Sunday, June 6, 2010

VOVINAM - VIỆT VÕ ĐẠO tại ĐỨC QUỐC

35 năm cộng đồng VoViNam – Việt Võ Đạo tại Đức

Dũng Vũ

06/06/2010 4:00 chiều

http://www.talawas.org/?p=20939

.

Ngày 25 tháng 8 năm nay, giải vô địch VoViNam – Việt Võ Đạo thế giới sẽ được tổ chức tại Sundern/Hachen (cạnh Dortmund), Cộng Hòa Liên Bang Đức[1].

Đúng 35 năm về trước, khái niệm VoViNam – Việt Võ Đạo đã được người dân Đức biết tới. Người tiên phong giới thiệu môn võ này là võ sư Nguyễn Tiến Hội.

.

Võ sư sáng tổ VoViNam – Việt Võ Đạo

Nguyễn Lộc(1912-1960) (*)

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/05/dung-vu-1.jpg

.

Buổi sơ khai

Từ thủa còn là sinh viên, ông thường đi xuống phố một mình biểu diễn võ. Trong hoàn cảnh đơn sơ chưa có võ sinh, khách bộ hành vẫn nồng nhiệt chào đón môn võ Việt Nam.

Chẳng bao lâu, VoViNam – Việt Võ Đạo được dân chúng Đức biết đến qua báo chí, đài phát thanh và truyền hình. Phong trào VoViNam – Việt Võ Đạo bắt đầu nở rộ và lan rộng khắp nước Đức, đặc biệt là trong các đại học nơi có nhiều sinh viên du học của Việt Nam Cộng Hòa. VoViNam – Việt Võ Đạo đã bắt đầu xuất hiện trong chương trình thể dục thể thao của đại học[2].

Khoảng cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, nhờ cố gắng chung của nhiều võ sư Việt Nam đang du học tại Đức và võ sư người Việt tị nạn mới tới, số người luyện tập gia tăng, một cộng đồng VoViNam – Việt Võ Đạo sinh động đã hình thành gồm đủ mọi sắc dân: Việt Nam, Đức, Ý, Pháp, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập, Phi châu,… Phong trào VoViNam – Việt Võ Đạo cũng phát triển mạnh khắp Âu châu, là chủ đề thường xuyên được giới truyền thông nhắc tới qua những dịp biểu diễn, hội thảo tại nhiều thành phố: Paris, Roma, Milano, Stuttgart, Hannover,…

Không thuần võ thuật mà còn võ đạo

VoViNam – Việt Võ Đạo được người dân bản xứ yêu thích đến độ, nơi nào có biểu diễn, nơi đó có người xem, bất kể trên đường phố hay trong đại học. Hình ảnh tiêu biểu của Vovinam là những đòn chân kẹp cổ, đòn tự vệ chém quét, chống dao găm, búa rìu nguy hiểm.

Tuy nhiên điều làm khán giả thích thú không chỉ là những màn biểu diễn võ đẹp mắt. Võ không đơn thuần là đánh đấm mà còn có bề sâu: võ đạo[3]. Cuối cùng người Tây phương đã để ý đến khía cạnh này vì xưa nay họ thường xem võ là một kỹ thuật chiến đấu cá nhân. Ai nhiều sức, nhiều kỹ thuật, sẽ thắng. Đánh bốc là bộ môn võ điển hình của họ.

Vào thập niên 60, khi phim võ thuật Hong Kong tràn ngập khắp nơi, nhiều môn võ Á châu được biết đến, người Tây phương rất thán phục và đổ xô đi học. Phong trào học võ Á châu nở rộ rồi cũng mau chóng tàn lụi bởi dư luận: Học võ chỉ thêm bạo lực. Vô số thanh thiếu niên ham chuộng “action” đi học võ để khoa trương mình có võ; thích dùng võ thử sức nhau. Hệ quả là võ bị mang tiếng xấu.

VoViNam – Việt Võ Đạo một thời cũng bị ảnh hưởng lây. Tuy nhiên khi tiếp xúc với môn sinh VoViNam – Việt Võ Đạo, người Đức lại yêu mến họ. Nhiều người thô thiển, kiêu căng, chuộng bạo lực sau khi đến với VoViNam – Việt Võ Đạo trở nên nhún nhường, nhã nhặn. Nhiều trẻ nhỏ cứng đầu, thích đánh nhau sau khi đến với VoViNam – Việt Võ Đạo trở nên ngoan ngoãn, làm cha mẹ rất hài lòng. Cả phái nữ cũng yêu thích VoViNam – Việt Võ Đạo.

Những kết quả đạt được tuy khiêm tốn, nhưng VoViNam – Việt Võ Đạo đã cố gắng góp phần thể hiện triết sống hòa bình, nhân bản của người Việt, bằng cách giúp đỡ con người để ý đến phần đạo đức để rèn luyện cái tâm tốt. Đó là ý nghĩa của việc làm văn hóa, làm võ đạo.

VoViNam – Việt Võ Đạo có nhiều lời khuyên và phương pháp tập cụ thể. Sống khỏe mạnh, hài hòa với thiên nhiên, hòa đồng với con người, lễ phép, trên kính dưới nhường. Sống tử tế, khiêm nhường, giúp đỡ mọi người, không dùng sức mạnh đàn áp kẻ yếu đuối mà trái lại, bênh vực họ. Sống trong sạch, làm chủ bản thân, biết tự phê bình, có tinh thần xây dựng và cầu tiến, học kỷ luật tự giác, có ý thức trách nhiệm đối với xã hội. v.v… [4]

“Bàn tay thép và trái tim từ ái”.

Hẳn nhiên học VoViNam – Việt Võ Đạo phải học võ thuật, nhưng ngày nay không ai dùng nó để đánh giặc như người Việt ngày xưa. Học võ cốt để rèn luyện tinh thần lẫn thể chất. Cũng có người xem võ như một môn nghệ thuật và muốn đạt tới mức công phu, họa hoằn lắm mới cần dùng võ để tự vệ.

Từ những quan sát thực tế, người Đức – đặc biệt là giới trí thức – đánh giá VoViNam – Việt Võ Đạo không đơn thuần là một môn võ thuật mà còn mang tính giáo dục. Và họ ủng hộ.

Sau 35 năm, VoViNam – Việt Võ Đạo tại Đức đã phát triển thành một cộng đồng to lớn gồm đủ mọi tầng lớp và sắc dân. Hầu hết võ sư cao cấp đều là người Đức và người ngoại quốc. Hầu hết võ đường VoViNam – Việt Võ Đạo đều do họ tự đứng ra thành lập. Họ chủ động quảng bá VoViNam – Việt Võ Đạo trong đại chúng, trong viện bảo tàng, chủ động đưa VoViNam – Việt Võ Đạo vào giảng dạy trong đại học, trung học, nhà thiếu niên (Jugendhaus). Họ chủ động tổ chức sinh hoạt trại Pfingsten (lễ Chúa thăng thiên) truyền thống hằng năm, tổ chức biểu diễn, thi cử, đại hội, tổ chức những chuyến du lịch học tập (Studienreisen) tại Việt Nam,…

Suốt 35 năm, cộng đồng VoViNam – Việt Võ Đạo tại Đức đã phát triển một cách thuần văn hóa và phi chính trị. Người Đức vốn khó công nhận văn hóa lạ nhưng họ đã tin tưởng môn võ Việt Nam, đặc biệt là quý trọng giá trị tinh thần của nó, từ đó đã kết hợp mọi người không phân biệt chủng tộc truyền bá nó như một giá trị văn hóa chung.

Giới nghiên cứu dân tộc học của Đức rất lưu tâm đến VoViNam – Việt Võ Đạo. Năm 2000 một phái đoàn Đức đã nhờ võ sư Nguyễn Tiến Hội hướng dẫn họ tới Việt Nam để tìm hiểu về môn phái này. Nhân dịp này đài truyền hình SWR Đức đã thực hiện một cuốn phim tài liệu về VoViNam – Việt Võ Đạo và giới thiệu đến dân chúng Đức[5]. Ít lâu sau chưởng môn Lê Sáng đã được mời sang tìm hiểu sự phát triển VoViNam – Việt Võ Đạo tại Đức (và cũng là dịp để ông được xuất ngoại).

Vấn đề cần suy ngẫm

Nhìn chung, VoViNam – Việt Võ Đạo tại Đức đã tạo ấn tượng tốt cho người Việt và cho văn hóa Việt. Để có được ngày hôm nay, người đi trước đã bỏ nhiều công sức và phải vượt qua vô vàn trở ngại từ hai bàn tay trắng[6]. Nên nhớ rằng, kể từ ngày 30.04.1975, hàng triệu người đã vượt biên tị nạn và đã đến sinh sống tại nhiều nước tự do trên thế giới. Trong số đó có rất nhiều võ sư và môn sinh của miền Nam. Họ đã tiếp tục truyền bá VoViNam – Việt Võ Đạo một cách tự phát bằng cả tấm lòng yêu thày mến đạo. Tuy sự tự phát này rất ngổn ngang, nhưng nó lại có tính cách vô vụ lợi, giàu tính nhân bản và nhất là rất hữu hiệu trong việc đào tạo con người toàn diện “văn võ song toàn”. Điều này những con người văn minh trên thế giới đã nhận thấy và từ đó đã dần dần đón nhận VoViNam – Việt Võ Đạo vào con người và đất nước của họ.

Trong khi đó, cho tới thời điểm này, tại Việt Nam, phần võ đạo lại lắng chìm hơn phần võ thuật. Thật đáng tiếc vì thực trạng ấy chỉ làm hư hỏng ý nghĩa của VoViNam – Việt Võ Đạo.

Khi sáng lập VoViNam – Việt Võ Đạo, ước vọng nguyên thủy của cố võ sư Nguyễn Lộc là muốn đào tạo một thế hệ trẻ đoàn kết, khỏe mạnh từ tinh thần đến thể xác để cùng nhau chống Pháp cứu nước trong bối cảnh thanh niên sống sa đọa, nghiện ngập thuốc phiện, không còn sức chiến đấu.

Trước 75, VoViNam – Việt Võ Đạo đã phát triển mạnh tại miền Nam và được đưa vào học đường với chương trình Giáo dục Tâm Thể (do Giáo sư Trần Huy Phong và võ sư Phan Quỳnh soạn thảo) hầu đào tạo con người tốt cho xã hội[7]. Tiếc rằng, sau ngày 30.04.1975, VoViNam – Việt Võ Đạo bị cấm hoạt động, cố võ sư Trần Huy Phong vào trại học tập cải tạo, chương trình Giáo dục Tâm Thể của VoViNam – Việt Võ Đạo bị hủy.

Ngày nay VoViNam – Việt Võ Đạo tại Việt Nam đã được phục hồi. Thiết nghĩ cần phát huy cái giá trị tinh thần đạo đức, văn hóa dân tộc của nó mà người đi trước đã bỏ nhiều công sức suy nghĩ nhằm sản sinh những con người tài đức, có lòng yêu nước. Việt Nam đang cần những con người đó hơn bao giờ hết để xây dựng đất nước trong khi trách nhiệm, đạo đức xã hội ngày càng xuống dốc. Việt Nam đang cần những con người đó hơn bao giờ hết để bảo vệ đất nước trong khi mối hiểm họa ngoại xâm Trung Quốc ngày càng tăng.

Stuttgart, 05.2010

(*) Mọi hình ảnh trong bài thuộc bản quyền của VoViNam – Việt Võ Đạo Deutschland, VoViNam – Việt Võ Đạo Stuttgart.

© 2010 Dũng Vũ

© 2010 talawas

----------------------------------------------------

[1] http://www.vovinam-worldcup2010.com/

[2] Đại học Stuttgart, đại học Hannover.

[3] Ở đây chỉ xét về phương diện giáo dục đạo đức để đạt cái tâm tốt, không nói đến phần triết lý võ đạo (vũ trụ quan, nhân sinh quan,…)

[4] Phần giáo dục này không nằm trong sách vở mà được truyền đạt từ võ sư xuống võ sinh hoặc được thực hành cụ thể. Ví dụ, tổ chức cắm trại, luyện tập ngoài trời nhằm tạo cơ hội cho mọi người sống với thiên nhiên, hợp tác làm việc chung như một “teamwork”, từ đó phát triển tính tự chủ, tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, phát huy tính hòa đồng, sự hòa thuận, có trách nhiệm trong công việc, phát huy kỷ luật tự giác,… Có thể mường tượng phần giáo dục tâm thể này giống như môn Giáo dục Công dân trong trung học của miền Nam trước 75 và tính cách sinh hoạt cộng đồng của phong trào hướng đạo thời đó.

[5] Spiele der Welt – Vovinam, SWR, Germany. http://www.spielederwelt.de/spiele/vovinam/

Spiele der Welt (tạm dịch là Trò chơi dân gian) là một bộ phim tài liệu do đài truyền hình SWR Đức thực hiện nói về những bộ môn võ dân tộc của thế giới không có mặt trong Thế vận hội. VoViNam – Việt Võ Đạo là một trong ít ví dụ được lựa chọn. Bộ phim tập trung tìm hiểu về khía cạnh văn hóa, cách ứng dụng thực tiễn của bộ môn mà xưa nay ít được biết tới. Cuốn phim Vovinam nói riêng đã được trình chiếu nhiều lần trong 10 năm qua và gần đây trong viện bảo tàng dân tộc học Lindenmuseum Stuttgart cùng với sự biểu diễn võ của nhóm VoViNam – Việt Võ Đạo Stuttgart. Sắp tới, nó sẽ được chiếu lại trên đài truyền hình SWR vào ngày 23.06.2010, 7:30h.

[6] Không giống hoạt động của các môn phái khác (Judo, Karate, Tae-Kwon-Do, Wing Tsun,… ) như một nghề nghiệp chính, hoạt động VoViNam – Việt Võ Đạo cốt yếu dựa vào sự tự nguyện, phi thương mại. Hầu hết võ sư, huấn luyện viên VoViNam – Việt Võ Đạo đều làm việc ngoài nghề nghiệp chính của mình, không có thù lao. Thậm chí họ phải tự trang trải tổn phí sinh hoạt, thuê chỗ luyện tập, sắm phương tiện giảng dạy,… Tiền học phí của võ sinh rất ít, chỉ mang tính tượng trưng (v.d. ở Stuttgart, trẻ em 35€/năm, người lớn 45€/năm), không thể bù đắp hết chi phí sinh hoạt chung.

[7] Xem Trần Huy Phong: Cách mạng Tâm Thân, 1996, Houston: Tổng liên đoàn VoViNam – Việt Võ Đạo thế giới ấn hành. Tr. 103.

.

.

VOVINAM VIET VO DAO

http://www.vovinamus.com/news/vn/index.php

.

.

.

No comments: