Saturday, May 9, 2009

TIẾN TRÌNH BÁN RẺ TÀI NGUYÊN

Cần tránh một tiến trình bán rẻ tài nguyên
Cập nhật lúc 13h55" , ngày 07/05/2009
http://www.vnmedia.vn/newsdetail.asp?newsid=163587&catid=23
(VnMedia) - Nguồn sống chính từ ngàn đời nay của người nông dân là từ đất. Khi các dự án sân golf phát triển, hy vọng về việc làm, về sự “đổi đời” còn quá xa vời, trong khi việc mất đất, mất “công cụ sản xuất” và chịu những tác động về môi trường thì lại hiển hiện trước mắt.

>>
Quy hoạch sân golf và những lỗ hổng
>>"Treo" sân golf nhưng "bán" địa ốc

Thận trọng khi lấy đất

Một trong những vấn đề được GS Tôn Gia Huyên cho là “nổi cộm” trong việc phát triển sân golf, đó là việc lấn vào đất nông nghiệp, nhất là vào đất trồng lúa. Theo GS Huyên, để có được 23.832 ha đất cho 76 dự án sân golf đã và đang triển khai thì phải thu hồi 9.847 ha đất nông nghiệp, trong đó 1.847 ha là đất trồng lúa nước.
Diện tích đất nông nghiệp, đất trồng lúa nước sẽ còn bị tổn thất nhiều hơn khi các dự án này triển khai ở các tỉnh đồng bằng như Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, TPHCM, Long An, Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau… “Việc dùng đất nông nghiệp, đất trồng lúa làm sân golf không chỉ tạo ra một bộ phận nông dân không còn đất hoặc trở nên thiếu đất mà còn làm cho đồng ruộng bị chia cắt, làm biến đổi cơ cấu nông nghiệp của địa phương, làm rối loạn sinh hoạt và sản xuất của nông dân bản địa” – GS Huyên nói.
Còn theo TS Nguyễn Đức Truyến - Viện Xã hội học thì, đất đai và nông nghiệp hiện nay cho dù chưa đem lại hiệu quả kinh tế mong muốn như công nghiệp hay dịch vụ, song nó cũng đã đảm bảo an ninh lương thực và ổn định xã hội ở mức tốt nhất mà không ngành kinh tế nào hiện nay có thể thực hiện. Việc người nông dân mất đất hay thiếu đất phải rơi vào tình trạng thất nghiệp không chỉ là nguyên nhân của nghèo khổ và bất ổn của nông thôn mà của cả đô thị và xã hội.
TS Nguyễn Ngọc Chu thì dứt khoát: “Cấp phép xây dựng sân golf cũng như các dự án khác đều phải quán triệt chủ trương tận dụng, tiết kiệm, chắt chiu quỹ đất như là một yêu cầu tối quan trọng bắt buộc”.

Lo ngại môi trường

Tác động xấu đến môi trường do hoá chất dùng chăm sóc cỏ cũng như tiêu tốn nguồn tài nguyên nước là vấn đề mà hầu hết những người tham gia hội thảo “sân golf và xây dựng xanh” tổ chức tại Hà Nội ngày 6/5/2009 quan tâm.
Hoá chất được sử dụng cho sân golf, mặc dù đã được lựa chọn với mục tiêu an toàn cho con người và môi trường, nhưng những thử nghiệm trong phòng thí nghiệm dường như chưa đủ để khẳng định tính an toàn của nó đối với sức khoẻ và môi trường.
Theo GS Tôn Gia Huyên, lượng nước tưới, phân hoá học, thuốc trừ sâu được sử dụng ở sân golf là bằng hoặc nhiều hơn so với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm. Thêm vào đó, sân golf được quy hoạch trên vùng địa thế thoát nước tốt nên có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn nước ngầm ở địa phương và gây ô nhiễm cho các vùng lân cận.
Th.s Đỗ Thanh Bái, Trung tâm BVMT và An toàn hoá chất thì cho rằng, cần luật hoá những vấn đề liên quan đến sử dụng hoá chất cho sân golf. Hiện tại Việt Nam đã có Luật về hoá chất, theo đó việc sử dụng hoá chất, đặc biệt là những hoá chất BVTV cho sân golf là những hoá chất có tiềm năng gây nguy hiểm cho sức khoẻ và cho môi trường, sẽ phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về khai báo, đánh giá rủi ro.
Phân tích của KTS Ngô Trung Hải cho thấy, nếu là đất rừng, đồi núi thì việc khai hoang chặt cây, phát cỏ sẽ làm xói mòn, lở đất… hậu quả làm đất suy yếu, dễ bị mưa, lũ hoặc động đất huỷ hoại.
Đặc biệt nghiêm trọng, trung bình mỗi năm một hecta sân golf sử dụng 1,5 tấn hoá chất, trong đó có axit sillic, ôxit nhôm và ôxit sắt – các tác nhân có tiềm năng gây ung thư, tức là gấp khoảng 3 lần so với một khu canh tác nông nghiệp cùng diện tích. Ngoài ra, việc xử lý, chôn lấp rác thải rắn do du khách để lại, nếu làm không đúng kỹ thuật cũng sẽ là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước cho khu vực dân cư quanh vùng.

Việc sử dụng nhiều nước ngọt để tưới cỏ sân golf mỗi ngày cũng là vấn đề mà nhiều người hết sức quan ngại. “Hệ thống tưới tiêu sân golf phải được bố trí độc lập với hệ thống cấp, thoát nước của khu vực lân cận, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường khi thải ra ngoài khu sân golf” – TS Lê Trọng Bình đề xuất. Theo TS Bình, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là khá cao và là những thách thức rất lớn đối với môi trường khu vực xây dựng sân golf. Do đó, vấn đề xử lý nước thải đối với sân golf (đặc biệt là nước mặt) cần được quan tâm đặc biệt.

“Việc trả giá cho sân golf là tiềm tàng và lâu dài hơn rất nhiều nguồn lợi trước mắt. Thực chất, đây là một tiến trình bán rẻ tài nguyên thiên nhiên. Liệu các khoản thuế mà các chính phủ thu được từ các chủ câu lạc bộ có đủ để trả cho các tác động lâu dài của việc mất đất nông nghiệp, giảm năng suất và mất nguồn lợi nông – lâm - thuỷ sản do thoái hoá rừng và ô nhiễm đất – nước trong hàng trăm năm sau?” là câu hỏi mà Ths. KTS Nguyễn Xuân Anh đặt ra trong bản tham luận của mình thật đáng để mọi người suy ngẫm.
Tuệ Khanh

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, số đất đưa vào xây dựng sân golf đã lên tới 38.000 ha, trong đó có 15.200ha đất trồng lúa bị thu hồi cho các dự án sân golf, hai dự án sân golf nằm trên địa bàn bốn xã, có tổng diện tích khoảng 800 ha gồm đất nông nghiệp và đất bãi của các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc. Số đất của ba xã này phải cắt cho dự án sân golf là 500 ha có liên quan tới đời sống của khoảng 10.000 dân.

Dự án sân golf chiếm ruộng lúa là có "ngầm ý" khác?
07:52' 07/05/2009 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/xahoi/2009/05/846161/


No comments: