Việt Nam: Chưa hẳn là thiên đường của người lao động
Báo cáo của tổ chức Giám Sát Nhân Quyền Quốc Tế
http://www.x-cafevn.org/node/1738
Báo cáo của Tổ chức Giám sát Nhân Quyền Quốc tế (Human Rights Watch)
I. Giới thiệu: Đàn áp những nhà hoạt động Công đoàn
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ những ngày đầu thành lập, luôn trung thành với quyền lợi của giai cấp lao động và tổ quốc, Công đoàn Việt Nam đã tổ chức và vận động công nhân viên chức và những người lao động khác đi tiên phong trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho tổ quốc, cũng như những quyền hợp pháp chân chính của giai cấp lao động" -- Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam [1]
"Khi đang đi trên một đường lớn ở quận Phú Nhuận, tôi bị hai công an yêu cầu tôi về đồn làm việc. Tôi từ chối, và bị đánh. Nhiều lần trước đây tôi đã từng bị vài người trên đường đánh. Công an cho rằng đó là người dân ghét những ai chống đối chính quyền, nhưng tôi tin những người đó là công an chìm. Tôi hoảng sợ và không dám kể cho ai nghe về những lần bị đánh đó. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi bị công an mặc cảnh phục đánh." -- Lê Trí Tuệ, một nhà hoạt động công đoàn, miêu tả vụ xô xát xảy ra vào tháng 3 năm 2007 tại Thành phố Hồ Chí Minh, 2 tháng trước khi anh mất tích sau khi lánh nạn sang Campuchia.
Báo chí quốc tế bắt đầu chú ý khi vào năm 2005, 9000 công nhân đình công tại một nhà máy của Hồng Kông sản xuất đồ chơi cho McDonald. Tuy vậy đây không phải là một trường hợp cá biệt. Làn sóng đình công chưa hề thấy trước đây lan rộng trong năm 2006 khiến chính phủ Việt Nam phải tăng mức lương tối thiểu ở các nhà máy của người nước ngoài, và tăng một lần nữa vào 2007. Một đợt tăng lương khác được ban hành vào 1/05/2009. Tuy nhiên, những bất ổn trong giới lao động vẫn tiếp tục gia tăng tại Việt Nam. [2]
Có ít nhất 650 cuộc đình công xảy ra trong năm 2008, tăng 20% so với 2007 [3]. Ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, con số những cuộc đình công bây giờ có lẽ còn cao nữa.
Mặc dù hợp lệ theo luật định của quốc tế, hầu như không một cuộc đình công nào được chính phủ Việt Nam cho là hợp pháp. Mặc dù nguyên tắc cơ bản của ĐCS Việt Nam là bảo vệ quyền lợi của giai cấp lao động, nhưng chính phủ Việt Nam cho ban hành những điều luật cấm giới công nhân thành lập hay tham gia những tổ chức công đoàn tự chọn. Tất cả tổ chức công đoàn phải được Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam chấp thuận và trực thuộc cơ quan này, một cơ quan hoàn toàn do ĐCS kiểm soát.
Chính phủ Việt Nam cho rằng lý do các cuộc đình công gia tăng mạnh mẽ là vì các nhà máy có chủ người nước ngoài vi phạm luật lao động của Việt Nam, và nhấn mạnh rằng Công đoàn và Ủy ban nhân dân địa phương đã có can thiệp vào những vụ tranh chấp lao động để bảo vệ quyền của người lao động [4]. Tuy nhiên, đồng thời, chính quyền Việt Nam ra sức gia tăng chiến dịch đàn áp nhằm bảo đảm công nhân không thể tổ chức các nghiệp đoàn tự do, và dùng Công đoàn và các tổ chức chính quyền khác ngăn cản người lao động đòi hỏi những quyền chính đáng của họ.
Bản báo cáo này đặt trọng tâm vào những đàn áp của chính quyền Việt Nam nhằm vào những nhà tranh đấu đang nỗ lực bước đầu thành lập các tổ chức nghiệp đoàn độc lập, cũng như phát huy quyền của người lao động tại Việt Nam. Trong năm 2006-207, phong trào nghiệp đoàn độc lập đang hình thành ở Việt Nam hầu như bị xóa sổ sau khi chính phủ bắt giam những người sáng lập và ủng hộ của hai nghiệp đoàn tự do khi họ tuyên bố công khai thành lập các tổ chức này. Từ sau năm 2006, có ít nhất 8 nhà hoạt động nghiệp đoàn tự do bị kết tội và tuyên án tù. Những nhà tranh đấu khác bị sách nhiễu, đe dọa buộc phải chấm dứt các hoạt động, hay phải bỏ trốn ra khỏi nước. Bằng cách bắt giam những người lãnh đạo có uy tín, chính quyền ra sức hủy diệt phong trào nghiệp đoàn tự do. Các nhà tranh đấu tiếp tục bị chính quyền truy tìm và sách nhiễu, bởi vì khả năng lôi cuốn và tổ chức một số lớn quần chúng của họ, đó là một mối đe doạ đặc biệt cho ĐCS.
2006: Sự khởi đầu giả dối
Trong một khoảng thời gian ngắn trong năm 2006, trước khi Việt Nam vào WTO và đang trong quá trình bình thường hóa thương mại với Hoa Kỳ, chính phủ Việt Nam có ít chút nhân nhượng cho một xã hội dân sự non trẻ. Các đảng chính trị đối lập, các tổ chức nghiệp đoàn tự do, các tờ báo chui, và tổ chức nhân quyền độc lập đầu tiên của Việt Nam công khai xuất hiện, một hiện tượng hiếm hoi trong chế độ độc đảng dưới sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam. Một nỗ lực nổi bật nhất là sự hình thành Khối 8406 của các nhà đấu tranh cổ võ cho dân chủ, với số lượng thành viên lên đến hàng ngàn sau cuộc vận động trực tuyến.
Tuy vậy, những nhượng bộ này của chính quyền dành cho những nhà đấu tranh ôn hòa thật ngắn ngủi. Trong những tuần lễ chuẩn bị cho cuộc họp APEC tháng 11/2006 do Việt Nam đăng cai tại Hà Nội, chính phủ Việt Nam ra tay đàn áp xã hội dân sự, sách nhiễu, đe dọa, và bắt bớ các nhà đấu tranh dân chủ, các nhà hoạt động công đoàn, những cá nhân bảo vệ nhân quyền, đảng viên các đảng đối lập, cũng như những người bất đồng chính kiến trên liên mạng Internet. Chính phủ quản thúc tại gia một số nhà tranh đấu, hòng ngăn cản họ tiếp xúc với giới báo chí đang theo dõi APEC. Hàng chục nhà đấu tranh, trong số đó có 8 người hoạt động công đoàn độc lập, đã bị bắt giam trong khoảng 2006-2007 dưới tội danh mơ hồ là làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, họ gia nhập thêm vào con số 350 người đã bị cầm tù từ năm 2001 do những hoạt động chính trị và tôn giáo.
Bảo báo cáo này không đề cập đến hàng loạt trường hợp bị cầm tù tại Việt Nam do tư tưởng chính trị và tôn giáo, nhưng tập trung vào một lãnh vực đặc biệt cần lưu tâm: những nhà sáng lập cổ võ cho quyền người lao động mà chính phủ Việt Nam bắt và cầm tù từ năm 2006. Trong nhiều trường hợp, các nhà hoạt động này đã từng là nhừng người hoạt động nhân quyền được biết đến, hay là đảng viên các đảng đối lập bị cấm tại Việt Nam. Hàng trăm công nhân trên toàn Việt Nam, ít được biết đến hơn và không là mục tiêu của bản báo cáo này, đã bị sách nhiễu, sa thải, và câu lưu vì họ đã tham gia đình công hay có những hoạt động đòi tăng lương hay đòi điều kiện làm việc tốt hơn. Hoàn cảnh của những người này hầu như không được biết đến, bởi vì báo chí chính quy không hề đề cập đến trường hợp của họ, đặt biệt là tên tuổi và nơi giam.
Quá trình thành lập các nghiệp đoàn độc lập
"Trước tiến trình vận động dân chủ năm 2006, bảo vệ nhân quyền và dân quyền trong môi trường lao động trở nên một mặt trận nóng bỏng. Trước gian khổ, những anh chị em lao động bình dân không khăn gói trốn chạy mà đã lao mình vào những đợt tranh đấu – không chỉ vì quyền lợi của riêng họ. Không mãi chấp nhận cúi mặt trong tủi nhục, những tinh anh của lớp trẻ đang trỗi dậy, đón lấy ngọn cờ tiên phong trong cuộc đứng dậy vì dân quyền này. Tiến trình vận động dân chủ năm 2006 sẽ là một bước chuyển biến mới; thoát khỏi quỹ đạo đấu tranh còn nặng tính đối phó, nặng hướng thụ động của hôm qua." -- Nhà đấu tranh Huỳnh Việt Lang phát biểu vào tháng 2/2006, trước khi anh bị bắt và bỏ tù tháng 8/2007.
Năm 2006, một số lượng chưa từng thấy công nhân đã bắt đầu tham gia vào những cuộc đình công liều lĩnh (không được cán bộ công đoàn chấp thuận) tại những nhà máy của nước ngoài xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh, và các tỉnh miền nam. Những công nhân này đòi tăng lương (trong khi lương tối thiểu không hề được tăng trong 6 năm trước đó), và đòi điều kiện làm việc tốt hơn. Trong khi những cuộc đình công nhanh chóng lan rộng ra miền Trung và các tỉnh phía Bắc, một số công nhân kêu gọi đòi quyền lao động sâu rộng hơn, chẳng hạn như quyền được thành lập công đoàn độc lập, và được giải thể công đoàn trung ương do ĐCS lãnh đạo. Theo báo chí Việt Nam loan tải, đã có hơn 350 ngàn nhân công tham gia trong 541 cuộc đình công trong năm 2006 [8] . Những cuộc đình công đó bị cho là bất hợp pháp, bởi vì công nhân bị cấm thành lập công đoàn hay tham gia đình công mà không được cán bộ công đoàn trung ương thông qua.
Bất kể những cấm đoán đó, các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2006 bắt đầu công khai kêu gọi đòi quyền cho giới lao động. Tháng 2, đại diện công nhân miền nam và miền trung Việt Nam đã gửi một đề nghị 8 điểm lên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Họ kêu gọi giải tán tất cả công đoàn lao động do nhà nước quản lý, giải tán các chi bộ Đảng trong nhà máy, và chấm dứt việc bắt buộc công nhân trích tiền lương để đóng niêm liễn cho Công đoàn trung ương [9]. Vào tháng 3/2006, các nhà đấu tranh nhằm ủng hộ những công nhân đang đình công, cho ra 2 thông cáo công khai kêu gọi nhà nước Việt Nam trả tự do cho tất cả công nhân đang bị giam giữ vì đã tham gia đình công, kêu gọi sự giúp đỡ của Tổ Chức Lao Động Thế Giới (International Labor Organization ILO - một tổ chức thuộc LHQ) nhằm thành lập những công đoàn độc lập.
Tháng 10/2006, những nhà tranh đấu tiếp tục bước xa hơn bằng cách tuyên bố thành lập hai nghiệp đoàn độc lập. Họ tuyên bố mục tiêu là nhằm bảo vệ quyền của người lao động, bao gồm quyền được thành lập và tham gia các nghiệp đoàn độc lập, quyền được tham gia đình công, và thương lượng tập thể với giới chủ mà không cần xin phép nhà nước hay ĐCS. Những nhà hoạt động này dự kiến sẽ phổ biến thông tin về quyền lao động và những trường hợp điều kiện làm việc bị bóc lột hay ngược đãi.
Sự thành lập công đoàn độc lập đầu tiên, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông (United Worker-Farmers Organization of Vietnam - UWFO) [11] được loan báo bởi nhà hoạt động Đỗ Công Thành vào tháng 9/2006, và sau đó vào 30/10/2006 bằng bản tuyên bố công khai của 4 nhà đấu tranh cho quyền của người lao động tại Việt Nam [12].
Ngày 20/10/2006, nhà bất đồng chính kiến, trước đấy từng là một tù nhân chính trị, Nguyễn Khắc Toàn, cùng với các nhà hoạt động khác như Lê Trí Tuệ và Trần Khải Thanh Thủy, loan báo thành lập công đoàn thứ hai, Công Đoàn Độc Lập.
Cả hai công đoàn trên nhấn mạnh mối liên hệ giữa việc bóc lột lao động và việc cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp ở ngoại thành, họ chỉ ra rằng đất làm canh tác ngày càng khan hiếm đã đẩy hàng trăm ngàn nông dân lên tìm việc làm ở thành phố hay ở các khu công nghiệp. Trong một bản tuyên bố ngày 12/1/2007, nhà hoạt động thuộc Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Trần Quốc Hiển nói:
"Rất nhiều nông dân đã không còn gì sau khi bị các cán bộ tham nhũng đuổi ra khỏi ruộng vườn, nông trại của họ. Nhiều người đã bỏ quê để lên thành phố, một số trở thành công nhân lao động để kiếm sống; số khác đang kiến nghị đòi đền bù đất mà họ bị cán bộ tham nhũng tước đoạt."
Các nhà nhân quyền người Việt tại hải ngoại đã và đang ủng hộ nỗ lực của các nhà nghiệp đoàn tại Việt Nam. Trong năm 2006, một số thành viên của cộng đồng người Việt Hải Ngọai ở Âu Châu và Bắc Mỹ đã thành lập Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (CPVW). Trên website của họ, Ủy ban cung cấp thông tin tiếng Việt về quyền của người lao động, luật nhân quyền quốc tế, cũng như tin mới về các cuộc đình công và tình trạng lao động trên toàn Việt Nam. Website này cũng đăng tải những bài viết như, "CPVW hỗ trợ tài chính để bạn đưa chủ ra toà", "Quyền đình công theo luật hiện hành của Việt Nam" , "Kiện chủ?", cùng với hướng dẫn gửi hình cho CPVW và cách vượt tường lửa. [14]
Nhà tranh đấu nhân quyền và quyền lao động Lê Thị Công Nhân tại phiên tòa tháng 5/2007. Cô đã bị cấm không được tham dự hội nghị về các vấn đề về quyền lao động ở VN diễn ra tại Warsaw 2006.
http://www.hrw.org/sites/default/files/media/images/photographs/tmp_pLNmxl
Những nhà hoạt động công đoàn bị giam giữ
Nhà nước Việt Nam đối phó với làn sóng đình công, cũng như những hoạt động công đoàn đang dâng cao bằng nhiều biện pháp như đe dọa, phạt hành chính, và ngay cả bắt giam; song song với một số cải cách như tăng lương cho công nhân ở cái doanh nghiệp ngọai quốc, doanh nghiệp quốc doanh, và các cơ quan chính phủ,
Trong thời gian trước hội nghị APEC, vì lo ngại sự bất ổn chính trị, và sợ gây hoang mang cho giới đầu tư ngọai quốc, chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện phát nhằm chận đứng những hoạt động công đoàn tại Việt Nam, và hòng ngăn cản các nhà hoạt động người Việt liên lạc với những người ủng hộ họ ở hải ngọai. Tháng 8/2006, công an Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giam Huỳnh Việt Lang, một đảng viên đảng đối lập Đảng Dân chủ Nhân dân, tác giả một bài viết dài chỉ trích những vi phạm về quyền lao động. Tháng 10/2006, nhà dân chủ Lê Thị Công Nhân bị từ chối cấp hộ chiếu, và bị cấm đi đến Warsaw để dự hội nghị về quyền của người lao động Việt Nam do Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam tổ chức; lẽ ra cô đã trình bày ở hội nghị này.
Tháng 11/2006, công an đã bắt giữ tất cả các thành viên công khai của Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, bao gồm Đoàn Huy Chương, Đoàn Văn Điền, Trần Thị Lệ Hằng, Nguyễn Thu Tuyết, Lê Bá Triết, Nguyễn Tuấn, và Lý Văn Sỹ. Công an cũng đã ngăn cản các nhà hoạt động khác, trong đó có Lê Thị Công Nhân và những người đứng đầu của Công Đoàn Độc Lập như Nguyễn Khắc Toàn và Trần Khải Thanh Thủy, không được ra khỏi nhà, và không được tiếp khách. Công an đã đóng khóa của sau nhà Nguyễn Khắc Toàn, và canh giữ cửa trước: tại đây công an đăng bản “Khu vực an ninh. Cấm người nước ngoài”.
Nhà họat động cho quyền lao động Đoàn Văn Điền hiện đang thi hành án tù 4 năm rưỡi tại Đồng Nai, dưới tội danh “lợi dụng quyền tự do”.
http://www.hrw.org/sites/default/files/media/images/photographs/tmp_r90hcq
Những trường hợp bị câu lưu hay tạm giữ sau đó thì được đưa ra tòa, trong số đó có ít nhất 8 trường hợp bị phạm tù vì tội xâm phạm an ninh quốc gia. Những bản án này đã vi phạm những cam kết của Việt Nam đối với luật nhân quyền của quốc tế nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do lập hội trong ôn hòa.
Tháng 12/2007, tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên án các nhà lãnh đạo của Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Đoàn Văn Điền, Đoàn Huy Chương, Trần Thị Lệ Hồng, và Nguyễn Thị Thuyết tù từ 18 tháng đến 4 năm rưỡi, theo quy định 25* ”lợi dụng quyền tự do dân chủ làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia”.
Ngày 14/1/2007, chính quyền bắt giam nhà đấu tranh thuộc Hiệp Hội Đòan Kết Công Nông Trần Quốc Hiền, đúng 2 ngày sau khi anh thay mặt các nhà đấu tranh đang bị cầm tù tuyên bố kháng án và công khai đảm nhận nhiệm vụ phát ngôn viên cho tổ chức này. Sau đó, những nhà hoạt động khác tiếp tục bị bắt giữ, Trần Khải Thanh Thủy bị bắt tháng vào 3/2007, và Lê Thị Công Nhân vào tháng 4/2007.
Tóm tắt các kiến nghị:
Để bước đầu khắc phục những hạn chế trong việc bảo vệ quyền của người lao động tại Việt Nam, Tổ chức Giám Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch - HRW) đề nghị chính phủ Việt Nam:
Thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả những người đã bị bắt vì đấu tranh ôn hòa với mục tiêu thúc đẩy quyền của người lao động.
Thi hành những giao ước với quốc tế với tư cách là thành viên của Tổ chức Lao Động Thế Giới (ILO), cũng như thi hành các hiệp ước mà Việt Nam đã cam kết sẽ tôn trọng, và củng cố, quyền tự do lập hội họp, và quyền của công nhân được thành lập công đoàn độc lập, quyền được đình công, và quyền được thương lượng tập thể.
Công nhận công đoàn độc lập trong luật pháp của Việt Nam.
Mời nhân viên của ILO điều tra và bàn thảo về các vấn đề bảo vệ và đẩy mạnh quyền của người lao động tại Việt Nam.
Những kiến nghị chi tiết hơn sẽ được trình bày trong phần IV của bản báo cáo này.
------------------------------------------ Chú thích:
[1] "Điều lệ của Công Đòan VN", trang nhà Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam http://www.congdoanvn.org.vn/english...226&c2=240&l=1 (truy cập ngày 12/3/2009)
[2] Theo báo chí nhà nước, có tối thiểu 2600 cuộc đình công đã xảy ra tại VN trong khoảng thời gian 1995 đển 2008. "Đầu tư: Nỗi đau đầu của các nhà đầu tư FDI lớn vào VN (Investment: Headaches for Vietnam Top FDI Investor-Media)", Vietnam News Briefs 11/11/2008. "Làn sóng đình công đang dân cao tại VN (Wave of Labor Strikes Surge in Vietnam) ” , Vietnam News Briefs 21/1/2008.
[3] “Bản Tin Lao Động - Tóm lược tin lao động VN tháng 12/2008" Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, January 25, 2009, http://www.vitudoweb.com/read.asp?Fl...17.txt&lang=en (truy cập ngày 12/3/2009).
[4] Ủy ban Nhân Dân là những cơ quan hành chính của bộ máy nhà nước ở cấp tỉnh thành, quận huyện, và cấp phường trực thuộc Chính Quyền Trung Ương và Hội Đồng Nhân Dân, theo Hiến Pháp VN 1992 quy đinh. David W.H. Koh, Wards of Hanoi (Singapore: ISEAS Publications, 2006), trang 33.
[5] Tên của Khối được đặt lấy theo ngày thành lập 8/4/06. "VN: Phong trào dân chủ non nớt đang bị đe dọa; Hàng trăm người tham gia chiến dịch đòi những quyền cơ bản" thông cáo báo chí của HRW 10/5/2006. Để đọc "Bản tuyên ngôn Tự Do và Dân Chủ cho VN" của các nhà họat động dân chủ tại VN, xin xem: http://www.hrw.org/legacy/pub/2006/manifesto_040606.pdf [bản dịch tiếng Anh]
[6] "Mỹ - Việt: Đánh giá mối quan hệ song phương", giải trình của HRW trước Ủy ban Quan hệ đối ngoại, tổ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương của Thượng viện Hoa Kỳ 11/03/2008. http://www.hrw.org/en/news/2008/03/1...l-relationship.
[7] Huỳnh Việt Lang, "Anh Chị Em Cần Lao Dấn Bước" 14/2/2006. http://www.ddcnd.org/main/index.php?...t&view=article (truy cập ngày 19/4/2009). [Người dịch: nguyên bản tiếng Việt http://www.doi-thoai.com/baimoi1106_328.html]
[8] "Đầu tư: Nỗi đau đầu của các nhà đầu tư FDI lớn vào VN (Investment: Headaches for Vietnam Top FDI Investor-Media)", Vietnam News Briefs Service, Toan Viet Limited Company, 11/11/2008. "Làn sóng đình công đang dân cao tại VN (Wave of Labor Strikes Surge in Vietnam) ” , Vietnam News Briefs 21/1/2008.
[9] Phạm Văn Pho (?) "Những vi phạm quyền cơ bản của người lao động", 28/12/2006. http://freedom4vietnam.org/eng/index...d=80&Itemid=43 (truy cập 15/4/2009).
[10] Ngoài ra, ngày 30/3 khi đại hội X ĐCS VN chuẩn bị khai mạc, HT Thích Quảng Độ, người đứng đầu của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đang bị cấm ở VN, ra thông báo kêu gọi nhà nước VN tông trọng quyền của người lao động, trong đó có quyền được thành lập công đoàn độc lập.
“Nhà lãnh đạo Phật Giáo Thích Quảng Độ kêu gọi thành lập công đoàn độc lập nhằm bảo vệ quyền của người lao động tại VN (Buddhist leader Thich Quang Do Calls for the Creation of a Free Trade Union to Protect Worker Rights in Vietnam)”, thông cáo báo chí của Văn Phòng Thông tin Phật Giáo, 30/3/2006;
“Tuyên Ngôn về Quyền của người lao động VN”, đã ký bởi 22 nhà đấu tranh dân chủ tại VN, và 63 ở hải ngoại, 24/3/2006;
“Người Việt trên toàn thế giới ủng hộ giới lao động ở VN” thông cáo báo chí của Mạng Lưới Nhân Quyền VN 24/3/2006. http://www.vietnamhumanrights.net/we...HRN_032406.htm (truy cập 16/3/2009).
[11] Ngày 14/8/2006, công dân Mỹ Đỗ Thành Công, đại diện Đảng Dân Chủ Nhân Dân (ĐDCND) (đang bị cấm họat động ở VN, cũng giống như tất cả các đảng đối lập khác) bị bắt và giam 3 tuần vì tội tuyên truyền chống nhà nước VN. Ông sau đó bị trục xuất ngày 21/9/2006. Ba đảng viên ĐDCND khác bị bắt cùng một lúc với ông đều bị kết án tù, trong số đó có nhà họat động cho quyền người lao động Huỳnh Nguyên Đạo (sẽ được trình bày chi tiết trong phần 3 bản báo cáo này).
[12] Các nhà đấu tranh đó là Nguyễn Tấn Hoành, Nguyễn Thị Lệ Hồng, Hoàng Huy Chương, và Nguyễn Thị Tuyết. Một số giới quan sát tin rằng Nguyễn Tấn Hoành và Hoàng Huy Chương là một người.
[13] Công Đoàn Độc Lập ("Independent Labor Union of Vietnam” - IWUV), còn được biết dưới tên tiếng anh khác là “The Independent Worker’s Union of Vietnam”
[14] Xem http://www.vitudoweb.com/readfolder.asp?Fldr=1&lang=en (truy cập 12/3/2009).
[15] Ủy ban Nhân Quyền tại VN, "Ổn định chính trị và Tự do dân chủ: Khủng hoảng kinh tế và Đàn áp chính trị tại VN (Political Stability vs Democratic Freedom: Economic Crisis and Political Repression in Vietnam) ", giải trình về Campuchia, Lào và VN, Hội đồng Nhân Quyền, Quốc Hội Âu Châu, 25/8/2008.
[16] "Bản báo cáo: VN bỏ tù 4 người đấu tranh cho quyền lao động" Thông Tấn Xã Pháp, 11/12/2007.
(còn tiếp)
---------------------------------------
Nguồn :
Human Rights Watch
I. Introduction: The Crackdown on Labor Activists
http://www.hrw.org/en/node/82844/section/3
No comments:
Post a Comment