Wednesday, May 13, 2009

VŨ QUANG VIỆT ĐỐI THOẠI VƠÍ LỮ PHƯƠNG VỀ K. MARX

Vài lời với anh Lữ Phương
Vũ Quang Việt
Cập nhật : 12/05/2009 21:05
http://www.diendan.org/BanDocVaZD/vai-loi-voi-anh-lu-phuong/
Xin góp lại vài lời với anh Lữ Phương. Có những cái tôi đồng ý và có những cái không.

Marx vừa là nhà triết học, nhà kinh tế chính trị học, và nhà vận động cách mạng.

Marx với tư cách là nhà triết học thì các nhà tư tưởng và trường học sẽ không bao giờ bỏ qua được. Biện chứng pháp duy vật là đóng góp lớn của Marx và là một trong những phương pháp (không phải duy nhất) phân tích xã hội có giá trị lớn. Điều này tôi đồng ý với anh Lữ Phương.

Với tư cách là nhà kinh tế chính trị học thì việc phân tích kinh tế tư bản ở thời Marx sống và ảnh hưởng của chúng đến xã hội và chính trị là điều các học giả vẫn cần tiếp tục học tập, kể cả phương pháp lý luận, mà có cái đã được các nhà kinh tế hiện đại sử dụng và phát triển (tôi thí dụ như mô hình vào ra và cả một phần quan trọng trong hệ thống tài khoản quốc gia nhằm đo lường nền kinh tế đang là chuẩn mực quốc tế là dựa vào Marx). Tuy nhiên nhiều phương pháp dùng để phân tích kinh tế và nhiều kết luận đã lỗi thời không còn phù hợp. Có lẽ chúng ta cũng dễ đồng ý về nhiều điểm ở đây.

Nhưng cái quan trọng có thể nói là đã ảnh hưởng lớn đến thế kỷ 20 là Marx với tư cách là nhà vận động cách mạng, mà tư tưởng của ông đã được các nhà chính trị như Lenin, Stalin, Mao tiếp nhận. Điểm này là điều không thể bỏ qua, và không thể cho rằng nó không nằm ngay trong tư tưởng của Marx. Đây chính là điều mà Kornai viết về nó. Tôi cho rằng bất cứ một nhà triết học nào bàn về con người, bàn về mâu thuẫn, bàn về biện chứng, rồi cổ võ cho một hình thức xã hội nhất định mà không bàn về quyền lực và lạm dụng quyền lực thì là điều thiếu sót lớn.

Đúng như ông Kornai nói, Marx chính là người đưa ra các biện luận để sau này Lenin, Stalin, Mao sử dụng xây dựng một thể chế độc tài, không phải của giai cấp mà của một hoặc một thiểu số người. Ông Kornai viết : "các chế độ đó có toàn quyền để dẫn chiếu đến Marx, vì chúng đã thực hiện nhiệm vụ lịch sử vĩ đại do ông đề ra."
Kornai nhắc lại tranh luận giữa Lenin và Kautsky. Kautsky quan tâm đến con người nhân bản " ái ngại rằng nhân danh quyền lợi của giai cấp vô sản người ta có thể bóp nghẹt ý chí của đa số, có thể lạm dụng quyền lực, thiểu số bị bỏ rơi không được bảo vệ." Còn Lenin hiểu rõ quyền lực là gì trong cuộc tranh đấu nắm và xây dựng chính quyền. Tất nhiên nếu ta có cảm tình với Lenin, ta có thể biện luận rằng phát biểu đó là tranh luận trong thời phong trào cộng sản đang tranh đấu nắm chính quyền và sau này ông ta có thể nghĩ khác, hoặc ít cảm tình hơn thì cho rằng ông ta ngờ nghệch tin rằng con người "cách mạng " có thể dùng quyền lực đúng đắn.
Đúng như Kornai viết :
Marx đã bỏ qua bản thân vấn đề, bỏ qua toàn bộ lĩnh vực vấn đề khó giải quyết về sự bảo vệ chế định của các quyền tự do và quyền con người. Sự khinh thường nhạo báng này [của Marx] đã ăn sâu vào Lenin và vào những môn đồ trung thành của ông.
......
Ngày nay đã có thể thấy rằng sự khinh bỉ dân chủ trong các bài viết của Marx dường như đã chuẩn bị mặt bằng mà trên đó tòa nhà chuyên chế Leninist–Stalinist–Maoist được dựng lên, đã làm tê liệt sự kháng cự chống áp bức trong những tín đồ của tư tưởng Marxian.

Vấn đề không chỉ là dân chủ vì số đông có thể bỏ phiếu đa số truất quyền của phụ nữ, truất quyền suy nghĩ độc lập như trong xã hội muslim quá khích hiện nay, và có khi có lúc trong xã hội cộng sản thời Stalin và Mao dân chúng cũng có thể sẵn sàng bỏ phiếu như thế. Vấn đề còn là quyền (tự do) của thiểu số, quyền (tự do) của cá nhân, hay nói chung là quyền con người. Tức là làm sao hạn chế quyền của những người nắm quyền lực của nhà nước. Ở chủ nghĩa xã hội thì đây là vùng trắng, vì không có thể chế cân bằng và kiểm soát quyền lực.

Cải cách ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai về cơ bản cũng đòi hỏi việc giải quyết vấn đề quyền lực và lạm dụng quyền lực trong xã hội. Và nói theo kiểu Marx thì đây là cuộc vận động biện chứng giữa các lực lượng trong xã hội. Tôi nói "theo kiểu" có nghĩa là tôi không dùng quan niệm đấu tranh giai cấp ở đây.

Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản hiện nay sẽ đưa đến một chủ nghĩa tư bản với các pháp quy cần thiết nhằm hạn chế quyền lực thao túng thị trường tài chính, và tất nhiên là ngày càng có yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mọi người, đồng thời hạn chế việc lạm dụng quyền lực chính trị, kinh tế trong xã hội tư bản hoặc toàn cầu chứ không thể dẫn đến một loại chủ nghĩa Marx kiểu mới được.

Vũ Quang Việt
New York, 12.05. 2009


---------------------------------------

Mấy ý nghĩ nhỏ của một độc giả về một bài viết quan trọng của Kornai
Lữ Phương
Cập nhật : 12/05/2009 18:57
http://www.diendan.org/BanDocVaZD/vai-y-kien-ve-bai-cua-kornai/

Nhân đọc bài của
Kornai viết về Marx do Nguyễn Quang A dịch, là một người có quan tâm chút ít đến vấn đề này, tôi có mấy ý nghĩ sau đây, mạo muội gửi đến quý vị tham khảo :

Trong kinh nghiệm của tôi, tôi cho rằng những nhà kinh tế, những người hoạt động chính trị, nhân danh cho những lợi ích thực tiễn để đọc Marx, rồi khen hay chê phần nhiều đều hời hợt, không nghiêm chỉnh, không thật đáng tin. Chủ đề mà Marx đề cập là kinh tế chính trị chứ không phải kinh tế thực hành và chỗ đứng mà ông dựa vào để phê phán thứ kinh tế chính trị ấy chính là cái quan điểm triết học - chính trị của ông về con người, về lịch sử.

Những người cộng sản kiểu Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông… khi theo Marx để chống lại những chính sách tư bản ăn cướp, thực dân, đế quốc đã xử sự với tư tưởng của ông theo kiểu chính trị thực dụng. Những tệ hại mà họ gây ra là sau khi đạt được mục đích rồi họ vẫn xài Marx theo cách đó : họ xem những suy lý triết học chính trị của Marx như là kinh thánh và dùng bạo lực áp dụng vào cái gọi là “xây dựng kinh tế”.

Chẳng có gì là kinh tế trong chính sách tập thể hoá của Stalin. Chẳng có gì là kinh tế trong những lò luyện thép gia đình của Mao. Kể cả cái gọi là “ cải cách ruộng đất ” của Bắc Việt Nam v.v...
Cũng xin nói thêm : cũng chẳng có gì là “ mácxít ” trong những thứ quỷ quái ấy cả !

Những người theo kinh tế tư bản, dựa vào những nguyên lý kinh tế tự do, hay dẫn ra một số câu của Marx để so sánh, rồi cho rằng chính Marx phải chịu trách nhiệm về những gì mà những kẻ độc tài đã nhân danh Marx để gọi là “ vận dụng ” vào việc xây dựng nên cái mô hình mácxít về “ chủ nghỉa xã hội ”, những nhà kinh tế này cũng chỉ lý sự một cách “ vô duyên ” không kém gì những kẻ độc tài mà họ chống lại : họ cũng hoàn toàn không chú ý gì đến cái tính chất lôgích trong biện luận cùng với hàng loạt những điều kiện Marx đã hình dung cho cái viễn cảnh, cũng lôgích, mà ông suy ra trong quá trình phê phán kinh tế chính trị tư bản chủ nghĩa thời ông.
Cũng xin nói thêm : những nhà kinh tế ấy chỉ chống một hình rơm của Marx !

Đưa ra những kết luận về sự lỗi thời của học thuyết Marx cũng là vớ vẩn – triết học không phải là cái kiểu áo ta mặc, không có thứ triết học nào hợp thời hay lỗi thời cả – cách diễn đạt đó không khác gì cách ăn nói của những kẻ mộng du nhắm mắt nhắm mũi bảo vệ Marx như một chân lý ngàn năm. Điều đáng suy ngẫm về Marx sau hơn 150 chủ nghĩa Marx ra đời, với bao nhiêu đổi thay xảy ra trên mặt đất, không còn phải là tính khả thi hay không của nó nữa mà là sự tồn tại của những cơn đau có thật do một chế độ tư bản vô tâm, vô cảm, ngạo mạn, huênh hoang gây ra cho con người, vẫn còn kéo dài từ khi Marx nêu ra như một nghiệm sinh, cho đến nay có vẻ như vẫn vô phương chấm dứt.

Cũng xin nói thêm điều này : cái thứ chủ nghĩa tư bản ấy không phải chỉ lộng hành bên Mỹ mà đang tác oai tái quái trên đất nước Việt Nam, tệ hại hơn nhiều lần !

Tất cả những xét đoán về Marx, với chúng ta ngày nay, thiết nghĩ chỉ có bấy nhiêu đó mới đáng gọi là quan trọng. Tôi cho rằng Kornai đã suy nghĩ về Marx như một nhà kinh tế tầm thường : theo sự trình bày của ông thì ông theo Marx cũng chỉ vì chính trị thực dụng, nay ông bỏ Marx mà vẫn vớt vát mấy điều để xài cho được thì cũng chỉ vì lý do đó thôi – chẳng có gi khác cả.

Lữ Phương
Thành phố Hồ Chí Minh, 12.05.2009


------------------------

TÀI LIỆU :

K. Marx dưới con mắt của một trí thức Đông Âu
Kornai János
Một bài viết quan trọng của J. Kornai qua bản dịch của Nguyễn Quang A
Cập nhật : 12/05/2009 10:30
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/k-marx-duoi-con-mat-cua-mot-tri-thuc-111ong-au/

No comments: