Wednesday, June 16, 2010

PHẠM QUỲNH - DÂN TỘC và HỘI NHẬP

Phạm Quỳnh- Dân tộc và Hội nhập

http://www.danchimviet.com/archives/10737

Đó là một phần trong bài tham luận tại Hội thảo về Phạm Quỳnh ở Hải Dương hôm 12/06 của GS, nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú khi nói về Phạm Quỳnh. Theo GS Chú, trong con người của Nhà văn, Nhà báo, Nhà yêu nước Phạm Quỳnh có nhiều điều đáng nói, nhưng nổi bật nhất vẫn là quan điểm: Dân tộc và Hội nhập.

Với thế hệ chúng tôi, tên tuổi của Phạm Quỳnh trở nên quen thuộc và thường gắn liền với những định kiến xấu. Rằng, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh là những nhân vật thân Pháp, rằng đây là những kẻ “văn nô”, ăn cơm Tây, ở nhà Tây, thậm chí, nặng nề hơn còn quy cho hai ông này là những kẻ bán nước.

Tuy nhiên, bán nước hay yêu nước chỉ là một cách nhìn của ai đó vào một thời điểm nào đó mà thôi, còn thực tế về con người Phạm Quỳnh cần có cái nhìn khoa học hơn.

.

Yêu nước hay bán nước?

Thời gian trôi đi, cùng với sự đa dạng của các luồng thông tin là sự trưởng thành của nhận thức buộc người ta phải xem xét lại những định kiến cũ. Có dịp nghiên cứu sâu thêm về hai ông này, thấy rằng những tội trạng mà công luận chụp cho hai ông là không đúng, thậm chí là vô lý. Với tôi vẫn đau đáu một điều rằng, phải dành thời gian để nghiên cứu về những nhân vật như vậy. Không chỉ thỏa chí tò mà mà hơn thế là trả lại danh dự, tri ân với những bậc tiền nhân có công với nền văn hóa nước nhà như nghĩa cử của một công dân làm nghề cầm bút.

Cách đây độ hơn tháng, Khúc Hà Linh có đến văn phòng tôi, anh khoe: Vừa hoàn thành xong bản thảo “Phạm Quỳnh- con người và thời gian”, đã đưa nhà xuất bản Thanh Niên, việc ra mắt chỉ là vấn đề thời gian. Tôi bảo Khúc: tốt, tôi chưa đọc bản thảo, nhưng viết về ông này, như cách anh đã viết về “Tự lực Văn đoàn” là được. Đưa ra các dẫn chứng sống có chất lượng khoa học, sẽ giúp cho công luận hiểu một cách khách quan hơn về những người đi trước, điều này rất nên làm.

Ba tuần sau, Khúc lại đến văn phòng tôi, với bộ mặt hớn hở như cậu học trò được điểm 10, Khúc lật đật mở cặp, lôi ra một cuốn sách nhỏ như đã nói ở trên, bìa màu mận chín xen lẫn màu vàng của ráng chiều, được trình bày chuyên nghiệp, sang trọng. Khúc ngồi xuống nắn nót viết lời đề tặng: “Thân mến tặng Nhà báo Phan Thế Hải để nhớ một thời ở Hải Dương”. Tôi đón nhận ngay, rồi không bỏ lỡ, cầm lên đọc lướt qua các phần chương mục, dữ liệu.

Tuần trước, tôi lại nhận được giấy mời của Nhà báo Nguyễn Thanh Cải, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Hải Dương mời xuống dự Hội thảo mang tên: “Phạm Quỳnh- con người và tác phẩm” nhân kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Vậy là, bỏ qua mọi công việc cấp bách, gạt sang một bên sự bận rộn, tôi đánh xe đi Hải Dương dự hội thảo.

Điều đáng mừng là, ngoài các nhà báo, nhà khoa học và một số bạn đọc, còn có đương kim Phó chủ tịch tỉnh Hải Dương, chị Phạm Bích Liên, cũng tham gia và đọc lời khai mạc. Dẫu là ngày cuối tuần, nhưng không khí hội thảo rất sôi nổi, cởi mở, với hơn 10 ý kiến tham luận, sâu sắc và có chất lượng.

Với hơn hai trăm số tạp chí Nam Phong còn lưu giữ được ở thư viện Quốc gia và một số còn lưu giữ ở các thư viện nước ngoài, cùng với đó là các bài viết, bài nghiên cứu của học giả Phạm Quỳnh, các nhà nghiên cứu đã có điều kiện để phân tích sâu sắc tư tưởng yêu nước của ông. Là chủ bút tờ Nam Phong tạp chí trong một thời gian dài, ông đã bày tỏ quan điểm, tôn chỉ của tờ nguyệt san này là:

- Diễn đạt truyền bá tư tưởng, học thuật đông tây kim cổ.
- Luyện quốc văn trở nên hoàn thiện, bồi dưỡng Việt ngữ phong phú, uyển chuyển, sáng sủa và gẫy gọn.
- Lấy đó làm nền tảng dân tộc rồi phát triển thành tinh thần dân tộc.

Rõ ràng, cùng với Nguyễn Văn Vĩnh và những người sáng lập ra Đông Kinh Nghĩa thục, Phạm Quỳnh là người có công lớn trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ. Đưa chữ Quốc ngữ từ một phương tiện của những nhà truyền giáo giảng dạy Kinh thánh trong nhà thờ thành chữ viết của cả một dân tộc, thay thế chữ Hán và chữ Pháp. Dưới sự chỉ đạo mềm dẻo và sâu sắc của Phạm Quỳnh, các tôn chỉ đó được thể hiện sinh động trên cơ sở các chuyên mục của tạp chí, như: Lý thuyết, Văn hóa bình luận, Khoa học bình luận, Triết học bình luận, Văn uyển, Tạp văn, Thời đàm, Tiểu thuyết…

Ông cũng được bạn đọc biết đến với câu nói nổi tiếng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn.” Một người đau đáu với văn hóa dân tộc như vậy không thể gọi là người bán nước. Hơn nữa, theo cách nói của ông: “Khi tôi sinh ra, nước đã mất rồi, còn đâu nữa mà bán”. Ông cũng là người luôn đau đáu về quyền làm chủ của dân tộc.

.

Dân tộc và chủ quyền

Cuối thế kỷ XIX, sau khi triều đình Huế ký các thỏa ước với người Pháp, Việt Nam ở trong một tình thế bị “mẫu quốc” áp đặt mọi phương diện. Mối quan hệ giữa Nhà nước Pháp và “Nhà nước” An Nam (triều đình Huế), bất kể vẻ ngoài ra sao và do cá nhân nào đại diện, chỉ là mối quan hệ lệ thuộc giữa thuộc địa và chính quốc. Các Hoàng đế An Nam chỉ là sản phẩm của người Pháp, được người Pháp cơ cấu, quy hoạch… Các vua triều Nguyễn cai trị dân thông qua sự điều khiển của người Pháp, không được tự động quyết định quốc sách, cũng không có tác động đáng kể trong những dự án khai thác thuộc địa của Pháp.

Khác với những người cộng sản, Phạm Quỳnh thừa nhận không thể thay đổi lịch sử, không thể xoá bỏ quyền lực của chế độ thực dân, ông tỏ ra là người biết nhìn thẳng vào thực tế, dù cho thực tế đó đối với nhiều trí thức đương thời là khó chấp nhận. Ông viết: “Sự đô hộ của Pháp là một thực tế mà chúng ta không thể làm gì chống lại nó và chúng ta phải chú ý đến nó. Hãy chấp nhận nó với tất cả các hậu quả của nó, và hãy tìm cách rút ra từ đó mặt lợi nhất có thể.”

Cũng chính vì thừa nhận một thực tế đã rồi, Phạm Quỳnh chủ trương “Pháp – Việt đề huề”. Theo đó, chữ “đề huề” là cách diễn đạt khác của “đàng hoàng”. Theo Phạm Quỳnh, đây là mối quan hệ không do xin xỏ mà có. Đây là mối quan hệ thực tế, do cuộc sống chỉ ra, mà nó chỉ có ý nghĩa với những ai nhận thức đựơc thực tế đó. Cần hiểu điều đó qua những lời lẽ mang tính thuyết phục của Phạm Quỳnh: bao giờ ông cũng tìm đường đi vào lý trí con người, chứ không đánh vào những đam mê của con người. Đam mê dẫn đến bùng nổ, đến bạo lực, trong khi lý trí dẫn đến những giải pháp ôn hoà, vì lợi ích của mỗi bên mà ứng xử.

Mặt khác, nếu như giải pháp cho đam mê được tiến hành bằng vũ lực và sự lôi cuốn con người không đòi hỏi nhiều lắm đến phương diện lý trí, thì giải pháp lý trí hướng vào nhận thức của con người, hướng vào những hành động của bản thân chủ thể người. Ta sẽ dễ hiểu vì sao Phạm Quỳnh đứng ra lập Hội Khai trí Tiến đức và đứng chủ bút một tờ báo đầy uy tín: tờ Nam Phong, một ngọn “gió Nam” thổi vào đầu óc con người Việt Nam. Theo ông, Dân trí là chìa khóa cho mọi thay đổi về kinh tế- chính trị.

.

Nước Việt Nam mới hội nhập

Đó là khát vọng cháy bỏng của Phạm Quỳnh. Hiện tại nhà riêng của Nhạc sỹ Phạm Tuyên, con trai thứ 9 của Phạm Quỳnh, vẫn còn giữ bức đại tự của cụ Phạm: “Thổ nạp Á- Âu”. Theo sự lý giải của nhà nghiên cứu Khúc Hà Linh: câu này, Phạm Quỳnh muốn diễn đạt ý tưởng: Muốn chấn hưng đất nước, phải biết tự đào thải những cái gì xấu và liên tục tiếp thu những cái mới, cái tiến bộ, của cả châu Á lẫn châu Âu. Không phải cái gì của châu Âu cũng đều tốt và không phải cái gì của châu Á đều xấu.

Trong bài “Về một hiến pháp” và trong “Thư ngỏ gửi ngài bộ trưởng các thuộc địa”, Phạm Quỳnh bày tỏ mong muốn thành lập một nhà nước quân chủ lập hiến. Điều đó có nghĩa là ông từ chối nền quân chủ chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm trên đất Việt, cùng với ý muốn giảm bớt quyền bảo hộ của chính quyền thực dân. Đây là một trong những cách tân có cơ sở của Phạm Quỳnh. Ông yêu cầu nhà nước bảo hộ trao quyền lập hiến pháp cho nhân dân, điều mà ở Việt Nam hàng ngàn năm nay chưa hề có.

Bên cạnh đó, ông đưa ra những yêu cầu chi tiết để hoàn thiện ý tưởng thành lập nhà nước mà trong đó “những người An Nam – sẽ vừa là công dân của đất nước mình, vừa là công dân của một liên hiệp”. Cụ thể là: các dự án Luật do Quốc hội hay Chính phủ trình sẽ được thảo luận ở một Tham chính Viện gồm các chuyên gia Pháp và An Nam; lập phòng tư vấn, gọi là “Phòng đại biểu nhân dân”, cho phép nhân dân tham gia vào đời sống chính trị, để từ đó là mầm mống của một nghị viện tương lai. Một nhà nước có quốc hội và chính phủ, sẽ có các cố vấn Pháp trong các bộ, ngành nhưng họ sẽ được coi là viên chức của chính phủ An Nam chứ không phải là đại diện của nhà nước bảo hộ. Các bộ chính sẽ là: Nội vụ, tài chính, tư pháp, giáo dục quốc gia, y tế, hỗ trợ và tương tế xã hội, quốc phòng, nông nghiệp, thương mại, công nghiệp, nghi lễ và hoàng gia…

Phạm Quỳnh luôn chủ trương một cuộc sống thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, một không khí mới sẽ bao trùm lên quan hệ Pháp Việt. Chúng ta dễ thấy những lời dưới đây là một lí tưởng thật đẹp: “Chúng ta hãy khép lại quá khứ, và hãy tổ chức cuộc sống chung của chúng ta dưới khẩu hiệu một chính sách thực sự tôn trọng lẫn nhau”.

Đã 65 năm qua, Phạm Quỳnh trở thành người thiên cổ, bao nhiêu biến động lịch sử đã xẩy ra. Có người nói các kiến nghị của Phạm Quỳnh là ảo tưởng. Song có người cho rằng, không hoàn toàn như vậy. Hãy liếc nhìn sang các nước châu Phi, họ cũng từng là thuộc địa của người Pháp rồi cũng được trao trả độc lập. Khi sự nghiệp không thành, mọi ước vọng đều có thể bị coi là “ảo tưởng”! Lịch sử vẫn là lịch sử, chúng ta không thể thay đổi được.

Nay, khi thời gian đã lùi xa, là người đứng ngoài, ta có thể thấy, vào thời điểm đó, là người yêu nước có một số cách để lựa chọn: một là theo xu hướng bạo lực, khởi nghĩa (phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Bái), hai là theo những mầm mống cộng sản đầu tiên chờ cơ hội chín muồi lãnh đạo nhân dân lật đổ chính quyền, ba là đi tìm sự giúp đỡ của một thế lực thứ ba (phong trào Đông Du). Lịch sử đã chứng minh những được mất, những bài học của các con đường này. Phạm Quỳnh chọn con đường ít chông gai nhưng nhiều điều tiếng hơn cả, ít bạo lực nhưng có thể có hiệu quả tức thì: chấp nhận sự bảo hộ của Pháp và cố gắng thành lập một mô hình nhà nước mới để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, để nâng cao đời sống và nâng cao dân trí…

Phạm Quỳnh đã không lường hết được sự áp đảo của làn sóng đỏ nên đã thất bại và chịu cái chết oan khuất, tuy nhiên ông vẫn để lại một chữ Tâm trong sáng, thúc giục hậu thế tiếp tục tìm hiểu và tiếp tục hiện thực hoá những tư tưởng yêu nước. Không ít điều chúng ta đang làm hôm nay đã được Phạm Quỳnh tiên lượng cách đây hơn nữa thế kỷ.

Thành kính thắp cho cụ Phạm một nén nhang, bày tỏ lòng tôn kính với một học giả, một trí thức lớn của dân tộc, dẫu ông là người chưa thành công.

--------------------------------------------

Bài nhận được từ tác giả

.
Phụ chú:

1- Phạm Quỳnh sinh tại số 1 phố Hàng Trống, Hà Nội; quê quán ở làng Lương Ngọc (nay thuộc xã Thúc Kháng), phủ (nay là huyện) Bình Giang, tỉnh Hải Dương, một làng khoa bảng, có truyền thống hiếu học. Mồ côi mẹ từ 9 tháng tuổi, mồ côi cha từ khi lên 9 tuổi; Phạm Quỳnh côi cút được bà nội nuôi ăn học.

Phạm Quỳnh học giỏi, có học bổng, sau khi đỗ đầu bằng Thành chung (tốt nghiệp) Trường trung học Bảo hộ (tức trường Bưởi, còn gọi là trường Thông ngôn) năm 1908, Phạm Quỳnh làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội lúc vừa tuổi 16.

Từ năm 1916, Ông tham gia viết báo cho một số tờ có uy tín đương thời; làm chủ bút Nam Phong tạp chí từ ngày 1 tháng 7 năm 1917 và đình bản tháng 12 năm 1934; tuyên truyền cho tư tưởng “Pháp Việt đề huề”. Cũng trong thời kỳ 1924-1932, ông còn là giảng viên Trường Cao đẳng Hà Nội.

Ngày 2 tháng 5 năm 1919, ông sáng lập và là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến Đức, Trần Trọng Kim là Trưởng ban Văn học của Hội; và Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ. Năm 1922, với tư cách đại diện cho Hội Khai trí Tiến Đức, ông đã sang Pháp dự Hội chợ triển lãm Marseille rồi diễn thuyết ở cả Ban Chính trị và Ban Luân lý Viện Hàn lâm Pháp về dân tộc giáo dục.

Năm 1924, ông được mời làm giảng viên Khoa Bác ngữ học, Văn hóa, Ngữ ngôn Hoa Việt, Trường Cao đẳng Hà Nội, trợ giúp báo France – Indochine. Từ năm 1925 – 1928, Phạm Quỳnh là Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ; năm 1926, ông làm ở Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ và đến năm 1929 được cử vào Hội đồng Kinh tế và Tài chính Đông Dương.

Năm 1930, Phạm Quỳnh đề xướng thuyết lập hiến, đòi hỏi người Pháp phải thành lập hiến pháp, để quy định rõ ràng quyền căn bản của nhân dân Việt Nam, vua quan Việt Nam và chính quyền bảo hộ. Năm 1931, ông được giao chức Phó Hội trưởng Hội Địa dư Hà Nội. Năm 1932, giữ chức Tổng Thư ký Ủy ban Cứu trợ xã hội Bắc Kỳ.

Ngày 11 tháng 11 năm 1932, sau khi Bảo Đại lên làm vua thay Khải Định, ông được triều đình nhà Nguyễn triệu vào Huế tham gia chính quyền Bảo Đại, thời gian đầu làm Ngự tiền Văn phòng, sau đó làm Thượng thư Bộ Học và cuối cùng giữ chức vụ Thượng thư Bộ Lại (1944-1945).

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Ông về sống ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường bên bờ sông đào Phủ Cam, Huế. Ông bị Việt Minh bắt giam ngày 23 tháng 8 năm 1945 và giam ở lao Thừa Phủ, Huế. Ông mất sau đó một thời gian tại làng Hiền Sỹ, tỉnh Thừa Thiên.

Ông bị giết sau đó cùng với nguyên Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của Ngô Đình Khôi). Di hài ông được tìm thấy năm 1956 trong khu rừng Hắc Thú, và được cải táng ngày 9 tháng 2 năm 1956 tại Huế, trong khuôn viên chùa Vạn Phước.

2- : Có sử dụng một số tư liệu trong sách: “Phạm Quỳnh- con người và thời gian” của Khúc Hà Linh. Và các tham luận của GS Nguyễn Huệ Chi…

.

.

.

PHẠM QUỲNH

http://phamquynh.wordpress.com

.

.

.

No comments: