Thursday, May 14, 2009

NHỮNG DIỄN TIẾN TRONG QUAN HỆ VIỆT - TRUNG

Những diễn tiến trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc?
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2009-05-12
Mới đây, Trung Quốc đã mạnh mẽ chống lại việc Hà Nội đệ trình bản đăng ký thềm lục địa mở rộng tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 7 tháng 5 vừa qua và động thái này ngay sau đó đã bị Việt Nam phản bác.
Hà Nội cũng vừa công khai đặt mua một số tàu ngầm tối tân của Nga với số tiền bằng phân nửa ngân sách quốc phòng hàng năm của Việt Nam. Điều gì đang xảy ra giữa bang giao Trung -Việt khi chỉ cách đây ít lâu Việt Nam vẫn còn rất dè dặt khi nói đến vấn đề nhạy cảm này?
Mặc Lâm phỏng vấn ông Dương Danh Dy một nhà ngoại giao kỳ cựu có nhiều chục năm làm việc tại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc để biết thêm những kinh nghiệm mà nhà ngoại giao này có được.

Tranh chấp thềm lục địa


Mặc Lâm: Thưa ông vào ngày 7 tháng 5 vừa qua Việt Nam đã đăng ký thềm lục địa mở rộng dù biết rằng Trung Quốc sẽ chống đối. Xin ông cho biết việc làm này có ý nghĩa như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?
Ông Dương Danh Dy : Ta báo trước cho Trung Quốc biết đấy. Tôi nói cho các anh biết là tôi sẽ đăng ký cái này dù các anh có phản đối. Tức là tôi qua đó để nói với anh rằng thái độ của chúng ta, những nhà lãnh đạo của chúng ta bây giờ cũng là cương quyết rồi. Chúng ta có thể nói là những vấn đề lớn, những vấn đề nguyên tắc là chúng ta không lùi.

Mặc Lâm : Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngoại giao ông đã tiếp cận khá nhiều với Trung Quốc, ông có nhận xét gì về cách mà nước này đối phó với Việt Nam trong những năm qua?
Ông Dương Danh Dy : Theo tôi, vấn đề của ta với Trung Quốc, ngoài những vấn đề bauxite ở trên lục địa thì bây giờ vấn đề Biển Đông nó nổi lên thành một vấn đề có thể nói là nhạy cảm, gay gắt và nó thể hiện rõ cái quan hệ hai nước ấm lạnh như thế nào là cũng qua đây nó thể hiện đấy.
Nhưng trong vấn đề này thì tôi nghĩ rằng Việt Nam chúng ta bây giờ không thể, nhưng mà muốn giải quyết vấn đề này (thì) không có cách gì khác là phải dựa trên sức mạnh dân tộc. Sức mạnh dân tộc đây tôi nói là cả trong và ngoài nước chứ không phải là chỉ có trong nước đâu. Ngoài nước cũng là sức mạnh rất đáng kể mà trước đây tôi đã rất chú ý vấn đề này nhưng mà gần đây thì người trong nước mới chú ý đến họ.
Thế thì đấy là sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại. Sức mạnh của thời đại đây tức là cái công khai hoá, cái quốc tế hoá, cái đa phương hoá để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của những người đồng tình với chúng ta.

Mặc Lâm : Dư luận cho rằng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc đã viện trợ cho miền Bắc rất nhiều và có lẽ sự trợ giúp quân sự này đã khiến cho Hà Nội tỏ ra quá mềm yếu trong khi đàm phán về biên giới giữa hai nước, phải không ạ?
Ông Dương Danh Dy : Bây giờ cũng không thể kết tội ai được bởi vì nó là chuyện lịch sử rồi. Chúng ta có một số điều hứa. Tôi biết rất rõ những điều hứa này của ta. Ta có những điều hứa trong vấn đề Biển Đông. Cái hứa của chúng ta lúc đó thì có những nguyên nhân là do chúng ta bênh Trung Quốc, có những nguyên nhân do chúng ta dốt, chúng ta không hiểu gì cả.
Tôi xin nói thật, tôi đã từng đi điều tra biên giới trên bộ nhiều lần và tôi thấy có những cái đúng là sự ngây ngô khờ dại, có những cái do lúc bấy giờ người ta giúp mình nhưng mà mục đích là đưa hàng hoá sang nhanh chẳng hạn.
Như tôi nói làm một con đường đi qua lãnh thổ của Trung Quốc thì là phải qua đèo cao, thế thì đi vòng chân đồi mở rộng sang chỗ đường bằng phẳng đi vòng trên đất nước Việt Nam thì đường ô-tô dễ đi. Lúc không có chuyện thì không sao, nhưng bây giờ anh nói đường của tôi ở đâu thì đất của tôi ở đấy.
Thế là mình mất toi mấy chục hecta trở lên. Làm thế nào được! Đấy, lúc đó là trong hoàn cảnh thời chiến. Người ta giúp mình, mình chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện đó, có thể là không nghĩ ra, có thể là dốt, vân vân. Bây giờ muốn trách cứ thế nào thì cũng phải chịu thôi.

Ứng phó với Bắc Kinh?

Mặc Lâm : Mới đây thì Việt Nam đã chính thức đặt hàng mua một số tiềm thủy đỉnh tối tân của Nga. Ông nhận định việc này ra sao?
Ông Dương Danh Dy : Phông phải bây giờ mới là lần đầu. Ta có tên lửa, ta có máy bay tầm xa, ta có tàu ngầm bỏ túi, trước những cái này rồi. Tôi nói thật báo chí Trung Quốc họ công khai rồi, các anh không có đọc nên không biết đó thôi.
Báo chí Trung Quốc đánh giá lực lượng mình, cho điểm rất kỹ : máy báy SU-30, SU-37 của Nga thế nào, tàu ngầm bỏ túi của Triều Tiên như thế nào, họ biết cả đấy. Tên lửa tầm gần, tầm trung của ta như thế nào, họ biết cả đấy chứ không phải không đâu. Thế thì bây giờ cái chuyện chúng ta mua 6 tàu ngầm của Nga, như vậy đó là nằm trong kế hoạch.
Chúng ta thì không chạy đua vũ trang nhưng mà chúng phải có cái bảo vệ mình. Anh không còn lùi được nữa. Trên bộ xong rồi thì bây giờ trên biển đấy. Trên bộ thì họ còn cái bauxite, họ cắm cái dao găm vào đấy. Nhưng mà cái đó các anh bên ngoài theo dõi cũng thấy.
Nhân dân mình cảnh giác, người già cảnh giác, trẻ cảnh giác, cũng là một mặt nhưng mà không đáng ngại, nhưng còn cái biển thì bây giờ cái vấn đề nó nóng bỏng rồi, không lui được nữa rồi, chỉ có cách bây giờ mình giải quyết như thế nào?
Theo tinh thần của cha ông mình, khôn ngoan khéo léo dựa vào sức mạnh của ta, sức mạnh trong nước, sức mạnh ngoài nước, sức mạnh của thế giới, sức mạnh của dư luận tiến bộ, vân vân.

Mặc Lâm : Ông có nghĩ rằng động thái mua võ khí tối tân của Việt Nam có làm cho Trung Quốc đi đến những quyết định quân sự mà từ lâu họ vẫn âm thầm chờ đợi hay không?
Ông Dương Danh Dy : Tôi nghĩ rằng trong lúc này phía Trung Quốc họ chưa làm được cái gì lớn đâu. Cho đến tháng 10 sang năm Trung Quốc tổ chức triển lãm quốc tế ở Thượng Hải, cho nên trong giai đoạn này thì Trung Quốc chưa dám làm điều gì lớn ở Biển Đông đâu.
Nhưng mà sau thời điểm 2010 trở đi thì chưa biết họ làm cái gì đâu. Họ kinh khủng lắm chứ. Không phải là đùa với người láng giềng này được đâu.

Mặc Lâm : Trong khi làm việc với Trung Quốc, ông có nhận xét gì về những chiến lược của họ đối với vấn đề biên giới hai nước? Đặc biệt là biên giới trên bộ?
Ông Dương Danh Dy : Trong cái chuyện Biển Đông bây giờ thì nó lại còn gay gắt hơn trên bộ bởi vì rõ ràng là trong cái chuyện này thì đây là một cuộc đối đầu không cân sức. Trung Quốc mạnh hơn ta rất nhiều. Thế thì mình bây giờ phải có biện pháp khôn ngoan làm thế nào để mình giữ vững được. Chúng ta cũng phải xem lại, xem mình như trước đây chủ trương công khai như vậy đã đúng chưa?
Theo tôi nghĩ bây giờ đương giai đoạn nung nấu. Vấn đề này hiện nay đã trở thành vấn đề thời sự trong nước. Bây giờ ở trong nước tôi biết là ta tìm được quả ấn chứng tỏ rằng ngày xưa đất của chúng ta ở gần Bằng Tường, cách biên giới bây giờ khoảng hai chục cây số, tức là các cụ nhà mình cũng mất đất cho Trung Quốc, cho nên những người bên ngoài cứ bảo rằng chúng tôi là hèn, chúng tôi bán nước, chúng tôi không có cái chuyện đó đâu.
Chúng tôi đấu với họ (Trung Quốc) cũng căng lắm chứ, nhưng mà trong cái tương quan lực lượng, nhất là biên giới trên bộ, anh nào yếu hơn, anh nào khôn hơn, lọc lõi hơn, mình thì yếu hơn lại có những lúc dại khờ, có những lúc cả tin, tất nhiên cái chuyện thua thiệt là cái điều khó tránh khỏi. Khó chứ không phải dễ tránh nổi lịch sử đâu!

Mặc Lâm : Và cuối cùng xin ông một kết luận về những điều mà ông cho là quan trọng nhất để người Việt chúng ta dè chừng và đối phó với họ?
Ông Dương Danh Dy : Tôi làm việc với Trung Quốc suốt từ năm 1962 đến năm nay về hưu rồi nhưng mà vẫn cứ tiếp xúc với những người làm với Trung Quốc là cái anh láng giềng nó to, nó khoẻ, nó lại tham, nó lại xấu tính. Mệt lắm. Lúc hữu nghị mình tưởng nó hữu nghị nó giúp mình hết sức, nhưng mà nó cũng luôn luôn tìm cách nó thọc gậy.
Tất nhiên là những cái giúp đỡ của họ với mình thì mình không bao giờ quên. Nó to lớn lắm! Nhưng mà ngay trong những lúc họ giúp đỡ mình to lớn nhất họ vẫn có ý đồ. Có, mà lúc đầu mình không để ý. Cho nên trong cái buổi phát biểu gần đây tôi có nói như thế này: “Mắt tôi đã từng thấy thế hệ cha anh bị Trung Quốc mang lòng tin ra để đánh lừa, thế hệ tôi cũng có lúc bị Trung Quốc mang cái lòng tin ra để đánh lừa. Tôi hy vọng và mong rằng thế hệ sau tôi không mắc những cái nhược điểm đó”.

Mặc Lâm : Thưa, một lần nữa xin cám ơn ông đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn rất đặc biệt này.

No comments: