NIỀM VUI NGÀY HỘI
Nguyễn Quý Đại
Friday, 15 May 2009
http://www.xuquang.com/cms/index.php?option=com_content&task=view&id=676&Itemid=1
Mùa xuân của tuổi đời đi qua không bao giờ trở lại, mái tóc xanh thuở nào đã bạc hoa râm, tuổi hoa niên chỉ còn trong kỷ niệm của một thời dĩ vãng xa xăm. Nhìn lại 30 năm nửa đời người nơi xứ lạ, trải qua bao nhiêu đổi thay của thời gian. Đời sống hạnh phúc của con người thường ngắn ngủi hơn những ngày dài phiền muộn phải vật lộn với công việc khó khăn bằng đôi bàn tay trắng, trong những tháng năm đầu chọn nước Đức làm quê hương.
Người Việt đến Đức đã 30 năm, nhưng lúc nào cũng tưởng nhớ về quê hương nghìn trùng xa cách.. Chúng ta cũng như thế hệ thứ hai không được sinh và lớn lên ở Việt Nam luôn thể hiện tinh thần giúp đỡ bà con bên quê nhà như: cứu trợ thiên tai lũ lụt, góp tiếng nói đấu tranh về tự do và dân chủ cho Việt Nam, gần đây nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải các quần đảo Hoàng Sa, Trường sa và vụ khai thác Bauxite ở Tây nguyên, đã làm ảnh hưởng đến an ninh, tài nguyên và môi trường mà hàng ngàn năm tổ tiên chúng ta đã hy sinh bảo vệ bằng xương máu.
Người Việt tỵ nạn ở Đức cũng như các quốc gia trên thế giới nhờ bản tính siêng năng và chiụ khó nên đã nhanh chóng hội nhập và thành công, không là gánh nặng cho xã hội cưu mang. Phần lớn gia đình Việt Nam đều có con, cháu theo học trường Trung học, Đại học nổi tiếng. Biến cố lịch sử đau thương 30.4.1975 hơn 3 triệu người Việt rời bỏ quê hương đi tìm tự do, đã học hỏi được văn minh đa văn hoá của nhân loại. Thế hệ thứ 2 có hơn nửa triệu là chuyên gia đủ các ngành: khoa học, kỹ thuật, kinh tế, thương mãi…. Là một tiềm năng phát triển của cộng đồng có thể phục vụ xây dựng quê hương, nhờ truyền thống giáo dục của người Việt Nam. Cha mẹ hy sinh hưởng thụ cá nhân, tiết kiệm lo cho con cháu từ tinh thần đến vật chất, để các con yên tâm học hành, dù ở tuổi trưởng thành vẫn ở với gia đình. Bởi vậy giới trẻ thành công nhờ vào yếu tố gia đình, lúc trẻ Cha mẹ lo cho con ăn học nên người, khi về hưu cũng không rảnh rỗi để an hưởng tuổi già, còn phải tiếp tục chăm lo đưa đón các cháu nội ngoại.
Người Việt Nam ở Đức thành công tốt đẹp; nhiều gia đình vợ chồng đi làm tiết kiệm lo cho con ăn học, mua được nhà, ba thập niên qua rất ít người ăn không ngồi rồi để lãnh tiền trợ cấp an sinh. Người Việt luôn thể hiện tinh thần đóng góp vào xã hội đền đáp công ơn nước Đức, nói riêng người Việt định cư ở München 3405 người (theo sở ngoại kiều) và vùng phụ cận khoảng 3000 người. Hội đoàn của người Việt sinh hoạt về văn hóa, tổ chức mừng Tết đều treo cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng lý tưởng tuyệt đối của người Việt tỵ nạn.
Ngày 2 tháng 5, Cộng Đồng Người Việt Bayern kỷ niệm 30 năm tỵ nạn "Erinnerung an 30 Jahre Flüchtlingsdasein" để tri ơn những ân nhân, dân tộc và chính quyền Đức đã đón nhận người Việt, tận tình giúp đỡ thuở ban đầu. Thời tiết nắng ấm, cơn mưa rào buổi chiều qua mau, để lại bầu trời xanh với mây trắng bay, từ 15 giờ trên các nẽo đường về điạ điểm tổ chức những đoàn người từ các nơi trong tiểu bang như: Fürth Erlangen, Nürnberg, Regensburg, Memmingen, Bodensee, Heimenkirch, Fuerstenfeldbruck, Landshut, Dingolfing, Bayreuth…kéo về trong những tà áo dài duyên dáng tung bay trong gío chiều làm nổi bật nét đẹp của đàn bà Việt Nam. Ngoài ra những đồng hương từ Frankfurt, Hannover, Hamburg, Berlin, Áo, Pháp, Thuỵ sĩ không ngại đường xa xôi về vui chơi ngày hội, ủng hộ tinh thần và việc làm cùng lý tưởng, thể hiện bản sắc văn hoá cao quý của người Việt Nam „ăn trái nhớ kẻ trồng cây“
16 giờ khai mạc phần triển lãm tranh ảnh thời vượt biển và sinh hoạt cộng đồng 30 năm qua. Phát hành Đặc San "Hồi Tưởng 30 Năm Tỵ Nạn" Đặc san dày 350 trang Din A5 có hai phần tiếng Đức-Việt, ghi lại quá khứ khó lãng quên trên đường đi tìm tự do và tưởng niệm những đồng hương không may mắn đã bỏ mình trong lòng đại đương bao la, trên rừng núi vô tận hay trong các trại tù khắc nghiệt… Đặc San nhằm mục đích giải thích cho các thế hệ con cháu biết lý do tại sao ông bà, cha mẹ phải rời bỏ quê hương làm người viễn xứ, khác với những khách thợ ngoại quốc đến Đức...Con người sống với hiện tại, thường hướng đến tương lai nhưng vẫn luôn nhớ về dĩ vãng, nhắc về dĩ vãng không phải để gây thêm hận thù đổ vỡ, khơi dậy niềm đau hay rũ rượi trong tâm tình hoài cổ; nhưng để ôn lại những kỷ niệm vui buồn, nỗi nhớ ngày xưa cùng những gian nan nguy hiểm khi vượt biển, bất chấp phong ba bão tố hay hải tặc cướp của, hãm hiếp, giết người… hoặc gian khổ, hiểm nguy khi vượt thoát bằng đường bộ; làm kiếp thuyền nhân để đi tìm hai chữ TỰ DO. Nhiều người chưa từng viết văn, nhưng đời sống viễn xứ có nhiều điều ấp ủ để trang trải với đời những tâm nguyện.
17:15 . Ông bà Tiến sĩ Neudeck thuộc Ủy ban „Một con tàu cho Việt Nam CAP ANAMUR“; Ông Rudolf Klein, thuyền trưởng tàu Melbourne Express đến trong tiếng pháo tay của mọi người cùng những giọt nước mắt vui mừng đón tiếp, chụp hình lưu niệm…Những người đã được tàu cap Anamur cũng như Melbourne Express thể hiện được tấm lòng tri ơn nồng ấm.. xuất phát từ sự rung động của con tim biết ơn, khác với cách đón đưa của một tài xế taxi…. Ngoài ra ông Siegfried Wolfermann, thành viên tàu Tokio Express, là những thương thuyền Tây Đức cũng được đón chào hết sức nồng nhiệt. Ông bà Hans Podiuk đại diện thị trưởng München, là chủ tịch Hội BaVi, giúp người Việt hội nhập thời gian đầu từ năm 1980, dù Hội chỉ hoạt động một thời gian nhưng vẫn còn sự kính trọng trong lòng người đã nhận ơn. Ngoài ra còn có đại diện các đảng, chính trị gia trong chính quyền tham dự. Phần khai mạc chào cờ Đức-Việt. Trước bàn thờ Tổ quốc Việt Nam, ban nghi lễ do chi hội Phật tử München đảm trách, Linh mục Phạm Sơn Hà và Đại Đức Thích Hạnh Giới (trụ trì chùa Viên giác Hannover) đọc kinh cầu nguyện, theo phong tục của người Việt để tưởng niệm những ân nhân, những đồng hương vì lý tưởng tự do đã qua đời!
Trong phần vinh danh ân nhân ông Tiến sĩ Rudolf Klein, ông bà Tiến sĩ Neudeck…, mọi người đứng lên khi ông bà lên sân khấu nhận chiếc cúp và bó hoa tươi xinh đẹp dưới 3 quốc kỳ: Đức, Bayern (xanh trắng), Việt Nam (cờ vàng 3 sọc đỏ), đánh tan dư luận trước đây ông Neudeck không chấp nhận cờ vàng biểu tượng của người Việt tỵ nạn. Món quà tặng không tồn tại mãi với thời gian nhưng đó là hình ảnh trân trọng nhất được ghi nhớ mãi trong lòng người…..
Chương trình văn nghệ giới thiệu bằng tiếng Đức. Trình diễn một phần nguồn gốc văn hoá của người Việt Nam từ thời dựng nước, biểu tượng một nguồn gốc anh dũng, hào hùng, lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam theo truyền thuyết thuộc dòng giống Tiên Rồng qua hoạt cảnh Lạc Long Quân và bà Âu Cơ người mẹ sinh 100 trứng nở ra 100 con, rồi chia 50 con xuống biển, 50 con lên rừng, dù ở trên rừng, dưới biển, trên đất, nước VN mọi người đều là anh em với truyền thống đoàn kết cộng sinh hài hoà, cho thấy „chủ trương chung của người Việt là sống cùng với mọi người và để mọi người cùng sống chung với mình„…Lòng người viễn xứ luôn mang nặng tình quê như cây đa bên cạnh mái đình làng. Tình yêu quê hương bàng bạc qua tiếng sáo diều vi vu hay nơi ruộng đồng với những đàn cò trắng, đàn én bay lượn trong ráng trời chiều.. Tất cả hình ảnh đẹp quyến rũ quê mẹ không giờ quên. Ba mươi năm cuộc đời viễn xứ, dù chúng ta là mây bay ngàn đời trên trời tha phương, nhưng trong tim vẫn còn vang tiếng vọng của quê hương.
Một trong những thứ gắn bó, trân trọng nhất, không thể thiếu trong đời sống con người đó là tình yêu gia đình, quê hương và dân tộc… không ai muốn rời bỏ, xa lìa. Ngày 30.4.1975 dù Việt Nam chấm dứt chiến tranh sau hơn 20 năm khoái lửa, nhưng làn sóng người Việt đã bỏ nước ra đi tìm Tự Do bằng nước mắt, đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình trên biển, đi tìm cái sống trong cõi chết, bỏ lại phiá sau trăm nhớ ngàn thương…. Hoạt cảnh chia ly của 30 năm về trước không phải khơi dậy niềm đau, mà là nhắc lại một biến cố lịch sử để con cháu ngày nay thành đạt tại Đức biết được giá trị làm người trong xã hội tự do, nhân quyền. Hoạt cảnh đưa khán giả trở về một quá khứ xa xăm hồi tưởng lại nỗi xót xa của người vượt biển, diễn lại cảnh người vợ với nỗi sầu biệt ly, nén đau thương tiễn chồng con ra đi không biết bao giờ gặp lại! Đêm đêm chỉ biết chắp tay cầu nguyện Thượng Đế, và may thay trên biển Động dậy sóng đã gặp tàu Cap Anamur cứu vớt. Diễn viên hoạt cảnh do các anh chị em, của Giáo xứ Nữ Vương Hoà bình, diễn xuất bằng tất cả cảm xúc của tâm hồn, tiếng hát đã làm rung động con tim khán giả, Hội trường gần 700 người yên lặng, nhiều người bật khóc…
Gửi lại em trăm nhớ ngàn thương
Đêm nay đêm tối trời anh bỏ quê hương
Ra đi trên chiếc thuyền
Hy vọng vượt trùng dương
Em đâu đâu có ngờ đêm buồn
Bỏ lại em cay đắng thật thương
……
Anh phải bỏ đi thắp lên ngọn lửa hy vọng
Anh phải bỏ đi để em còn sống
Anh phải rời xa mẹ Việt Nam đau đớn
Quê mình rồi đây em có đợi chờ
Anh tạm rời xa nước non mình yêu kiều
Ô người thân yêu người quen hàng xóm
Mong vượt biển Đông mà lòng anh tan nát
Núi mờ mờ xa ôi ngọn núi ở quê hương!
Ra đi trên sóng cuộn thấy gì ở quê hương
Xa xa ôi núi mờ xa dần
Một giọt nước mắt khóc phận thân
Hiên ngang trên sóng gào tự do đón chào
Xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng
Nhìn lại bên bờ nước non mình muối mặn
Khóc nghẹn ngào !!!
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non
(Trích một phần nhạc phẩm Đêm Chôn Dầu Vượt Biển của NS. Châu Đình An)
Tìm về cội nguồn dân tộc là nhu cầu của thanh niên Việt Nam ở hải ngoại, Việt Nam có diện tích 331.000 km2, dân số hơn 85 triệu đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống độc lập bất khuất, chống lại những cuộc chiến tranh xâm lăng vì tham vọng của các triều đại Trung Hoa, bổn phận chung của toàn dân không phân biệt Nam Nữ luôn sát cánh bên nhau chống laị quân thù, thời xưa chiến đấu trên chiến trận bằng gươm giáo, cờ ngưạ, y phục, hoàn toàn khác ngày nay với các diễn viên vai vua Quang Trung và hai Bà Trưng thật oai hùng ra trận. Khán giả khó quên những tà áo dài lả lướt qua từng bước đi nhẹ nhàng uyển chuyển của các cô nữ sinh. Áo dài màu sắc hài hoà biểu tượng của ba miền Nam Trung Bắc, chiếc nón quai thao, cái khăn mỏ qụa là những nét đặc thù của miền Bắc, cô sơn nữ với chiếc gùi xinh xắn đầy hoa lá.. chú rể với áo dài khăn đóng, cảnh lạ mắt với quan khách Đức, nhiều tràng vỗ tay khích lệ.
Giới trẻ Việt Nam thành công trên con đường học vấn nhưng không thể thiếu thể lực, bởi vậy phụ huynh khuyến kích con cháu học võ thuật để có thân thể khoẻ mạnh, cường tráng thì đầu óc mới minh mẫn. Nhóm võ Karaté do các em biểu diễn những thế võ đẹp, tự vệ và tấn công rất hấp dẫn. Chương trình văn nghệ quy tụ những tinh hoa của các hội đoàn tại München, những ca sĩ trẻ khả ái với tiếng hát ngọt ngào làm say đắm lòng người. Khán giả cũng ngạc nhiên vì sự xuất hiện của Thị Chơn, tiếng hát trầm buồn với cây đàn như một ca sĩ nhà nghề. Đêm văn nghệ kéo dài tới 23 giờ chấm dứt, chia tay ra về mỗi người đều mang theo một niềm vui ngày Hội Ngộ 30 năm đã trôi qua như một giấc mơ.
Hồi tưởng 30 năm Hội ngộ được cộng đồng đánh giá thành công tốt đẹp. Một số quan khách đã viết mail tâm sự như luồng gió xuân ấm áp:
“Riêng cá nhân tôi hết sức hãnh diện cho người Việt Nam mình với bản tánh chân thật niềm nở và biết cách đối xử với người khác, bất cứ đi đến đâu cũng đều được người ta yêu chuộng và kính trọng. Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Bayern tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm định cư tại Bayern nói riêng và tại Đức nói chung, tôi cho rằng buổi lễ này hết sức có ý nghĩa, để tỏ lòng tri ơn các thuyền trưởng và con thuyền cứu mạng Cap Anamur do Ông Neudeck tổ chức và tấm lòng nhân đạo của nước Đức và người dân Đức đã đón nhận và giúp đỡ dân Việt Nam tỵ nạn mình. Điều này đã thể hiện được đức tánh con người Việt Nam mình không bao giờ quên được công ơn của người khác, đúng như câu châm ngôn "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uông nước nhớ người đào giếng “…
“..Nói lên được mỗi cá nhân có chính kiến và tư duy riêng, nhưng vì có “một mục tiêu và định hướng chung” nên tất cả anh-chị-em đã bỏ những cái riêng tư để cùng bắt tay nhau hết lòng cho mục đích chung để đem lại thành công tốt đẹp, nỗi bật cái văn hoá của của người Việt Nam …”
Thời gian trôi qua chỉ còn lại dư âm ngày Hội Ngộ. Chúng tôi là những người thuộc BTC chỉ là những viên gạch lót đường, là nhịp cầu sinh hoạt trong cộng đồng để vinh danh những người đã giúp đỡ khi chúng ta nhận nước Đức làm quê hương thứ hai. Sự thành công nầy là của toàn thể Cộng Đồng Người Việt (thuyền nhân và tường nhân) có thể chúng ta “bất đồng chính kiến nhưng không bất hòa” đã ủng hộ tài chánh, bỏ công sức cho ngày hội. Ngoài ra BTC không nhận tiền của bất cứ cơ quan hay đảng phái nào, danh sách ủng hộ tài chánh chi, thu phải được công báo rộng rãi. Số tiền còn lại sẽ trao cho những người tiếp tục làm công việc cho cộng đồng để bảo vệ và phát triển Văn Hoá Việt Nam.
Chúng tôi trân trọng cảm ơn những tác giả gởi bài đóng góp cho Đặc San, các hoạ sĩ, kiến trúc sư Design hình bìa, Logo, các anh lo phần triển lãm hình ảnh, cắt chữ cho ngày Hội.. Các ông bà, các cô trong nhà bếp làm việc từ sáng đến tối, để cung cấp các món ăn đầy đủ hương vị thơm ngon phục vụ cả ngàn người, các chú khuân vác: nước, Đặc San, dụng cụ âm thanh, bộ lư đồng nặng nề, thiết trí cắm hoa tươi xinh đẹp trên bàn thờ Tổ quốc, những bạn trẻ đổ rác lau chùi phòng, nhà bếp, những người chụp hình quay phim, các phụ huynh đưa các cháu tới tập văn nghệ, tập võ. Các cháu là sinh viên, học sinh bỏ thì giờ cuối tuần đến tập trình diễn áo dài, bị la rầy không đến đúng giờ…Tất cả các anh chị ca sĩ, đạo diễn, diễn viên đã đem lại cho khán giả những nụ cười và những giọt nước mắt…Quan khách từ xa về tham dự ủng hộ tinh thần và tài chánh. Cám ơn các Hội đoàn, các đại diện tôn giáo, các cơ quan báo chí truyền thông đã giúp đỡ, hổ trợ trên mọi phương diện. Tiềm năng của Cộng Đồng Việt Nam chúng ta còn vững mạnh đó là một niềm vui, hoa lá phải tàn phai, nhưng sinh hoạt của Cộng Đồng người Việt khắp nơi là những bông hoa luôn nở rộ mãi mãi với thời gian.
Sáu tháng qua tôi đã đóng góp với BTC làm tròn bổn phận và trách nhiệm. Cầu chúc những người kế tiếp bước đi trên con đường đời ngang dọc để làm việc tốt đẹp cho cộng đồng độc lập, không bị chi phối bởi bất cứ thế lực đảng phái nào làm mất lý tưởng cao đẹp của người tỵ nạn.
No comments:
Post a Comment