Friday, May 8, 2009

TRUNG QUỐC PHẢN ĐỐI HỒ SƠ THỀM LỤC ĐỊA MỞ RỌNG CỦA VIỆT NAM

TQ phản đối hồ sơ đăng ký của VN
Cập nhật: 02:10 GMT - thứ sáu, 8 tháng 5, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/05/090508_china_viet_registration.shtml
Thông tấn xã nhà nước Trung Quốc cho hay nước này không ủng hộ đăng ký thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia.
Tân Hoa Xã trích lời một quan chức Trung Quốc nói Đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm đã gửi công hàm tới cho Tổng thư ký Ban Ki-moon, yêu cầu Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS) của LHQ "không xem xét hồ sơ chung mà Malaysia và Việt Nam đã nộp về thềm lục địa mở rộng".
Điều này có nghĩa việc đăng ký của Việt Nam và Malaysia sẽ gặp trục trặc.

Việt Nam vừa nộp hồ sơ đăng ký trước thời hạn đặt ra là 13/05.
Theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), mà Việt Nam đã phê chuẩn năm 1994, mỗi nước ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa là 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước đó.
UNCLOS cũng quy định là nếu thềm lục địa của nước ven biển kéo dài ra xa hơn 200 hải lý thì nước đó có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng bên ngoài 200 hải lý gọi là thềm lục địa mở rộng.
Hạn chót 13/05/2009 là để các nước đăng ký thềm lục địa mở rộng này nhằm khai thác tài nguyên biển trong khu vực đăng ký.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh, Vụ trưởng vụ Biển thuộc Ban Biên giới Quốc gia, giải thích rằng báo cáo mà các nước nộp lúc này chỉ có tính khoa học thuần túy về địa chất, địa mạo để làm cơ sở cho các liên quan về sau, chứ không có giá trị phân định ranh giới.
Sau khi nhận được hồ sơ của quốc gia có biển, CLCS sẽ đưa ra khuyến nghị về ranh giới thềm lục địa mở rộng của nước này. Nếu nước này vạch ranh giới theo khuyến nghị đó thì ranh giới đó sẽ có tính chất ràng buộc vĩnh viễn.

Vùng có tranh chấp
Ông Vinh cũng nói, theo luật quốc tế, tất cả các quốc gia cảm thấy "có thể vươn ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo quy định của Liên Hiệp Quốc đều có thể đăng ký".
"Nhưng việc đăng ký này không phải nhằm để tạo tranh chấp với các nước khác."
Trong trường hợp có thể nảy sinh vấn đề, các quốc gia buộc phải bàn bạc với nhau vì "nếu hồ sơ của nước này bị nước khác phản đối thì sẽ không có giá trị".
Việt Nam đã thực hiện tham vấn các quốc gia có liên quan và được sự chuẩn thuận của Malaysia.
Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa CLCS chỉ xét đăng ký cho vùng bị tranh chấp nếu tất cả những nước trong tranh chấp đồng thuận.
Trung Quốc đã nhiều lần phản đối Việt Nam và các nước trong khu vực khai thác tài nguyên biển Đông, mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích.


TQ chuẩn bị ngoại giao về lãnh hải
Cập nhật: 10:48 GMT - thứ năm, 7 tháng 5, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/05/090506_china_maritime_tasks.shtml
Trung Quốc chính thức giải thích nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách về biên giới trên biển trong quá trình chuẩn bị những bước đi ngoại giao với các nước láng giềng.
Theo trang Global Times của Trung Quốc hôm 06/05/2009, Vụ Biên giới và Hải dương mới lập trong Bộ Ngoại giao sẽ nhắm tới việc giải quyết "các vấn đề biên giới chưa giải quyết xong với một số nước láng giềng".
Theo nhà chức trách Trung Quốc, Vụ này sẽ tập trung lại các công việc vốn bị chia ra giữa các Vụ Công ước và Luật, Vụ Châu Á và Vụ Châu Âu-Trung Á trong Bộ Ngoại giao.
Nay, dưới quyền Vụ trưởng Ninh Phú Khôi, Vụ lo việc hoạch định chính sách về biên giới trên bộ và trên biển, cùng việc hoạch định đường biên và tuần tra chung với các nước láng giềng.
Vụ này cũng sẽ "giải quyết các vấn đề, vụ việc liên quan đến lãnh thổ, bản đồ, địa danh và cả đàm phán về lãnh hải, hải dương".
Vụ trưởng mới từng nắm chức đại sứ Trung Quốc ở Nam Hàn được tiếng là một nhà ngoại giao có kinh nghiệm và kiến thức về luật quốc tế.
Ông Ninh Phú Khôi cũng từng là Phó Vụ trưởng vụ Châu Á.
Điều đáng chú ý là báo chí Trung Quốc tìm cách coi việc lập ra cơ quan cấp vụ này "là chuyện bình thường" và còn nhắc rằng Việt Nam "đã có Ban Biên giới thuộc Bộ Ngoại giao".
Trong nhiều tháng qua, các nước trong vùng, từ Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và cả Đài Loan liên tục có những động thái nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của họ ở Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của Hoa Kỳ cũng là yếu tố khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn so với quan hệ song phương thuần tuý mà Trung Quốc vẫn muốn duy trì trong đàm phán lãnh hải.

Ngoại giao đi kèm quân sự
Với tình hình thay đổi, cũng có dấu hiệu Trung Quốc muốn đàm phán đa phương.
Hồi tháng Ba năm nay, Thượng nghị sĩ Francis Escudero của Philippines đã đưa ra đề nghị rằng Phủ Tổng thống nên chủ động mời các nước quan tâm hội đàm về Trường Sa.
Báo Manila Standard Today số 21-22/03 trích lời ông Escudero nói rằng ông nhận được đảm bảo từ tân đại sứ Lưu Kiến Siêu rằng Trung Quốc muốn dùng đối thoại và các kênh ngoại giao để tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp.
Một số nhà quan sát tin rằng việc lập ra cơ quan chuyên trách cho thấy Trung Quốc cũng chuẩn bị cả về mặt ngoại giao và sẵn sàng đàm phán quốc tế, bên cạnh các hoạt động của hải quân liên quan đến vùng biển Đông Nam Á.
Hồi giữa tháng Tư/2009 trong một phỏng vấn hiếm hoi dành cho Tân Hoa Xã, Đô đốc Ngô Sinh Lợi nói lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt việc tăng cường năng lực hải quân là một trong các ưu tiên hàng đầu.
Nhưng sau khi Trung Quốc biểu dương lực lượng hải quân tháng Tư vừa qua tại Thanh Đảo, cũng có ý kiến cho rằng mục tiêu của Bắc Kinh muốn đóng hàng không mẫu hạm để khống ch́ê các vùng biển Thái Bình Dương là không dễ.
Bài mới nhất của Tetsuo Kotani trên Asia Times 06/05 nói việc đóng các tàu sân bay sẽ rất tốn kém cho Trung Quốc và việc điều khiển, hỗ trợ chúng cũng cần một trình độ phối hợp cao giữa hải lục và không quân.
Kể cả khi Trung Quốc làm đạt được mục tiêu đó thì, theo phân tích của ông Kotani, ṃột chuyên gia tại Ocean Policy Research Foundation, sức mạnh hải quân của Trung Quốc cũng chưa thể đọ được với Hoa Kỳ, nước duy nhất có khả năng triển khai cùng một lúc bảy tổ hợp công kích trên đại dương.
Trong quan hệ với các nước khác, nhà phân tích này nói các hàng không mẫu hạm của Trung Quốc cũng có thể là mục tiêu của tàu ngầm.
Mặt khác, cũng ý kiến từ giới phân tích nói các nước trong vùng và cả Hoa Kỳ cần tăng cường hợp tác để giảm căng thẳng ở vùng biển Đông Nam Á.
Tiến sĩ Ulises Granados từ đại học Tokyo từng cho BBC Tiếng Việt hay rằng Trung Quốc, Mỹ và Philippines cần củng cố biện pháp xây dựng lòng tin, minh bạch ở Biển Đông và "cần thông báo trước về các hoạt động dân sự và quân sự, để tỏ thiện chí".


No comments: