Đồng thuận và nội lực (kỳ 1)
Trân Văn, phóng viên RFA
2009-05-14
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Concurrence-and-internal-force-Part1-05142009125158.html
Từ tháng ba vừa qua, trên nhiều diễn đàn điện tử và vài tờ báo chính thức ở Việt Nam, vấn đề “đăng ký ranh giới thềm lục địa mở rộng” của Việt Nam, trước khi thời hạn cho phép đăng ký chấm dứt vào ngày 13 tháng 5 năm 2009, trở thành một đề tài nóng.
Đã có khá nhiều ý kiến thúc giục chính quyền Việt Nam nên thực hiện công việc cần thiết đó. Thậm chí, có diễn đàn như website Đối Thọai còn làm một đồng hồ đếm ngược thời gian, nhằm nhấn mạnh yếu tố quan trọng của việc “đăng ký ranh giới vùng đặc quyền kinh tế”...
Đến cuối tháng 4, chính quyền Việt Nam tuyên bố sẽ thực hiện công việc cần thiết này và ngày 7 tháng 5, Việt Nam chính thức gửi hồ sơ “đăng ký ranh giới thềm lục địa mở rộng”.
Hiện đang có khá nhiều diễn biến đáng chú ý quanh sự kiện này. Lọat bài “Đồng thuận và nội lực” được thực hiện nhằm tổng hợp các diễn biến, cũng như ý kiến liên quan đến sự kiện vừa được đề cập.
Công ước LHQ về Luật Biển
Biển đem lại nhiều nguồn lợi quan trọng nên việc xác lập chủ quyền trên biển luôn là vấn đề phát sinh rất nhiều tranh chấp, tranh cãi.
Các quan niệm về chủ quyền trên biển đã được đề cập từ thế kỷ 17 nhưng không có quan niệm nào được thừa nhận như nguyên tắc chung cho mọi quốc gia.
Đầu thập niên 1930, Hội Quốc Liên (tiền thân của tổ chức Liên Hiệp Quốc) bắt đầu tổ chức những hội nghị liên quan đến chủ quyền trên biển, song 52 năm sau (1982), Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (gọi tắt là UNCLOS) mới được xem như hoàn chỉnh và mất thêm 12 năm nữa (1994), mới có hiệu lực thi hành.
UNCLOS hiện hành là một bộ quy tắc ấn định cách xác lập chủ quyền, thiết lập các giới hạn, ấn định các nguyên tắc liên quan đến giao thông trên biển, khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học và giải quyết tranh chấp…
Dựa trên UNCLOS, các quốc gia ven biển sẽ tự xác định “đường cơ sở” để qua đó xác lập: Nội thủy, Lãnh hải, Vùng tiếp giáp lãnh hải, Thềm lục địa.
UNCLOS định nghĩa, “đường cơ sở” là đường chạy dọc bờ biển khi thủy triều xuống. Nếu bờ biển không ổn định, thụt sâu vào đất liền hoặc có đảo ven bờ thì các quốc gia có biển có thể vạch các đường thẳng và lấy đó làm “đường cơ sở”.
Vùng biển ở bên trong “đường cơ sở” được gọi là “nội thủy”. Đây là khu vực mà tàu thuyền nước ngoài bất khả xâm phạm. Quốc gia ven biển toàn quyền sử dụng, kiểm sóat, khai thác “nội thủy” của mình.
Vùng biển ở phía ngoài “đường cơ sở” lần lượt là:
“Lãnh hải” (chiều ngang 12 hải lý, tính từ mép ngoài của đường cơ sở ra hướng đại dương). Quốc gia ven biển vẫn toàn quyền sử dụng, kiểm sóat, khai thác “lãnh hải” của mình nhưng tàu thuyền nước ngoài có quyền “qua lại” nếu “không gây hại”.
Kế đó là “vùng tiếp giáp lãnh hải” (chiều ngang 12 hải lý, tính từ mép ngoài của “lãnh hải” ra hướng đại dương). Quốc gia ven biển vẫn còn quyền sử dụng, kiểm sóat có giới hạn, khai thác “vùng tiếp giáp lãnh hải” của mình nhưng không được hạn chế quyền “tự do đi lại” của tàu thuyền nước ngoài.
Ngoài ra, UNCLOS còn xác định “vùng đặc quyền kinh tế” (chiều ngang 200 hải lý, tính từ mép ngoài của “đường cơ sở” ra hướng đại dương). Trong “vùng đặc quyền kinh tế”, quốc gia ven biển vẫn còn quyền sử dụng, quyền khai thác “vùng đặc quyền kinh tế” của mình nhưng không có quyền ngăn cấm tàu thuyền, máy bay của nước ngoài qua lại và phải cho nước ngoài đặt các đường ống, đường cáp ngầm dưới đáy biển.
Đồng thời UNCLOS còn có thêm định nghĩa về “thềm lục địa mở rộng”, nếu thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng hơn 200 hải lý. Tuy nhiên, tính từ “đường cơ sở” ra hướng đại dương, “thềm lục địa mở rộng” không được quá 350 hải lý hoặc không xa hơn khu vực có độ sâu 2.500m, 100 hải lý. Trong khu vực “thềm lục địa mở rộng”, quốc gia ven biển chỉ được độc quyền khai thác khoáng sản và các tài nguyên không phải sinh vật.
Nguyên tắc quyền lợi
Cũng theo UNCLOS, nếu muốn thủ đắc các quyền liên quan đến “thềm lục địa mở rộng”, quốc gia ven biển phải đăng ký ranh giới trong vòng 10 năm, kể từ khi UNCLOS có hiệu lực với quốc gia đó. Hoặc là 10 năm sau ngày 13 tháng 5 năm 1999, thời điểm Ủy ban Ranh giới về Thềm lục địa, ban hành hướng dẫn về “ranh giới thềm lục địa”.
Việt Nam phê chuẩn UNCLOS năm 1994 nhưng 10 năm sau (2004) vẫn chưa đăng ký ranh giới “thềm lục địa mở rộng”. Nếu tiếp tục không đăng ký ranh giới “thềm lục địa mở rộng”, sau ngày 13 tháng 5 năm 2009, Việt Nam sẽ không còn quyền đòi hỏi về thềm lục địa mở rộng của mình nữa.
Do vậy, khoảng hai tháng trước khi thời hạn cho phép đăng ký ranh giới “thềm lục địa mở rộng” hết hạn, đã có nhiều nơi, nhiều người lên tiếng thúc giục chính quyền Việt Nam nên thực hiện công việc cần thiết này.
Ở thời điểm đó, trả lời Đài chúng tôi, ông Dương Danh Huy, thành viên Qũy Nghiên cứu Biển Đông, giải thích về tầm quan trọng cũng như hậu quả nếu Việt Nam không đăng ký ranh giới “thềm lục địa mở rộng” đúng hạn:
"Nếu dùng công thức của UNCLOS cho Việt Nam thì thềm lục địa mở rộng của Việt Nam có thể rất rộng. Nó có thể ra rất xa. Thành ra Việt Nam có rất nhiều quyền lợi trong thềm lục địa mở rộng của mình. Nếu lỡ thời hạn này, Việt Nam sẽ không có quyền khai thác dầu khí trong vùng thềm lục địa mở rộng của mình."
Đáp lại sự thúc giục đó, ngày 28 tháng 4, qua báo chí Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh, Vụ trưởng Vụ Biển, Ban Biên giới thuộc Bộ Ngoại giao, chính thức loan báo: “Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị để nộp đăng ký ranh giới ngoài của thềm lục địa đúng thời hạn”.
Khoảng một tuần sau, một số hãng thông tấn quốc tế cho biết, ngày 7 tháng 5, Việt Nam và Malaysia đã chính thức gửi hồ sơ cho Liên Hiệp Quốc để cùng đăng ký khu vực thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý.
Khi được đề nghị nhận định về sự kiện này, luật sư Lê Minh Phiếu, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Pháp, cũng là thành viên Qũy Nghiên cứu Biển Đông, cho rằng:
"Đăng ký thềm lục địa chung với Malaysia là một việc làm khôn khéo của chính phủ Việt Nam. Ít ra giữa Việt Nam và Malaysia đã có tiếng nói chung trong việc xác lập vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa.
Tuy chưa thể giải quyết vấn đề đảo, nhất là Trường Sa nhưng hai nước đã có quan điểm chung về những nguyên tắc cũng như những vấn đề cụ thể trong việc xác định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trên biển Đông."
Tiếc rằng, giống như nhiều lần trước đó, mỗi khi Việt Nam mạnh mẽ minh định chủ quyền của mình trên biển Đông, Trung Quốc – lân bang đã từng nhiều lần tuyên bố sẽ cùng Việt Nam thực hiện “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai), trên tinh thần “bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) lại tiếp tục gây rắc rối.
Đồng thuận và nội lực (kỳ 2)
Trân Văn, phóng viên RFA
2009-05-14
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Concurrence-and-internal-force-Part2-05142009171336.html
Lần trước, Trân Văn đã tóm lược những lý do thúc đẩy Việt Nam đăng ký “ranh giới thềm lục địa mở rộng”.
Trân Văn trình bày thêm về các diễn biến sau khi Việt Nam đăng ký “ranh giới thềm lục địa mở rộng” và những nhận xét về phản ứng của Trung Quốc...
Phản ứng của Trung Quốc
Ngay trong ngày 7 tháng 5, thời điểm Việt Nam và Malaysia chính thức gửi hồ sơ cho Liên Hiệp Quốc để cùng đăng ký khu vực thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý, Tân Hoa Xã loan báo, Trung Quốc đã yêu cầu Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc không xét hồ sơ chung của Việt Nam và Malaysia theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (gọi tắt là UNCLOS) vì điều này “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Trước phản ứng đó của Trung Quốc, ông Lê Hưng Quốc, một người từng được đào tạo về công pháp quốc tế tại Liên Xô, cựu phó giám đốc Sở Ngọai vụ TP.HCM, hiện đang là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM, nhận xét:
"Tôi cho rằng phản ứng như vậy là không đúng ở chỗ, mọi nước ven biển đều có quyền đệ đạt Liên Hiệp Quốc xem xét vùng đặc quyền kinh tế theo đúng quy định của Công ước 1982 về Luật Biển.
Vì vậy, Trung Quốc có quyền đề nghị, Việt Nam có quyền đề nghị, Malaysia có quyền đề nghị, Philippines cũng đã đề nghị và tất cả các nước ven biển đều có quyền đề nghị hết. Còn việc Liên Hiệp Quốc xem xét như thế nào thì lại trên cơ sở đồng thuận của các nước quanh khu vực tranh chấp. Đấy lại là vấn đề khác."
Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS từ năm 1995 nên về nguyên tắc, Trung Quốc cũng có quyền đăng ký ranh giới “thềm lục địa mở rộng”, trước ngày hết hạn đăng ký là 13 tháng 5 năm 2009 như ông Lê Hưng Quốc đề cập. Tuy nhiên Trung Quốc đã không làm điều này. Vì sao?
Ông Phạm Hoàng Quân - một người chuyên nghiên cứu về những “chứng cứ” có tính chất lịch sử mà Trung Quốc sử dụng để tuyên bố “chủ quyền” trên biển Đông - khẳng định:
"Căn cứ vào cổ sử của Trung Quốc, những tài liệu thuộc chính sử như là các bộ sử do triều đình biên sọan, những bộ địa phương chí của tỉnh Quảng Đông, phủ Quỳnh Châu,… tôi thấy họ không ghi nhận Hoàng Sa, Trường Sa trong cương đế hành chính. Mặt khác, trên các địa đồ hành chính.
Từ lúc có địa đồ tổng quan của toàn Trung Quốc, đến lúc có địa đồ của các huyện giáp giới như Quảng Đông hoặc Hải Nam, không ai thấy họ vẽ các quần đảo vào địa hạt hành chính của họ.
Điểm thứ ba là các tài liệu như người Trung Quốc dùng để nói rằng họ đã phát hiện thì đó là nhật ký du hành của những nhà hang hải Trung Quốc, những nhà buôn hoặc những nhà ngọai giao.
Đó là những điều mà họ thấy, họ ghi lại chứ không phải nhằm đặt quyền phát hiện và khai thác. Nó không đủ điều kiện để gọi là bản hạt của nhà nước. Thí dụ anh đi biển, anh nhìn thấy nơi nào đó rồi anh ghi lai trong du ký thì người nào cũng ghi nhận được.
Họ chỉ đem những dữ liệu từ những du ký đó để nói rằng, người Trung Quốc phát hiện sớm. Lý luận của người Trung Quốc hiện giờ là như vậy.
Quan điểm của Việt Nam
Cùng bàn về vấn đề kể trên, Tiến sĩ Nguyễn Nhã - người đeo đuổi công việc nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông trong hơn ba mươi năm qua – nhận định:
"Tôi được biết Ban Biên giới và Bộ Ngọai Giao đã chuẩn bị rất kỹ về việc này. Giống như báo chí đã đưa, trước khi công bố chính thức, Việt Nam đã tham khảo các nước liên quan. Theo tôi đó là một việc làm rất khôn ngoan về ngọai giao.
Theo tôi được biết chắc là Trung Quốc không đăng ký gì vì không có cơ sở nào để đăng ký. Như vậy thì Việt Nam cũng như các nước ASEAN phải dựa vào nhau thôi. Đó là một trong những hướng mà Việt Nam có thể bảo vệ hiệu quả chủ quyền của mình ở Trường Sa."
Trong thực tế, biển Đông đã và vẫn là khu vực rất “nóng” vì những tranh chấp do có sự chồng lấn về lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia với nhau (Việt Nam, Malaysia, Bruinei, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Cambodia, Trung Quốc, Đài Loan).
Đến nay, Việt Nam đã ký năm hiệp định và thỏa thuận với các quốc gia để giải quyết một phần những tranh chấp liên quan đến biển: Cambodia (1982), Malaysia (1992), Thái Lan (1997), Trung Quốc (2000), Indonesia (2003).
Hồi cuối tháng 4, khi loan báo việc Việt Nam sẽ đăng ký ranh giới thềm lục địa mở rộng trước khi hết hạn đăng ký, ông Nguyễn Quang Vinh, Vụ trưởng Vụ Biển, Ban Biên giới, Bộ Ngoại giao, tiết lộ: Việt Nam đã chủ động liên hệ cùng các nước láng giềng có chung đường biên giới trên biển để trao đổi về việc đăng kí đường ranh giới ngoài của thềm lục địa.
Đến nay, Việt Nam đã cùng thỏa thuận với Malaysia viết báo cáo chung lên Liên hiệp quốc. Việt Nam đã mời Brunei cùng tham gia quá trình này và mới đây, Brunei muốn cùng tham gia. Philippines cho biết sẽ không nêu khu vực chồng lấn với Việt Nam trong báo cáo của mình, xem đây là khu vực bảo lưu, sẽ có báo cáo sau. Lãnh đạo Philippines cam kết sẽ không phản đối báo cáo của Việt Nam.
Riêng với Trung Quốc, nước này phản đối tất cả các nước trong khu vực về báo cáo biên giới ngoài thềm lục địa, không chỉ riêng Việt Nam.
Đúng như dự đoán, Trung Quốc đã phản đối gần như lập tức. Ngày hôm sau, ông Lê Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, tuyên bố: “Nội dung công hàm của phía Trung Quốc và bản đồ kèm theo công hàm đó đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thể hiện trên bản đồ đi kèm với công hàm là không có giá trị vì không có sơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn”.
Tuyên bố vừa kể sau khi Trung Quốc ngăn cản Việt Nam và Malaysia đăng ký ranh giới “thềm lục địa mở rộng”, được xem là phản ứng mạnh mẽ hiếm có. Trước đây, mỗi lần Trung Quốc có những hành động xâm hại chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, người phát ngôn của Bộ Ngọai giao Việt Nam thường chỉ lập đi, lập lại rằng: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình... rồi… ngừng ở đó!
Phản ứng của Trung Quốc dẫn tới những hệ quả nào và Việt Nam cần làm gì? Đó sẽ là nội dung bài thứ ba. Mời quý vị tiếp tục đón xem.
Đồng thuận và nội lực (kỳ 3)
Trân Văn, phóng viên RFA
2009-05-15
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Concurrence-and-internal-force-part3-05152009182048.html
Trong hai kỳ trước, qúy vị đã nghe Trân Văn tóm lược những lý do thúc đẩy Việt Nam đăng ký “ranh giới thềm lục địa mở rộng”, các diễn biến sau khi Việt Nam đăng ký “ranh giới thềm lục địa mở rộng” và những nhận xét về phản ứng của Trung Quốc...
Ở kỳ cuối cùng này, mời quý vị nghe Trân Văn trình bày tiếp về những hệ quả phát sinh từ phản ứng của Trung Quốc và Việt Nam nên làm gì?..
Trung Quốc không sử dụng quyền đăng ký
Tuy cũng có quyền đăng ký ranh giới “thềm lục địa mở rộng” song Trung Quốc không sử dụng quyền này. Thế rồi ngày 7 tháng 5, sau khi Việt Nam và Malaysia chính thức gửi hồ sơ cho Liên Hiệp Quốc để cùng đăng ký khu vực thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý, Trung Quốc đột nhiên lên tiếng yêu cầu Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc không xét hồ sơ chung của Việt Nam và Malaysia.
Vì sao Trung Quốc lại hành xử khó hiểu như vậy?
Luật sư Lê Minh Phiếu, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Pháp, thành viên Qũy Nghiên cứu Biển Đông, nhận xét:
Luật sư Lê Minh Phiếu: Việc Trung Quốc phản đối bản đăng ký chung của Việt Nam và Malaysia cho chúng ta thấy hai khía cạnh của một vấn đề.
Khía cạnh thứ nhất là sự lúng túng của Trung Quốc trong việc tìm kiếm cơ sở pháp lý cho yêu sách của mình. Trong văn bản Trung Quốc gửi cho ông Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, Trung Quốc đưa ra lập luận rằng, Trung Quốc có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và được hưởng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của vùng biển đó.
Trong lập luận này có hai điều vô lý. Điều vô lý thứ nhất, đó là Hoàng Sa là của Việt Nam nhưng bị họ xâm chiếm, còn Trường Sa thỉ bị họ xâm chiếm một phần từ tay Việt Nam. Cả thế giới ai cũng biết sự xâm lược này.
Điều vô lý thứ hai là họ cho rằng họ có quyền và quyền tài phán đối với cái mà họ gọi là vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của vùng nước đó. Tuy nhiên họ lúng túng đến mức không thể định nghĩa rõ ràng về phạm vi cũng như tại sao họ lại có được cái gọi là vùng nước liên quan đó. Để giải tỏa sự lúng túng túng này, họ dẫn chiếu đến đường chữ U, còn gọi là đường lưỡi bò vốn cũng rất mập mờ. Thực sự đường chữ U hay đường lưỡi bò chiếm khỏang 75% đến 80% diện tích trên biển Đông, hoàn toàn chẳng phù hợp với bất cứ điều luật nào của UNCLOS mà Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa dựa vào để họat động và xem xét.
Trung Quốc chẳng viện dẫn bất cứ điều luật nào của luật quốc tế, kể cả những quy định của UNCLOS để làm cơ sở cho lập trường của mình, để chứng minh chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cũng như chủ quyền của họ đối với vùng nước liên quan. Hai lý do mà Trung Quốc đưa ra là, chính phủ Trung Quốc đã chiếm giữ được như vậy và thế giới đã biết. Nói cách khác, họ lý giải cho cái mà họ gọi là chủ quyền, quyền chủ quyền chính là sự chiếm đóng và tuyên truyền mà họ đã tiến hành hàng chục năm qua. Theo luật quốc tế, việc chiếm đóng và tuyên truyền dối trá không được thừa nhận chủ quyền.
Mưu đồ sâu sắc của TQ
Luật sư Phiếu phân tích tiếp:
Luật sư Lê Minh Phiếu: Khía cạnh thứ hai của vấn đề đó là Trung Quốc đã chính thức đưa ra diễn đàn Liên hiệp quốc yêu sách của họ dù lập trường của Trung Quốc hoàn toàn bất hợp lý và phi pháp như đã nói ở trên.
Như vậy có thể kết luận là chính việc xâm chiếm và tạo dư luận dối trá chứ không phải dựa vào luật pháp quốc tế là phương tiện để Trung Quốc xác lập chủ quyền. Đây thực sự là một mối đe dọa nghiêm trọng chẳng những đối với Việt Nam mà cả với an ninh Đông Nam Á cũng như toàn thế giới. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy trở thành siêu cường và đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực quân sự.
Về hậu quả từ phản ứng của Trung Quốc, luật sư Lê Minh Phiếu cho biết:
Luật sư Lê Minh Phiếu: Theo quy định, khi một bên liên quan phản đối việc đăng ký đó thì Ủy ban Ranh giới thềm lục địa không thể nào tiến hành đăng ký được. Do vậy, việc đăng ký không thành công được. Việc Trung Quốc không dựa vào luật pháp quốc tế mà dựa vào sự chiếm đóng cũng như sự tuyên truyền để khẳng định chủ quyền của mình làm cho việc đang ký thềm lục địa của các nước tại biển Đông trở nên bế tắc và các quy định về việc đăng ký này trở thành không còn ý nghĩa nữa.
Các nước sẽ phải giải quyết tranh chấp với nhau bằng một con đường khác chứ không thể bằng con đường này được nữa. Trừ khi các bên có thỏa thuận về sau để chấm dứt sự phản đối này. Thế nhưng với cách thức mà Trung Quốc đang tiến hành như hiện nay, tôi không tin rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận sử dụng luật pháp hay là công lý để đưa ra lập trường của mình.
Thế giới cần phải biết
Do vậy, theo ông:
Luật sư Lê Minh Phiếu: Trong bối cảnh này, Việt Nam cần cho cả thế giới biết rõ rang về sự phi pháp, vô lý cũng như trắng trợn trong yêu sách của Trung Quốc đối với việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Cần phải cho thế giới hiểu rõ rang rằng, Trung Quốc đang dựa vào sự chiếm đóng, đang dựa vào sự tuyên truyền dối trá và đang dựa vào sự lớn mạnh của lực lựong quân sự để xác định chủ quyền trên biển Đông cũng như để giải quyết tranh chấp với các nước khác chứ họ không dựa vào vào luật pháp quốc tế và công lý quốc tế để giải quyết những bất đồng này.
Gần đây, có những dấu hiệu cho thấy, trong cách ứng xử với Trung Quốc, chính quyền Việt Nam bắt đầu tỏ ra cứng rắn hơn, trước những vấn đề lien quan đến chủ quyền. Chẳng hạn như hồi cuối tháng 4, Đà Nẵng công bố việc bổ nhiệm chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, bất kể sự phản đối của Trung Quốc. Hoặc trong tuyên bố mới nhất, sau khi Trung Quốc ngăn cản Việt Nam và Malaysia cùng đăng ký ranh giới “thềm lục địa mở rộng”, người phát ngôn Bộ Ngọai giao Việt Nam xác định: “Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thể hiện trên bản đồ đi kèm với công hàm là không có giá trị vì không có sơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn”.
Thế nhưng, sau đó đúng ba ngày, cũng báo chí Việt Nam loan báo, hôm 11 tháng 5, trong chuyến thăm Trung Quốc, bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng CSVN, tuyên bố: “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, dành ưu tiên cao, mong muốn và phấn đấu hết sức mình nhằm không ngừng xây dựng, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả theo khuôn khổ ‘Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện’ và ‘phương châm 16 chữ’ (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai), ‘tinh thần 4 tốt’ (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt)”...
Ít ai xem bất nhất là khôn khéo.
Chưa kể bất nhất rất khó có thể tạo ra sự tin cậy, đồng thuận, phát triển nội lực, vốn đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền.
No comments:
Post a Comment