Monday, June 14, 2010

NGƯỜI GIỮ NHÀ THỜ HỌ (Kỳ 1)

Người giữ nhà thờ họ (kỳ 1)

K.Đ

10/06/2010 1:00 sáng

http://www.talawas.org/?p=21163

Chương I

Ngôi nhà của những hồn ma

Ngôi nhà phập phồng như một trái tim rướm máu. Nó hốt hoảng, kinh ngạc và nếu có thể kêu thét lên được thì nó đã rống lên rồi. Sau đó, nó bắt đầu nghiêng qua nghiêng lại như một gã ngồi đồng. Trong tiếng nổ lốp bốp của tre khô, trong tiếng rú thất thanh của mọi người, nó cố sức nâng mình lên như muốn bay. Xương cốt của nó kêu răng rắc, những xà những trính vặn vẹo uốn éo, và rồi nó bay lên thật. Không cao, không xa, chỉ vừa đủ cho nó đáp xuống khoảng sân phía trước, rồi lụn tàn trong chớp mắt như vàng mã.

Nó cháy nhanh đến nỗi ông Sáu Hủ nhà bên, người hay hắt xì khi có mùi gì lạ trong không khí, chỉ kịp hắt xì đến tiếng thứ mười là mở mắt ra đã không còn thấy nó nữa. Thực ra ngôi nhà vẫn còn lù lù đứng đó. Giống như anh ngồi đồng đã được tháo khỏi chiếc khăn đỏ của phù thuỷ, giờ trông nó ngơ ngác, ngật ngừ. Nó lơ mơ không hiểu là mình đang ở đâu sau khi vừa thoát ra từ địa ngục. Nó hổn hển thở khói, tường và mái bằng đất đỏ hồng như một con hoẵng vừa mới bị lột da.

Chính cái mái bằng đất gọi là da cái trong các ngôi nhà lá mái ở Bình Định đã cứu sống nó. Ngoài việc giữ ấm ngôi nhà trong mùa đông, làm mát trong mùa hè, nhà lá mái còn đủ sức chống chọi được với lửa. Khi cái tai hoạ khủng khiếp nhất của một đời người ụp xuống, toàn bộ hai mái và hai chái làm bằng tre tranh được sức nóng nâng lên cao, giống như tự nó cởi chiếc áo bị cháy ném đi chỗ khác. Vì thế, coi như thần hoả chỉ đưa cái lưỡi đỏ rực liếm được có mỗi cái mái rạ bên ngoài mà thôi. Giờ nó giống như một người vừa mới bị cạo trọc đầu. Mà lại cạo một cách tàn nhẫn nên trông nó lem luốc, thật xấu xí.

Ngôi nhà đang ở tuổi bốn mươi, một cái tuổi hãy còn quá trẻ đối với nhà lá mái. Nó được xây cất khi người giữ nhà thờ họ Phạm mới có hơn mười tuổi. Suốt ngày cậu chỉ táy máy phá phách khiến những cưa những đục của các bác thợ mộc không cái nào là không bị sứt mẻ. Cha cậu nhiều lần đã phải trói cậu vào cột sau khi dùng roi tre đánh đến chục roi quắn đít. Nhà cất đến những ba năm mới xong. Trong ba năm dó cậu đã lớn dần cùng với ngôi nhà. Cậu không quấy phá nữa, đã biết cái khổ của một người thợ khi mài một lưỡi bào, một cái đục do cậu làm hư. Cậu đun nước pha chè cho họ uống, gắp lửa cho họ mồi thuốc, mau mắn và dễ bảo như một anh học việc. Dần dà rồi cậu cũng biết đôi chút về nghề mộc.

Sau này khi đã có vợ, trở thành chủ nhân, những lúc rảnh rỗi ông khoe tài đóng cho bà cái đòn ngồi hay cái ghế đẩu. Nhưng thành nghề thì chỉ có chú Sáu em ông được cha mẹ cho theo hẳn thầy thợ cả. Ba năm mới thành nghề, rồi ba năm trả công cho thầy đã khiến cho quãng đời của hai anh em sống gần nhau chẳng được bao nhiêu. Trong khi ông chăm chút trông coi ngôi nhà mới cất với cái gánh thừa tự đang nặng dần thì ông em theo thầy hết dựng nhà này đến nhà khác. Nhờ vậy, chưa đến hai mươi tuổi, chú đã thành một anh thợ giỏi. Chính chú đã thay cây xà trong buồng vì cô em thứ chín đã chết bằng cách cột dây thòng lọng lên đó rồi đút đầu vào.

Cô em út xinh đẹp nhất nhà, mắt lúc nào cũng ánh lên một nét cười tươi thắm. Khi cô nhoẻn miệng cười là khuôn mặt cô bừng sáng như cả ngôi nhà vừa tháo hết các cửa bằng khoan. Vậy mà cô đã không thiết sống thêm ngày nào nữa, vì chồng cô đã nướng một lúc đến những tám con trâu vào một sòng xóc đĩa chỉ duy nhất có mỗi một con liễm đen. Đó là hai mặt đồng tiền không bôi vôi cùng hiện ra một lúc trên cái đĩa ma quái. Anh chồng sau cái chết oan ức của vợ liền được mọi người thêm vào sau cái tên cha sinh mẹ đẻ hai tiếng Liễm Đen như đóng dấu trên lưng trâu bò. Ai cũng cầu mong anh bỏ được cái thói cờ bạc, nhất là bỏ cái con liễm đen đáng nguyền rủa ấy. Nhưng chắc chị vợ, hoặc là không đủ linh thiêng để phù hộ các con anh, hoặc quá linh thiêng muốn biến anh mau chóng trở thành một thằng ăn mày để trả thù, nên chứng nào tật nấy, anh vẫn mê xóc đĩa và vẫn chỉ một con liễm đen mà thôi. Dù biết chắc mười mươi đó là chẵn trắng tức là liễm trắng, anh vẫn cứ đặt tiền vào con liễm đen. Có người giận quá gạt tay anh ra lấy tiền đặt vào cửa khác, anh vẫn lăn xả vào đặt liễm đen rồi thua để bị cả sòng ngoại trừ nhà cái, chửi là đồ ngu.

Thực ra, anh cũng ranh ma lắm. Đến sòng bài không khi nào anh đặt tiền ngay. Anh đứng xem bọn nhà cái xóc, cái cách nó úp chén lên đĩa, cách nó lắc cho hai đồng tiền đảo lộn, cách nó đặt đĩa xuống chiếu, cách nó mở khui tức là nhấc đĩa lên. Rồi anh tránh ra xa, nghiêng tai lắng nghe những tiếng động trong lòng chén. Tiếng đục, khô, trầm tức là mặt vôi chạm vào đĩa. Tiếng trong, thanh, nhỏ tức là mặt không bôi vôi. Rất trong là liễm trắng, rất đục là liễm đen, còn nửa trong nửa đục là lẻ. Giữa những tiếng ồn ào của đám con bạc, anh vẫn nghe ra được những âm thanh bí hiểm mỏng manh như tiếng gọi của ái tình. Nó làm cho tim anh đập lên rộn rã, anh vỗ hai tay kêu đánh bốp, giống như một con chim cắt bay lượn trên trời cao đã tìm thấy con mồi, anh vội vàng chen vào đặt cửa. Lần thứ nhất: Trúng! Lần thứ hai: lại trúng! Lần thứ ba cũng trúng! Cứ như thần. Đúng là hôm nay ra ngõ gặp đàn ông! Hên quá! Nhưng đến lần thứ tư: thua. Lần thứ năm cũng thua mà thua lớn thâm cả vốn. Lần thứ sáu thì giao cả vốn lẫn lãi. Nhẵn túi! Mười lần như chục, không thắng nổi một đồng.

Ông chú Sáu ấy sau này chết trong một tai nạn chìm đò. Trong một ngày cuối năm ai cũng vội vàng chen lấn trên một chiếc sõng nhỏ nên chỉ mới ra đến giữa giòng đã bị lật úp. Người ta hốt hoảng bấu lấy nhau, ngay cả người biết bơi mà không lặn xuống để thoát ra cũng bị chết chùm. Khi xác được vớt lên, nhiều bàn tay còn nắm chặt tóc hay quần áo của người khác. Chú Sáu lúc ấy lại mang một cái hòm đồ nghề khá nặng không cởi ra được nên đành chết theo nghiệp. Xác chú được vớt lên nhưng không được đem về nhà, chỉ liệm trên bờ sông rồi đưa đi chôn ngay. Đã vậy còn không được vun đất cao thành mồ, không được lập bàn thờ trong ba năm. Tất cả những việc bất nhẫn ấy là để ngăn ngừa chú trở về rủ người khác trong nhà chết thay, vì chú đã hoá thành ma da. Bà thủ bản thương nhớ người em chồng ấy khôn nguôi. Chính chú đã cất nhà bếp, chuồng heo cho bà. Một điều chị Năm, hai điều chị Năm rất chi ngọt ngào. Người như thế mà trời không cho sống lâu, cũng chẳng cho một đứa con nào để nối dõi. Làm ma da quanh năm suốt tháng ở dưới sông lạnh lẽo. Lại còn bị người sống thù ghét nguyền rủa. Người hiền như thế sao lại phải chết ác như vậy?

Mặc dù các thầy ở chùa Thiên An đã lập đàn giải oan đến những ba ngày, nhưng con ma thần vòng và ma da như vẫn còn lảng vảng xung quanh nhà họ Phạm. Dù chưa già, bà vẫn xuống tóc và thỉnh tượng Quan Âm về thờ bên cạnh bức hình Quan Công.

Hai người thứ bảy và tám không có được cái may mắn làm người. Họ chỉ là một vệt máu mới tượng hình chưa biết là trai hay gái đã vội rời khỏi bụng mẹ. Liên tiếp ba người con gái của nhà họ Phạm được sinh ra đã khiến người cha cứ phải thở dài. Cái tội không nối được giống dòng là tội bất hiếu lớn nhất của một người đàn ông. Ba bà chị đi lấy chồng đã mang theo hết một nửa gia tài để làm của hồi môn. Rồi ba chàng rể nếu không đánh bạc thì cũng vợ to vợ nhỏ, chỉ mong sao cái nhà họ Phạm suốt mấy đời độc đinh đến đời này là tiêu để mà chia nhau nửa cái gia tài còn lại. Rốt cuộc trong tám người con của dòng họ Phạm, chỉ có mỗi mình ông là còn sống như một cây cột cái để chống đỡ từ đường. Đội cả dòng họ trên đầu nặng lắm, ông nói, nhưng biết trút cho ai!

Tuy nhà cháy, nhưng mười sáu cây cột kiềng kiềng vẫn còn vững chắc như bốn con voi đực cùng đứng sát vào nhau. Ông nhớ mỗi cây cột phải mất đến hai mươi bốn ngày mới làm xong. Từ gỗ vuông đẽo tròn mất tám ngày. Từ tròn gọt dũa cho trơn láng thêm tám ngày. Rồi từ láng đến bóng thêm tám ngày nữa. Đây là lúc những đứa bé có thể góp một tay mà không bị ai rầy la. Sau khi người thợ cả gật đầu ưng ý, cây cột được cắm thẳng một đầu vào bồ lúa. Bọn chúng cứ việc tròng dây vào mà lắc cho đến khi mỏi tay. Phải mất bốn ngày để lúa thay giấy nhám hợp cùng bọn trẻ chà cho sạch bóng. Rồi thêm bốn ngày nữa cho một đầu khác. Đó là chưa kể khi nhà dựng xong lại phải dùng lá chuối khô lau từ gốc đến ngọn. Bọn trẻ lại được phép đi cắt tàu chuối quấn đầy mình rồi leo từ trên cao tuột xuống mỗi ngày hàng trăm bận. Có như thế cột mới bóng lạnh như thoa dầu mà không phải dầu. Rồi những xà, những trính, những chày, những cối, những chạm trổ nào nai công, nào nho sóc, những cửa số đẩy qua đẩy lại, những cửa bằng pha có thể tháo ra cho sáng sủa trong những dịp cưới hỏi, giỗ tết.

Đó chỉ mới là cái khung nhà bên trong như một bộ xương. Còn phải gọi thợ làm da cái đến để làm mái ngoài. Họ đắp đất trộn rơm lên những tấm mê như đắp thịt da. Rồi họ dựng trụ thả đòn tay, làm rui mè, lợp tranh như mặc áo. Tranh là lúa tháng ba được gặt phơi hai nắng và phải được thợ giỏi đánh cho thật chắc thật dày. Thợ lợp nhà phải biết dựng bốn góc vểnh lên như đình chùa. Muốn vậy phải chồng tranh hàng ba, có khi hàng tư mới có được độ dày. Sau cùng là cắt đuôi tranh. Cái công đoạn này tưởng dễ nhưng thật ra rất khó. Cắt sao cho thẳng như chăng dây, cho bốn góc cuộn lên như đuôi rồng, cắt như lấy ván dựng vậy, và cái công việc làm đẹp cho ngôi nhà, như khai quang điểm nhãn ấy không ai qua được ông hai Cẩn. Ngồi yên trên một chiếc ghế đẩu, mắt ngước lên để canh chừng lưỡi dao, rất nhẹ nhàng, từ tốn, ngọn dạo răng cưa bén như liềm gặt của ông đưa tới đâu là những cọng rạ thừa lả tả rụng xuống. Hai ngày sau, như một người vừa được húi tóc, mái nhà vàng ửng tinh tươm phơi cái gáy dựng ngược lên trông thật sướng mắt.

Không ở đâu có những ngôi nhà lá mái công phu và những thợ cắt tranh tài giỏi như ở An Định.

Vậy mà, một trong năm cái nhà đẹp nhất làng đã bị bom xăng của giặc đốt. Tưởng chừng như cũng đốt cháy luôn cả lòng ông thủ bản, nhưng tuy ngoài mặt, ông ràn rụa nước mắt mà trong bụng lại mừng thầm. Ông đâu còn nhà cao cửa rộng nữa mà nâng lên hàng địa chủ!

Ba ngày sau ông mới dám bước vào nhà. Sức nóng khủng khiếp của bom xăng đặc đã làm cho bao nhiêu chén bát sành sứ đều rạn nứt. Những chân đèn, lư hương bằng đồng thau vàng choé như vàng thật đã trở nên đen sạm, lem luốc, như được vớt từ đáy ao lên. Các tấm liễn cẩn xà cừ, ốc rời ra chữ còn chữ mất. Các tấm hoành với những đại tự được thếp vàng đã trở nên đen xỉn. Chiếu mền tự mục nát đụng vào mủn như tro. Bao nhiêu áo quần còn lại đều không mặc được khiến cô con dâu ngồi khóc rấm rứt. Ông nói, thôi nín đi, còn sống được là may lắm rồi. Cô con dâu không dám nói gì, đứng dậy lau nước mắt giúp cha chồng dọn dẹp.

Cô gom tất cả những gì đã cháy hay sắp cháy ra đổ trước sân. Giờ chỉ còn lại bộ ván gõ trước bàn thờ, cái giường không còn chiếu của cha chồng và một cái rương xe giống như một cái sập gụ của mẹ chồng lúc còn sống dùng làm giường ngủ. Ngôi nhà trống toang hoác, phơi hết cả bí mật riêng tư của mình ra trông rất tội nghiệp.

Cái bàn thờ chạm trổ công phu với bộ ngũ có con sư tử, cặp chân đèn to cao, hai cây sáp ong mỗi lúc thắp lên thơm ngào ngạt. Cái độc bình sứ giang tây, cái cỗ bồng có hình con cá chép, bộ ấm tách nước men xanh. Tất cả làm nên cái thế giới linh thiêng với bốn mươi hai hộp đựng bài vị phủ khăn đỏ. Đó là nơi chốn đi về từ ông tổ mấy trăm tuổi đến những đứa trẻ mới sinh. Trên cao là trang thờ vừa Quan Công vừa Phật với hai con rồng chầu cái mặt nguyệt đã đen xỉn vì khói nhang. Một cái chuông tối nào cũng vang lên đúng 42 tiếng đều đặn không sót một tiếng nào như thể điểm danh 42 linh hồn người chết. Vợ ông lúc nào cũng hiện ra đầu tiên với cái nhìn vừa bàng hoàng vừa tức giận, mặc dù tiếng chuông dành riêng cho bà là tiếng sau cùng.

Dù hãy còn đủ cả, nhưng cái vẻ huyền bí đến nỗi các cô dâu lần đầu đứng trước bàn thờ gia tiên không ai dám ngước nhìn, đã không còn nữa. Ngọn lửa với những cái lưỡi dài sau khi nuốt trọn bộ cửa bằng khoan đã liếm lên các cây cột. Tuy chưa đốt được vì gỗ kiềng kiềng cứng như sắt nhưng lửa ầm ầm vẫn toả hơi nóng làm cho cái cung phủ bé nhỏ của nhà họ Phạm xơ xác đến thảm hại.

Như thế này, không biết các linh hồn có chịu đi về, lui tới như mọi khi?

Ngày hôm sau, cả một bụi trảy ở góc vườn bị ông chặt sát gốc. Rồi hai cha con cùng làm mầm trỉ, trộn đất với rơm, è ạch mãi cũng làm xong được tấm vách thay hàng cửa bằng khoan đã cháy. Ông chừa một cái lỗ bằng miệng thúng đủ hai cha con chun vào. Như vậy, bốn bức tường bằng đất, mái cũng bằng đất, nên trông từ xa, ngôi nhà giống như một ngôi mộ to tướng. Mà cũng phải thôi, bốn mươi hai người chết, nếu chôn chung một mồ chắc cũng phải to như thế. Đứng nhìn cái ngôi nhà lạ lùng với một cái lỗ như một cái hang, cô con dâu hỏi, chẳng lẽ ông bà tổ tiên nhà mình cũng chui vào như thế này sao cha? Ông gắt, chết rồi thì đi về bằng cách gì mà chẳng được. Tuy nói vậy, nhưng bụng ông cũng thấy hơi bất kính. Trước đây, trong những ngày giỗ chạp, các cửa bằng khoan được tháo hết, ánh sáng ùa vào làm cho những thứ bằng đồng sáng lên rực rỡ. Toàn bộ cây gỗ ngay cả những cây tre cũng lên nước ngời ngời. Chén bát được chùi rửa sạch bóng. Những cỗ bồng đầy chuối, bưởi, cam, quýt. Những bình hoa vạn thọ vàng rực. Sạch sẽ và thơm tho như thế mà vẫn còn sợ bắt tội, huống hồ là rách nát nhem nhuốc như thế này. Thì thôi, tội lệ gì ông cũng đành chịu, giặc giã như thế này còn biết tính sao.

Những lúc như thế này ông thấy nhớ người vợ tội nghiệp. Phải như có bà, mọi sự có thể đã được thu dọn vén khéo và ngôi nhà hãy còn một chút ấm áp. Bà đã bỏ ông mà đi một cách tức tưởi oan nghiệt còn hơn cô em thứ chín của ông.

Buổi sáng hôm ấy, chìu đứa cháu ngoại, bà đã leo lên cây cau cạnh nhà thờ, cây cau to nhất, cao nhất để bắt tổ sáo. Việc leo cau đối với bà dễ dàng còn hơn đi chợ. Bà đã leo cau từ lúc tám tuổi, nhẹ nhàng, thoăn thoắt, còn dám chuyền từ cây nọ sang cây kia. Cha mẹ bà có cả một vườn cau đến mấy trăm cây, lúc chưa lấy chồng chỉ mỗi một mình bà leo lên bẻ buồng. Bà thuộc lòng từng cây một. Cây nào cau ngon để dành bán cho những người kén ăn, cây nào cau thường để bán sỉ. Bà nhớ buồng nào bẻ trước buồng nào bẻ sau. Chưa khi nào bà leo lên mà phải trở xuống tay không vì cau chưa tới lứa.

Khi lấy chồng, của hồi môn của bà là một trăm cây cau con. Chính bà thuê người đào lỗ, xẻ mương dẫn nước để trồng. Chẳng bao lâu, khu vườn lộn xộn không được ai chăm sóc trở thành một vườn cau lúc nào cũng xanh mát. Cả một trời chim đã bay về tranh nhau làm tổ. Nhiều nhất là chim sẻ, chim cu. Giống như những kẻ hạ lưu trong thế giới loài chim, chúng chỉ dám xây nhà trên những buồng cau đầy những cọng râu xồm xàm như râu hát bội. Chim sáo, chim cưởng và một đôi khi chim nhồng như những kẻ thượng lưu, rất thích làm tổ trên ngọn. Cây cau to nhất, cao nhất với những tàu lá xanh đen là nơi chúng ưa thích nhất. Vì vậy chúng thường đánh nhau và bao giờ một đôi vợ chồng sáo nâu cũng chiến thắng.

Chẳng riêng gì chim sáo mà ngay cả ông Khứ công an thôn cũng rất thích cây cau ấy. Đã có lần ông xin (thực ra là lệnh) ông thủ bản cây cau to ấy để làm trụ cờ. Ông thủ bản run run gật đầu, quên mất rằng chính vợ ông mới có quyền cho hay không. Đang lúc đưa những nhát rựa vào gốc cau thì vợ ông đi chợ về. Bà bảo thà đi tù chứ nhất định không để cho ông Khứ chặt cây cau ấy. Sau một hồi năn nỉ bà chịu để cho ông ta chặt một cây khác. Nhưng ông Khứ chê nhỏ không thèm. Bà lớn tiếng bảo, không thèm thì thôi, bà hãy còn cau có chỗ cho chim đậu.

Ông Khứ tức giận bỏ đi. Để che giấu vợ mấy nhát rựa vừa rồi, ông âm thầm lấy đất sét trộn tro, dắp vào như băng bó vết thương. Từ ấy, cây cau dưới nắng mưa, cũng như con người, những vết chém bị nhiễm trùng, mỗi ngày một ít lặng lẽ ăn sâu vào thân. Tuy vẫn còn giữ được cái màu xanh như bao cây khác nhưng ruột gan nó đã rỗng dần. Chính ông cũng không ngờ là tự mình đã báo trước cho người vợ một cái chết thảm. Vì chim sáo vẫn làm tổ, vì vườn cau là nơi chốn bình yên nhất mặc dù chiến tranh đang đến hồi khốc liệt, và vì đứa cháu ngoại được bà cưng nhất, nên bà đã quyết định leo lên mặc dù bà không thích những tiếng thét gào của lũ sáo khi bị cướp mất con. Lúc ấy trời lặng gió, lúa ngoài đồng đang trổ cùng với hương cau thơm ngát, ông đang ngồi uống trà trên chiếc chõng tre dưới một bụi trảy đầy tổ chim dồng dộc. Đứa cháu hồi hộp đi theo bà. Nó đang nghĩ tới những con sáo với cái mỏ vàng như nghệ há họng ra để nuốt lấy những con cào cào mà nó sẽ bắt đầy cả xâu.

Như thường lệ, bà cắt một tay chuối khô, tước hết lá, đánh lại thành hình số tám. Bà xỏ hai bàn chân luôn đi chân đất, ôm lấy cây cau chậm rãi leo lên. Đứa cháu ngửa cổ trông theo. Từng nấc, từng nấc một thật chắc chắn, bà tiến dần đến cái tổ nằm giữa những tàu lá to, dày. Sáo cha sáo mẹ bắt đầu gào lên. Chúng nó bay quanh bà, lượn sát đầu bà như máy bay khu trục. Chúng tuyệt vọng, điên cuồng khi bà thò tay vào nắm lấy tổ sáo. Và đúng lúc ấy cây cau bỗng thét lên lời chào vĩnh biệt. Không có một mụ dì ghẻ nào cầm rựa chặt nhưng nó vẫn ngã xuống. Nó mang theo bà hãy còn ôm cái cổ hũ với những buồng cau non. Và cũng như những buồng cau văng tung toé trong vườn khi chạm đất, bà buông xuôi hai bàn tay, chiếc khăn trùm đầu bay mất để lộ cái sọ tròn rạn vỡ. Mắt bà vẫn mở trừng trừng, in cả vườn cau xanh và cả nỗi bàng hoàng. Trong giây phút cuối cùng, bà vẫn không hiểu vì sao cây cau đẹp nhất, mạnh khoẻ nhất lại có thể gãy đổ dễ dàng như thế.

Ông thủ bản đã đuổi cả hai mẹ con, cấm không bao giờ được về nhà này nữa ngay cả lúc ông chết.

Sau này nghĩ lại, ông thấy chính ông phải giận mình chứ không thể giận con giận cháu. Chính ông quá sợ ông Khứ nên mới ra nông nỗi ấy. Nếu ông mạnh mẽ cương quyết như vợ ông thì làm sao bà có thể ngã xuống dù phải khó khăn lắm (vì phải lên tận ngọn) để bắt chim sáo cho cháu. Ừ, việc gì mình lại sợ nó như thế nhỉ? Nó vừa lùn vừa xấu, hai hàm răng vàng ệch cáu bẩn lúc nào cũng phơi ra vì hai cái môi vừa mỏng vừa nhỏ không đủ che kín dù răng đã cắn chặt. Nó cũng chẳng học hành gì, chỉ võ vẽ năm ba chữ bình dân, cũng chẳng có võ nghệ gì dù ngày trước vẫn tập cầm thương múa một vòng trên sân khấu khi được chọn làm quân sĩ.

Chính bà vợ ông, hôm ấy đã mắng ông: này tôi hỏi ông, có phải ông lấy vợ nó không mà ông sợ đến như vậy? Không lấy hả? Không thì việc gì phải sợ. Ông làm thủ bản giữ việc cúng đình, mà đình phá rồi còn sợ ai nữa? Ông chỉ nhỏ nhẹ, tôi lạy bà, bà im cái mồm giùm cho. Nó mà nghe được thì chẳng những tôi đi tù mà bà cũng còn bị nó đóng gông chứ ở đó mà lý sự. Nó muốn ai sống là sống, muốn ai chết là chết bà không biết à. Thực ra tôi muốn cho nó cả vườn chứ không chỉ một cây đó thôi. Cho nó chặt tuốt để may ra nó làm ngơ không đưa nhà mình vào diện địa chủ.

Khi cả xã dựng lên câu khẩu hiệu vĩ đại TÍCH CỰC CHUẨN BỊ TỔNG PHẢN CÔNG và ĐẢ ĐẢO CAN THIỆP MỸ thì ông Khứ lệnh cho du kích đến chặt sạch. Ông thủ bản cũng chẳng buồn lấy một cái cổ hũ nào để làm gỏi như trước đây ông vẫn ao ước. Trước đó, trong những đêm trăng mờ, những thân cau trắng đứng song song như những bóng ma làm cho ông mỗi khi thức giấc nhìn ra phải giật mình. Dường như những người đã chết trong họ tộc ông đều về đứng dựa lưng từng người một vào những cây cau ấy như đã từng đứng sắp hàng lặng lẽ bên cạnh những cái bài vị trên bàn thờ. Không một tiếng động nào nhưng ông nghe như vọng lại từ trăm năm những tiếng rì rầm cùng những tiếng thở than rất khẽ. Ông sợ những tàu cau già chưa chịu rơi xuống đất, cứ lủng lẳng lắc lư trong gió như đó là bóng hình của cô em út đong đưa dưới xà nhà. Ông vẫn còn thấy vợ ông một tay ôm cây cau, một tay cầm tổ chim ngã xuống với đôi mắt mở to tuyệt vọng. Cho nên, chặt hết cả vườn cau ông lại mừng.

Nhưng rồi, vườn cau không còn nữa ông lại thấy buồn. Nắng như nước chảy vào chỗ trũng, sáng đến chói mắt, nóng đến khô người. Chim chóc bỏ đi, ngay cả thằn lằn rắn mối cũng rất khó tìm. Giờ đây ngôi nhà bị cạo trọc mái càng làm cho khu vườn của dòng họ Phạm thêm hoang lạnh trống vắng.

Nằm mãi trong nhà với bóng tối và những bài vị trên bàn thờ, ông cảm giác như mình đã chết mà chưa chôn. Ông chẳng muốn động đậy chân tay, ngay cả thở ông cũng để mặc cho lỗ mũi và hai lá phổi muốn làm gì thì làm. Đã năm mươi năm sống ở đời, lúc này được gọi là tri thiên mệnh, ông thấy cái chết đã đứng lấp ló trong góc nhà, chờn chợ trên các bài vị mờ ảo dưới ánh đèn dầu phụng. Thật dễ dàng là treo một sợi dây lên xà nhà như cô em thứ chín. Có khó khăn gì đâu, chỉ một chân hất nhẹ cái ghế là xong ngay. Nếu sợ xóm làng kinh hãi khi thấy cái lưỡi thè ra thì chụp lên đầu một cái khăn. Nhưng làm sao ông lại có thể chết được trong khi bốn mươi hai cái bài vị trên bàn thờ chưa biết giao lại cho ai. Đó là chưa nói tới 16 cây cột quen thuộc không muốn để ông chết.

Ông ngồi dậy, chui ra ngoài. Cái lỗ nằm sát đất nên ông phải khom lưng xuống mới bò ra được. Trông cứ như con chó. Rồi cái vẻ nhìn trước ngó sau lại giống hệt một thằng ăn trộm. Chưa bao giờ ông thấy tình cảnh của mình ô nhục như thế. Đường đường một thủ từ họ Phạm mà ra vào nơi chốn linh thiêng lại bắt chước con vật bốn chân. Ông lững thững đi ra ngõ. Muốn ghé nhà ông Sáu Hủ bên cạnh uống chén nước nhưng lai sợ làm khổ ông bạn già. Ra quán Sáu Chơi làm một ly giải sầu lại ngại làm cửa hàng bà ta ế ẩm. Chưa đến nỗi chửi như tát nước vào mặt nhà tổng Bá, nhưng gặp ông, ai cũng quay mặt đi. Vạn bất đắc dĩ, có phải nói đôi câu thì họ ngó trước trông sau, làm như ông đang mang trong mình cả khối vi trùng dịch hạch. Ông cứ bị hăm he đưa lên địa chủ thì họ dại gì mà dây vào ông cho mang cái tội liên quan.

Cô con dâu còn tệ hơn nữa. Nó bị ghép đủ thứ tội, nào buôn gian bán lận, nào đầu cơ tích trữ. Nghề của nó là buôn bán hành tỏi, một cái nghề bất đắc dĩ vì không biết làm gì hơn ngoài việc cấy hái. Chồng đi bộ đội, con cái không có, việc buôn bán khởi sự cũng chỉ để cho vui, cho bớt cái thì giờ làm dâu trống vắng dài dằng dặc. Không ngờ, tỏi mua gom từ các vùng quê đem lên Đập Đá bao nhiêu cũng bán hết. Người ta ăn tỏi để chống sốt rét. Người không ăn được thì đập tỏi cột vào tay. Chẳng biết có hiệu nghiệm gì không chứ người nào mặt cũng vàng ệch, lúc nào cũng cảm thấy lạnh như từ trong xương sống lạnh ra.

Nó mua tỏi mới nhổ, thuê người khác gánh về nhà, rải ra sân phơi thật khô rồi bóc vỏ ngoài, cắt rễ, xâu lại thành chùm. Cứ mười củ nhỏ thành một chục, mười chục xây tròn thành một trăm rất đẹp. Để hấp dẫn khách mua hàng, nó xoay những củ to, trắng ra bên ngoài, giấu những củ nhỏ, sứt cuống vào bên trong. Ai cũng làm như vậy nếu không muốn hàng của mình bị mất giá. Nhưng cô Thảnh bảo như thế là gian lận, là phỉnh gạt nhân dân. Mỗi năm chỉ có một mùa tỏi, nếu bỏ vốn ra mua để có mà bán quanh năm thì lại bảo là đầu cơ tích trữ. Thỉnh thoảng ông Khứ cho du kích đến soát nhà, nếu dư ra hơn một trăm củ là bị tịch thu ngay! Tội nghiệp, nó phải nhờ ông anh rể nhiều lần đem giấu ở chỗ khác.

Không bắt được nhưng bọn họ vẫn ghép nó vào hàng buôn gian bán lận, tiền muôn bạc gánh cần phải khấu trừ bằng cách kêu thuế thật nặng. Mặc dù không làm ra hạt thóc nào, nó vẫn phải nộp hai tấn lúa vì có đủ khả năng. Cộng với ba tấn nông nghiệp của riêng ông là thành năm tấn, trong khi thu hoạch chưa được 500 ký! Cho nên, dù chưa bị đưa lên địa chủ, cha con ông vẫn sẽ bị đem ra đấu vì cái tội thiếu thuế! Tức là cái tội ù lì phản cách mạng! Như con cá đặt trên vỉ, lật phía nào cũng bị lửa nướng chín. Đã bị ghi đích danh vào bản án ấy tức là vào cái kho tăm tối mênh mông của ganh ghét hận thù, của nhỏ nhen bần tiện, của ngu dốt bạo ngược, thì dù có chết vẫn chưa được yên thân.

Thầy giáo Hiên bị bắn rồi mà vẫn gọi là thằng Việt gian. Ông tổng Bá thắt cổ mà vẫn chưa được phép chết. Ai cho mày trốn nợ nhân dân? Còn ông, thằng thủ bản ăn hết cả cái đình làng An Định hãy đợi đấy mà trả lời với nhân dân. Mà nhân dân là ai nếu không phải cái thằng cha chạy hiệu gặp thời hò hét đó. Lúc nào ông cũng nghe lùng bùng trong tai những tiếng quát tháo, những câu tra hỏi; để đâu, chôn giấu ở đâu, vàng của đình cả trăm lượng giờ biến đi đâu hết, hả, hả? Ông lờ mờ thấy cái ngày mình bị bắt quỳ trên những đám mẻ chai không còn xa. Dân làng được mời tới thực ra là được các tổ trưởng tổ phó đi từng nhà nhắc nhở như lùa những con chó ốm đói ra khỏi chuồng. Bọn họ ngồi chò hỏ trên nền đất, quần xà lỏn nhiều khi không ôm hết cái háng mốc xì, đàn bà đứng sau lưng áo không che hết cái bụng xề, cứ thấy các cán bộ vung tay lên hô đả đảo là hô theo. Tiếng hô càng to, sức mạnh nhân dân càng lớn. Thằng chả đứng vung tay múa chân như lão phù thuỷ Ba bắt quyết trừ tà. Thần chú là lời cao xa của đảng còn tà ma là địa chủ phản động. Khi ông cử Vân, ông tổng Bá bị xoá sổ trên cõi đời thì lại đến lượt ông. Là một tên tử tội dự bị, ông cảm thấy cái lưỡi gươm không phải công lý mà là phi lý đang treo toòng teng suốt ngày đêm trên đầu mình.

Nhân dân, nhân dân, hai tiếng ấy lúc đầu nghe rất chi là thân thiết ruột rà, giờ nghe như tiếng gầm của con sư tử!

(còn tiếp)

© 2010 K.Đ/Thư Ấn Quán

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: