Monday, May 18, 2009

VĂN MINH LOA PHƯỜNG SẮP CÁO CHUNG

The Boston Globe
Nhà chính trị ở Hà Nội tìm cách bắt thứ di vật ồn ã của thời chiến tranh phải câm họng
Hanoi pol seeks to silence noisy wartime relic

BEN STOCKING
Phóng viên Hãng thông tấn Mỹ Associated Press [AP]
Ngày 17-5-2009
http://www.boston.com/news/world/asia/articles/2009/05/17/hanoi_pol_seeks_to_silence_noisy_wartime_relic/
Cứ mỗi ngày vào khoảng 4 giờ chiều, bà Hoàng Thị Gái lại phải cố gắng ru cho thằng bé cháu nội năm tháng tuổi của mình ngủ để bà còn có thể lo sửa soạn bữa ăn tối. Khoảng 15 phút sau, một chiếc loa phóng thanh bắt đầu làm om sòm lên ngay bên ngoài căn nhà bà ở Hà Nội.
“Nó bắt đầu thét lên rồi khóc và mặt nó chuyển sang đỏ tía cả lên, bà Gái, 61 tuổi kể. “Thằng cháu yêu của tôi nó chả thể nào quen được cái cảnh này.”
Trong khi những dấu hiệu của cuộc Chiến tranh Việt Nam xa mờ dần trên một đất nước đang hiện đại hóa nhanh chóng này, thì một thứ di vật lại tỏ ra khó mất đi: một hệ thống loa trên toàn quốc mà từ đó chính quyền cộng sản bung ra tiếng nói tuyên truyền từ mờ đất cho tới tối mịt, 30 phút liên tục cho mỗi buổi phát thanh, bất kể dân chúng có thích nó hay không.
Giờ đây có một nhà chính trị của Hà Nội am hiểu sử dụng trang Web muốn bắt những thứ thông báo huyên náo nhất đó phải câm họng và ném chúng lên mạng Internet, nơi mà người dân có thể đọc chúng vào lúc họ nhàn rỗi.
Trong thời gian diễn ra cuộc Chiến tranh Việt Nam, những chiếc loa phóng thanh đã loan nhanh những cảnh báo quan trọng về các cuộc đột kích ném bom. Ngày nay, chúng phát ra một mớ hổ lốn các loại tin tức địa phương, những chuyện vặt vãnh của bộ máy chính quyền, ý thức hệ cộng sản và những bài ca ái quốc.
“Tôi phải thừa nhận là với những người dân sống gần mấy cái loa đó, thì thật là một thảm họa. Nó làm rát tai họ,” ông Phạm Văn Hiện nhận xét trong một cuộc phỏng vấn.
Ông Hiện, 38 tuổi, là chủ tịch Uỷ ban Nhân dân phường Khương Mai, Hà Nội, một trong hơn 500 quan chức được bầu như vậy ở thủ đô. Và, giống như bất cứ nhà chính trị xứng đáng nào, ông bắt mạch được hơi thở của cuộc sống hàng ngày. Cuộc chiến của ông chống lại những chiếc loa phóng thanh đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt trên các diễn đàn trực tuyến ở Việt Nam, các blog và những trang Web báo mạng.*
“Hãy tưởng tượng nếu như anh sống gần một cái loa và có ai đó trong gia đình anh bị ốm gần chết và phải giữ yên lặng để không phải nghe một bài hát kiểu như “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay,” ** một cư dân của Hà Nội tên là Trần Hùng đã viết như vậy trên bài báo của trang Tiền Phong trực tuyến.
“Trò này thật tàn nhẫn,” anh ta viết tiếp. “Nếu như hàng xóm của tôi mà làm ồn theo kiểu ấy, thì tôi sẽ đưa anh ta ra tòa. Tại sao nhà nước lại tự cho mình cái quyền gây ô nhiễm bằng tiếng ồn được nhỉ?”
Ở Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch, nơi coi sóc hệ thống này, các quan chức đã từ chối bình luận về những nỗ lực của ông Hiện.
Ông Hiện nói là ý tưởng của ông đã nhận được những đánh giá nồng nhiệt từ một số vị cấp trên trong Đảng Cộng sản, những người hăm hở đi theo hướng áp dụng công nghệ và hiện đại hóa hình ảnh của đảng mình. Thế nhưng ông cũng cẩn thận để không thúc đẩy quá mạnh kế hoạch của mình vì sợ rằng sẽ gây mếch lòng các ông trùm trong đảng. Thay vào đó, ông cho thấy hệ thống này có thể được hiện đại hóa ra sao, hy vọng rằng giới chức quan liêu sẽ nhận được một thông điệp – rằng người dân cần phải được cho phép “chọn lựa cái gì họ muốn nghe hơn là bị ép phải nghe.”
Hàng ngàn phường trên khắp đất nước Việt Nam phát tin tức qua loa phóng thanh, trong đó riêng Hà Nội có tới 577 phường. Họ chế ra những nội dung mà họ cần, nhưng có kết hợp với nhiều thông tin từ Bộ Văn hóa.
Tại phường của ông Hiền với 20.000 dân, 60 chiếc loa phóng thanh được biết đến qua các cuộc tìm hiểu thực tế đã phát đi những thông báo từ một căn buồng dành cho dân phòng bé tí tẹo.
Vào một ngày mới đây, phát thanh viên là chị Trần Ánh Tuyết, 33 tuổi, làm hợp đồng cho chính quyền. Chị đọc tin từ một cuốn sách nhỏ của chính phủ có tựa đề là “Gia đình Hạnh phúc”. Thế rồi tiếp đến là những lời hô hào nhân dân hãy “nâng cao chất lượng cho đời sống tinh thần của mình” bằng việc thay vì xem TV, hãy tham gia vào những sự kiện văn hóa.
“Hãy làm cho Hà Nội đẹp lên trong con mắt của các bạn bè quốc tế,” cô đọc, thúc giục các công dân hãy tạo nên một “môi trường lịch sự, có văn hóa.”

Hình ảnh này chụp hôm thứ Năm, 2-4-2009, cô Trần Ánh Tuyết, 33 tuổi, một cán bộ thông tin văn hóa phường Khương Mai, Hà Nội, đang thông báo về một bản tin trong phường qua hệ thống loa phóng thanh (AP Photo/Chitose Suzuki)
http://cache.boston.com/resize/bonzai-fba/AP_Photo/2009/05/17/1242570054_4806/539w.jpg

Các phát thanh viên thường thúc giục người nghe hãy noi theo tấm gương Hồ Chí Minh, người thầy của cuộc cách mạng cộng sản Việt Nam: “Sống đạo đức, làm việc chuyên cần, và một lòng một dạ vì nhân dân.”
Trang Web của ông Hiện, có tên là Tin tức Khương Mai, cung cấp mọi thông tin mà những chiếc loa vẫn thông báo, nó còn đưa thêm nhiều tin từ những đợt lũ lụt cho tới chuyện một thầy bói người Nga tiên đoán về tương lai của Tổng thống Barack Obama.
Ông Hiện nói là có hơn một nửa các hộ trong quận của ông có đường truyền Internet tới tận nhà, và cũng có vài quán cà-phê Internet trong khu vực.
Ông cho biết trang Web đã có hơn 800.000 lượt truy cập kể từ khi nó được hòa mạng vào năm ngoái.
Trang VietnamNet, một trang báo trực tuyến, đã viết một bài về trang Web này, và tiếp đó là đài truyền hình của nhà nước cũng đã có một bài tường thuật.
Khi những chiếc loa phóng thanh lên tiếng vào 7 giờ sáng, cô Nguyễn Thị Oanh, 23 tuổi, đã phải vùi đầu vào đống chăn.
“Có ai quan tâm tới những tin tức họ đọc không?” Cô nói. “Âm thanh thì quá là tệ, tiếng họ phát ra cứ như thể là từ cái mũi tịt.”
Ở cái tuổi 68, bà Nguyễn Thị Phương đủ để nhớ được những cái loa từ thời chiến tranh.
“Cứ khi nào chúng phát ra tiếng báo động cho chúng tôi là có máy bay địch đến, thì chúng tôi liền lao xuống hầm tránh bom,” bà kể. “Những cái loa này đã cứu được biết bao nhiêu mạng sống.”
Thế nhưng giờ đây thì chúng toàn là gây khó chịu, bà Phương bảo. “Đưa những thông tin ấy lên cái Internet là một ý kiến tuyệt vời. ***

Trang Web
http://www.phuongkhuongmai.gov.vn/

Hiệu đính:
Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009
http://anhbasam.wordpress.com/2009/05/17/167-ong-ch%e1%bb%a7-t%e1%bb%8bch-ph%c6%b0%e1%bb%9dng-b%e1%ba%aft-loa-ph%c6%b0%c6%a1ng-cam-h%e1%bb%8dng/

Ba Sàm chú thích:
* Mời xem thêm:
Loa phường, e-Phường và e-Government (Tiền Phong).
**
“Tình em biển cả”, sáng tác: Nguyễn Đức Toàn.
*** Bài này đồng thời được đăng trên các trang
Houston Chronicle, CBS News, The Press Democrat, Philadelphia Daily News, Star Tribune, Newsday, Daily Democrat, Syracuse, Wtop, The Miami Herald, ABC News, Denver Post, Seattle Times, … Thiệt là một thứ đồ cổ vô giá!


No comments: