Thạch Sơn - bây giờ vẫn như... ngày ấy!
MAI MINH
03-05-2009 23:06:48 GMT +7
http://www.phapluattp.vn/news/nha-nuoc/view.aspx?news_id=252144
Mỗi năm có 40- 50 bệnh nhân ung thư chờ chết. Nhà máy super phốt phát Lâm Thao tiếp tục xả thải (vượt mức cho phép hàng trăm lần) ra môi trường.
Bốn năm trước, Báo Pháp Luật TP.HCM đăng loạt bài về “làng ung thư” (xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, Phú Thọ). Vấn đề ô nhiễm do nhà máy super phốt phát Lâm Thao gây ra ở đây đã trở thành đề tài nóng tại Quốc hội, Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo giải quyết, các bộ ngành liên quan họp bàn giải pháp. Thế nhưng bốn năm sau, tình trạng ấy vẫn chưa hề được cải thiện.
Phía sau nấm mồ của những người chết vì bệnh ung thư này là bãi xỉ của nhà máy super, ống khói của nhà máy và hàng chục lò gạch đỏ lửa ngày đêm.
http://www.phapluattp.vn/img/03-05-2009/5-ngoimo.jpg
Gần 1/3 số người chết là do ung thư
Tháng 12-2008, chị Trần Thị Tân (sinh năm 1971) vẫn đang sinh hoạt bình thường, bỗng một ngày chị thấy đầy bụng, buồn nôn, đau tức vùng ổ bụng. Các bệnh viện đều kết luận: ung thư dạ dày di căn. Chị Tân qua đời tháng 2-2009. Trước đó, ông nội và bố của chị cùng sống dưới ngôi nhà này đều đã lần lượt chết vì ung thư cách đây năm năm và 10 năm.
Những người già trong làng kể lại: Nhà máy super phốt phát Lâm Thao được xây dựng từ những năm 1960, bắt đầu thải xỉ ra bãi rác ven làng, mương thoát nước thải chạy quanh làng và chia làm hai nhánh: một nhánh chảy vào cánh đồng, một nhánh ra sông Hồng. Khoảng giữa những năm 1960 đến giữa những năm 1970, hàng chục bể chứa axit to bằng cả toa tàu được vứt bừa bãi bên rìa làng, axit rỉ ra ngấm vào nguồn nước.
Số người chết vì ung thư tăng lên đột biến từ khoảng 20 năm nay. Chủ tịch xã - bà Nguyễn Thị Thắng cho biết năm 2005 trong xã chỉ thường xuyên có 12 người mắc bệnh ung thư thì năm 2008 có 49 người; ở thời điểm đầu tháng 2-2009, tại xã có 40 người mắc bệnh ung thư. Bệnh nhân ung thư thường xuyên chiếm 0,6% số dân trong xã. Theo Trưởng trạm y tế xã - ông Lê Tố, “Ở Việt Nam có loại ung thư nào thì ở Thạch Sơn có người mắc ung thư loại đó”. Theo thống kê của Trạm y tế xã, từ năm 2005 đến nay, xã Thạch Sơn có 162 người chết, trong số đó có 51 người chết vì bệnh ung thư. Thế nhưng nhiều cơ quan chức năng lại cho rằng đó là con số thống kê tự phát, không đáng tin cậy.
Theo bà Nguyễn Thị Thắng, trong tổng số 200 ha đất nông nghiệp của xã, có 55 ha đất trồng cây nào chết cây nấy. Với 20 ha đất ven bãi xỉ của nhà máy, không có con gì, cây gì sống được nên một số hộ dân đành lấy đất đó đóng gạch. 35 ha đất nông nghiệp là “vùng đệm” nối đồng Khói với khu dân cư cũng không trồng cấy được gì. Người dân xin chuyển mục đích sử dụng sang nuôi cá, nuôi vịt.
Kiến nghị vẫn nằm trên giấy
Cuối năm 2005, UBND xã Thạch Sơn đã đưa ra sáu kiến nghị: Xây đường ống dẫn nước từ Việt Trì về Thạch Sơn; khám bệnh cho toàn bộ người dân trong xã; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người dân để được khám bệnh miễn phí; những trường hợp mắc bệnh ung thư được miễn tiền truyền dịch, được giúp đỡ, hỗ trợ để kéo dài sự sống; di dời 200 hộ dân đang sinh sống tại khu vực quanh nhà máy; xử lý môi trường ô nhiễm ở Thạch Sơn.
Bốn năm sau, đường ống nước sạch đã xây xong nhưng chưa có nước vì chưa đấu nối. Theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phải huy động đủ 100% số người chưa có bảo hiểm y tế tham gia thì nhà nước mới hỗ trợ 50% chi phí, mà nhiều hộ dân nghèo ở đây không có tiền để mua nên kế hoạch mua thẻ bảo hiểm cho toàn bộ người dân trong xã bị phá sản. Sau hơn một năm được khám chữa bệnh miễn phí tại Bệnh viện K Hà Nội, đầu năm 2007 bệnh viện không còn tiếp tục miễn phí nữa. Kế hoạch di dời 200 hộ dân cũng không được quan tâm.
Chị Trần Thị Tân mắc bệnh ung thư một tuần trước khi qua đời.
http://www.phapluattp.vn/img/03-05-2009/5-nam.jpg
Những cánh đồng đất chết tại Thạch Sơn
http://www.phapluattp.vn/img/03-05-2009/5-ruong.jpg
Để tránh cho gà vịt và người khỏi sẩy chân xuống dòng nước thải trong con mương dẫn nước thải từ nhà máy super chạy qua làng, người ta phải chắn lưới.
http://www.phapluattp.vn/img/03-05-2009/5-dung.jpg
Người dân sợ nước giếng trong làng ô nhiễm nên nhà nào có tiền đều mua nước trong bình bán sẵn về uống. Nhà nào không có tiền đành uống nước giếng khoan. Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao - ông Triệu Vương Hà cho biết đường ống dẫn nước về Thạch Sơn đã xong nhưng chưa có tiền lệ đơn vị phụ trách vận hành và kinh doanh nước tại cấp xã nên chưa biết áp dụng mô hình nào. Tuy nhiên, dù chưa tìm ra được phương án nào hợp lý thì huyện cũng sẽ linh động lập một tổ chức kinh doanh tạm thời để vận hành đường nước cấp nước cho dân.
Tiếp tục gây ô nhiễm
Sau khi dư luận lên tiếng, các đoàn của trung ương về kiểm tra thực tế, Công ty super phốt phát Lâm Thao đã xây bờ bao quanh bãi xỉ, đổ đất lên và trồng cây lên trên bãi xỉ nhằm giảm việc thẩm thấu của hóa chất ra bên ngoài, nâng cao ống khói nhà máy, xây đường thoát nước bằng xi măng chạy qua làng ....
Cảnh sát môi trường kiểm tra vi phạm về môi trường tại Công ty super Lâm Thao.
http://www.phapluattp.vn/img/03-05-2009/5-congan.jpg
Thế nhưng ngày 26-12-2008, Cục Cảnh sát môi trường (C36) kiểm tra và phát hiện công ty này xả thẳng nước thải chưa được thu gom, xử lý ra sông Hồng qua hệ thống kênh lộ thiên, lưu lượng 350 m3/giờ và xả ra kênh mương thuộc xã Chu Hóa 50 m3/giờ. Bình quân mỗi ngày công ty này xả khoảng 5.000 m3 nước thải có hàm lượng chất clo vượt... 177 lần mức cho phép. 30 ngàn tấn xỉ pirit trong bãi chôn được thành đồi không có biện pháp chống thẩm thấu phát tán vào đất và nguồn nước ngầm, phát tán ra cánh đồng xã Thạch Sơn. Kho lưu trữ cặn lưu huỳnh đang chứa trên 100 tấn cặn độc hại. Công ty cũng chưa có sổ đăng ký chủ nguồn thải; không hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải với đơn vị có chức năng. Đoàn kiểm tra đã kết luận công ty này có năm hành vi vi phạm: Xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 lần trở lên; không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định; thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn cho phép vào môi trường; quản lý chất thải không đúng quy định pháp luật. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, nguyên trưởng phòng thanh tra môi trường và tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), năm 2007 công ty này cũng đã bị Thanh tra Bộ TN&MT xử phạt về một số vi phạm tương tự. “Hầu như các thông số vi phạm về môi trường không có thay đổi, thậm chí mức độ ô nhiễm của các nguồn thải còn cao hơn năm 2007 nhiều lần” - bà Bình nói.
Làm việc với Thanh tra Bộ TN&MT và C36, đại diện của nhà máy tiếp tục hứa: Đã liên hệ với một doanh nghiệp để thu gom và vận chuyển rác thải. Công ty sẽ thu hồi nước thải về hồ tuần hoàn để sử dụng lại. Chất thải là cặn lưu huỳnh sẽ được công ty xây dựng phương án xử lý đúng quy định trong năm 2009. Công ty cũng sẽ lập hồ sơ xin đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại trong quý I-2009.
------------------------------
Với ba dây chuyền, hiện nay hàng năm nhà máy super phốt phát Lâm Thao có năng lực sản xuất khoảng 270 ngàn tấn axit sunfuric, 800 ngàn tấn supe lân, 700 ngàn tấn NPK.
Trong khoảng 30 năm sản xuất phân super từ nguyên liệu quặng pirit (FeS2), sắt cùng các tạp chất khác được thải bỏ dưới dạng chất thải rắn tại bãi thải. Do không được quy hoạch cụ thể nên bãi thải này không tuân theo bất cứ tiêu chuẩn nào. Mưa cùng các quá trình khuếch tán tự nhiên đã hòa tan và giúp cho các kim loại nặng này đi vào nước mặt và nước ngầm.
Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Duy Bảo, Viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, nói: Đáng lo ngại nhất là bãi xỉ pirit ven làng Thạch Sơn. Đây là một loại rác thải chứa nhiều chất độc hại, nếu ngấm xuống nguồn nước sẽ làm thay đổi tính pH của nước ngầm, uống vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe ở nhiều mức độ.
-------------------------------------
43 bệnh nhân đang chờ đợi cái chết
Ở thời điểm ngày 25-2-2009, theo số liệu thống kê của Trạm y tế xã Thạch Sơn, tại địa phương này có 43 người mắc bệnh ung thư với ít nhất 14 dạng ung thư khác nhau. Trong đó: http://www.phapluattp.vn/img/03-05-2009/5-box.jpg
Số liệu thống kê dựa trên hồ sơ bệnh án những người bệnh đã được bệnh viện kết luận.
No comments:
Post a Comment