thu lại một vài giây quý hóa của một người đàn ông hơi cúi xuống tháo ống kính lau mắt vì xúc động.
Tôi cảm thấy, đây là một người đàn ông sung sướng và hạnh phúc vì có được một người vợ như thế. Cho đổi 10 cô ca múa xinh đẹp trên Paris By Night, chắc ông cũng không bao giờ đổi. Trên đời này, chỉ cần được một người đàn bà như thế đủ để đáng sống rồi. Hạnh phúc cho những người biết yêu nhau chân thật và biết hy sinh cũng như biết chung thủy.
.
Có thể nào để nghệ thuật ở một chỗ ngồi cao thay vì coi nhẹ nó. Có thể nào bỏ một góc nhìn chính trị cho một giây phút thư giãn nghệ thuật và đầy tình người. Có thể nào nhìn cái đại thể, nhìn cái toàn thể của cuốn băng thay vì một tiểu tiểt? Và ai có thể làm một cuốn băng thỏa mãn được mọi người?
Cái sự chia rẽ trong cộng đồng về chính kiến khác biệt trong một cuốn băng, người khen kẻ chê nó chỉ là thành tố của một cộng đồng người Việt không bao giờ có thể ngồi chung và đồng thuận với nhau về bất cứ vấn đề gì, dù lớn hay nhỏ. Việc bầu cử cộng đồng ở California mới đây là một bằng chứng. Không ai có thể nói minh bạch ai sai ai đúng. Việc kỷ niệm ngày lễ lớn của người Việt cũng là cớ sự cho hai nhóm đố kỵ, tranh biện.
Mới đây có độ 10 ông bác sĩ hồi hưu ngồi lại với nhau, trong đó ông bác sĩ chủ tịch nay đã 80 tuổi có về thăm Việt Nam. Khi sang, có một ông bác sĩ khác đặt vấn đề và cho rằng việc về VN như vậy đối với một vị bác sĩ chủ tịch là không được.
Ông bác sĩ chủ tịch buồn lòng về sự hẹp hòi và thiển cận của môt bạn già chỉ còn mỗi một cách là lẳng lặng rút lui.
Câu hỏi chống Cộng hay là chống nhau là câu hỏi bẽ bàng lắm.
Mặc dầu vậy, khi nghe người ta chỉ trích cuốn băng 99, tôi thật sự bối rối. Thiên hạ chửi như tát vào mặt tôi như thể tôi là Nguyễn Ngọc Ngạn hay Tô Văn Lai. Tôi gọi điện thoại cho ông Tô Văn Lai để hỏi về nội dung cuốn băng ấy. Tô Văn Lai đang bận tíu tít cho chương trình sắp tới của anh ta chỉ kịp nói vài câu và nói sẽ gửi băng nhạc sang ngay cho tôi.Tôi nói. Thôi khỏi. Tôi không có thời giờ chờ đợi thêm một tuần và phiền ông ta nữa nên nhờ một người cháu có cuốn băng này cho mượn.
.
Chiều tối hôm đó, cháu mang ngay một cuốn băng nhạc mới tình với hai DVD “biếu cậu”. Cháu khoe mua có 5 đồng có hộp đàng hoàng, còn nếu mua không có hộp thì rẻ hơn nữa. Nếu cậu chưa có đủ bộ thì mua cho đủ. Cháu cũng nói thêm: cháu cũng mua biếu ông già vợ, vì ông khoái coi Paris By Night.
Rẻ hơn là bao nhiêu, tôi không biết! Những người “khoái” Paris by Night lại là những người giết PBN một cách chính nghĩa.
Và bao giờ đến lượt tôi đi mua cho đủ bộ?
.
Cũng phải nhìn nhận là những người than phiền về cuốn Paris By Night 99, nhiều người phát biểu một cách chân tình và tỏ vẻ buồn và thất vọng vì thấy Paris By Night đã “đổi chiều”. Không thể không tôn trọng những ý kiến của các khán giả ấy.
Họ cảm thấy Paris By Night đã phản bội lại người đã hâm mộ Paris By Night. Họ yêu cầu “xin hãy dừng lại”. Có người còn quả quyết là PBN đã được bán cho chủ mới trong đó có cả thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là khách mua trong đó.
Có người nặng nề cho rằng “Ai còn tin được mồm mép của Nguyễn Ngọc Ngạn và con gái lộn chồng của Nguyễn Cao Kỳ cục”.
.
Phần Tô Văn Lai, có người cho rằng biết rõ ông, biết rõ những ngày anh đến Mỹ phải ngủ ở nhà các bạn bè, đi từng tiểu bang để bán các cuốn Thúy Nga rất vất vả để tạo nên một trung tâm Thúy Nga như ngày nay. Vậy mà đã vội quên chạy theo lợi nhuận.
Xin đọc và chia xẻ những tâm tình. Đa dạng và trái chiều của khán thính giả.
.
Tuy nhiên cái cảm giác chung là người ta ngạc nhiên và thích thú, hãnh diện không ngờ người Việt mình lại giỏi đến như thế, thành công đến như thế, mang lại vẻ vang cho người Việt đến như thế. Tôi rất xúc động khi thấy một phụ nữ Việt vốn bố cô là một đại úy trong quân lực VNCH đã tử trận. Cô được chính phủ cho học trường Quốc gia Nghĩa Tử, rồi mẹ tần tảo cho con đi du học và nay cô có đến hằng trăm bằng sáng chế.
Cái điều chính yếu ở nơi cô, cô vẫn là một phụ nữ Việt Nam thuần túy, vẫn chững chạc mà không cao ngạo, vẫn nề nếp con nhà.
Cô vẫn là người Việt Nam như chủ đề: Tôi là người Việt Nam.
Tôi nghĩ xa một chút giả dụ bất hạnh cho mẹ con cô nếu còn ở lại Việt Nam thì số phận cô sẽ ra sao? Cô sẽ sáng chế ra cái gì? Mẹ con cô lấy gì để sinh sống nói chi ăn học?
Và nghĩ xa đến hằng 300 trăm ngàn trí thức Việt Nam đã thành công ở Hải Ngoại? Số phận họ sẽ ra sao nếu chẳng may còn kẹt lại trong nước?
.
Những yếu tố tích cực của cuốn băng mà tôi nhận thấy nhiều khán giả ngồi xem ở dưới đã cảm động không cầm được nước mắt, phải chăng đó là những điều còn đọng lại nơi cuốn băng này?
.
Tôi phải nhắc lại một lần nữa, phải chăng khi đề cao và vinh danh người Việt Hải ngoại là một cách gián tiếp tát vào mặt chính quyền cộng sản hiện nay? Có cách nào bày tỏ sự chống đối chính quyền cộng sản cao hơn nữa không?

.
Trong khi ở nơi này, chúng ta hãnh diện là người Việt Nam thì tổng giám mục Ngô Quang Kiệt khi đi ra nước ngoài cảm thấy tủi nhục khi mang thông hành là người Việt Nam?
Phải chăng có hai loại người Việt Nam, một loại người VN mà ta có quyền được hãnh diện và một loại người Việt Nam mà ta cảm thấy tủi nhục?
Điều gì đã phân chia ra hai loại người Việt Nam như thế, nếu không phải là do chế độ cộng sản đã sản sinh ra?
.
Sắp tới đây, ông Tô Văn Lai và trung tâm Thúy Nga chuẩn bị cho Show thứ 100, tại Las Vegas với chủ đề “27 năm, một chặng đường ghi nhớ”. Đại nhạc hội này sẽ được ra mắt khán thính giả tại hí viện Planet Holywood, Las Vegas mà sức chứa lên đến 7000 người. Ông Tô Văn Lai cho biết tốn kém cho hai Show trình diễn này là 1 triệu rưởi đô la vào các ngày 3 tháng bảy, lúc 7 giờ rưỡi tối. Chủ nhật 4 tháng7 vào lúc 2 giờ trưa.
Giá vé hàng đầu 2000 đồng, sau đó là 1500 đồng và kế tiếp, kế tiếp, đến 200, 150 đồng.
Đồng hạng trên lầu là 58 đồng.
Hiện nay thì tiền bán vé đã được 800 ngàn; con đường còn dài và con đường ấy trở thành niềm hy vọng của ông Tô Văn Lai.
.
Việc tổ chức ở một nơi sang trọng và danh tiếng như thế này nó đã đi quá xa với ý nghĩa một thứ văn nghệ phục vụ quần chúng đám đông! Nhưng đó lại là quy luật của sự làm ăn, của thương mại.
Đây là lần thứ hai, trung tâm Thúy Nga tổ chức tại nơi đây.
Tham vọng và óc thương mại của ông Tô Văn Lai là lớn lắm. Ông tính đổ đồng việc chi phí cho 100 băng Thúy Nga là khoảng 50 chục triệu đô la.
.
Nhiều người đặt vấn đề với tôi là Thúy Nga nói lỗ, lỗ sao vẫn tiếp tục, nếu không là do Việt cộng tài trợ?
Tôi không thể trả lời thay cho ông Tô Văn Lai được và tôi cũng chưa bao giờ đặt một câu hỏi như thế đối với ông Tô Văn Lai cả. Lỗ hay lời là chuyện của ông ấy.

.

Chỉ có một điều, ông cương quyết khẳng định với tôi là ông đã bỏ bao nhiêu tâm sức để làm những cuốn băng “chống cộng” mà không ai chịu biết tới.
Trong một lá thư viết tay đề ngày may 4/2010, nhân tiện ông gửi cho tôi mấy băng nhạc, ông viết:

“Theo đây, gửi cho cậu xem lại những sản phẩm này đã phát hành rất lâu, có nghĩa là Thúy Nga tỏ bày lập trường chính trị trước cả năm 1990 và duy nhất chỉ có Thúy Nga là có những chủ đề Giọt nước mắt cho Việt Nam với Duyên Anh. (Thời nầy, chưa có đánh máy chữ bằng computer,1988…) Mùa Xuân nào ta về, 1992, Chúng ta đi mang theo quê hương, 49 v.v...
Đây là phim ảnh như giấy trắng mực đen đã đi vào dĩ vãng nói lên quá khứ hoạt động của Thúy Nga.
Xin cậu cho ý kiến”.

.

Về những tin đồn, trung tâm Thúy Nga được bán cho Việt cộng, ông Tô Văn Lai đã trả lời cho Thùy Trang, phóng viên báo Lao động như sau:

“Nếu muốn bán PBN thì không ai dại dột gì tuyên bố công ty đang gặp nhiều lỗ lã thì làm sao bán được.
Để chính thức trả lời cho khán thính giả trên khắp thế giới thì PBN khảng định chưa bán cho ai và có lẽ cũng không có ai mua vì chi phí quá tốn kém Cuốn Paris By Night 98 (Las Vegas) đã tốn một triệu 900 ngàn đô. Cảnh trí trong hý viện nay trang trí với hơn mấy triệu viên crystal lấp lánh ánh sáng lung linh trên sân khấu nhập cảng từ Trung Quốc .
Tổng chi phí của 100 cuốn PBN ước lượng 50 triệu Mỹ Kim thì hỏi có công ty nào có can đảm dám mua PBN, dù chỉ muốn bán 30 triệu đô la mà thôi.
Giải thích như thế để trả lời quý khán thính giả là sẽ không bao giờ có ai dám đá động mua lại Paris By Night.”

Tưởng rằng lời giải thích này của ông Tô Văn Lai thật rõ ràng và để chấm dứt những tin đồn về việc mua bán này. Đây quả thực rõ ràng không phải là việc mua bán Paris By Night mà là “mua bán tin đồn.”
.
Câu hỏi cuối cùng mà mọi người chờ đợi là sau show trình diễn thứ 100 ở Las Vegas, PBN sẽ vĩnh viễn đóng cửa?
Chỉ có ông Tô Văn Lai có thể trả lời dứt khoát được câu hỏi này.
.
Nhưng tôi cũng dám nói cho khán thính giả một điều này, tôi nghĩ ông ông Tô Văn Lai không phải là người bỏ cuộc dễ dàng như thế. Và Paris By Night thứ 101 sẽ ra đời để đáp ứng lại điều mà ông cho rằng “không thể phụ lòng những người yêu mến” Paris By Night .
Phần khán thính giả cuối cùng bao giờ họ cũng là người có lý. Và sức mạnh của cái có lý là họ có quyền từ chối, tẩy chay không mua, không xem PBN. Nếu họ thấy nó không đáp ứng cho những yêu cầu của họ.
Nhưng xem, ra họ lại ít xử dụng cái thẩm quyền tối thượng ấy.
7000 vé sẽ bán hết trong nay mai là một bằng chứng đủ để ông Tô Văn Lai giữ lại bảng hiệu.
PBN cuối cùng vẫn là vốn liếng vật chất của gia đình Tô Văn Lai và vốn văn hóa của cộng đồng người Việt.
Chúng ta có quyền nghĩ và hy vọng như vậy.
.
© DCVOnline

.

.

No comments: