Monday, June 14, 2010

NGƯỜI GIỮ NHÀ THỜ HỌ (Kỳ 2)

Người giữ nhà thờ họ (kỳ 2)

K.Đ

11/06/2010 1:00 sáng

http://www.talawas.org/?p=21167

(Xem kỳ 1)

Chương 2

Chuông gọi hồn ai?

Đêm thứ nhất, sau khi trét xong cái vách đất biến ngôi nhà thành một cái hang lộ thiên khổng lồ, ông không thể nào chợp mắt được. Cái mùi xăng vẫn còn nồng nặc, rồi mùi của đất ướt ngai ngái, mùi của bóng tối đậm đặc, mùi của cây gỗ bị rang nóng… làm ông ngạt thở. Đã mấy lần ông chui ra ngoài hiên, ngồi đốt thuốc nhìn trời. Ngân hà giống con sông chảy qua làng trong mùa lũ, trông mênh mang cả một trời sao trắng đục. Ông thấy sao con công vẫn còn kéo cái đuôi óng ánh dài lê thê, sao con vịt xấu xí hếch cái mỏ lên trời và ông nghe thấy tiếng con chim heo kêu ụt ụt. Không có tiếng vạc kêu, cũng không có tiếng chim cú ném vào đêm tối những tiếng kêu dài ma quái. Đất trời vẫn yên hàn thanh tịnh, chỉ có lòng người vẫn không ngớt dậy lên những trận phong ba kinh hồn, lúc nào cũng để lại những tiếng dội âm ỉ như tiếng sấm rền trong mây.

Cớ làm sao chỉ một bước mà mình đã lên địa chủ? Rồi một bước nữa là phản động. Đâu phải mình muốn bước mà mình bị đẩy lên, bị nắm tóc kéo lên chỉ sau một tiếng nói của nó. Mình đâu có gây thù kết oán gì với nó? Hay là lúc mình cản không cho nó đem cái áng thờ của đình về nhà? Mình đã nói cái vật này linh thiêng lắm, không còn đình thì đem tới chùa chứ đừng đem về nhà. Mình nhớ ra rồi, lúc ấy nó quắc mắt lên trông rất dễ sợ. Nhưng nó đã mang được của đình về nhà, cứ tưởng thế là xong, không ngờ nó vẫn không quên. Mình ngu quá. Mình bị nó làm khó làm dễ, sắp đem ra đấu tố cũng phải thôi.

Lúc ông chui vào để cố ngủ một chút, ông bất ngờ nghe đâu đó có tiếng nghiến răng. Kèn kẹt, kèn kẹt! Cái âm thanh của những chiếc răng cấm cạ siết vào nhau trong đêm, nhất là trong cái nhà không cửa sổ này, nghe thật khó chịu. Ông giật mình ngồi dậy. Phải một lúc ông mới nhớ ra rằng đó là tiếng nghiến răng của cô con dâu. Tiếp theo là tiếng nuốt nước bọt ừng ực. Làm như thể hai hàm răng đó đang xay bột. Giờ ông mới nhớ ra căn nhà lẫm bên cạnh không có mái đất bên trên, đã cháy. Đó là buồng ngủ của hai vợ chồng cô. Và đó cũng là kho hàng với hàng trăm ký hành rải trên nền nhà, hàng trăm xâu tỏi khô treo nhỏng nhảnh. Cô quen thuộc cái mùi nồng nồng ấy đến nỗi khi nằm chỗ khác, cô cũng thức trắng không tài nào ngủ được. Cô nói sao nó lạt lạt, khó chịu quá. Ông đã mắng, nói tầm bậy, đâu phải nhà làm nước mắm mà thấy lạt, mặn! Cô chỉ cười.

Cái nhà lẫm không còn, cả cha chồng và nàng dâu đành chui rúc trong hang như hai con chồn trong truyện Liêu Trai. Thực là chuyện lạ suốt 12 đời họ Phạm giờ mới có. Cái ngọn lửa của quân thù thực hiểm độc. Chẳng những đốt nhà, nó còn đốt luôn cái bức tường vô hình dựng lên suốt mấy trăm năm. Cô con dâu chưa bao giờ dám ngửa mặt ngó bố chồng chứ nói chi đến chuyện cùng chui ra chui vào như thế. Và dĩ nhiên dù có nghiến răng cũng chỉ quấy rầy cái lỗ tai của chồng chứ đâu có đến bố chồng. Vậy mà giờ đây nó cứ rít lên như dế gáy.

Chỉ còn một chỗ để cho cô ngủ là cái rương xe của mẹ chồng. Đây là một cái sạp bằng gỗ kiềng kiềng rất nặng, có bốn bánh xe để chuyển dịch. Những nhà khá giả khi cất nhà đều làm một cái rương như thế để cất giữ những vật quý giá nhất. Chủ nhà ngủ trên đó như thần giữ cửa. Chỗ của mẹ chồng mà phải nằm lên là đã thấy ngại rồi. Trên đầu cô lại là cái xà định mệnh. Ngủ dưới một cái xà treo cổ làm sao mà ngủ được!

Cô cứ nhìn trừng trừng vào bóng tối. Đã mấy lần cô muốn hét lên khi nghe có tiếng chuột chạy, hay lờ mờ tưởng chừng cái lưỡi của cô thứ chín cứ dài mãi ra, dài mãi cho đến lúc chạm vào da thịt cô, liếm như chó liếm. Nhưng rồi sau những ngày dài căng thẳng mệt mỏi cô cũng thiếp ngủ lúc nào không hay. Và trong khi ngủ say cô lại nghiến răng kèn kẹt như một con tắc kè trong bộng cây.

Ông hơi bất ngờ khi biết mình và cô con dâu cùng phải ngủ trong một căn nhà, cùng hít thở cái mùi không khí cháy sém, khô rốc đến rát họng. Ông vốn khó ngủ, tiếng con thằn lằn, tắc lưỡi, tiếng con chuột chạy, giờ lại thêm tiếng nghiến răng! Ông nhớ lúc nhỏ cũng đã từng bị cái bệnh nghiến răng như thế. Nghiến trèo trẹo cả đêm không cho ai ngủ được. Mẹ ông đã phải mua về mấy cái c… heo đem luộc, giả như da heo trộn gỏi để dụ ông ăn. Từ đó răng ông mới thôi nghiến. Nhưng, nó là gái thì có ăn được không và chẳng lẽ lại bảo nó đi mua cái thứ mà con gái đàn bà nào cũng mắc cỡ đỏ mặt. Thôi thì mặc nó nghiến cọt kẹt nghe cũng đỡ buồn. Thì cũng giống như nghe một anh kéo đờn cò đang thử dây vậy thôi. Ông cười thầm, nằm nghiêng qua một bên cố dỗ giấc ngủ.

Đúng lúc đó ông nghe có tiếng trống tum, tiếng mõ, tiếng phèng la hoà cùng tiếng thùng thiếc. Rồi tiếng hô đả đảo địa chủ, đả đảo ù lì! Tất cả như từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất chui lên bao kín ngôi nhà trọc tròi của ông. Đám thiếu niên đã được lệnh quấy phá ông, thế là không cần tuyên bố trước dân làng, ông đã bị quy vào địa chủ phản động. Từ nay ông hoàn toàn bị bao vây cô lập.

Ngọn đèn dầu phụng nhỏ như hạt đậu leo lét trên bàn thờ chỉ làm cho bóng tối trong nhà như đậm đặc hơn lên. Tiếng động bên ngoài bất ngờ làm cho nó sủi bọt như trong một nồi cám heo. Ông hốt hoảng lăn xuống phản bò đến cái lỗ ra vào. Cô con dâu cũng không còn nghiến răng nữa, tỉnh như sáo, đến kê đầu bên cạnh ông, nhìn ra.

Cả hai cùng nín thở.

Bọn trẻ tụ tập ở ngoài ngõ, nhưng chưa vào trong sân.

Dường như chúng đang đợi lệnh.

Một cây đuốc chạy như bay tới.

Và bọn chúng lập tức tràn vào.

Hai cha con cũng lập tức thụt đầu vào, lấy ván đậy lại. Vẫn chưa yên lòng, cả hai cùng cố sức đẩy cái rương xe nặng chịch để trấn giữ. Cả hai cùng tựa lưng vào vách thở hào hển. Nếu người này đặt tay lên ngực người kia chắc nghe được tiếng trống ngực dồn dập chẳng khác gì những tiếng hỗn độn ở bên ngoài. Chúng có phá nhà không cha? Cô lo lắng hỏi. Không đâu, ông trấn an, chúng chỉ làm huyên náo vậy thôi. Phải cố giữ bình tĩnh. Có một miếng vách bể ở phía sau, hay là mình lén chui ra, cô thì thào bên tai ông. Không được đâu, chúng đang hung hăng. Chúng mà thấy được thì khổ.

Bỗng: bịch! bịch! Đất cục và gạch vụn ném tới tấp vào nhà. Tấm vách ướt mới trét rung lên. Cùng với tiếng gạch đá là tiếng hô đả đảo, tiếng mắng chửi thủ bản Khâm ù lì. Cái trò này được đặt tên là dạ náo tức là quậy phá làm cho kẻ thù mất ăn mất ngủ. Hằng đêm, chúng tụ tập ở gò đình, sau khi nhảy xôn đố mì mỏi chân liền kéo đến nhà tổng Bá, giờ đến lượt nhà ông. Vì đây là kẻ thù mới nên chúng gõ trống mõ to hơn, đập thùng thiếc mạnh hơn, chúng còn hò reo đòi phá nhà. Chỉ cần mỗi đứa một tay đẩy nhẹ thôi là cả tấm vách đổ nhào. Chúng sẽ xách cổ ông và cô con dâu như xách tai hai con thỏ. Chúng sẽ đốt thêm đuốc dẫn đi quanh làng cho mọi người thức dậy xem. Chúng sẽ bày ra nhiều trò khác mà ngay cả trời cũng không biết được.

Áp mặt mình vào cánh tay cô con dâu, vai ông rung lên. Một chút nước nóng són ra ở đáy quần. Ông xấu hổ muốn khóc. Cô con dâu bỗng mạnh mẽ, đứng dậy. Cô mở nắp rương, nói: Hay là cha chui vào trong rương đi. Nếu chúng vào thì con nói cha đi đâu không có nhà. Không được, không được, ông nói trong tiếng khóc, tóm được là chúng xé xác ra ngay! Đã là địa chủ phản động thì có chui xuống đất cũng không trốn được.

Đả đảo địa chủ! Đả đảo!

Lôi cổ nó ra đây! Lôi cổ!

Hai người cứ chịu trận cái trò dạ náo như thế cho đến lúc chúng ném hết đất đá, mỏi tay, mới bỏ đi.

Đợi cho thật xa, thật yên, hai cha con cố sức đẩy cái rương xe sang một bên. Ông chui ra trước để thở và tìm nước uống. Ông thả gàu xuống giếng, kéo nước lên, nốc một hơi đầy bụng. Còn nước, ông cúi xuống xối ướt cả đầu. Ông ngồi trên hiên, giờ không còn cột và cái mái tranh vểnh cong như mái đình, thở dốc ra như dốc ngược cái bao than trút xuống đất. Quả thật, chưa bao giờ ông sợ đến nghẹn thở như vừa rồi. Ông không hiểu vì sao lại có thể sợ đến thế. Mà lại sợ những đứa trẻ chỉ bằng tuổi cháu ông. Sợ tiếng trống tiếng mõ của chúng, sợ tiếng hô đả đảo, sợ cái cảnh chúng hùa theo đám dân quân dẫn ông đi ra sông như đem chó đi trấn nước. Đột nhiên ông cảm thấy cái yên lặng của đêm tối còn đáng sợ hơn là những tiếng la hét ồn ào. Trong bốn bức tường, dù sao ông cũng được che chắn, còn ở giữa đất trời ông thấy mình hụt hơi đuối sức mà chẳng bám víu vào được một chỗ nào. Ông lại chui vào nằm ngay trên sàn nhà, thở.

Đã có lần ngôi nhà tươi tắn như một cô gái sắp về nhà chồng. Một rạp to phủ kín mặt sân, những chiếc đèn lồng màu đỏ đu đưa trong gió và có đến những bốn cây tạ đăng làm sáng rực cả ngôi nhà. Những cây cờ đuôi nheo bay phần phật với những cái tua màu đỏ vòng vèo như râu mực. Rồi ban nhạc với đầy đủ trống kèn cò nhị rúc lên những tiếng ai oán trong khi trống đánh hồi một thùng thùng. Đó là lúc người ta đón mừng một tân khoa họ Phạm dưới triều Tự Đức. Ngày ấy đã hơn trăm năm nhưng những người trong họ vẫn tưởng như mới xảy ra hôm qua và ai cũng nói về cái tài thơ phú của người đã khuất với tất cả trịnh trọng nhưng sai lệch. Ai cũng tin rằng mình đúng và hai cánh mũi lúc nào cũng nở to phập phồng với một vẻ đắc thắng và tự hào.

Ông tổ 12 đời của họ Phạm đến lập nghiệp ở làng An Định có một cái mả dài đến những 12 thước rộng 1 thước. Nếu quả thật ông cao đến như vậy người ta chắc phải ghép cau lại để làm hòm cho ông. Phải chục đứa chắt chít gì đó mới giẫy xong cái mộ của ông trong buổi sáng tháng chạp. Cũng có thể là ông làm quan võ khá to vì chẳng hiểu từ bao đời, nhà họ Phạm lại được hưởng mấy mẫu ruộng công thần. Một điều lạ là con cháu các đời sau đều có tên tuổi ngày sinh ngày mất trên bài vị, nhưng ông thì không. Cái bài vị cao nhất đẹp nhất chỉ ghi mỗi một chữ cao tổ mà thôi. Trải qua 12 đời, đã có bốn mươi hai người chết chôn ở núi Mò O và để lại bài vị trên bàn thờ họ Phạm. Ông thủ bản Khâm là cháu đích tôn nên có vinh dự và bổn phận chăm sóc bốn mươi hai bài vị cùng bốn mươi hai ngôi mộ.

Nếu người chết nào cũng phải cúng giỗ thì mỗi năm ông phải làm đúng bốn mươi hai mâm cỗ, đó là chưa nói tới ngày tết. Nhiều người xì xầm rằng ông đã bớt xén trong việc cúng đình để có thể lo nổi bốn mươi hai đám giỗ ở nhà. Ông thề có trời đất chứng giám rằng ông không thèm tơ hào một bụm nếp hay rẻo thịt nào bởi vì ngoài hai cái giỗ cha mẹ không thể không cúng để trả nợ miệng, còn ngoài ra chỉ cây nhang bát nước mà thôi. Ông không sắm nổi hay sao mà phải động đến của thánh thần. Nhiều người có vai vế trong làng đều tin ông vì không ai qua được ông cái tính sạch sẽ tinh khiết. Từ con heo, cân nếp cho đến bình bông nải chuối ông đều tự tay chăm sóc rất cẩn thận. Ngày cúng đình ai cũng được ăn no và ăn ngon, các vị hào mục lại còn được kỉnh nửa cái đầu heo hay tợ thịt. Nhưng cũng chính vì vậy mà ông bị kết tội là cùng ăn cánh với hương lý trong làng nên bị đẩy thêm một nấc nữa là địa chủ phản động!

Vợ chồng tổng Bá đã phải quỳ đến rướm máu để dân hỏi tội. Cụ cử Vân bị đem ra sông nhúng nước trong tiết đông chí. Giờ đến lượt ông. Trong số các địa chủ thì ông trẻ nhất. Ông lại có chút ít võ nghệ nên không dễ gì thoi đạp mà ông chết được. Vì vậy người ta đã phải chặt mấy gốc tre đực chẻ làm tư, lấy những miếng cong cong như gậy đập đậu nành để chờ lệnh là hỏi tội ông ngay. Trong buổi họp chi bộ, đồng chí Khứ đã nêu rõ quyết tâm sẽ đấu với tên ác ôn thứ ba này một trận ra trò.

Tháng mười mưa lụt, trong một đêm bà giật mình thức giấc khi cái rương xe to nặng chứa đầy đồ từ khí của nhà họ Phạm bỗng nghiêng hẳn đi như sắp được nhấc bổng lên. Bà chưa kịp đặt chân xuống đất thì nó đã lật ngửa như một con trâu nằm phơi bụng. Một luồng nước mạnh ùng ục từ dưới đất trào lên đẩy cái rương vào sát vách và ném bà xuống nước. Rất may bà ôm được một cây cột leo lên. Sau đó chẳng những chỉ riêng người nhà họ Phạm mà cả xóm Miễu ai cũng kinh hoàng vì bọn trộm trong mùa nước cạn đã đào một đường hầm từ bờ sông vào tận buồng ngủ của vợ chồng. Khi xong việc chúng đã đốt một cái chòi vịt để dụ hai người ra xem. Và đêm hôm đó, từ dưới đất, chúng đã đẩy cái rương qua một bên, dọn sạch tất cả những gì chứa đựng trong đó. Bao nhiêu những đồ đồng thau, chén bát bằng sứ, những nồi bảy nồi ba, những mâm to chảo lớn đã không còn. Cái giỗ năm ấy ông phải đi mượn của đình đem về cho bà mới đủ lo cho cả trăm người ăn uống.

Ngày đó trước cách mạng và ông đã đem trả cho đình không thiếu một đôi đũa, nhưng ông Khứ vẫn bảo là chưa trả. Ông đã mời ông Khứ đến nhà lục soát nhưng ông Khứ lại bảo cái đường hầm ấy đâu phải trộm đào mà chính nhà ông đào để chuyển tài sản ra đường sông! Mãi đến khi chết ông cũng chưa hiểu được rằng khi những người thay mặt đảng, bảo trắng là phải trắng dù đen, và bảo đen là phải đen dù trắng. Hãy cứ nhắm mắt mà tin vào. Đã không tin mà còn cãi lại thì cái chết là không tránh khỏi.

Ông chưa kịp tiếc thương cái ngôi nhà cùng lớn lên với ông thì đã bị nhốt trong hang. Chẳng những ông bị giặc Pháp căm ghét vì có một cái nhà to như một kho thóc mà còn bị xóm làng xa lánh, bị đám thiếu niên cờ đỏ bao vây. Nằm trong bốn bức tường với một cái lỗ để chun ra chun vào, ông đã hiểu được thế nào là lô cốt. Có điều lô cốt của tây thì làm bằng xi măng kiên cố, có lỗ châu mai bốn hướng để quét từng tràng đại liên. Còn ngôi nhà vừa mới bị tây đốt của ông thì chống đỡ làm sao với sức mạnh điên cuồng của bần cố nông lao động! Nghĩ tới cảnh bọn họ đạp tấm vách mới trét vào lôi cổ ông ra nhét vào bội mạ khiêng đi mà rùng mình. Trước tiên bọn họ sẽ đi diễu quanh làng. Ông sẽ bị gai bàn chải đâm, sẽ phải chịu đau nhức như có hàng trăm con ong vò vẽ cùng bu vào đốt. Bọn du kích sẽ dùng gậy thọc vào ông như thọc vào những con chó trong chiến dịch đại sát cẩu. Cũng có thể bọn họ sẽ bỏ ông xuống hầm tròn rồi hun trấu xung quanh. Và nếu trời không rét bọn họ dám đun sôi nước tạt vào ông. Chiến đấu với bọn gian ác tức là phải nghĩ ra cách gì làm cho chúng khổ sở điêu đứng, muốn chết mà vẫn không chết được. Đã có kẻ nghĩ ra cách chẻ những cây lồ ô rồi bó lại bắt địa chủ cởi quần áo từ trên tuột xuống. Chừng vài lần thì còn gì là da là thịt. Nghe lạnh mình còn hơn Pháp lấy kềm lột móng tay.

Ông ngồi dậy khêu cao cái tiêm dầu phụng. Ông đứng lên phản tìm cái dùi chuông và chậm rãi gõ đúng bốn mươi hai tiếng. Trong những ngày qua, hết nhà cháy đến trét nhà, ông quên mất phải thỉnh chuông để gọi bốn mươi hai linh hồn về với tổ đường. A Di Đà Phật, ông vái hai vái rồi nằm xuống phản. Ông mơ hồ cảm thấy như tiếng chuông hơi bị rè, có lẽ là do sức nóng chứ chuông đâu có rơi xuống đất. Đây là cái chuông quý, được lấy lên từ cái giếng lạng trong vườn. Ngoài quả chuông còn có hai bộ xương một to một nhỏ chắc là của hai vợ chồng. Có người bảo là của Hời nhưng ông cãi Hời làm gì có chuông.

Ông cố dỗ giấc ngủ bằng cách nghĩ tới người vợ. Ông rất nhớ cái cách bà chăm sóc ông. Cứ như mẹ chăm con vậy. Mùa nóng bà cắt quạt mo cho ông quạt, mùa lạnh bà đốt than để dưới gầm giường cho ông sưởi. Không tình tứ, không ồn ào, nhưng từ cọng rau thơm cho đến miếng bánh đều được bà chăm chút còn hơn cho chính bản thân mình. Trong những năm phải ăn độn, chính bà hấp mì khô lên trên để riêng phần bà, còn ông thì phần cơm không độn. Khi bà còn sống, ông coi đó là những chuyện vụn vặt, tầm thường. Có cũng được, mà không có cũng chẳng sao. Nhưng bà mất đi, giờ ông mới thấy những lo toan tỉ mẳn đó sao mà thắm thiết, xót xa đến như vậy.

Kháng chiến đã đem những người con trai vào nơi bom đạn chỉ để lại ở nhà những người già, những cô vợ không chồng, những đứa du kích mặt còn búng ra sữa. Bọn chúng tay cầm gậy, lưng đeo dây dừa, lúc nào cũng nghênh ngang đi khắp đường làng, hạch hỏi những ai ra vào các nhà đã bị ông Khứ quy là địa chủ. Nếu được lệnh áp giải ai đó là chúng sung sướng như được cho quà. Chúng rầm rập bao quanh kẻ tội đồ vừa cầm gậy thúc vào sườn, gõ vào đầu vừa hò hét còn hơn là khi chúng lùa trâu ra đồng. Chẳng cần biết già trẻ, đàn ông hay đàn bà, chỉ biết đó là bọn phản động, bọn bóc lột, bọn tay sai, là chúng đã coi họ còn tệ hơn một con vật.

Sau này, khi mọi sự giống như một bệnh dịch đã qua, chúng ngẩn ngơ không hiểu vì sao lúc đó lại có thể hung hăng đến như vậy. Có người bảo rằng chúng chỉ là thuốc nổ còn ngòi chính là ông Khứ, bà Thảnh. Sau hiệp định Giơnevơ, hai cái ngòi nổ ấy đi tập kết là chúng trở lại làm những nông dân nghèo ít học nếu không muốn bảo là ngu dốt. Chúng được cha mẹ cắt tóc, tắm gội sạch sẽ, mặc áo quần mới rồi đi cưới những cô nữ dân quân cũng ngơ ngáo và ngu như thế về làm vợ. Rồi một thế hệ mới bụng ỏng, mặt mũi nhem nhuốc ra đời, lúc nào cũng chống mắt ra mà nhìn người từ thành phố về như nhìn người ngoài hành tinh. Có một chiếc xe nào chạy qua là chúng vung tay múa chân đuổi theo trong đám bụi mù một cách khoái trá. Và rồi chúng lại lớn lên lấy nhau sinh con đẻ cái. Những vòng đời nghèo đói ít học cứ miên man nối tiếp nhau như thế trong cái tĩnh lặng quen thuộc của xóm làng.

Ông vẫn chưa ngủ được. Có nghĩ đâu đâu rồi cũng loay hoay trở về với những nỗi lo, nỗi sợ chất chứa trong đầu. Bên ngoài, tiếng trống mõ lại nổi lên. Rồi tiếng hô đả đảo, rồi đất đá ném vào nhà. Chúng tấn công lần nữa và hai cha con lại phải xoay cái rương xe để chận cái lỗ ra vào. Thôi mặc, muốn chửi rủa mắng nhiếc ù lì phản động hay gì gì nữa thì xin cứ việc. Đây mệt mỏi lắm rồi. Mà đây cũng đếch thèm sợ nữa. Chết là cùng chứ gì. Ai chẳng phải chết ngay cả sống đến ba trăm năm như ông Bành tổ.

Lặng yên một lúc.

Rồi lại bình bịch, bình bịch!

Hoá ra chúng vào trong sân. Thay vì ném đá, chúng dùng chân đạp vào vách. Cái tấm vách vừa trét chưa khô rung lên, nhiều mảnh đất trộn rơm rơi xuống. Bỗng có một bàn chân chui tọt vào trong. Cô con dâu sợ hãi rú lên nhưng ông chộp lấy rồi dùng hết sức kéo mạnh vào. Nghe bên ngoài có tiếng la hốt hoảng. Ông muốn bẻ quặp cho lọi cẳng ra, nhưng nghe tiếng, ông biết nó chỉ chừng mười tuổi nên đẩy mạnh ra ngoài. Chủ nhân của cái chân hú hồn. Bọn nhỏ cười lớn rồi kéo nhau chạy mất.

Ông giật mình khi nhớ tới đứa cháu ngoại. Nó mười tuổi, chắc cũng vào đội và đêm đêm đi quậy phá những nhà địa chủ. Mẹ nó dù có muốn bắt nó ở nhà cũng không được. Nó không còn là con của cha sinh mẹ đẻ mà là con của đảng, cháu của bác. Có lần ông nghe một người bạn ở Yên Thới kể rằng đứa cháu của ông ấy chui vào nhà địa chủ. Nó được lệnh nằm dưới gậm giường để nghe vợ chồng bàn chuyện trốn thuế hay tẩu tán tài sản. Nó chẳng nghe được gì ngoài tiếng vạt giường kêu răng rắc. Nó sợ sập liền chui vào nằm dưới gậm phản. Rồi mệt mỏi ngủ quên, sáng ra bị chủ nhà bắt được. Nó tưởng bị dẫn tới nhà mắng vốn, nhưng chủ nhà chỉ cười, bảo nó đi về, lại còn cho một trái xoài tượng trên bàn thờ.

Ông ấy bảo dạy trẻ con làm những chuyện như thế thật trái với đạo lý. Đâu có chỉ rình mò như kẻ trộm mà còn bịa không nói có để được khen là ngoan, là có tinh thần đấu tranh cách mạng. Nhiều đứa ranh ma đã dựng nên những chuyện động trời. Như giấu vàng dưới giếng, hay chuẩn bị trốn vào vùng tề. Báo hại chủ nhà thì bị bắt trói còn bọn dân quân phải mất cả ngày để tát cạn giếng, đào bới, và đêm đêm phải canh cả vòng trong lẫn vòng ngoài. Như thế thì có muốn sửa chữa dạy khác đi cũng đâu có được. Nghe đâu ở bên nước bạn Trung Hoa có những nông trang rộng mênh mông, cùng làm cùng ăn, ai làm nhiều ăn nhiều, ai làm ít ăn ít. Ở đó, nam ở một trại riêng, nữ một trại riêng, mỗi tháng gặp nhau hai lần. Con sinh ra có nhà nước nuôi, khỏi phải mắc công chăm sóc dạy dỗ gì cả. Chúng nó suốt ngày ca hát chơi đùa cứ như ở trên thiên đàng.

Nghe nói thế, ông hết muốn có cháu nội.

Bọn chúng đi rồi, ông bảo con dâu giúp ông đẩy cái rương xe qua một bên. Ông muốn chui ra ngoài. Trời đêm thật mát dịu. Vẫn sông Ngân quen thuộc vắt ngang giữa bầu trời, vẫn con công đầu đội mũ bình thiên và núi non cây cối vẫn xanh dịu im lìm, cớ sao những con người ở đây lại khác xưa đến như vậy. Giá như không có kháng chiến, giá như không có đấu tranh giai cấp thì chắc hẳn ông đang ngủ nghê thoải mái và lũ nhỏ cũng ngủ mê, có đứa nói mế có đứa đái dầm. Ông Khứ bà Thảnh chắc cũng như ông Sáu Hủ bà Hai Thành quanh năm chỉ biết có con trâu cái cày và một bầy con cùng với gà heo lúc nhúc trong chuồng. Cái gì làm cho họ lồng lên như thế? Ông Mác ông Lê là ông nào mà làm cho cả thế giới sôi lên sùng sục? Lại còn ông Xít, ông Mao, ông Kim, ông Phiđen… nhiều ông quá chen chúc trên cái bàn thờ tổ quốc. Cứ mỗi lần có đại lễ thì các ông lại xúm xít quanh ông Hồ, y như bốn mươi hai cái bài vị trên bàn thờ họ Phạm. Mà họ đâu có bà con anh em gì với nhau. Họ bảo cùng lý tưởng giải phóng loài người.

Ông đứng lên định đi tiểu nhưng lại nghe tiếng nước xối ào ào trong bụi chuối gần giếng nên lững thững đi ra ngõ. Chỉ mới mấy tháng trước đây thôi khi chưa phát động chiến dịch đấu tố, rào dậu nhà ông lúc nào cũng thẳng thóm. Những cây duối cành lá đan vào nhau được cắt tỉa cẩn thận trông như một bức tường màu xanh. Cái mái của nhà ngõ cũng toàn duối được dưỡng cao uốn cong trông rất đẹp. Từ Yên Thới qua những đám ruộng lúa chín vàng, ông đã trông thấy cái cơ ngơi màu xanh của nhà họ Phạm. Tất cả là nhờ một tay Bốn Ngọ, một anh tá điền ít nói làm rẽ của ông đến hai mẫu ruộng đã thay ông chăm sóc. Nhưng sau đó được đảng giác ngộ, thực ra là ông Khứ buộc, phải trả lại ruộng cho ông dể khỏi phải làm người nô lệ. Ông bỏ mặc cho cây lá muốn mọc ra kiểu gì cũng được. Cái mái nhà ngõ rũ xuống, nhiều cành muốn chọc vào mắt, ông cũng không thèm cắt bớt. Ông bước ra khỏi ngõ vén quần phóng nước giải xuống ruộng nghe tỏng tỏng.

Cô con dâu tắm xong đã chui vào nhà. Nước mát đã đưa cô vào giấc ngủ. Cô lại bắt đầu nghiến răng. Kèn kẹt, kèn kẹt. Như tiếng một con nhồng học nói, nhưng ông nghe như tiếng của lưỡi cưa chạm vào ngà của một tay thợ tàu chuyên làm đũa ngà cho những cặp vợ chồng mới cưới. Những đôi đũa một đầu vuông, một đầu tròn có khắc những chữ hán bôi sơn đen và đỏ rất đẹp. Cái gã thợ tàu ấy không hiểu vì sao chỉ làm những đôi đũa quý hiếm ấy trong đêm khuya. Gã cắt ngà ra từng khúc, xẻ nhỏ, rồi mới chuốt láng từng chiếc. Gã tỉ mẩn hứng từng chút bột ngà rơi xuống nhỏ mịn như trứng tằm. Để làm thuốc, quý lắm, gã nói. Cũng may là gã sống ở phố Quy Nhơn chứ nếu ở An Định, gần mả Thập miên thì người ta dễ tưởng lầm là gã đào mồ lấy trộm xương lên làm.

Ông nhắm mắt cố ngủ nhưng tiếng kèn kẹt vẫn như lưỡi cưa mỏng đi xuyên qua đầu. Ông lại nhớ tới tiếng con mụ Dĩa khi sỉ vả ông tổng Bá, nó cũng rin rít qua hai hàm răng như thế. Đó là căm thù. Còn con nhỏ thù ai? Chẳng lẽ thù ông hay thù cả nhà họ Phạm này? Mà cũng có thể lắm, nó được gì khi phải sống trong nhà này. Chồng không có, như đứa khác thì đã dắt trai vào nhà, bằng không thì cũng bỏ mặc cái giường lạnh lẽo đó mà chui vào một cái giường khác. Nó ngu hay mình ngu? Ông lại nghe rõ tiếng nước chảy trong bụi chuối, lại mơ hồ thấy nước chảy qua áo qua quần, lại tưởng đến bàn tay đang kỳ cọ, những ngón nhỏ len lỏi…

Ông rùng mình ngồi dậy. Nằm trên phản mà ông tưởng như nằm trên nắp ván thiên. Bốn mươi hai bộ xương lớn bé của nhà họ Phạm kêu lột rột trong đó! Ông đứng lên mò tìm cái dùi chuông và như phát cuồng, ông nện liên hồi kỳ trận vào cái chuông mà không cần biết là bao nhiêu tiếng. Cái chuông tội nghiệp đang say ngủ bỗng giật mình kêu thét lên. Nó vừa kêu vừa nhảy choi choi như một đứa bé bị ăn đòn oan. Bốn mươi hai cái bài vị trên bàn thờ đều nhỏm dậy. Cái chuông bị tra khảo giống như bị đấu tố đành chịu trận cho đến khi đứt dây rơi xuống phản. Nó tự gõ thêm một tiếng choang đau đớn rồi im bặt Mồ hôi tứa ra, ông cũng ngã vật xuống phản.

Thôi ngủ đi!

Ừ!

Nhắm mắt lại và nhớ tới những đọt tre rung rinh, những tàu cau xanh và mùi hoa cau ngọt lịm, nhớ tới cánh đồng lúa chín có những con cúm núm làm tổ với những cái trứng màu nâu lốm đốm trắng rất dễ thương…

Ừ!

Nhớ tháng giêng xổ cổ nhơn, hát bội, nhớ tiếng hát của cô đào thương, tiếng thét Trương Phi ở cầu Trường Bản và ngủ đi!

Ừ!

Đừng nhớ chi tới cái chân trắng của con đầm lai, đừng nhớ cái cách nó nằm gác chân lên vách để cái váy rơi xuống, đừng nghe nó rên rỉ gầm gừ, đừng nhớ tới tiếng nước chảy trong bụi chuối

Ừ!

Vẫn cứ nhớ à, nhớ như chạm như khắc vào tận xương da thì bắt chước hoà thượng bỏ nhang lên đầu mà đốt, hay lấy dùi nhọn mà đâm vào háng như các cha

Vẫn không ngủ được…

Thì hãy đi ra vườn, ra ngoài đồng, ra bờ sông, đi thật xa cái hang tối tăm này

Chi vậy?

Để quên

Quên?

Quên gì?

Quên mùi mồ hôi nồng nồng, quên mùi nước bọt mặn mặn

Ừ!

Ngủ và ngủ!

Anh con trai cuối cùng của nhà họ Phạm mười sáu tuổi đã đậu Pờrime (bằng cao tiểu) được cả nhà ngả heo ăn mừng. Một cái rạp được dựng lên trước sân, bốn cái bàn tròn khép mở được các nhà trong xóm cho mượn bày ra bốn góc cùng ba mươi hai cái ghế đẩu. Bà con nhà họ Phạm, sui gia và các ông chánh phó lý, hương bộ, hương mục, hương kiểm, chánh phó tuần đều đem tiền đựng trong phong bì đỏ hay chai rượu tới mừng. Ông thủ bản trịnh trọng hả hê cúi thấp gần như sát đất chào đón từng người một. Tân khoa mặc áo lương đen bên trong có áo trắng, đi lại giữa các bàn châm rượu và đón nhận những lời chúc mừng.

Trong tiệc một người bỗng kêu anh lại kề miệng sát vào tai anh vừa nói vừa nhai miếng sụn kêu rạo rạo: tối nay đi Qui Nhơn nghe, xuống đó ăn khao mới đã chớ! Mọi việc ta lo hết cho, mày cứ việc vác xác tới là có ngay. Anh chỉ cười, không gật đầu cũng không lắc. Đó là ông bác họ sinh sống ở cảng Qui Nhơn. Có một thời ông đi lính thuỷ đem về một con đầm lai sáng nào cũng lấy dao nhíp ra cạo lông chân, nhiều khi trầy xước chảy máu phải xin cau của bà thủ bản rịt vào. Nàng thường mặc váy dài sát đất, trời lạnh thì ngủ kẹp tay vào giữa háng còn trời nóng thì tốc váy lên tận bụng. Đáo để hơn nữa, mỗi khi đi ngang qua đám đàn ông đang ngồi hóng chuyện ở gồm Miễu thượng, nàng lại tinh nghịch kéo váy lên làm cho bọn họ cứ há mãi cái họng đầy kinh ngạc ra cho đến khi nàng đi khuất mới chịu ngậm lại. Nhiều anh thú thực trông thấy tối về nhà không tài nào ngủ được.

Nàng giống như chó tháng năm lặng lẽ toả ra một thứ mùi thầm kín làm cho lũ đàn ông nhộn nhạo như phát cuồng. Không lúc nào ngớt những gã lạ huơ lạ hoắc ở tận An Đông, Yên Thới cũng tới hỏi mua cái này bán cái nọ, thực ra là để lom lom dòm ả. Mà ả thì có chịu ở trong nhà đâu, cứ kéo cái váy phết đất bẹo trước hàng hiên, cứ ngoáy mông, ễnh ngực khiến bà thủ bản dù là dâu nhưng vẫn là chủ từ đường họ Phạm, ngứa mắt chịu hết nổi. Bà điên tiết đuổi cả hai vợ chồng ông anh họ đi đâu thì đi cho khuất mắt. Ông chồng xuề xoà năn nỉ ông anh bớt giận thì bà lừ mắt bảo nếu ông muốn giữ cái quân lộn chồng đó thì tôi đi. Ông anh bảo không việc gì mà chú thím bận tâm, nó chỉ là đồ chơi qua ngày, chứ ăn đời ở kiếp gì đâu, nếu không thích thì sáng mai tôi đem nó đi. Sau bốn lăm, người ta vớt được xác ông trong một cái bao bố và con vợ hờ cũng bị giết vì cái tội đĩ thoã sau khi đã bị hãm hiếp.

Chính vì có ông anh họ có cái máu ưa đàn bà ấy mà lúc nào bà cũng nghi ngờ chồng mình hay liếc ngang liếc dọc, đi qua chỗ đông người thì cứ cố mà chen vào giữa đám đàn bà con gái, đứng cạnh một mụ nào thì tay chân ngứa ngáy không lúc nào yên. Ông kêu trời, bảo bà cái cơn ghen đã phát hoả lên tận đầu, nhìn đâu cũng thấy chồng bậy bạ. Dù tôi có chặt tay móc mắt đi nữa thì bà vẫn cứ ghen. Ai thèm ghen với ông, tôi nói thế là muốn giữ cái thể diện cho ông, dù gì cũng là trưởng họ Phạm, lại là thủ bản của làng An Định, ông đi léng phéng với bọn quỷ cái ấy không sợ đứa trẻ nhỏ nó cười cho à? Đó là chưa nói tới đàn ông gì mà chết nhục chết nhã như thế!

Quả thực không cách gì cãi lại được với bà. Chẳng những chuyện ghen mà đến cả chuyện nhà chuyện cửa đều do bà lo tất. Ví như sau bữa ăn khao hôm nay, bà bảo ông lo kiếm chỗ nào cưới vợ cho thằng Tân đi. Ông bảo nó còn nhỏ, hãy cố lấy cho được cái bằng Đíplôm đã, rồi mới tính chuyện vợ con. Nhưng bà bảo, nữ thập tam nam thập lục, còn bé nhỏ gì nữa đâu. Đã mấy đời độc đinh nhà họ Phạm rồi, ông không sợ tuyệt tự à? Nghe nói thế ông đành phải gật đầu. Đúng là hũ mắm treo đầu giàn, bánh tráng treo đầu gậy, lỡ có bề gì thì mười hai đời họ Phạm đến đây là tuyệt hẳn. Ai lo giữ mấy mươi cái bài vị trên bàn thờ kia, ai lo giẫy mấy mươi cái mả ở núi Mò O! Nghĩ tới vừa sợ, vừa buồn. Vậy là ông bắn tiếng cho hương kiểm Bồng chuyên làm mai dong kiếm một cô gái nào đó hợp tuổi để làm vợ con trai ông.

Chuyện này đâu có khó, ông hương kiểm Bồng cười tít mắt nói, có ngay liền, tôi đã để ý từ lâu cho con trai anh. Con nhỏ đó tuổi mùi, con anh tuổi ngọ. Nhứt gái hơn hai nhì trai hơn một. Nói vậy chớ đàn ông ít ai chịu lấy vợ lớn tuổi hơn mình. Thế nào cũng bị nhạo kêu bằng chị. Chi bằng ta chọn cái tốt thứ hai thay vì cái tốt thứ nhất. Phải vậy không? Con nhỏ đó được lắm, da trắng như bông bưởi, con gái út của một ông cũng làm thủ bản như anh vậy đó. Ở đâu? An Đông hả? Ừ, được quá phải không? Thế cũng được. Nhưng không biết thằng nhỏ có chịu không đây. Thì ngày mai tôi đưa nó đi coi mắt, gần quá mà, chỉ một bước là tới. Rồi chị nhà muốn xem mặt nó thì cứ qua chợ An Đông là khắc biết.

Cô con gái nhà thủ bản Phùng mới mười lăm tuổi, mẹ mất sớm, nên trong lần thấy kinh đầu tiên cô đã khóc suốt ba ngày liền. Cô tưởng mình sắp chết đến nơi. Giống như một trái cam bị nứt làm đôi, bao nhiêu nước cứ chảy ra cho đến khi khô kiệt rồi rụng xuống. Không ai nói cho cô biết đó là chuyện bình thường của người con gái đang đến tuổi dậy thì. Cha cô vì lo việc cúng kiếng ở đình nên rất ghét những người đàn bà có kinh nguyệt mà ông gọi là “gãy cẳng”. Ông thường sai cô đuổi những người đàn bà cầm mo cau nếu họ có ý định muốn bước vào nhà. Chẳng lẽ cô cũng đang “gãy cẳng” và cũng phải mang một cái mo cau như thế?!

Nhưng rồi mọi sự cũng quen dần, những người chị họ thường đi buôn cốm tận Quy Nhơn đã dạy cô cách giữ vệ sinh và cô cũng biết được rằng không phải chỉ một lần mà nhiều lần nữa cho đến khi có cháu nội cháu ngoại. Cô đã biết mắc cỡ khi ai đó nhìn vào ngực mình. Hai cái vú như hai trái cau đang bắt đầu lớn căng như hai trái thị.

Dưới mắt nhìn của chàng trai họ Phạm thì cô khá đẹp. Còn dưới mắt của ông thủ bản Phùng thì chàng cũng đã đậu được cái bằng Pờrime. Cô nàng hơi khó chịu vì mặt anh chàng nhiều mụn, nhưng khi cha hỏi có ưng nó không thì nàng nói tuỳ cha. Ông nói với ông hương kiểm Bồng, được rồi đó, về nói với bên đó năm sau sang đây đón dâu.

Một cái rạp to gấp đôi lúc ăn khao, chục cái bàn tròn, một trăm cái ghế đẩu, hai trăm cái chén, bốn chục cái tô bự, hai chục cái dĩa bàn, một cái chảo bung, hai cái nồi bảy, một con bò hai con heo, năm mươi cây bánh tét, một chục chõ xôi màu… Tuy chưa phải là to nhất làng, nhưng đám cưới như thế cũng khiến cho cả xóm nhớ mãi. Đám đưa dâu đi trên hai chiếc đò ngang, còn đám rước cũng hai chiếc làm mặt sông như sáng bừng lên với những áo xanh áo hồng, những dù những nón. Bóng họ in xuống lòng sông đựng đầy mây trời trắng lốp, trông rất thanh bình. Nhưng đêm tân hôn cô dâu lại ngủ quên trong ang lúa. Có chuyện lạ như thế vì chẳng ai nói cho cô biết làm vợ là phải làm thế nào. Khi người chồng bước vào buồng, cô hốt hoảng lui vào một góc. Khi anh ta lần tới thì cô vùng chạy xuống bếp. Và khi anh ta xuống bếp thì cô ra sau hè. Anh ta lên tiếng gọi, chẳng những cô đã không thưa còn dáo dác nhìn quanh và khi thấy một cái ang đựng lúa bỏ không, cô liền chui vào ngồi thu lu trong đó. Anh không dám gọi to sợ cha mẹ thức dậy. Anh cứ đi lên đi xuống rồi chán nản leo lên võng nằm đưa một mình.

Mãi đến gần sáng mẹ anh mới biết chuyện. Bà cầm đèn đi tìm và thấy cô đang ngủ ngon lành. Bà không la mắng gì chỉ nói tội nghiệp chưa. Tối hôm sau chính bà cùng vào buồng nằm với cô. Bà rủ rỉ nói đủ thứ chuyện như mẹ nói với con, bà vuốt tóc cô khen tóc đen và dài, vuốt bàn tay cô khen tay nhỏ và đẹp. Bà nói như ru nên cô ngủ lúc nào không hay. Khi thức giấc cô đã thấy nằm bên cạnh mình là cái anh chàng xin lửa mồi thuốc dễ ghét ấy. Rồi mọi việc cũng qua đi dù anh cũng hãy còn trẻ con và ngờ nghệch như cô. Rất nhiều năm sau này cô vẫn còn giữ cảm giác làm vợ giống như một trái bắp tươi bị bóc vỏ, kỳ cục và đau buốt không chịu được. Còn anh khi đi bộ đội nằm chung với bạn, cũng thú thực là lần đầu tiên anh chỉ bắn ướt đầy bụng vợ mà chẳng làm được gì.

Ông bà thủ bản ấm ức mãi vì chuyện anh đi tòng quân. Nào có ai bắt bớ gì đâu, nhà chỉ có một trai thôi mà. Đến cả vua ngày trước còn tha cho huống giờ là cách mạng. Nhưng anh thì bảo là ghét cái mặt thằng Khứ không chịu được. Chẳng lẽ ở nhà làm du kích để nó sai bảo như suỵt chó đuổi gà! Dù gì cũng đã đậu Pờrime, cũng nói được đôi ba câu tiếng Pháp sao lại để một thằng chạy hiệu dốt đặc cán mai như nó ngồi trên đầu trên cổ. Phải như hai ông họ Phan mới là cách mạng chứ, nó chỉ có mỗi cái việc treo cờ và rải truyền đơn mà cũng gọi là cách mạng à? Anh đâu biết rằng chỉ có treo cờ búa liềm mới thực sự là cách mạng còn các cờ khác đều là phản động. Phan Chu Trinh thì ôm chân Pháp, Phan Bội Châu thì ôm chân Nhật. Giờ này mà nói tới hai kẻ ấy là đi cải tạo như chơi. Không chừng còn bị bắn bỏ như thầy giáo Hiên.

Thực ra anh đi vì mấy người bạn cùng thi Pờrime với anh. Bọn họ gồm ba người, tự cho là Lưu Quan Trương kết nghĩa. Anh ở An Định còn hai người kia ở Yên Thới. Hai làng gần nhau, chỉ hú một tiếng là đi ngay. Bảo là anh trốn nhà đi theo bộ đội cũng được vì ngay cả chị vợ vừa mới cưới anh cũng không hề nói cho biết. Chỉ có bà thủ bản ầm ĩ kêu khóc chứ cô con dâu thì thấy vắng anh lại hay. Cô không thấy thú vị gì trong chuyện vợ chồng. Mãi mấy tháng sau mới cảm thấy nhớ anh, cô muốn đi thăm nhưng chẳng biết anh ở mặt trận nào.

Nhiều năm sau này cô vẫn không hiểu vì sao lại có cuộc cách mạng, vì sao lại phải kháng chiến. Khi cô chưa biết nói thì mẹ cô đã mất rồi. Cô sống thui thủi như con chim cuốc trong bụi rậm. Cha cô chưa bao giờ hỏi nói với cô một lời âu yếm. Ông cụ quanh năm suốt tháng chỉ lo có mỗi một việc là làm sao có con heo cho béo, có quầy chuối cho tốt, có nếp ngon rượu nồng để dâng lên các vị thần và sau đó là cả làng no say một bữa. Giá như không có người tới hỏi cưới thì ông cụ cũng quên mất là mình có một cô con gái. Dĩ nhiên ông cũng quên luôn cô không còn mẹ. Ông rất kỹ tính. Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng phải được chăm chút cẩn thận. Cái mâm đồng phải dùng trấu chà cho thật sạch, bát chén phải rửa bằng tro bếp, đũa phải so thật bằng, rau luộc phải sắp gốc theo gốc ngọn theo ngọn, cá cũng vậy đầu đuôi không được lẫn lộn ngay cả cá cơm bé tí.

Tất cả những việc đó cô đón ý ông mà làm. Ông không hề sai bảo mắng chửi. Nếu không như ý ông chỉ lẳng lặng bỏ đi và nếu mọi việc cứ luộm thuộm như thế mãi thì chính ông tự đi làm. Cô rất sợ cái cách ông hờn dỗi như thế. Nhưng cô rất thương cha. Những lúc rảnh rỗi cô theo người làng đi vào tận Vân Canh đốt than để mùa đông sưởi ấm cho ông. Cứ tối đến là cô quạt đỏ một lò than rồi đổ tất cả vào một cái chậu sành, phủ tro lên. Có hơi ấm ở dưới giường, cả đêm ông ngủ ngon không trăn trở. Thế là cô vui, cần gì được ông khen.

Cũng như An Định, đình An Đông bị phá chỉ còn mỗi cây thị. Có lẽ nó đã mọc trên núi Mồ cu từ khi ông khổng lồ ném một nắm đất lên mình con chim tội nghiệp để làm mồ cho nó. Cây thị cao to đến nỗi cành nhánh của nó đủ xoè ra ôm kín ngọn đồi. Mùa lúa tháng ba trong khi lúa chín vàng rực thì nó cũng đong đưa hàng ngàn quả thị vàng tươm. Những quả thị đẹp và thơm mỗi khi nhớ tới cô vẫn thấy thèm. Thích nhất là ăn xong lấy vỏ của nó dán lên vách để có những ngôi sao năm cánh, cả tháng mà vẫn không mất màu. Cây thị đó là lộc trời cho của dân làng. Không ai tính được bao nhiêu quả. Chỉ tính thúng thôi, được mùa có lúc đến cả trăm thúng. Khi ấy trái thị còn nhiều hơn cả lá. Ông đã thay mặt làng bán cho người nào trả giá cao nhất ngay từ lúc thị còn xanh. Số tiền ấy đủ mua cả một con bò để cúng đình. Giờ cách mạng không còn cúng tế nữa, làng khoán cho ông để lấy tiền bỏ quỹ. Ông tự hái trái đem xuống chợ An Đông bán. Cũng dư được chút đỉnh đủ để mua trà.

Chiều mồng bảy tháng tư năm năm mươi, cô được tin cha ngã xuống đất từ trên cây thị. Lúc ấy cô đang mua hành ở tận Lục Thuận. Giống như những người rổi cá, vẫn giữ cái gánh trên vai, cô chạy một mạch về đến nhà thì cha cô đã chết. Máu trong miệng ông bỗng trào ra khi cô ôm chầm lấy xác cha kêu gào. Người ta bảo ông cụ ấm ức vì không được thấy mặt con trước khi chết nên mới thổ ra như vậy. Từ đó không bao giờ cô đụng đến trái thị. Cô lại càng không dám lên núi đứng dưới bóng cây thị mà nhìn lên. Cô cũng ít khi về thăm làng vì miệng đời rất tàn nhẫn. Người ta bảo cha cô bị thần vật chết vì trước kia ăn bớt của đình. Cứ chết một cách không bình thường là người ta thêu dệt đủ điều. Một năm sau mẹ chồng chết vì trèo cau cũng bị đồn ầm là thần đình hỏi tội ông chồng làm thủ bản. Hai cái tang đó đã làm cho cô đã ít nói lại càng ít nói hơn nữa. Cô thường nằm khóc cha trong cái nhà lẫm giữa những tiếng rúc rích của lũ chuột. Lẫm không còn lúa nhưng chúng vẫn tìm tới đùa cợt cắn nhau chí choé. Chúng chạy rào rào ở trên đầu, đôi khi có một con chuột cống chạy rầm rầm như có cả một chiếc xe ngựa.

Mẹ ruột chết, cha vợ chết, anh bộ đội chồng cô cũng không có mặt để chịu tang. Có ai ở cái làng này ngay cả công an Khứ biết được là anh đang ở đâu. Mà dẫu có biết chắc người ta cũng không chịu báo tin vì để anh yên lòng giết giặc. Không biết anh đã giết được bao nhiêu quân thù, lấy được bao nhiêu súng và anh còn phải hành quân đến bao giờ mới được trở về nhà. Lúc này cô mới cảm thấy thấm thía nhớ anh. Cô muốn úp mặt lên ngực anh mà khóc thay vì trên cái gối hôi mùi dầu dừa, cô muốn tự tay làm cơm cho anh ăn, muốn cùng anh ra đồng tát nước, tối đến muốn để anh đi vào trong cô và hồi hộp đón chờ một đứa con xinh xinh ra đời. Cô thấy nhớ quá chừng, bây giờ ngay cả cái mặt sần sùi nhiều mụn của anh cô cũng thấy thương. Nhưng anh vẫn cứ tít mù thăm thẳm.

Hay là anh đã chết mà người ta không muốn báo tin sợ sẽ gây hoang mang ở hậu phương. Từ ngày nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp, chỉ thấy ghi trên bảng tin dựng ở gồm miễu Thượng bao nhiêu thằng giặc bị giết chết ở An Khê, ở đèo Cả, ở Bắc Cạn, Lạng Sơn gì gì đó chứ đâu có thấy bộ độ chết bao giờ. Hay là anh đã bị giặc bắt? Có thể lắm. Dượng Ba một lần về thăm cha mẹ vợ đã nói, có lần chui vào đồn giặc ngủ chung với bọn chúng rồi lăn qua lăn lại, đứa nào có lông lá xồm xàm là tây trắng, đứa nào tóc quăn tít là tây đen, đứa nào chân tay nhỏ là nguỵ binh. Có như thế mới biết được chính xác có bao nhiêu giặc để mà đánh.

Cũng có thể dượng ấy nói khoác lên một chút để lấy le với cha mẹ vợ. Nhưng sự thực thì đánh giặc bây giờ không phải như ngày xưa, lại càng không phải như trên sân khấu hát bộ. Chỉ một lần duy nhất anh ấy về thăm nhà, không hề nói tới chuyện đã giết được thằng giặc nào chưa, chỉ xin mẹ mua cho mấy ký mắm ruốc kho chung với thịt ba chỉ xắt nhỏ trộn với ớt và sả, lại cho vào thật nhiều muối nện chặt trong hai ống tre khô để đem đi. Lần ấy cô mới biết được có chút gì vui của niềm ân ái, là máu mủ trao nhau đến chết cũng không rời. Nhưng anh ốm yếu quá và chỉ có hai ngày phép ngắn ngủi nên cô đã không có được cái mệt mỏi rất đáng hãnh diện của một người bị ốm nghén.

(còn tiếp)

© 2010 K.Đ/Thư Ấn Quán

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: