Saturday, May 16, 2009

VÌ SAO NÔNG DÂN MẤT RUỘNG LẠI NGHÈO ĐI

Nông dân Trung Quốc đang mất đất:
Vì sao nông dân mất ruộng lại nghèo đi
14:22' 16/05/2009 (GMT+7)
http://www.vietnamnet.vn/thegioi/2009/05/847970/
Cuộc sống của nông dân mất đất ở Trung Quốc không khấm khá sau khi họ được bồi thường và bản thân hoặc con cái họ có cơ hội làm việc ở những dự án trên mảnh đất cũ. Cuộc sống của họ ngày càng nghèo hơn, tại sao?

Nông dân mất ruộng đất chỉ có thể vào thành phố làm thuê. Tình hình này tương tự như thời kỳ đầu công nghiệp hóa ở Âu châu, nhân khẩu nông thôn “lưu động đơn hướng” vào thành phố (nghĩa là rời bỏ hẳn quê hương ruộng đất). Còn vào những năm 80 của thế kỷ trước, tình hình ruộng đất của nông dân bị xâm chiếm còn chưa phổ biến và nghiêm trọng, nên thế hệ nông dân vào thành phố làm thuê của Trung Quốc về cơ bản thuộc loại “lưu động song hướng”, họ “rời bỏ ruộng đất chứ không rời bỏ quê hương”.
Chỉ từ thập kỷ 90 trở đi, khi tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa được tăng nhanh, mới càng ngày càng có nhiều nông dân mất ruộng đất, và điều này đã làm cho mô hình lưu động của nông dân làm thuê có sự thay đổi về căn bản, từ “lưu động song hướng” biến thành “lưu động đơn hướng”, “vừa rời bỏ ruộng đất vừa rời bỏ quê hương”. Có nhà nghiên cứu đã gọi loại nông dân làm thuê thế hệ hai này là “không trở về”, còn thế hệ thứ ba sẽ là “về không nổi”. Có nhiều nguyên nhân khiến “về không nổi” nhưng mất ruộng đất canh tác là một nguyên nhân quan trọng.

Dương Danh Dy (theo các báo và website Trung Quốc)

Đền bù giá thấp, bán đất giá cao
Một trong những nguyên nhân khiến nông dân mất đất đang nghèo đi là tiền đền bù thấp. Qua nhiều cách tính toán phức tạp, người ta kết luận tiền bồi thường ruộng đất bị mất chí ít phải lớn hơn 30 lần hoa lợi do ruộng đất sinh sản ra trong một năm. Thế nhưng hiện nay, tiền bồi thường ruộng đất kể cả hoa mầu, cây cối còn thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn đó.
Theo thống kê từ khi thực hiện chế độ trả tiền đền bù ruộng đất đến nay, chính quyền địa phương thu tiền bán nhượng đất đai được 240 tỷ nhân dân tệ (NDT), và phần lớn trong số này được dùng làm vốn ngoài dự toán của địa phương. Ở một số nơi, tiền thu chuyển nhượng đất chiếm tới 30% thu nhập tài chính, một số ít địa phương tới 80%, trong khi nông dân bị trưng dụng ruộng đất chỉ được 5-10%. Chính chế độ không công bằng này đã dẫn tới vấn đề nông dân bị nghèo khó lâu dài không được giải quyết.
Chưa hết, trong quá trình xây dựng các đặc khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu chế xuất…, một số quan chức địa phương đã mua (đền bù) những ruộng đất của nông dân bằng giá rẻ mạt rồi bán lại cho những nhà đầu tư trong nước và ngoài nước với giá cao ngất ngưởng để từ đó thu lợi lớn cho cá nhân hoặc nhóm người.
Đất đai vốn không phải là hàng hoá, cũng không đưa vào lưu thông, nhưng qua cái mũ “nhu cầu xây dựng kinh tế”, thông qua “phê duyệt” của chính quyền các cấp mà biến thành hàng hoá, tiến vào thị trường cấp hai. Mà giá thị trường cấp hai và cấp một có sự chênh lệch ghê gớm.
Ví dụ một mẫu Trung Quốc (bằng 1/15 héc ta) giá 500 NDT (1 NDT bằng khoảng 2.250 đồng Việt Nam) chu kỳ 30 năm giá 15.000 NDT. Nhưng qua sang tay, giá một mẫu trong thời hạn trên đã gấp hàng mấy trăm lần. Vì vậy, lợi nhuận của ngành nhà đất Trung Quốc cao hơn của quốc tế rất nhiều, của thế giới khoảng 6-8%, trong khi của Trung Quốc là trên 30%. Có người đã ước tính, đầu những năm 90 của thế kỷ 20, mỗi năm khoản chênh lệch về giá đất đai này là 70 tỷ NDT, 5 năm là 350 tỷ NDT, trong đó ít nhất 10% (tức 35 tỷ NDT) rơi vào túi cá nhân.

Nguyên nhân thứ hai khiến nông dân mất đất ngày càng nghèo là do cải cách thể chế kinh tế. Các xí nghiệp hương trấn bị co lại không những không hấp thu được sức lao động mới, ngược lại còn có hàng ngàn, hàng vạn công nhân viên mất việc. Trong tình hình đó, nông dân khó tìm được công ăn việc làm ở thành phố. Ngoài ra tại một số nơi, chính quyền đã tìm cách gạt nông dân ra để bảo đảm cho người thất nghiệp ở thành phố có việc làm. Vì vậy càng làm cho những nông dân mất ruộng đất càng khó kiếm việc làm hơn.

Nguyên nhân thứ ba là từ phía cá nhân nông dân. Tố chất văn hóa của nông dân mất ruộng đất nói chung thấp, kỹ năng lao động kém... Do vậy, trong tình hình có sự cạnh tranh dữ dội tại thị trường việc làm, nói chung nông dân mất ruộng đất ở vào thế yếu.

Nguyên nhân cuối cùng là pháp luật. Trung Quốc chưa có luật riêng về trưng dụng ruộng đất, luật bảo hộ lợi ích thiết thân của nông dân còn thiếu, tình hình vi phạm luật trong khi trưng dụng ruộng đất đã làm tổn hại lớn tới lợi ích của nông dân.

Dương Danh Dy (theo các báo và website Trung Quốc)

No comments: