Wednesday, May 6, 2009

TỪ HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ TỚI HIỆP ĐỊNH GENEVA

Từ Hiệp định sơ bộ 6-3-46 đến Hiệp định Genève 20-7-54

Phong Uyên

Đăng ngày 06/05/2009 lúc 15:25:05 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3745

Ngày 8-5-1954 cách đây đúng 55 năm khai mạc Hội nghị Genève với mục tiêu chính là chấm dứt chiến tranh Đông Dương. Hội nghị bế mạc đêm 20-7-1954 với kết quả là Việt Nam bị chia đôi. Có thể nói, so với Hiệp định sơ bộ được ký ngày 6-3-1946 giữa Pháp và Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam hồi đấy, Hiệp định Genève là một sự thụt lùi, một tước đoạt những chiến thắng mà toàn dân Việt đã đạt được sau 8 năm kháng chiến chống Pháp. Hơn thế nữa Hiệp định Genève chính là nguồn gốc của cuộc nội chiến kéo dài thêm 20 năm, tạo ra bao mối căm hờn trong lòng dân tộc mà cho tới bây giờ vẫn không rũ bỏ được.

Để tiện so sánh, tôi xin trưng dẫn toàn văn bản Hiệp định sơ bộ 6-3-46:

1° Chính phủ Pháp công nhận nước Cộng Hoà Việt Nam là một quốc gia tự do có chính phủ riêng, quốc hội riêng, quân đội riêng, tài chính riêng, một thành phần trong Liên bang Đông dương và Liên hiệp Pháp.

2° Về việc thống nhất 3 kỳ, chính phủ Pháp cam kết sẽ ưng chuẩn những quyết nghị của dân chúng được trưng cầu dân ý.

3° Chính phủ Việt Nam tuyên bố tuyên bố sẵn sàng đón tiếp trong tình thân hữu quân đội Pháp khi, theo đúng những hiệp ước quốc tế, quân đội ấy đến thay thế quân đội Trung Hoa.

4° Một hiệp ước phụ thuộc sẽ ấn định những phương thức theo đó sẽ được thực hiện những công tác thay thế.

Những phương thức được kể trong hiệp ước phụ thuộc chỉ gồm những cam kết về quân sự:

1° Các binh lực thay thế ( quân đội Tàu Tưởng để giải giới quân đội Nhật ) sẽ gồm có :
a) 10000 quân đội Việt Nam với cán bộ Việt của họ và thuộc nhà cầm quyền quân sự Việt Nam;
b) 15000 người Pháp, kể cả những quân lực Pháp đang có mặt ở bắc vĩ tuyến 16. Những người ấy sẽ phải là thuần túy Pháp gốc gác ở chính quốc, ngoại trừ những bộ đội có nhiệm vụ canh giữ tù binh Nhật.
2° Những phần tử Pháp của lực lượng thay thế được chia thành 3 loại :
a) Các đơn vị có nhiệm vụ canh gác tù nhân Nhật. Những đơn vị ấy sẽ được hồi hương ngay khi đã hoàn tất việc hồi cư tù binh Nhật, dầu sao cũng trong một kỳ hạn tối đa là 10 tháng.
b) Các đơn vị có nhiệm vụ bảo đảm, với hợp tác của quân đội Việt Nam, gìn giữ trật tự công cộng và an ninh, sẽ được thay thế bởi quân đội Việt, mỗi năm 1 phần 5, vậy sự thay thế sẽ hoàn tất trong thời hạn 5 năm.
c) Các đơn vị có nhiệm vụ phòng vệ những căn cứ Việt Nam sẽ có những vùng cắm trại với ranh giới rõ rệt được dành riêng cho họ.

Ký tên: Sainteny, Hồ Chí Minh, Vũ Hồng Khanh

Hiệp định Genève ký ngày 20-7-54 chỉ là một bản hiệp ước đình chiến quân sự với mục đích duy nhất là chia đôi Việt Nam một cách lâu dài. Điều khoản chính trị độc nhất là sẽ có Tổng tuyển cử 2 năm sau, lại không nằm trong hiệp định mà nằm trong Điều số 7 trong số 13 điều khoản dành cho những văn kiện quân sự của bản "Tuyên ngôn sau cùng" được đính vào bản Hiệp định ngày hôm sau 21-7. Bản Tuyên ngôn này chỉ được 7 nước thành viên Hội nghị chấp nhận miệng mà không ai ký tên.

Thử so sánh Hiệp định Genève với Hiệp định sơ bộ:

Về chính trị:

Hiệp định sơ bộ công nhận chỉ có một nước Việt Nam tự do với một chính phủ duy nhất trong khi Hiệp định Genève coi là có 2 nước Việt Nam, có 2 chính phủ khác nhau với 2 lãnh thổ và với dân số gần như cân đối nhau. Tất nhiên là những cường quốc tạo ra hiệp ước này có ý muốn phỏng theo Triều Tiên, để chia đôi Việt Nam đời đời theo 2 khối thuộc 2 ý thức hệ khác nhau, một bên là thế giới tự do, một bên là các nước Cộng hoà Nhân dân. Nói cho cùng thật ra đó chỉ là một sự chia đôi Việt Nam giữa Tàu và Mỹ. Có thể nói Chu Ân Lai là người đầu sỏ đã cướp đoạt và biến chiến thắng Điện Biên ngày 7-5-54 thành một chiến lợi phẩm mặc cả với Mỹ, lấy Việt Nam chia vùng ảnh hưởng : Nửa Bắc sẽ phụ thuộc bá quyền Tàu đang tìm cách bành trướng. Nửa Nam sẽ biến thành tiền đồn của Mỹ chặn đường xuống Đông Nam Á của Tàu.

Hiệp định sơ bộ cam kết một cách rất rõ ràng là ba Kỳ sẽ thống nhất (thật sự chỉ là trả lại thuộc địa Nam kỳ) qua một cuộc trưng cầu dân ý. Chắc chắn là 99% người dân Nam bộ sẽ chọn trở về với tổ quốc. Trưng cầu dân ý chỉ là một hình thức pháp lí để quốc hội Pháp, một nước pháp quyền dân chủ, có thể ưng thuận. Trái lại chỉ có những lời lẽ vu vơ nói về Tổng tuyển cử trong bản "Tuyên ngôn sau cùng" : "Hội nghị tuyên bố rằng sẽ có tổng tuyển cử ở Việt Nam vào tháng 7 năm 1956, và 2 vùng sẽ hội ý nhau bắt đầu từ tháng 7 năm 1955". Những câu này không lừa bịp được ai và không một ai có thể tin nổi là sẽ có hiệp thương trong một thời gian ngắn và rõ ràng như vậy để bàn về một tổng tuyển cử, không biết có thể được thực hiện trong hình thức nào vì chưa bao giờ được thể hiện trong một nước Cộng hoà Nhân dân. Tổng tuyển cử từ trước tới nay chỉ được thực hiện ở những nước dân chủ dưới 2 hình thức: hoặc là bầu đại biểu quốc hội ở những nước theo chế độ đại nghị như Anh, hoặc là bầu tổng thống trong những nước theo tổng thống chế như Mỹ. Chính thể của ông Hồ hồi đó không nằm trong 2 chế độ này và tất nhiên là không thể từ bỏ chế độ độc đảng toàn trị của mình để chấp thuận một cuộc tổng tuyển cử chỉ có thể thực hiện được ở chế độ đa đảng. Và dù thật tâm ông Hồ có muốn, Trung Quốc cũng sẽ phá vì không một lí do gì bá quyền Trung Quốc muốn có một nước Việt Nam thống nhất dân chủ hùng mạnh phồn thị ở cạnh hông mình. Còn Việt Nam chia đôi, Bắc Việt sẽ như Bắc Triều Tiên, đời đời phụ thuộc mình.

Về quân sự:

Hiệp định sơ bộ ấn định rõ ràng là 10000 ngàn quân Việt Nam sẽ chung sức với 15000 ngàn quân Pháp chính quốc làm nhiệm vụ quốc tế thay thế quân đội Trung Hoa giải giới quân đội Nhật, giữ gìn an ninh. Số quân đội Pháp, mỗi năm bớt đi 1/5 trong khoảng 5 năm sẽ rút về hết ngoại trừ ở một vài vùng được đóng quân với sự ưng thuận của chính phủ Việt Nam. Nếu hồi 20 giờ ngày 19-12-46 không phát động Toàn quốc kháng chiến (Một bí ẩn trong lịch sử vì trước đó 4 giờ Tướng Võ Nguyên Giáp đã triệu tập các trưởng sư đoàn khu II Hà Nội ra lệnh hoãn tấn công mà không biết vì sao mệnh lệnh này không được thi hành), sẽ không có chiến tranh Việt - Pháp. Hiệp định sơ bộ được thực thi cho phép một số quân Pháp được đóng ở một vài vùng giáp giới với Trung Quốc góp phần bảo vệ Việt Nam và Liên bang Đông Dương trong Liên hiệp Pháp (đổi là Cộng đồng nói tiếng Pháp), Trung Quốc sẽ không thể khống chế sông Mêkông như bây giờ và cho Việt Nam "bài học 79". Đồng thời nếu có một vài tuần dương hạm Pháp trấn giữ Hoàng Sa - Trường Sa trợ giúp hải quân Việt Nam thì Trung Quốc còn lâu mới dám chiếm đảo lấn biển.

Nói tóm lại sự hy sinh của quân dân Việt Nam đổ bao nhiêu xương máu tạo ra chiến thắng Điện Biên, chiến thắng An Khê (24-6 / 14-7-54) làm hậu thuẫn cho cuộc hội đàm Genève đều hoàn toàn vô ích và Hiệp định Genève chỉ là một hiệp định chia đôi Việt Nam, chia vùng ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ, coi thường ý chí thống nhất đất nước của toàn dân Việt Nam. Tất nhiên là chính quyền nào dù Bắc hay Nam đều bị Hiệp định Genève dồn vào thế là trước sau cũng phải tìm một giải pháp để thống nhất đất nước. Miền Bắc, yếu kém về kinh tế lại mù quáng về chính trị, tất nhiên chỉ có một giải pháp độc nhất là quân sự. Bởi vậy không lấy làm ngạc nhiên là chính quyền cộng sản miền Bắc đã sửa soạn chiến tranh ngay từ khi bắt đầu tập kết ra Bắc và chính quyền quốc gia miền Nam của ông Diệm cũng không bỏ ý chí thống nhất đất nước. Chỉ khác là ông Diệm phải củng cố chính quyền để miền Nam có một chính thể mạnh và vững vàng trước khi nghĩ đến hoà đàm. Có thể vì muốn tránh sức ép của Mỹ nên ý định hoà đàm đã đến sớm quá và đã là nguyên nhân đưa đến cái chết của 2 anh em ông Diệm ông Nhu.

Thử tìm hiểu vì sao Hiệp định Genève là một sự thụt lùi so với Hiệp định sơ bộ?

3 lí do khiến Pháp hồi đầu 46 phải nhượng bộ rất nhiều khi ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946:

1° Ngày 28-2-46 một hiệp ước được ký giữa Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch tại Trùng Khánh cho phép quân đội Pháp được thay thế quân đội Trung Hoa giải giới quân đội Nhật ở Bắc Đông Dương. Để đổi lại Pháp phải nhượng bộ rất nhiều như trao trả lại cho Tàu các nhượng địa Pháp ở Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Châu kể cả Quảng Châu Loan mà Pháp thuê 99 năm cho tới 1997 như Hồng Kông của Anh. Ngoài ra Pháp phải bán lại cho Trung Hoa khúc đường sắt từ Lào Kai tới Côn Minh và quyền sử dụng đường sắt từ Hải Phòng đến Lào Kai. Về thương mại Pháp phải cam kết tăng ưu quyền cho các Bang Tàu. Yên chí là Hiệp ước Pháp-Hoa sẽ được thi hành nên Leclerc bắt đầu nhổ neo từ Sài Gòn đem 10000 quân qua đường thủy tính đến sáng ngày 5-3 tới Cửa Cấm. Không ngờ mấy tướng Tàu, được ông Hồ lấy vàng của nhân dân trong Tuần lễ vàng đút lót, trở mặt đòi phải có một thoả hiệp gấp giữa Việt Nam và Pháp. Trước nguy cơ phải đương đầu với quân đội Việt Nam có sự hỗ trợ của quân đội Tàu, Pháp đành phải ký gấp trong vài giờ ngày 6-3 Hiệp định sơ bộ.

2° Đối với quốc tế nhất là với chính quyền Roosevelt của Mỹ trước nay tuy bài thực dân nhưng luôn luôn muốn phát huy dân chủ, chính phủ của ông Hồ phải là một chính phủ Liên hiệp gồm đủ mọi thành phần mới được chấp nhận là có đủ tư cách thay mặt toàn dân Việt Nam. Hiệp định sơ bộ, ngoài chữ ký của ông Hồ, chủ tịch Chính phủ Liên hiệp Quốc gia Kháng chiến, còn có chữ ký của ông Vũ Hồng Khanh, Quốc dân đảng được ông Hồ khôn khéo phong cho chức phó chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến tượng trưng thành phần quốc gia. Pháp tuy biết tỏng cũng giả ngơ để ký cho bằng được Hiệp định này.

3° Trong Hiệp định sơ bộ, số quân đội Pháp được ấn định là 15000 ngàn người. Pháp muốn ăn gian đem thêm quân cũng không đủ khả năng vì một lí do dễ hiểu là Pháp, trong Thế chiến thứ 2 chỉ trong 7 ngày đã thất trận vì khôn khéo nên được nằm trong Ngũ cường chứ quân đội mới thành lập lại, có ven vét lắm cũng không thể đem qua Việt Nam được quá con số đó.

Và đây là những lí do khiến chính quyền VNDCCH mất mọi chủ động trong Hội nghị Genève và trở thành một con tốt, một quân bài của cộng sản Trung Quốc:

Ngay từ cuối năm 1949 khi Hồng quân Trung Hoa tới sát biên giới, ông Hồ Chí Minh đã nhận thức được là phải dựa vào cộng sản Nga để cân bằng áp lực mỗi ngày sẽ một mạnh của cộng sản Tàu. Đầu năm 1950 ông đã đuổi theo kịp Mao Trạch Đông sang Nga gặp Stalin yêu cầu Stalin ủng hộ. Nhưng Stalin, trước nay vẫn nghi ngờ ông Hồ là một Tito Việt Nam nên đã mặc cả với Mao dành một số quyền lợi ở Ngoại Mông và Mãn Châu cho mình trong Hiệp ước Trung-Xô 30 năm ký ngày 14-2-50 và để đổi lại, khoán trắng Việt Nam cho Mao. Từ 1950 trở đi từng loạt cố vấn Tàu qua Việt Nam mặc bề thao túng. Xương máu của nhân dân Việt Nam đổ ra tạo những chiến thắng trong kháng chiến chống Pháp lần lần được coi là những chiến thắng chung của phe "Xã hội chủ nghĩa" mà thủ lãnh độc nhất sau khi Stalin chết, là Mao. "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà" được Mao gắn cho danh hiệu là "người lính tiền phong bảo vệ thành trì Xã hội chủ nghĩa" bắt đầu từ đó trở thành công cụ của Mao.

Cũng như Tưởng Giới Thạch đã bán quyền giải giới quân đội Nhật cho Pháp để Pháp đặt chân vào Việt Nam, bỏ mặc các "đồng chí Quốc dân đảng" Việt Nam trước nay vẫn tin tưởng vào đàn anh "Quốc dân đảng" Trung Hoa, Chu Ân Lai đã triệu các đồng chí "Cộng hoà dân chủ Việt Nam" qua Liễu Châu, cưỡng ép phải đem chiến thắng Điện Biên Phủ trao đổi với Mỹ một nửa Việt Nam. Chính Chu Ân Lai đã đề xướng ngay từ đầu là chia đôi Việt Nam từ vĩ tuyến thứ 16 để sau khi mặc cả với Mỹ lui tới vĩ tuyến thứ 17. Như vậy là biên thùy phía Bắc Trung Quốc có Bắc Hàn, biên thùy phía Nam Trung Quốc có Bắc Việt. Tàu quốc, Tàu cộng, Tàu nào cũng chỉ muốn bành trướng bá quyền Đại Hán.

Cũng vì biết vậy nên bên lề cuộc hội đàm Genève Phạm Văn Đồng đã cố gắng điều đình riêng với đại sứ Chauvel Pháp, tính trở lại Hiệp định sơ bộ với ranh giới là vĩ tuyến thứ 13 gần quốc lộ số 19. Cũng cùng lúc đó quân Pháp bị thảm bại khi triệt thoái khỏi An khê trên quốc lộ 19 nên đòi hỏi của ông Đồng có cơ thành tựu, vì chỉ là trở lại những điều ước của Hiệp định sơ bộ ngày trước cộng thêm với những khoản bảo đảm tự do dân chủ mà ông Hồ đã cam kết trong bản Tạm ước Marius Moutet ký sau Hội nghị Fontaibleau tháng 14-9-46. Hiệp định sơ bộ được phục hồi lại sẽ khiến Trung Quốc và Mỹ không kiếm được cớ gì để chia đôi nước Việt Nam. Vùng Việt Nam Tự do, thu gọn lại từ vĩ tuyến thứ 13 trở vào sẽ dễ phòng thủ hơn và sẽ trở thành một Đài Loan, một "Đại Hồng Kông", một vựa lúa, nuôi sống miền Bắc và làm gương cho miền Bắc về dân chủ. Việt Nam không bị chia đôi sẽ là "một nước hai chế độ", và miền Bắc sẽ không có lí do gì để tự chọc thủng hầu bao bị thóc của mình mà đem quân xâm chiếm miền Nam tự do. Tiếc thay là lúc đó đã quá muộn : Pháp cũng như Hồ Chí Minh đã mất mọi chủ động đành để mặc Trung Quốc và Mỹ thao túng chia nhau Việt Nam.

Từ khi bộ đội cộng sản Trung Quốc tiến tới biên thùy tới nay đã gần 60 năm, gần bằng thời kỳ Pháp đô hộ, Trung Quốc luôn luôn tìm đủ mọi cách khống chế Việt Nam. Lẽ ra sau khi chiếm được miền Nam phải có ý nghĩ là làm sao đoàn kết dân tộc để Việt Nam thống nhất có đủ sức mạnh thoát khỏi vòng cương tỏa của Tàu thì những phần tử thiển cận trong Đảng, bị mù quáng bởi hào quang chiến thắng, đã không nghĩ là người miền Nam sở dĩ buông súng là muốn nhân dịp này đồng bào ruột thịt hoà giải với nhau, cùng nhau kiến tạo một nước Việt Nam độc lập thống nhất dân chủ giàu mạnh, mà lại cho là những người "ngụy" này hèn nhát chỉ lo tháo chạy theo Mỹ, để tiếp tục đàn áp cầm tù thủ tiêu những người vì gắn bó với đất nước ở lại. Đồng thời lại áp đặt toàn quốc chính sách kinh tế tập trung độc đoán ngu xuẩn của Trung Quốc trước thời Đặng Tiểu Bình để toàn dân đói khổ.

Đổi mới 89 cứu vãn được một phần; nhưng từ 20 năm nay cơ chế chính trị cũng vẫn là cơ chế của Tàu áp đặt nên vẫn không thoát khỏi được rọ lưới Tàu mặc dù thỉnh thoảng CSVN chơi trò nước đôi, tỏ vẻ xích lại gần Mỹ để làm bộ với Tàu mà không biết là từ 1954 đến nay Trung Quốc và Mỹ trở thành đồng loã: Hiệp định Genève, Hoà hảo giữa Nixon và Bắc Kinh 71, Hội đàm Paris 73, và ngay cho tới vụ Trường Sa - Hoàng Sa bây giờ, Tàu và Mỹ đã luôn luôn mặc cả với nhau trên đầu trên cổ Việt Nam. Với Kinh tế toàn cầu hoá, quyền lợi giữa Tàu và Mỹ dính chặt với nhau, CSVN đừng hòng chơi trò tay 3. Lối thoát duy nhất khỏi nanh vuốt Tàu là phải trở lại tinh thần hoà giải hoà hợp dân tộc hồi 46, phải bỏ điều 4 Hiến pháp để quy tụ mọi thành phần nhân sĩ trong nước cũng như hải ngoại, để phát huy nội lực, chỉ tin ở mình không dựa vào một ngoại bang nào cả. Không có lẽ cả Đảng không có ai đủ vai vế, đủ suy tư để dám có cái ý chí như vậy?

Phong Uyên

© Thông Luận 2009

No comments: