Sunday, June 6, 2010

CANH TÂN ĐẤT NƯỚC và VAI TRÒ CỦA THANH NIÊN

Canh tân đất nước và vai trò của thanh niên

Tạp Chí Phía Trước

Cập nhật ngày: 6/06/2010

http://www.viettan.org/spip.php?article9869

PHÍA TRƯỚC đã có cuộc phỏng vấn với Chủ tịch Đảng Việt Tân là Ông Đỗ Hoàng Điềm về các vấn đề chính trị và đa đảng tại Việt Nam.

.

Phía Trước: Anh có cho rằng thời điểm hiện tại là thích hợp để Việt Nam cần có đa đảng?

Ông Đỗ Hoàng Điềm: Trong phong trào xóa thực dân và dân chủ hóa trên toàn thế giới bắt đầu từ giữa thế kỷ 20, rất nhiều quốc gia đã thành công trong việc xây dựng thể chế dân chủ bền vững. Qua kinh nghiệm của những nước này, chúng ta nhìn thấy vai trò của đảng chính trị rất quan trọng trong nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ. Ngày nay tổng số quốc gia dân chủ trên thế giới chiếm đại đa số và tất cả đều có sinh hoạt đa đảng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Từ đó chúng ta có thể suy ra rằng nếu vào thập niên 1950, sau khi Việt Nam giành lại được độc lập, nếu lúc đó đất nước chúng ta không bị chia cắt, không bị chiến tranh, và các đảng chính trị có điều kiện được sinh hoạt bình thường, đóng góp cho đất nước đúng với vai trò của họ thì biết đâu ngày nay dân tộc ta đang được sống trong một xã hội thật sự dân chủ, bình đẳng và tiến bộ như bao nhiêu quốc gia khác. Đáng tiếc là điều này đã không xãy ra để đến giờ này, vào đầu thế kỷ 21, Việt Nam vẫn bị kềm hãm bởi một trong 4 chế độ độc tài cộng sản còn sót lại trên thế giới.

Nhìn lại lịch sử cận đại, trong các thập niên 1930 và 1940, nhiều đảng chính trị đã từng xuất hiện tại Việt Nam và đã đóng góp rất nhiều vào nỗ lực huy động toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, ngay từ trong giai đoạn này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương tiêu diệt những đảng chính trị đối lập, tàn sát nhiều người chỉ vì khác biệt quan điểm. Chính sách độc tài sắt máu này đã được Đảng Cộng sản Việt Nam triệt để tiến hành từ hơn 60 năm qua cho đến ngày nay vẫn còn. Chính tình trạng độc tài độc đảng này đã giúp duy trì trên đầu dân tộc Việt Nam một chính quyền tha hóa, nhũng lạm và luôn luôn đặt quyền lợi của họ lên trên quyền lợi đất nước.

Việt Nam cần phải có đa đảng để tạo điều kiện ngăn chận độc tài, giảm thiểu tham nhũng, duy trì công bằng xã hội và bảo vệ quyền lợi của dân tộc. Chúng ta đã đi chậm hơn nhiều dân tộc khác cả nửa thế kỷ. Chúng ta cần nhanh chóng chấm dứt tình trạng độc tài độc đảng hiện nay, và thiết lập một xã hội dân chủ, đa đảng thì mới mong đưa dân tộc cất cánh bắt kịp những quốc gia khác.

.

Phía Trước: Theo anh, những dấu chỉ tích cực nào cho phong trào dân chủ hiện tại? Và những khó khăn nào làm chậm bước tiến trình hoá dân chủ mà đất nước Việt Nam đang gánh chịu (do đảng chính trị, yếu tố quần chúng, thời cơ lịch sử, v.v...?

Ông Đỗ Hoàng Điềm: Kể từ năm 1975, phong trào tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam đã trải qua ba thời kỳ. Thập niên 1980 đánh dấu những nỗ lực đấu tranh tự phát chủ yếu từ quần chúng miền Nam đối kháng lại sự áp đặt chế độ cộng sản. Sau khi Liên Xô và khối cộng sản quốc tế sụp đổ, từ thập niên 1990 kéo dài đến đầu thế kỷ 21 là sự xuất hiện của một số những cá nhân can đảm lên tiếng phê phán những sai lầm của chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi nhân quyền, đồng thời đặt lại vấn đề tự do và dân chủ cho đất nước. Kể từ năm 2006 cho đến nay, phong trào dân chủ tại Việt Nam đã bước sang thời kỳ thứ 3 với nhiều chỉ dấu tích cực như sau.

Trước hết, khác với trước đây, ngoài những cá nhân, lực lượng dân chủ lần này có cả những tập hợp quần chúng, phong trào hay đảng chính trị công khai thách thức nền cai trị độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng cho thấy sự phát triển của phong trào sang tới giai đoạn qui tụ nhiều người thành nhóm, tổ chức hay đảng để hoạt động mạnh hơn. Ngoài ra, còn phải kể tới sự xuất hiện của những tập hợp quần chúng trong nhiều lãnh vực sinh hoạt xã hội, làm nền cho một xã hội dân sự đang từ từ hình thành.

Thứ hai, lực lượng dân chủ sử dụng phương thức đối đầu bất bạo động với tất cả những đặc tính đa dạng của nó để huy động quần chúng tham gia và mở ra những hình thức đấu tranh mới. Phương thức này tạo điều kiện để lôi kéo số đông nhập cuộc, yếu tố then chốt để hóa giải khả năng sử dụng bạo lực của chế độ.

Thứ ba, sự phá sản của chủ nghĩa xã hội cộng với bản chất phản dân tộc của lãnh đạo Hà Nội đã được phơi bày rõ ràng đối với nhân dân. Ngày nay ai cũng đã thấy rõ những người đang lãnh đạo đất nước chỉ là những tay “tư bản đỏ”, tham lam vơ vét và sẵn sàng hy sinh quyền lợi đất nước để đổi lấy sự hậu thuẫn của Trung Quốc.

Thứ tư, đi đôi với sự tha hóa tại thượng tầng, tình trạng thối nát và nhũng lạm của guồng máy thừa hành bên dưới làm sút giảm đi nhiều khả năng khống chế và kiểm soát xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trừ bộ máy công an hãy còn tích cực hoạt động, bộ máy hành chánh ngày nay không còn hoạt động đúng theo ý muốn của chế độ nữa.

Sau cùng, sự bất mãn của quần chúng ngày nay bắt đầu bộc phát trước những vấn đề như bất công xã hội, tham nhũng lan tràn, quan chức ức hiếp người dân và sự khiếp nhược của lãnh đạo trước các hành động xâm lấn của Trung Quốc. Những bất mãn này đã được biểu hiện thành những cuộc biểu tình, khiếu kiện hay đình công tại nhiều nơi liên tục trong những năm gần đây.

Tuy có nhiều chỉ dấu thuận lợi, nhưng phong trào dân chủ cũng vẫn phải đối diện với ba khó khăn lớn trong hiện tại. Thứ nhất, trước sự đàn áp mạnh mẽ của chế độ, lực lượng dân chủ đã gánh chịu nhiều tổn thất làm chậm bước các nỗ lực hoạt động. Điều này cho thấy phong trào cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng lực lượng để có khả năng chống đỡ các đợt đàn áp và huy động quần chúng tham gia.

Thứ hai, tuy sự bất mãn của quần chúng có gia tăng đáng kể và bắt đầu bộc phát ra ngoài, nhưng tâm lý sợ hãi bạo lực vẫn còn nhiều làm cản trở nỗ lực vận động số đông tham gia. Điều này cho thấy song song với việc xây dựng lực lượng, phong trào dân chủ còn cần phải làm suy yếu khả năng kiểm soát của chế độ hầu tạo điều kiện dễ dàng hơn cho sự tham gia của số đông quần chúng. Thứ ba, cả hai trở ngại vừa nêu trên đều biểu hiện một khó khăn quan trọng cho phong trào dân chủ, đó là sức mạnh của chế độ độc tài hãy còn đáng kể. Cụ thể là ba khả năng chính của chế độ gồm: (1) khả năng sử dụng bạo lực để đàn áp qua phương tiện chính là bộ máy công an, (2) khả năng bưng bít và bóp méo thông tin thể hiện qua sự kiểm soát hầu như toàn bộ hệ thống truyền thông, và (3) khả năng sử dụng tiền bạc lẫn phương tiện vật chất để mua lấy sự trung thành và hợp tác của một số thành phần đang phục vụ và nuôi dưỡng chế độ.

Mặc dù chế độ Hà Nội đang nắm trong tay những phương tiện khống chế nói trên nhưng họ không còn là một khối đồng nhất và có sức mạnh tuyệt đối nữa. Hiện tượng “tự diễn biến nội bộ” mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang cảnh báo từ đầu năm 2009 cho thấy chế độ đã và đang bị biến chất và sẽ suy thoái từ bên trong. Đây là lúc mà nhu cầu trực diện đối đầu nhằm soi mòn bộ máy kềm kẹp trở nên cần thiết hơn lúc nào hết.

Tóm lại, dù khó khăn còn nhiều nhưng trong vòng 5 năm qua, tình hình đất nước đang có nhiều biến chuyển đáng kể và nhất là đang có nhiều chỉ dấu tích cực cho phong trào dân chủ. Đây là lúc phong trào dân chủ phải nỗ lực vượt qua các đợt đàn áp của chế độ, nhanh chóng xây dựng lực lượng, và vận động quần chúng đấu tranh ôn hòa nhưng quyết liệt để đòi hỏi nhân quyền, công bằng xã hội và tự do dân chủ.

.

Phía Trước: Theo anh thì hiện nay Việt Nam đang gặp phải những sức ép như thế nào?

Ông Đỗ Hoàng Điềm: Tuy trong hiện tại nhà cầm quyền Việt Nam còn đủ sức mạnh để duy trì quyền lực, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không gặp nhiều sức ép. Có 5 áp lực chính đang đè nặng lên chế độ. Trước hết là áp lực đến từ Trung Quốc. Để giữ đảng và duy trì quyền lực, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải nương vào Trung Quốc làm điểm tựa chính trị. Đổi lại họ phải nhượng bộ những đòi hỏi của Trung Quốc kể cả việc hy sinh chủ quyền đất nước tại vùng biên giới phía Bắc, phần lớn lãnh hải trong vùng vịnh Bắc bộ, và các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là chưa kể những áp lực về mặt kinh tế điển hình là việc cho Trung Quốc khai thác quặng bô-xít tại Tây Nguyên.

Thứ hai là áp lực từ trong nội bộ đảng đến từ nhiều yếu tố. Cụ thể là tình trạng tranh giành quyền lực và quyền lợi giữa các phe nhóm; sự bất mãn gia tăng của một số thành phần đảng viên trước sự hèn yếu của lãnh đạo đối với Trung Quốc; và tình trạng xuống cấp về mặt tinh thần và tư tưởng của hàng ngũ cán bộ. Sự xuống cấp này ngày càng nghiêm trọng khiến lãnh đạo đảng phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ “tự diễn biến nội bộ”.

Thứ ba là nguy cơ bất ổn xã hội, hậu quả của tình trạng tham nhũng trầm trọng, hiện tượng cửa quyền và luật pháp bị chính nhà cầm quyền áp dụng tùy tiện. Chính tình trạng bất công xã hội, công lý không được bảo vệ này đã khiến quần chúng Việt Nam ngày càng bất mãn và không tin tưởng nhà cầm quyền nữa.

Thứ tư là nguy cơ nền kinh tế gặp khó khăn trong thời gian một vài năm trước mặt. Đây là một phần hậu quả của sự suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến sút giảm đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Bên cạnh đó tình trạng lạm phát ở trong nước đang trên đà gia tăng trở lại, nhưng quan trọng hơn nữa chính là áp lực từ Trung Quốc điển hình là hiện tượng hàng lậu lan tràn và cán cân mậu dịch thâm thủng ngày càng gia tăng.

Sau cùng là áp lực quốc tế về mặt nhân quyền. Ngày nào Việt Nam còn tiếp tục vi phạm những quyền căn bản của người dân và đàn áp những tiếng nói đối lập, ngày đó áp lực từ quốc tế vẫn được duy trì.

Điểm quan trọng chúng ta cần thấy ở đây là những khó khăn này bắt nguồn từ chính bản chất và nhu cầu tồn tại của chế độ. Vì vậy chế độ không dễ gì giải quyết hay hóa giải được những sức ép này một cách nhanh chóng.

.

Phía Trước: Anh có nhận định gì về vụ bắt bớ liên quan đến những người nổi tiếng như anh Trần Anh Kim, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung khi họ công khai là thành viên của Đảng Dân Chủ Việt Nam và Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ, hoạt động chính trị với đường lối ôn hoà?

Ông Đỗ Hoàng Điềm: Trước hết, họ là những người Việt Nam yêu nước và đấu tranh ôn hòa bất bạo động. Do đó, đối với chúng tôi, việc bắt bớ và xử án những thành viên của Đảng Dân Chủ Việt Nam và Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ là một vi phạm nhân quyền trầm trọng của nhà cầm quyền Hà Nội. Đặc biệt từ năm 2007 cho đến nay, họ đã bắt khá nhiều người dù tất cả đều đấu tranh rất ôn hòa, trong đó có thành viên của nhiều tổ chức khác. Dĩ nhiên đây là chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyên sử dụng bạo lực để khủng bố tinh thần người dân, chà đạp nhân quyền, và đàn áp những người khác chính kiến. Tất cả chúng ta sẽ phải tiếp tục nỗ lực tranh đấu cho sự tự do của tất cả những nhà dân chủ đang bị đảng Cộng sản Việt Nam giam giữ.

Nhưng câu hỏi cần đặt ra ở đây là liệu những đợt bắt bớ này có chận đứng được phong trào dân chủ hay không? Theo tôi câu trả lời hiện nay là không. Chúng ta thấy rõ vì dù họ có bắt đợt này thì lại có đợt khác xuất hiện và tiếp tục đấu tranh. Trong những năm gần đây, càng ngày càng nhiều người đứng lên đòi hỏi nhân quyền và công bằng xã hội, càng nhiều đảng chính trị và tổ chức xuất hiện để đấu tranh chấm dứt độc tài. Với bản chất tồi tệ và tha hóa như hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam, một điều chắc chắn là lúc nào cũng sẽ có đấu tranh để đem lại cho dân tộc Việt Nam một cuộc sống tốt đẹp và bình đẳng. Đã đến lúc mà bạo lực chỉ còn có thể làm chậm bước nhưng không thể tiêu diệt được ý chí và nỗ lực tranh đấu cho một xã hội công bằng, một đất nước tiến bộ của toàn dân Việt Nam.

.

Phía Trước: Đảng chính trị Việt Tân có thể chia sẻ đường hướng của Đảng và mục tiêu tiền & hậu dân chủ cho Việt Nam?

Ông Đỗ Hoàng Điềm: Đảng Việt Tân được thành lập vào năm 1982 làm nơi qui tụ và phương tiện hoạt động cho tất cả những ai cùng chia sẻ hai mục tiêu: (1) chấm dứt tình trạng độc tài chính trị và xây dựng một nền dân chủ bền vững, và (2) canh tân đất nước và xã hội Việt Nam để nhanh chóng bắt kịp đà phát triển của những quốc gia lân bang.

Tại sao lại hai mục tiêu này? Câu trả lời đơn giản là vì đây chính là hai vấn đề còn tồn đọng từ hơn 200 năm qua mà vẫn chưa được giải quyết. Đây cũng là hai cản trở lớn kềm hãm đà phát triển của dân tộc khiến đất nước Việt Nam chưa cất cánh được để trở thành một quốc gia tiên tiến trên mọi mặt trong thế kỷ 21 này.

Vào năm 1801 khi Vua Gia Long thống nhất đất nước sau một cuộc nội chiến kéo dài mấy trăm năm, thay vì bắt tay vào việc canh tân xứ sở và phát triển xã hội cho kịp đà tiến hóa của các nước Tây phương, đất nước ta lại chìm đắm trong chế độ quân chủ lạc hậu. Hậu quả là chỉ hơn 50 năm sau, dân tộc Việt Nam rơi vào vòng nô lệ dưới sự thống trị của thực dân Pháp.

Đến giữa thế kỷ 20, đuổi được thực dân để giành độc lập thì đất nước lại bị chia cắt trong chiến tranh, một bên theo chủ thuyết cộng sản, một bên theo con đường dân chủ. Thay vì được ổn định để xây dựng đất nước thời hậu thực dân như nhiều quốc gia khác vào lúc đó, dân tộc ta một lần nữa lại chìm đắm trong một cuộc nội chiến đẫm máu. Đến ngày nay, dù chiến tranh đã chấm dứt nhưng đất nước lại bị thống trị bởi một nhóm người độc tài, bám chặt lấy quyền lực để mưu lợi cho bản thân và gia đình của họ. Hậu quả là dân tộc ta đang phải gánh chịu một chế độ tha hóa và nhũng lạm; một xã hội bị kềm hãm không được tận dụng mọi tiềm năng để phát triển và vươn lên.

Có thể nói là trong suốt 200 năm qua, dân tộc Việt Nam chưa hề bao giờ thực sự được hưởng tự do và dân chủ, đất nước Việt Nam chưa hề bao giờ thực sự được ổn định, nhân tâm thuận hòa để người người thi thố tài năng, góp sức phát triển đất nước. Vì vậy Đảng Việt Tân quan niệm phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng độc tài hiện nay, xây dựng một thể chế dân chủ bền vững làm nền tảng cho công cuộc canh tân đất nước.

Để chấm dứt độc tài, xây dựng dân chủ và canh tân đất nước, Đảng Việt Tân hoạt động dựa trên bốn chủ trương chính. Thứ nhất là phải lấy chính sức mạnh dân tộc ta làm căn bản, không chấp nhận lệ thuộc vào bất kỳ một thế lực nước ngoài nào. Bài học lịch sử và ngay cả hiện nay cho thấy khi nhà nước phải lệ thuộc vào một ý thức hệ ngoại lai hay phải dựa vào sự đỡ đầu của một thế lực quốc tế, thì khi đó quyền lợi dân tộc dễ dàng bị hy sinh để phục vụ nhu cầu của đảng hay phe nhóm cầm quyền.

Thứ hai, nhà cầm quyền độc tài hiện nay tồn tại chủ yếu nhờ vào bạo lực và trấn áp. Trái ngược với họ, chúng ta không thể và không chấp nhận dùng bạo lực. Vì vậy, sức mạnh lớn nhất chúng ta có được để hóa giải bạo lực và làm suy yếu chế độ chính là sức mạnh của quần chúng, sức mạnh của số đông. Vì vậy Đảng Việt Tân chủ trương dùng phương pháp đối đầu bất bạo động để vận dụng quần chúng tham gia; đem đấu tranh đến vừa tầm tay của tất cả mọi người; tạo điều kiện để ai ai cũng có thể góp sức làm suy yếu guồng máy độc tài.

Thứ ba, kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy dù chấm dứt được độc tài nhưng nếu nền tảng dân chủ còn non yếu thì rất có thể một chế độ độc tài khác sẽ xuất hiện. Vì vậy, Đảng Việt Tân quan niệm song song với việc chấm dứt độc tài, chúng ta còn phải nỗ lực xây dựng một xã hội dân sự tại Việt Nam. Đây là hình thái sinh hoạt mà mọi người trong xã hội có thể tụ họp lại với nhau thành những đoàn thể, cùng nhau vận động hay tranh đấu một cách ôn hoà cho những quan điểm hay nhu cầu của cả nhóm. Xã hội dân sự chính là nền tảng giúp ngăn cản sự xuất hiện của độc tài, tạo cơ hội cho một thể chế dân chủ có thể tồn tại và phát triển.

Sau cùng, khi nói đến canh tân, chúng ta không thể chỉ nghĩ đến khía cạnh kỹ thuật hay phương tiện vật chất. Một xã hội có đầy đủ tiện nghi, giàu có vật chất nhưng nếu bị thoái hóa về mặt tinh thần, suy đồi về đạo đức thì cũng không phải là điều chúng ta mong muốn cho đất nước. Đảng Việt Tân chủ trương bên cạnh việc phát triển kỹ thuật, cùng lúc chúng ta phải tiến hành các nỗ lực canh tân con người và môi trường xã hội. Có như thế mới bảo đảm đất nước ta sẽ trở thành một quốc gia tiên tiến trên mọi mặt, từ vật chất đến tinh thần.

.

Phía Trước: Anh có đôi lời nhắn nhủ đối với thế hệ thanh niên về vấn đề chính trị - xã hội tại Việt Nam ngày nay?

Ông Đỗ Hoàng Điềm: Điều tôi muốn nói với các bạn thanh niên không phải là một cái gì hoàn toàn mới lạ đối với các bạn. Nhưng điều này lại là sự thật và là một vấn đề quan trọng cần được các bạn quan tâm. Đó là vai trò của thế hệ thanh niên trong cả hai nỗ lực xây dựng dân chủ và canh tân đất nước.

Dĩ nhiên, những thế hệ như chúng tôi hoặc lớn tuổi hơn cũng có vai trò và trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục là những người đồng hành cùng thế hệ thanh niên trong sứ mạng tranh đấu cho một tương lai tốt đẹp hơn cho dân tộc. Nhưng thanh niên có một vị trí đặc biệt đối với quần chúng Việt Nam và công cuộc đấu tranh.

Trong mọi cuộc cách mạng dân chủ, giới thanh niên luôn luôn giữ một vai trò then chốt. Với quan niệm cuộc đấu tranh hiện nay là của toàn dân, bằng mọi giá chúng ta phải huy động được nhiều thành phần quần chúng cùng tham gia. Đó chính là sức mạnh vạn năng để đối đầu với bạo lực và chấm dứt độc tài. Trong bối cảnh đó, thanh niên là thành phần vừa có điều kiện làm chất xúc tác để vận động quần chúng, vừa có khả năng để tổ chức và điều hành số đông, và vừa có vị thế để giữ vai trò đầu tàu tạo chuyển động.

Một khi chấm dứt được độc tài, bước sang giai đoạn xây dựng, thế hệ thanh niên cũng là thành phần có năng lực và trí tuệ để giúp xây dựng và bảo vệ nền dân chủ, đem lại sự bình đẳng trong xã hội. Riêng trong trường hợp Việt Nam, chúng ta còn phải quan tâm đến việc cải tạo khía cạnh tinh thần, đạo đức xã hội và môi trường sống. Với nhiệt huyết và sự thông thoáng trong tư tưởng, thành phần thanh niên có khả năng dễ dàng tiếp thu những gì tốt và mới, và sẵn sàng bỏ đi những gì cũ và xấu. Thanh niên sẽ đóng góp rất nhiều trong nỗ lực canh tân lại con người và đất nước Việt Nam cho kịp với đà tiến hóa của nhân loại trong thế kỷ 21.

Đã đến lúc toàn dân ta, mọi thành phần, mọi lứa tuổi phải sát cánh bên nhau để giành lại quyền sống trong nhân phẩm và tự do. Mong rằng thế hệ thanh niên sẽ là lực lượng tiên phong để đưa dân tộc và đất nước thoát khỏi tình trạng độc tài và tha hóa đã kéo dài quá lâu trên quê hương. Mong rằng tất cả chúng ta, những ai còn tha thiết với đất nước, với công bằng và lẽ phải, sẽ cùng nhau đem lại cho dân tộc Việt Nam một chính quyền xứng đáng, để người nước Việt có thể cất cao đầu hãnh diện chúng ta là một dân tộc kiên cường, can đảm và tiến bộ.

Kế Vũ thực hiện

Nguồn: Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC, số 34

.

.

.

No comments: