Sunday, May 10, 2009

TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG NHÂN DÂN VIỆT NAM

Các Mác và Ăng Ghen - Tuyên ngôn của Đảng Nhân dân Việt Nam
talaCu
10/05/2009 4:10 sáng
http://www.talawas.org/?p=4266
Một bóng ma đang ám ảnh Việt Nam: bóng ma của chủ nghĩa toàn trị. Tất cả các lực lượng nhân dân Việt Nam: người Kinh và người Thượng, Phật giáo và Thiên chúa giáo, những nông dân bị bần cùng hóa và những trí thức chống bô-xít, đều liên hợp lại thành một liên minh hòa bình để tiêu diệt bóng ma đó.
Có nhà bất đồng chính kiến nào lại không bị Đảng Cộng sản vu khống là phản động, có người yêu tự do dân chủ nào lại không bị buộc tội là chống phá nhà nước XHCN? Có đảng phái không cộng sản nào, đến lượt mình, lại không ném trả lại cho những đại biểu của đảng phái khác, cũng như cho những địch thủ chính trị của mình, lời buộc tội nhục nhã là vuốt đuôi Đảng Cộng sản?

Từ đó, có thể rút ra kết luận:
Chế độ toàn trị cộng sản đang bị căm ghét khắp nơi và không thể tồn tại lâu hơn nữa.

Hiện nay, đã đến lúc tất cả những người dân Việt Nam lương thiện phải công khai trình bày trước chế độ toàn trị về những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình; và phải có một Tuyên ngôn của mình để đập lại sự điên rồ của chế độ hiện hành.
Vì mục đích đó, chúng tôi, những người dân thuộc mọi thành phần xã hội đã họp nhau ở Hà Nội để thảo ra bản Tuyên ngôn này, công bố bằng tiếng Việt, có dịch ra tiếng Trung Quốc, tiếng Bắc Triều Tiên, tiếng Cu Ba, tiếng Lào và tiếng Vê-nê-xu-ê-la.

Tuyên ngôn đã được đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 1 tháng 5 vừa qua. Được sự đồng ý của hai tác giả Các Mác và Ăng Ghen, chúng tôi xin đăng lại Tuyên ngôn trên talaCu để nó đến được với nhiều độc giả hơn nữa.

*

Lịch sử Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản cầm quyền đến nay là lịch sử đấu tranh giữa Đảng viên và Nhân dân.
Người tự do và người nô lệ, Đảng viên và Nhân dân, các ông chủ và quần chúng lao động, kẻ chiếm hữu và người bị chiếm hữu, nói tóm lại, những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc bằng một cuộc đàn áp của Đảng với Nhân dân, hòng tiêu diệt mọi quan điểm không hợp ý Đảng của Nhân dân.

Trong những thời đại lịch sử trước đây của dân tộc, chúng ta đều thấy xã hội hoàn toàn chia thành những đẳng cấp khác nhau, một cái thang chia thành từng nấc thang địa vị xã hội. Ở thời Lý-Trần-Lê, chúng ta thấy có Vua, Quan lại và Dân đen; thời Trịnh Nguyễn phân tranh thì có Chúa phong kiến, Địa chủ, Nông dân, và hơn nữa, hầu như mỗi giai cấp ấy, lại có những thứ bậc đặc biệt nữa.

Xã hội Việt Nam hiện nay, rập khuôn xã hội Trung Quốc sắp bị diệt vong, không xoá bỏ được những đối kháng giai cấp. Nó chỉ đem những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới thay thế những giai cấp, những điều kiện áp bức, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi.
Tuy nhiên, đặc điểm của thời đại chúng ta, Thời đại của Giai cấp Đảng viên, là đã đơn giản hoá những đối kháng giai cấp. Xã hội ngày càng chia thành hai phe lớn thù địch với nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: Giai cấp Đảng viên và Giai cấp Nhân dân.
Từ những trí thức thời thuộc địa, đã nảy sinh ra những người có ý thức dân tộc đầu tiên; từ những trí thức này, nảy sinh ra những phần tử đầu tiên của Giai cấp Đảng viên Cộng sản.

Việc chiến thắng Thực dân Pháp và sáp nhập Miền Nam đã đem lại một địa bàn hoạt động mới cho Giai cấp Đảng viên vừa mới ra đời. Việc phụng mệnh Liên Xô và Trung Quốc, việc khống chế Căm-pu-chia và Lào, việc kết nghĩa đồng chí với Cu Ba, đem lại cho những người cộng sản một sức mạnh trấn áp chưa từng có, một quyền lực độc tôn, và do đấy, đã nhanh chóng tiêu diệt tất cả những yếu tố của xã hội dân sự vốn đã quá yếu kém từ thời thuộc địa.

Tổ chức xã hội theo lối phong kiến-thuộc địa trước kia không còn có thể thỏa mãn những nhu cầu toàn trị luôn luôn tăng theo quyền lực của Giai cấp Đảng viên mới. Mô hình tập thể hóa thay đổi mô hình cũ. Tầng lớp Đảng viên nắm giữ tất cả, thay thế cho các tầng lớp thống trị cũ; Sự phân công lao động theo quy luật cung-cầu nhường chỗ cho sự phân công lao động theo kế hoạch tập trung.
Nhưng nhu cầu cai trị của tầng lớp đảng viên cứ lớn lên không ngừng, nhu cầu luôn luôn tăng lên. Ngay cả việc quốc hữu hóa hầu hết tài sản trong xã hội cũng không thoả mãn được nhu cầu đó nữa. Lúc ấy, kế hoạch Đánh đuổi tư sản và Kinh tế nông trường đã dẫn đến một bước ngoặt trong việc thống trị của Đảng Cộng sản. Cũng giống như Đại thanh trừng ở Liên Xô, Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, Cách mạng ở Việt Nam đã san bằng mọi kết cấu đạo đức và xã hội truyền thống; tầng lớp tư sản cũ, tầng lớp có học nhường chỗ cho tầng lớp đảng viên bần cố nông, những kẻ cầm đầu cả một đất nước.

Đại Cách mạng tháng Mười ở Nga đã tạo ra đế chế cộng sản, đế chế mà việc thôn tính cả nhân loại được đặt lên làm mục đích tối hậu. Tham vọng bành trướng khắp thế giới đẩy nhanh việc chạy đua vũ trang, những loại vũ khí mới phát triển mau chóng lạ thường. Sự phát triển này lại tác động trực tiếp đến việc thâu tóm quyền lực của những người cộng sản ở Việt Nam. Liên Xô, Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều Tiên càng phát triển chủ nghĩa cộng sản thì Việt Nam càng bắt chước học theo, làm tăng quyền lực của Giai cấp Đảng viên và đẩy toàn bộ phần còn lại của quần chúng lao động vào chỗ nô lệ.

Như vậy, chúng ta thấy rằng bản thân Giai cấp Đảng viên cũng là sản phẩm của một quá trình phát triển lâu dài, của một loạt các cuộc cách mạng đẫm máu trong phương thức bạo lực.
Mỗi bước phát triển của Giai cấp Đảng viên đều có một bước toan tính chính trị tương ứng. Là những kẻ bị chế độ thực dân phong kiến đàn áp; là những người vũ trang chống Pháp; ở nơi này, là những chiến sĩ bí mật hoạt động trong lòng địch; ở nơi kia, là lực lượng kháng chiến công khai; rồi suốt trong thời Cải cách ruộng đất ở Miền Bắc, là lực lượng đi đầu trong việc đấu tố; là lực lượng chủ đạo trong việc đánh chiếm Miền Nam, đã dần độc chiếm hẳn được quyền thống trị chính trị sau năm 1975. Từ đó đến nay, Chính quyền Cộng sản chỉ là đại diện cho Giai cấp Đảng viên.

Giai cấp Đảng viên đã đóng một vai trò hết sức ghê gớm trong Lịch sử Việt Nam.

Bất cứ ở chỗ nào mà Giai cấp Đảng viên chiếm được chính quyền thì nó đã đạp đổ những quan hệ dân sự truyền thống, gia trưởng và điền viên. Tất cả những mối quan hệ phức tạp và muôn màu muôn vẻ ràng buộc con người truyền thống Việt Nam với những “thuần phong mỹ tục” của mình, đều bị Giai cấp Đảng viên thẳng tay phá vỡ, không để lại giữa người và người một mối quan hệ nào khác, ngoài sự toàn trị trần trụi và lối “cha tố con vợ tố chồng” không tình không nghĩa. Giai cấp Đảng viên đã dìm những xúc động thiêng liêng của lòng sùng đạo, của nhiệt tình cá nhân, của tính đa cảm tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ. Nó đã biến phẩm giá của con người thành sự phục tùng; nó đã đem tự do im miệng duy nhất và vô sỉ thay cho biết bao quyền tự do đã được ban cho và đã giành được một cách chính đáng. Tóm lại, Giai cấp Đảng viên đã đem lại sự nô lệ công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho sự nô lệ được che đậy bằng những ảo tưởng phong kiến tư sản.

Giai cấp Đảng viên tước hết hào quang thần thánh của tất cả những hoạt động xưa nay vẫn được trọng vọng và tôn sùng. Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, bác học đều bị Giai cấp Đảng viên biến thành những người làm thuê được trả lương của nó.

Giai cấp Đảng viên đã xé toang tấm màn tình cảm bao phủ những quan hệ gia đình và làm cho những quan hệ ấy chỉ còn là quan hệ giai cấp đơn thuần.

Nhìn trên diện rộng, trên phạm vi quốc tế, Giai cấp Đảng viên đã cho thấy rằng biểu hiện tàn bạo của vũ lực trong thời con người còn ăn lông ở lỗ, những biểu hiện mà những kẻ cuồng tín hết sức ca ngợi, đã được bổ sung một cách tự nhiên như thế nào. Chính Giai cấp Đảng viên là giai cấp đầu tiên đã cho chúng ta thấy hoạt động của loài người có thể đi đến đâu. Nó đã tạo ra những kỳ quan bằng sọ người khác hẳn những Angkor Wat, những vụ hành quyết hàng triệu người ở Liên Xô vượt quá sức tưởng tượng của các tên đồ tể La-mã, những vụ tàn sát tập thể lên tới vài chục triệu người ở Trung Quốc còn gấp hơn nhiều lần thời Tần Thủy Hoàng; nó đã tiến hành những cuộc bành trướng khác hẳn những cuộc di cư của các dân tộc và những cuộc Chiến tranh Thập tự.

Giai cấp Đảng viên không thể tồn tại, nếu không luôn luôn tìm cách thâu tóm toàn bộ công cụ sản xuất, do đó thâu tóm những quan hệ sản xuất, nghĩa là thâu tóm toàn bộ những quan hệ trong xã hội. Trái với tất cả các giai cấp thống trị trước kia thì việc duy trì nguyên vẹn phương thức cai trị là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của họ. Sự đảo lộn liên tiếp của các chủ trương chính sách, sự rung chuyển không ngừng trong tất cả những quan hệ xã hội, sự luôn luôn triệt để nhồi sọ và kích động làm cho Thời đại Đảng viên khác với tất cả các thời đại trước.
Tất cả những quan hệ xã hội truyền thống, với những quan niệm và tư tưởng vốn được tôn sùng từ nghìn năm đi kèm những quan hệ ấy, đều đã tiêu tan. Tất cả những gì mang tính trí tuệ đều tiêu tan như mây khói; tất cả những gì là thiêng liêng đều bị ô uế, và rốt cuộc, mỗi người đều buộc phải nhìn những quan hệ vô đạo đức xung quanh họ bằng con mắt vô tình.

Vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu toàn trị, Giai cấp Đảng viên xâm lấn khắp nơi. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi.
Áp bức nhân dân trong nước chưa đủ, để có tính vô sản quốc tế, giai cấp Đảng viên đã mở toang cửa với các nước trong Khối Cộng sản. Mặc cho những người có tâm phải đau lòng, nó đã tình nguyện đặt lợi ích dân tộc dưới lợi ích giai cấp. Những lợi ích dân tộc bị thay thế bởi những lợi ích mới, tức là những lợi ích mà việc giành được chúng trở thành một vấn đề sống còn đối với tất cả các nước trong khối cộng sản, những lợi ích gắn bó với những trung tâm quyền lực xa xôi ở Moskva hoặc Bắc Kinh.
Thay cho những nhu cầu cũ được thoả mãn bằng những chính sách trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thoả mãn bằng những chính sách nhập khẩu nguyên kiện từ các nước đàn anh.
Thay cho tình trạng độc lập dân tộc, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến của Việt Nam vào các nước đàn anh. Mà đã phụ thuộc vào chính trị thì văn hóa cũng phụ thuộc không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của dân tộc trở nên nhạt nhòa, không có bản sắc. Tinh thần tự chủ dân tộc ngày càng yếu đi, có cơ không thể tồn tại được nữa; và từ nền văn hóa đặc sắc của dân tộc, vốn muôn hình muôn vẻ, đã nảy sinh ra cái gọi là nền văn hóa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Do việc không ngừng tăng cường khả năng kiểm soát và bành trướng, Giai cấp Đảng viên lôi cuốn đến cả những người ở giai tầng thấp nhất. Việc dùng những chính sách vừa mềm vừa rắn là trọng pháo bắn thủng tất cả những vạn lý trường thành và buộc mọi công dân Việt Nam dù là ngoan cường nhất phải tuân phục. Nó buộc tất cả dân chúng phải phục tùng sự toàn trị, nếu không sẽ bị tiêu diệt; nó buộc tất cả các tầng lớp phải học tập cái gọi là chủ nghĩa xã hội, nghĩa là phải trở thành những con người mới XHCN. Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình dạng của nó.

Giai cấp Đảng viên bắt tất cả các tầng lớp dân chúng phải phục tùng nó. Nó lập ra những hệ thống quyền lực đồ sộ; nó làm cho số đảng viên, đoàn viên, đội viên tăng lên phi thường, nó kéo một bộ phận lớn dân chúng vào vòng ngu muội. Cũng như nó đã bắt dân phục tùng đảng viên, bắt tất cả các tầng lớp xã hội trở thành cộng sản, nó đã bắt toàn bộ vận mệnh dân tộc phải phụ thuộc vào nó.

Giai cấp Đảng viên ngày càng xoá bỏ sự độc lập về tư tưởng, về tài sản và về nơi sinh sống của nhân dân. Nó quản lý hộ tịch, tập trung các tư liệu sản xuất, và tích tụ tài sản vào trong tay một số ít người. Kết quả tất nhiên của những thay đổi ấy là sự tập trung về chính trị. Những con người tự do trước đây, liên hệ với nhau hầu như chỉ bởi những quan hệ liên minh và có những lợi ích, luật lệ khác nhau, thì đã được tập hợp lại thành một khối đồng nhất, dưới một chính quyền toàn trị.

Giai cấp Đảng viên Việt Nam, trong quá trình thống lĩnh quyền lực chưa đầy tám thập niên tạo ra một chế độ toàn trị đồ sộ khủng khiếp hơn tất cả các chế độ thực dân phong kiến trước kia gộp lại.
Sự thẳng tay tiêu diệt những lực lượng đối kháng, sự máy móc hóa cơ chế quản lý, việc áp dụng các phương pháp kiểm soát báo chí và tự do ngôn luận, việc khai thác và bán tháo tài nguyên thiên nhiên, việc bật đèn xanh cho đảng viên tự do tham nhũng, có thế kỷ nào trước đây lại ngờ được rằng có một giai cấp như thế đã nằm tiềm tàng trong lòng dân tộc hay không!

Vậy là chúng ta đã thấy rằng:
những phương pháp đấu tranh và cai trị, làm cơ sở của Giai cấp Đảng viên hình thành, đã tạo ra được từ trong lòng xã hội thực dân phong kiến của Việt Nam. Nhưng những phương pháp thực dân và phong kiến chỉ phù hợp với một giai đoạn nhất định, đến một giai đoạn nào đó thì không còn phù hợp nữa. Tất cả những cái đó đều biến thành xiềng xích. Phải đập tan những xiềng xích ấy, và quả nhiên những xiềng xích ấy đã bị đập tan.
Ngày nay, trước mắt chúng ta, đang diễn ra một quá trình tương tự. Xã hội toàn trị cộng sản, với những phương thức kiểm soát và khủng bố của nó, với những quan hệ nhằng nhịt đã giúp nó tồn tại lâu như thế, thì giờ đây, giống như một tay phù thuỷ không còn đủ sức trị những âm binh mà y đã triệu lên. Từ hàng chục năm nay, lịch sử Việt Nam không phải là cái gì khác hơn là lịch sử nổi dậy của Nhân dân chống lại sự toàn trị của Đảng, chống lại những quan hệ sở hữu đang quyết định những tồn tại và sự thống trị của giai cấp Đảng viên. Để chứng minh điều đó, chỉ cần nêu ra các cuộc đình công của công nhân và nông dân gần đây đang ngày càng đe doạ sự tồn tại của xã hội đảng trị. Những lực lượng sản xuất mà xã hội sẵn có, không thúc đẩy quan hệ sở hữu phát triển nữa; trái lại, chúng đã trở thành quá mạnh đối với quan hệ sở hữu ấy, cái quan hệ sở hữu đang cản trở sự phát triển của chúng; và mỗi khi những lực lượng sản xuất xã hội khắc phục được sự cản trở ấy thì chúng lại xô toàn thể xã hội độc tài đảng trị vào tình trạng rối loạn và đe doạ sự sống còn của Giai cấp Đảng viên.
Những quan hệ Đảng viên - Nhân dân đã trở thành quá hẹp, không đủ để chứa đựng những của cải được tạo ra trong lòng nó nữa. Giai cấp Đảng viên khắc phục những cuộc khủng hoảng ấy như thế nào? Một mặt, bằng cách cưỡng bức cổ phần hóa một số lớn lực lượng sản xuất (còn gọi bằng mỹ từ là xã hội hóa, mà thực chất là một hình thức hợp thức hóa tài sản cho giới Đảng viên); mặt khác, bằng cách chiếm những thị trường hàng hóa mới và bóc lột triệt để hơn nữa những thị trường cũ. Như thế thì đi đến đâu? Đi đến chỗ chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng toàn diện hơn và ghê gớm hơn và giảm bớt những phương cách ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng ấy.

Những vũ khí mà Giai cấp Đảng viên đã dùng để đánh đổ chế độ cũ thì ngày nay quay lại đập vào ngay chính Giai cấp Đảng viên.
Giai cấp Đảng viên không những đã rèn những vũ khí đã giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là nhân dân, những người nô lệ.
Giai cấp Đảng viên, mà thực chất là giai cấp chiếm lĩnh hầu hết tài sản, càng lớn lên thì Giai cấp Nhân dân, đa phần là công nhân và nông dân - tức là giai cấp bần cùng, chỉ có thể sống với điều kiện là kiếm được việc làm, và chỉ kiếm được việc làm, nếu lao động của họ làm tăng thêm của cải cho các ông chủ mới. Những công nhân và nông dân ấy, buộc phải tự bán mình để kiếm ăn từng bữa một, là một hàng hoá, tức là một món hàng đem bán như bất cứ một món hàng nào khác; vì thế họ phải chịu hết mọi sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường với mức độ như nhau.

Do sự phát triển của công nghệ và việc chiếm hữu tài sản, nên lao động của người dân mất hết tính chất độc lập. Người dân trở thành một vật phụ thuộc giản đơn của guồng máy bóc lột, người ta chỉ đòi hỏi người dân làm được một công việc đơn giản nhất, đơn điệu nhất, dễ học nhất mà thôi. Do đó, chi phí một nhân công hầu như chỉ là còn là số tư liệu sinh hoạt cần thiết để duy trì đời sống và nòi giống của anh ta mà thôi. Nhưng giá cả lao động, cũng như giá cả hàng hoá, lại bằng chi phí sản xuất ra nó. Cho nên lao động càng trở nên thiếu hấp dẫn thì tiền công càng hạ. Hơn nữa, việc sử dụng máy móc và sự phân công mà tăng lên thì lượng lao động cũng tăng lên theo, hoặc là do tăng thêm giờ làm, hoặc là do tăng thêm lượng lao động phải tăng thêm lượng lao động phải làm trong một thời gian nhất định, do cho máy chạy tăng thêm,…
Lao động thủ công càng ít cần đến sự khéo léo và sức lực chừng nào, nghĩa là công nghiệp hiện đại càng tiến triển thì lao động của người dân càng được khai thác triệt để. Những sự phân biệt về lứa tuổi và giới tính không còn có ý nghĩa xã hội gì nữa đối với người dân lao động. Tất cả đều là công cụ lao động mà chi phí thì thay đổi theo lứa tuổi và giới tính.

Một khi người dân đã bị các ông chủ đảng viên bóc lột và đã được trả tiền công rồi thì anh ta lại trở thành miếng mồi cho các phần tử đảng viên khác: công an, phòng thuế, chính quyền thôn xã,…
Những thợ thủ công và nông dân đều bị rơi xuống hàng ngũ giai cấp cùng đinh của xã hội, một phần vì số vốn ít ỏi của họ không đủ cho phép họ quản lý những xí nghiệp, nên họ bị sự cạnh tranh của các ông chủ đảng viên đánh bại, một phần vì sự khéo léo nhà nghề của họ bị những phương pháp sản xuất mới làm giảm giá trị đi. Thành thử những người lao động cùng đinh được tuyển mộ trong tất cả các giai cấp của dân cư.

Người dân lao động Việt Nam hiện nay trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Cuộc đấu tranh của họ chống Giai cấp Đảng viên bắt đầu ngay từ lúc họ lớn lên và đi làm.

Thoạt đầu, cuộc đấu tranh được tiến hành bởi những người dân riêng lẻ; kế đến, bởi những người dân có cùng cảnh ngộ; và sau đó, bởi những người dân cùng một địa phương chống lại những đảng viên trực tiếp bóc lột họ. Trong quá khứ, họ đấu tranh rất tản mạn và bị chia nhỏ. Nếu có lúc họ tập hợp nhau lại thì đó cũng chưa phải là kết quả của sự liên hợp của chính họ, mà là kết quả của sự kích động của giới Đảng viên: nó muốn đạt những mục đích chính trị của nó, nên phải huy động toàn thể dân chúng và tạm thời có khả năng huy động được như vậy. Bởi vậy, suốt trong nhiều thập niên truớc đây, người dân chưa đánh kẻ thù của chính mình, mà đánh kẻ thù của kẻ thù của mình, tức là những tàn dư của chế độ thực dân phong kiến. Toàn bộ sự vận động lịch sử được tập trung như vậy vào tay Giai cấp Đảng viên; mọi thắng lợi đạt được trong những điều kiện ấy đều là thắng lợi của Giai cấp Đảng viên.

Nhưng hiện nay, sự phát triển của sản xuất đã làm tăng thêm số người bần cùng, và họ tập hợp thành những khối quần chúng lớn hơn; lực lượng của những người bần cùng tăng thêm và họ thấy rõ lực lượng của mình hơn. Vì bọn đảng viên ngày càng cắn xé với nhau hơn và vì khủng hoảng tài chính do sự cắn xé ấy sinh ra, cho nên tiền công càng trở nên bấp bênh; việc liên tục thay đổi công nghệ sản xuất làm cho tình cảnh của người lao động ngày càng bấp bênh, những cuộc xung đột cá nhân giữa người lao động và đảng viên ngày càng có tính chất những cuộc xung đột giữa hai giai cấp. Người lao động bắt đầu thành lập những liên minh chống lại bọn đảng viên để bảo vệ tiền công của mình. Thậm chí họ đi tới chỗ lập thành những đoàn thể bí mật để sẵn sàng đối phó, khi những cuộc xung đột bất ngờ xảy ra. Đây đó, đấu tranh đã nổ thành bạo động.

Đôi khi người lao động thắng; nhưng đó là một thắng lợi tạm thời. Kết quả thực sự của những cuộc đấu tranh của họ là sự đoàn kết ngày càng rộng của những người lao động, hơn là sự thành công tức thời. Việc phát triển công nghệ truyền thông giúp cho nhân dân các địa phương tiếp xúc với nhau, đã làm cho sự đoàn kết đó được dễ dàng. Mà chỉ tiếp xúc như vậy cũng đủ để tập trung nhiều cuộc đấu tranh địa phương, đâu đâu cũng mang tính chất giống nhau, thành một cuộc đấu tranh toàn quốc. Bất cứ cuộc đấu tranh nào cũng là một cuộc đấu tranh chính trị, và sự đoàn kết mà những người lao động thời xưa đã phải mất cả năm trời mới xây dựng được bằng những công cụ thông tin lạc hậu thì những người lao động ngày nay chỉ cần vài ngày, nhờ có internet.

Sự tổ chức như vậy của người dân, dần dần thành chính đảng, luôn luôn bị sự cạnh tranh giữa những nhóm chính kiến khác nhau phá vỡ. Nhưng nó luôn luôn được tái lập và luôn luôn mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn, hùng mạnh hơn. Nó lợi dụng những bất hoà trong nội bộ của tầng lớp đảng viên để buộc tầng lớp này phải thừa nhận, bằng luật pháp, một số quyền lợi của công dân: ví dụ quyền được công khai biểu tình (cho dù quyền này chỉ có trên giấy tờ).

Nói chung, những xung đột xảy ra trong xã hội hiện nay giúp bằng nhiều cách cho ý thức chính trị của dân chúng phát triển. Tầng lớp đảng viên sống trong một trạng thái nơm nớp lo sợ: sợ bị các đàn anh như Trung Quốc đe doạ; sau đó, sợ các bộ phận của chính ngay tầng lớp đảng viên mà quyền lợi xung đột với sự tiến bộ với lượng của cải vật chất ngày càng lớn của xã hội. Trong hết thảy những cuộc đấu tranh ấy, tầng lớp đảng viên tự thấy mình buộc phải kêu gọi các tầng lớp nhân dân, yêu cầu họ giúp sức, và do đó, lôi cuốn họ vào phong trào chính trị. Thành thử tầng lớp đảng viên đã cung cấp cho những người dân một phần những tri thức chính trị và những tri thức phổ thông của bản thân nó, nghĩa là những vũ khí chống lại bản thân nó.

Hơn nữa, như chúng ta vừa thấy, nhiều bộ phận dân chúng bị đảng viên tịch thu tài sản đang biến dần thành giai cấp cùng đinh. Những bộ phận ấy cũng đem lại cho quần chúng nhiều tri thức.
Cuối cùng, khi mà cuộc đấu tranh chống lại tầng lớp đảng viên tiến gần đến giờ quyết định thì quá trình tan rã của bọn thống trị mang một tính chất dữ dội và khốc liệt đến nỗi một bộ phận lớn của tầng lớp đảng viên sẽ ly khai khỏi Đảng và đi theo quần chúng cách mạng, đi theo khối quần chúng đang nắm tương lai trong tay. Cũng như xưa kia, một bộ phận của thực dân phong kiến chạy sang hàng ngũ cộng sản; ngày nay, một bộ phận đảng viên cũng ly khai khỏi Đảng, đó là bộ phận những trí thức cộng sản tiến bộ đã nhận thức ra, về mặt lý luận, toàn bộ quá trình vận động lịch sử.

Trong cuộc đối đầu với tầng lớp đảng viên hiện nay, toàn thể nhân dân Việt Nam đều có khả năng hành động. Tất cả các tầng lớp dân chúng đều bị đảng viên cai trị, do đó họ đều là sản phẩm của một xã hội do chính tầng lớp đảng viên tạo ra.

Tất cả những tầng lớp trước kia sau khi chiếm được chính quyền, đều ra sức củng cố địa vị mà họ đã nắm được bằng cách bắt toàn xã hội tuân theo những điều kiện đảm bảo cho phương thức chiếm hữu của chính chúng. Những người dân Việt Nam hiện nay chỉ có thể giành được chính quyền bằng cách xoá bỏ phương thức toàn trị cộng sản, xoá bỏ toàn bộ phương thức cai trị nói chung đã tồn tại từ trước đến nay. Người dân Việt Nam hiện nay chẳng có gì là của mình để bảo vệ cả, họ phải phá huỷ hết thảy những cái gì, từ trước đến nay, vẫn bảo đảm và bảo vệ chế độ.

Tất cả những phong trào lịch sử, từ trước tới nay, đều là do thiểu số thực hiện, hoặc đều mưu cầu lợi ích cho thiểu số. Phong trào dân chủ là phong trào độc lập của khối đại đa số, mưu cầu lợi ích cho khối đại đa số. Quần chúng nhân dân Việt Nam, tầng lớp ở bên dưới nhất của xã hội, không thể vùng dậy, vươn mình lên nếu không làm nổ tung toàn bộ cái thượng tầng kiến trúc bao gồm những tầng lớp cấu thành xã hội.
Cuộc đấu tranh của Nhân dân chống lại Đảng, về mặt nội dung, thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, mang lại tự do thực sự cho người dân. Đương nhiên là trước hết, quần chúng nhân dân phải thanh toán xong tầng lớp đảng viên chóp bu trước đã.

Trong khi phác ra những nét lớn của các giai đoạn phát triển của cuộc đấu tranh dân chủ, chúng tôi đã nghiên cứu những vận động ít nhiều mang tính chất ngấm ngầm trong xã hội hiện nay cho đến khi cuộc đấu tranh ấy nổ bung ra thành cách mạng công khai, mà quần chúng nhân dân thiết lập một xã hội tự do dân chủ bằng cách lật đổ chế độ toàn trị bằng con đường hòa bình.

Tất cả những xã hội trước kia, như chúng ta đã thấy, đều dựa trên sự đối kháng giữa lực lượng áp bức và quần chúng bị áp bức. Nhưng muốn áp bức dân thì cần phải bảo đảm cho dân những điều kiện sinh sống khiến cho họ chí ít, cũng có thể sống được trong vòng nô lệ. Người dân trong chế độ phong kiến, tuy cũng là nô lệ, nhưng ít ra cũng được tự do về mặt tư tưởng. Người lao động trở thành một người nghèo khổ, và nạn nghèo khổ cònNhưng người dân trong xã hội toàn trị cộng sản hiện nay, trái lại, đã không có bất kì một quyền tự do tư tưởng nào. tăng lên nhanh hơn là dân số và của cải. Vậy hiển nhiên là Giai cấp Đảng viên không có khả năng tiếp tục làm tròn vai trò giai cấp thống trị của mình trong toàn xã hội và buộc toàn xã hội phải chịu theo điều kiện sinh sống của giai cấp mình, coi đó là một quy luật chi phối tất cả. Nó không thể thống trị được nữa, vì nó không có thể đảm bảo cho người nô lệ của nó ngay cả một mức sống nô lệ, vì nó đã buộc phải để người nô lệ ấy rơi xuống tình trạng khiến nó phải nuôi người nô lệ ấy, chứ không phải người nô lệ ấy phải nuôi nó. Xã hội không thể sống dưới sự thống trị của Giai cấp Đảng viên nữa, như thế có nghĩa là sự tồn tại của giai cấp Đảng viên không còn tương dung với sự tồn tại của xã hội nữa.

Điều kiện căn bản của sự tồn tại và sự thống trị của Giai cấp Đảng viên là sự tích luỹ của cải vào tay những tư nhân, là sự hình thành và tăng thêm tư bản. Điều kiện tồn tại này là lao động làm thuê. Lao động làm thuê hoàn toàn dựa vào sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau. Sự tăng trưởng của cải vật chất mà Giai cấp Đảng viên là người đại diện mặc nhiên của nó và không đủ sức chống lại nó đem sự đoàn kết cách mạng của nhân dân do liên hợp lại mà có, thay cho sự chia rẽ của nhân dân do cạnh tranh giữa họ gây nên. Như vậy, cùng với sự gia tăng của cải, chính cái nền tảng trên đó Giai cấp Đảng viên đã sản xuất và chiếm hữu, đã bị phá sập dưới chân Giai cấp Đảng viên. Trước hết, Giai cấp Đảng viên sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó. Sự sụp đổ của Giai cấp Đảng viên và thắng lợi của Giai cấp Nhân dân đều là tất yếu.

Căn cứ theo những điều mà chúng tôi đã nói ở trên, Giai cấp Nhân dân coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách lật đổ trật tự xã hội hiện hành một cách hòa bình. Mặc cho Giai cấp Đảng viên luôn sẵn sàng dùng công an và mọi thủ đoạn bẩn thỉu để đàn áp! Trong cuộc đấu tranh này, Nhân dân chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được chính quyền dân chủ cho mình.
Nhân dân cả nước, đoàn kết lại!

Đọc tại Ba Đình, Hà Nội, ngày Quốc tế lao động 1.5.2009
Các Mác và Ăng Ghen
© 2009 talaCu

No comments: