Tuesday, May 5, 2009

VIỆT NAM LÀ MỘT TRONG 13 NƯỚC VI PHẠM TỰ DO TÔN GIÁO

Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo: 13 nước vi phạm tự do tôn giáo
05/05/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-05-05-voa3.cfm
Bản phúc trình thường niên mới nhất của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, một cơ quan độc lập, nêu tên 13 quốc gia vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo. Theo tường trình của thông tín viên đài VOA Dan Robinson, Ủy ban đã bày tỏ mối quan ngại về chủ trương cực đoan ngày càng gia tăng tại nhiều nước. Ủy ban phê phán gay gắt Pakistan và cho rằng chủ trương cực đoan đang đề ra một mối đe dọa đặc biệt đối với tự do tôn giáo tại đây.

13 nước bị nêu danh là Các nước đáng quan tâm đặc biệt, thường gọi tắt là CPC, trong bản phúc trình năm nay là Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, Eritrea, Nigeria, Sudan, Iran, Iraq, Pakistan, Ả rập Saudi, Turkmenistan và Uzbekistan.

Theo bản phúc trình, các nước bị liệt vào loại này là những nước mà chính phủ thực hiện hoặc dung túng những vụ vi phạm quyền tư do tôn giáo một cách nghiêm trọng, nghĩa là có hệ thống, liên tục, và thô bạo.

Những nước bị ghi vào danh sách ‘cần phải theo dõi’ là Afghanistan, Belarus, Cuba, Egypt, Indonesia, Lào, Nga, Somali, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela.

Người đứng đầu ủy ban là bà Felice Gaer nói lên một mối quan ngại đặc biệt của mình.
Bà Gaer nói: “Trọng tâm chính của Ủy ban trong thời kỳ phúc trình này là mối đe dọa mà chủ trương cực đoan về tôn giáo đề ra đối với quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo và tín ngưỡng trên toàn thế giới, và đối với nền an ninh toàn cầu cũng như khu vực.”
Bà Felice Gaer nói thêm, tại Pakistan, trong khi lãnh đạo chính quyền nhượng bộ trước sự thống trị của một số phấn tử cực đoan có liên hệ với Taliban tại một số vùng, thì thành viên của xã hội văn minh, đặc biệt là phụ nữ, đã can đảm chống đối.

Bà Elizabeth Prodromou, một thành viên của Ủy ban nói rằng tình hình tại Pakistan, vốn là một nước CPC từ năm 2002, đã trở nên tệ hại vì lý do “có sự gia tăng phần lớn không được kiểm soát” của các nhóm cực đoan liên kết với Taliban.
Bà Prodromou nói: “Chính quyền trung ương Pakistan tại Islamabad đã nhường quyền kiểm soát đất nước thực sự ngày càng nhiều cho các nhóm cực đoan có liên hệ với Taliban, nhất là tại thung lũng Swat và những quận lân cận. Đồng thời, tình hình bạo động giữa các phe phái và có động cơ tôn giáo vẫn tiếp diễn. Đặc biệt nghiêm trọng là những vụ vi phạm đối với các nhóm Hồi giáo Shia, Amhadis, Cơ đốc giáo, Ấn giáo và người Sikh.”

Theo ông Michael Cromartie và với sự nhất trí của toàn ủy ban, trong số những nước vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất có thể kể Bắc Triều tiên.
Ông Cromartie nói: “Đối với Bắc Triều tiên chỉ có thể nói được một điều: đó là nước vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tồi tệ nhất so với bất cứ nơi nào trên toàn thế giới. Điều đó chẳng những không cải thiện mà còn trở nên tệ hại hơn.”

Vẫn theo bản phúc trình của ủy ban, trong lúc Trung quốc dùng Thế Vận Hội 2008 để phô trương sự lớn mạnh và quyền lực của họ, thì chính quyền lực đó cũng được dùng để bóp nghẹt sự bất đồng chính kiến và áp đặt thêm những hạn chế nghiêm ngặt đối với những sinh hoạt tôn giáo hòa hoãn của Phật tử Tây tạng và người Hồi giáo Uighur.Tại Việt nam, Ủy ban nêu ra một số sự kiện tích cực, nhưng nói rằng vẫn còn những sự lạm dụng nghiêm trọng và hạn chế, bao gồm việc cầm tù và bắt giam những người quảng bá quyền tự do tín ngưỡng, và tiếp tục việc hạn chế chính thức các sinh hoạt tôn giáo độc lập.

Về vùng Trung đông, Ông Richard Land, cũng là một thành viên ủy ban, đã tóm lược về tình hình sa sút đối với các nhóm thiểu số tại Iran:
Ông Land nói: “Bằng lý thuyết cũng như bằng hành động, chính phủ đã áp đặt các điều kiện tồi tệ đối với gần như tất cả các nhóm tôn giáo không phải Shia, nhất là đối với nhóm Bahai, cũng như nhóm Hồi giáo Sufi, nhóm Cơ đốc giáo và các thành viên thuộc cộng đồng Do thái giáo.”

Ủy Hội đặc biệt chỉ trích một quyết định hồi năm 2008 của chính phủ Iran, nhằm áp dụng một đạo luật hình sự mà theo bản phúc trình, có thể đe dọa gây án tử cho các thành viên của nhiều cộng đồng tôn giáo và thiểu số.

Tại Ả Rập Saudi, ủy ban nói dù đã có một vài sự cải cách hạn hẹp, chính phủ vẫn tiếp tục can thiệp vào những lễ tôn giáo riêng tư, cũng như bắt giữ và cầm tù những người bất đồng chính kiến thuộc nhóm Hồi giáo Shia cùng người Hồi giáo Ismaili.
Bà Felice Gaer giải thích vì sao Ủy Ban muốn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chấm dứt sự miễn trừ đối với Ả Rập Saudi khi rút tên nước này ra khỏi danh sách chính thức những nước vi phạm quyền tư do tôn giáo.
Bà Gaer nói: “Ả rập Saudi vẫn không hoàn tất những điều cam kết của họ với Mỹ hồi năm 2006. Việc cải thiện dự kiến trong những sách giáo khoa vẫn còn dở dang. Các tường trình cho thấy những tư liệu sách động bạo loạn và châm ngòi cho tình trạng bất dung tôn giáo vẫn tồn tại.”

Về Iraq, ủy ban nhấn mạnh lập lại những mối quan ngại đối với việc chính phủ dung túng những lạm dụng nghiêm trọng và thực hiện việc áp bức bạo hành đối với các nhóm thiểu số dễ bị tổn thương nhất.

Tại châu Phi, ông Leonard Leo, một thành viên khác của ủy ban cho biết một cuộc viếng thăm mới đây của Ủy ban xác nhận rằng chính phủ dung túng những sự vi phạm có hệ thống, liên tục và thô bạo.
Ông Leo nói: “Từ nhiều năm chính phủ Nigeria vẫn trì hoãn việc đưa những kẻ vi phạm bạo hành tôn giáo ra trước công lý. Từ mấy trăm tới 3 ngàn người đã chết tại thành phố Jos hồi năm ngoái. Nhiều vụ giết chóc xẩy ra tại những nơi khác. Ít nhất đã có tới 10 ngàn người phải di dời chỗ ở, trong nhiều năm qua, tất cả vì những vụ bạo động giáo phái và giữa các cộng đồng."

Trong số các nước bị ghi vào danh sách ‘cần theo dõi’, có Venezuela, nơi ủy ban nói rằng Tổng thống Hugo Chavez đôi khi đã dung túng và còn có hành động đối với việc đàn áp các cộng đồng Do thái giáo và Thiên chúa giáo.

Bản phúc trình của Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ tỏ ý lo ngại rằng, sau 10 năm tới đây, dưới cả 2 Chính quyền Dân chủ lẫn Cộng hòa, Bộ Ngoại giao cũng chưa thực hiện được những điều khoản chính của Bộ luật Tự do Tôn giáo Quốc Tế 1998.

No comments: