Wednesday, May 13, 2009

KHI VẪN CÒN NỒNG ẤM LỬA YÊU THƯƠNG

Khi vẫn còn nồng ấm lửa thương yêu
Thanh Nga
Đăng ngày 13-5-2009
http://danchimviet.com/articles/1120/1/Khi-vn-con-nng-m-la-thng-yeu/Page1.html
Chúng tôi đã đáp máy bay đến Montreal từ Thứ Năm để chuẩn bị cho đêm ca nhạc gây quỹ: "Cho Đời một Nụ Cười".
Chương trình với dàn ca sĩ thượng thặng nhưng đó không phải là lý do chính cho những người như chúng tôi phải lặn lội từ các tiểu bang ở Mỹ như New York, Washington D.C, Bắc, Nam Cali tham dự mà chúng tôi đến để ủng hộ tinh thần và góp sức với Ban tổ chức để vinh danh những bà quả phụ của các chiến sĩ quân lực VNCH, vinh danh người con Quốc Gia Nghĩa tử - Đây là một việc mà đáng lẽ chúng tôi nên làm từ lâu, nhưng dù muộn còn hơn không bao giờ.

Chỉ kịp check in khách sạn, tôi chạy ra xe theo chị Thái Hà, trưởng ban tổ chức, đến chỗ họp phân chia công việc cũng như sắp xếp chương trình cho đêm vinh danh sắp tới.
Thành phần trong BTC khá hùng hậu: anh Lê văn anh Các và Lê văn anh Dũng là con của tướng Lê văn Nghiêm. Anh Dũng, Tân Hiệp, Dương tam Chí, Phạm Khánh thu tập những sử liệu để làm video clips. Hoàng Bùi phụ trách hướng dẫn cho hơn 20 các em thiếu niên diễn xuất trong 2 hoạt cảnh "Tưởng Như còn Người Yêu" và "Xin Đời một Nụ Cười." Huy Bùi, Phạm Khoa : âm thanh ánh sáng, điều hợp kỹ thuật; Uyên Lê, Hằng, Dan Chinh, Anh Tú lo ẩm thực và tiếp tân; Hiếu Phan trật tự; Hoàng Hùng, Doanh: Video.
Họ là những người có ngành nghề khác nhau và thành công trong xã hội, nhưng họ đã tình nguyện bỏ nhiều thời gian để giúp cho chương trình gây quỹ nàỵ

Sáng Thứ Sáu,
Chúng tôi được chị Trịnh Kim Ngân trong Gia đình Quốc gia Nghĩa Tử đang sống ở đây đến đón đi ăn trưa, rồi đi thăm nhà thờ Saint Joseph nổi tiếng linh thiêng. Ngôi nhà thờ to lớn, uy nghi chiếm trọn ngọn đồị. Gặp ngày nắng ấm, trời trong xanh nên từ phía ban-công chúng tôi nhìn thấy gần hết thành phố êm đềm bên dướị. Lần theo bậc thang chúng tôi vào các nhà nguyện, và theo lời hướng dẫn của chị Ngân chúng tôi đốt những ngọn nến dưới chân tượng thánh cả Giuse và cùng nhau hợp lòng cầu nguyện cho những bà quả phụ bất hạnh đang đau ốm tại quê nhà. Sau đó chúng tôi trở về khách sạn cho các bà quả phụ nghỉ ngơi.
Về đến phòng, điện thoại cầm tay của chị Thái Hà reo liên tục, chỉ còn một ngày nữa nên chị phải lo bán hết số vé còn lại và chị đang cố xin bảo trợ cho chương trình. Chị nửa đùa, nửa thật khi thấy tôi bước vào phòng :
- "Lo xong chương trình này thế nào chị cũng mất thêm một số bạn vì bị chị dí mua vé."
Nghe thấy mà thương, tôi an ủi:
- "Không biết ai thế nào chứ em thấy chương trình rất ý nghĩa và dàn dựng công phu quá, nếu không tham dự được là điều rất tiếc".
Biết tôi đi cùng với các bà Mẹ của Quốc Gia Nghĩa Tử nên anh chị Bộ và Kiều Sơn chủ nhà hàng Steak & Fish - cũng xuất thân từ trường Quốc Gia Nghĩa Tử - đã mời chúng tôi và các bà quả phụ đến dùng cơm tốị. Lần đầu gặp nhau nhưng có cùng hoàn cảnh nên chỉ sau vài phút chúng tôi đã như người trong gia đình. Chúng tôi đã có một bữa cơm tối thật vui và hạnh phúc.

Thứ Bảy,
Mới 5 giờ chiều các bà quả phụ của tôi đã quần áo chỉnh tề, thoa thêm tí son, đánh thêm chút má hồng cho các bà xong tôi mới gọi anh Việt, là con của trung tá Nguyễn văn Cự đã đến từ Toronto chở các bà quả phụ và tôi đến hội trường. Mẹ anh Việt mới mất được hơn một năm sau những năm tháng dài nuôi chồng cải tạo, lo cho các con vượt biên. Vậy mà sau khi đến Mỹ đoàn tụ với gia đình chẳng được bao lâu thì bà bị bịnh mất. Anh đã giúp BTC chăm sóc các bà quả phụ rất tận tình.
Ra đến xe, bác Trang kéo tôi lại nói nhỏ vào tai :
- "Con ơi bác quên răng rồi."
Tôi không hiểu, tưởng bác nói tiếng Huế:
- "Bác cần gì ạ?"
Bác Mại đỡ lời:
- "Má Trang gắn hàm răng trên, mà quên hàm răng dưới ở trên phòng.”
Tiếng cười ùa vỡ khi hiểu ra, hèn chi lúc ngắm lại bác Trang tôi thấy miệng bác móm mém dễ thương hơn. Anh Việt dẫn bác trở lên phòng lấy răng, tôi đứng chờ với bà quả phụ Trần quý Mại :
- "Hôm nay các bác, ai cũng xinh quá".
- "Đã qua cái tuổi Thất thập cổ lai hy rồi xinh gì nữa, cô xem lại coi hai đôi bông tai của tôi có giống nhau không hay lại mỗi bên một kiểụ Tôi bây giờ chỉ xin trời Phật cho mình sức khoẻ để không làm cực con cháu thôi".
Mẹ Việt Nam là thế đấy, suốt đời chỉ nghĩ cho người chung quanh. Tôi vòng tay ôm bác:
- "Vâng con cầu xin ơn trên ban cho bác luôn được mạnh khoẻ."

Gần 6 giờ chiều thì chúng tôi có mặt ở hội trường, thấy còn sớm anh Việt mời mọi người đi ăn tối nhưng không ai chịu đi. Tôi dặn anh Việt đi ăn xong mua ít thức ăn togo mang về phòng khi các bà đói dù Ban tổ chức cũng đã chuẩn bị thức ăn cho các bà.
Giáng Ngọc của đài SBTN đã làm ngay cuộc phỏng vấn với các bà quả phụ ngay bên ngoài hội trường, bên trong các ca sĩ cũng đang tập dợt không khí thật rộn ràng.
Giờ khai mạc bị trễ mất một tiếng nhưng tôi không thấy ai phàn nàn gì cả, có lẽ ai cũng hiểu "không ăn đậu không phải Mễ, không đi trễ không phải Việt Nam."

Sau phần chào cờ và mặc niệm, phần nhạc cảnh: "Tưởng Như còn Người Yêu" với tiếng hát Ý Lan và phần phụ diễn của các em thiếu niên để thay lời giới thiệu mở đầu chương trình đã làm khán giả ngạc nhiên và xúc động.
"Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thuở ấy hiển linh bây giờ...

Em không nhìn được xác chàng
Anh lên lon giữa hai hàng nến chong
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu..."


Tôi chưa bao giờ được thưởng thức phần mở đầu của bất cứ một đêm ca nhạc nào đầy xúc động như thế.

Vành tang trắng quấn quanh đầu thiếu phụ
Mắt thâm quầng bỏ ngủ tiễn anh đi
Thời loạn ly chinh phụ khóc biệt ly
Đàn con dại thiếu rồi tình phụ tử

Anh hỡi anh từ khi nghe tin dữ
Nửa hồn em đã băng lạnh mất rồi
Kể từ nay sống lại ở cõi đời
Chỉ gà mẹ cùng bầy con chíu chit

Lạnh khắp châu thân ... đâu rồi da thịt!?
Những ấm nồng, những âu yếm ngày xưa
Tình yêu thương tràn rẫy sắn nương dưa
Anh đã hiến thân mình cho Tổ Quốc

Rồi mai đây nẻo đường trần xuôi ngược
Cha Mẹ già, con dại, một mình em
Vượt thác ghềnh, gian khổ, phải làm quen
Quyết không hổ vợ anh ... người Tử Sĩ

Em sẽ dạy con trung kiên bền bỉ
Nối gót anh mà giữ vững sơn hà
Gạt lệ rơi ba lạy tạ từ nhau
Anh yêu hỡi, người Anh Hùng Dân Tộc
(Thanh Nguyễn)

Những người chiến sĩ hy sinh cho đất nước, nằm xuống đã hơn 30 năm, lịch sử đã sang trang nhưng vẫn cho chúng tôi cảm xúc thật mạnh mẽ.
Thái Hà, Đặng thế Luân, Thái Hoàng bồi thêm ngọn lửa "Xin Đời một Nụ Cười" với phần phụ diễn của các thanh thiếu niên đã làm trái tim tôi muốn nổ tung lên vì xúc động.

Hạnh phúc đã lãng quên, khi mẹ còn rất trẻ
Người chồng đã mất đi, đâu còn ai san sẻ
Hoàn cảnh cũng lãng quên, mẹ sớm khuya lặn lội
Tay dắt đàn con thơ, gánh nhà chồng còn đợi
Vận nước lại lãng quên, mẹ lùa con ra biển
Vắt cạn sức làm thuyền, cho con tìm bước tiến
Mẹ ơi lòng biển lớn, sông con đo chẳng đầy
(Phan nhật Tân)

Sân khấu mỗi lúc một nóng lên với các ca khúc thời tiền chiến dẫn mọi người trở lại những năm đất nước chìm trong lửa đạn. Sau đó Anh Nam Lộc dẫn tiếp chương trình Vinh danh các bà quả phụ của chiến sĩ VNCH, đây là giây phút mà tôi chờ đợị Người quả phụ đầu tiên anh Nam Lộc trân trọng giới thiệu là bà quả phụ Khúc Minh Thơ. Nhìn bà bình thường như bao nhiêu người đàn bà khác trên trái đất này nhưng bà đã làm những việc không bình thường. Bà đã tranh đấu cho đồng đội chồng mình được đến các nước tự do, được đoàn tụ với gia đình.
Hôm nay đây, dù sức khoẻ yếu kém đi đứng khó khăn bà vẫn cố gắng đến tham dự. Khi BTC mời, bà đã nói :
- "Bác sẽ đến tham dự nhưng không phải để các con vinh danh bác, nhưng bác đến để khuyến khích việc các cháu làm và chia sẻ nỗi niềm với các bà quả phụ cùng hoàn cảnh".
Bà đã cho tôi sự cảm phục và kính mến.
Bà quả phụ Thiếu uý Trần quý Mại cũng được mời vinh danh hôm nay cùng với bà quả phụ thiếu tá Phan Thọ và bà quả phụ trung sĩ Nguyễn ngọc Thanh.
Ngày chồng đền nợ nước, bà Trần quý Mại chỉ vừa mới 23. Thoáng chốc năm mươi năm đã qua đi trong cô quạnh, lẻ loi bà đã quên đi chính mình, quên đi những ước vọng tuổi thanh xuân để lo tương lai cho các con.
...Một phút chia phôi, ngàn đời vĩnh biệt
Anh bỏ lại mẹ con em đơn côi

(Hoài Thu Phương)

Bà Phan Thọ đã làm mọi người nghẹn ngào :
"Tôi cám ơn ban tổ chức đã cho tôi vinh dự ngày hôm nay và đã tổ chức gây quỹ để giúp đỡ những quả phụ, thương phế binh. Tôi xin thay mặt gởi lời cám ơn quý vị đã nhớ đến anh chị em đồng đội của tôi đang sống khó khăn, bịnh hoạn tại quê nhà".

Làm sao chúng tôi có thể quên ơn những người đã hy sinh chính mạng sống họ cho chúng tôi có được ngày hôm nay ? Chúng tôi không thể nào quên bổn phận của chúng tôi đối với họ.

Sau đó là vinh danh một người con Quốc gia Nghĩa Tử với Công, Dung, Ngôn, Hạnh vẹn toàn là chị Nguyễn Thị Bích Yến Q-71. Cha chị là đại úy Nguyễn khắc Thi, ông đền nợ nước khi chị mới 13 tuổi và là chị cả của 8 đứa em và mẹ chị lúc đó mới 30. Chị đã mang lại niềm hãnh diện và vinh dự cho ACE-QGNT nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung ở hải ngoại. Chị đã chứng minh cho thế giới biết rằng : Người phụ nữ Việt Nam không những đẹp, mà còn có Tài, có Đức hạnh và Nhân ái. Người Việt đã không là gánh nặng của những quốc gia đang cưu mang họ mà họ đã và đang đóng góp rất tích cực cho quê hương thứ hai của họ
Chị đã nói: "Hôm nay, dù ở bất cứ địa vị nào em cũng không quên công ơn của cha anh là những người lính VNCH đã hy sinh chính bản thân mình cho đất nước. Em tri ân Mẹ đã sống cuộc đời vừa làm cha, vừa làm Mẹ để dạy dỗ con nên ngườị Cha em đã nói : Cha là một quân nhân, Cha không có của cải để lại cho con ngoài trí tuệ và công đức. Của cải có thể hao mòn và thất thoát nhưng trí tuệ và công đức sẽ tồn tạị và em đã dùng hai bàn tay mình với sản nghiệp cha để lại là trí tuệ và công đức để gầy dựng tương lai cho mình và cho con cháu mình".
Tiếng vỗ tay tưởng như không thể dứt.
Sân khấu chợt tối, hai màn hình lớn bên sân khấu sáng lên hình ảnh người thiếu phụ phủ phục bên cạnh quan tài phủ cờ, những đứa trẻ đầu quấn khăn tang dắt díu theo nhau. Ôi còn đau đớn nào hơn, Giáng Ngọc thiết tha trong bài Vời cao Dáng Núi của anh Phan nhật Tân lồng trong những hình ảnh lịch sử đã làm lòng chúng tôi chùng xuống như nốt nhạc buồn.

Có ai nhớ ? 40 năm về trước, chỉ qua một cái Tết hàng trăm ngàn người đã trở thành quả phụ, hàng trăm ngàn đứa con bỗng chốc mồ côi. Mọi người nín thở chờ tin từ chiến trường, tiếng khóc từng nhà mỗi ngày một nhiều trong các trại gia binh, cư xá. Cả nước nhuộm màu tang : người may mắn lãnh được xác chồng, người bất hạnh xác chồng không toàn vẹn.
Ngày chồng đền nợ nước là ngày những người đàn bà này gánh vác cả giang sơn. Còn khốn khổ nào hơn làm người quả phụ thời tao loạn ? Quấn trên đầu vành khăn trắng, nuốt nước mắt, oằn lưng gánh nặng, cho con cặp sách đến trường. Rồi vận nước nổi trôi, những người quả phụ này lại một lần gạt nước mắt tiễn con đi tìm sự sống.
Họ là những anh hùng thầm lặng, họ đã kiên trì hy sinh với sức chịu đựng kiên cường.

Giờ đây nhìn lại: những thiếu phụ năm xưa đã già yếu, hơi sắp tàn. Như ngọn nến lung lay trước gió...
Xúc động dâng tràn, Ý Lan và các ca sĩ đã ôm những thùng tiền đến tận từng khán giả vừa hát vừa xin đóng góp. Chị hát bằng con tim nhân ái của chị, và đã không ai có thể đóng cửa tâm hồn mình.

Tôi nghe tiếng reo vui của anh Bùi Hoàng và BTC khi kiểm số tiền từ thùng các ca sĩ đi quyên góp là $ 5238 + $ 2840 từ các bảo trợ. Chị Thái Hà đã lên sân khấu cám ơn mọi người và chị trích ngay $ 2000 để tặng 20 bà Mẹ của Quốc Gia Nghĩa Tử đang đau bịnh ở Việt Nam phần còn lại chị sẽ cùng anh chị em trao tặng cho các bà Quả phụ ở miền Trung trong chuyến đi Việt Nam sắp tới.
Chúng tôi đã tặng tập thơ văn do chính những người con Quốc Gia Nghĩa Tử viết cho Mẹ, là những người quả phu. Tập thơ văn mà những người con này đã viết bằng con tim và tâm hồn của họ để tặng cho những người Mẹ Việt Nam Cộng Hòa.

"Nếu em không là người yêu của lính ..." tiếng hát cất lên bất ngờ từ hậu trường của Hoàng Oanh đã giới thiệu tiếp một chương trình cho các chiến sĩ ngoài tiền tuyến của hơn 30 năm về trước. Dạ Lan vẫn còn dáng vẻ mặn mà khi cô bước lên sân khấu cùng với anh Nam Lộc. Cô là Dạ Lan 2, cô đã phụ trách chương trình "Tiếng nói Dạ Lan" cho đài phát thanh Quân đội. Cô đã nói: "Dạ Lan đã theo chân các anh lính chiến trên khắp nẻo đường quê hương từ năm 64 cho đến ngày mất nước với biết bao kỷ niệm giữa người em gái hậu phương với các anh chiến sĩ nơi tiền tuyến. Và cho dù ở bất cứ phương trời nào, xa cách bao nhiêu Dạ Lan vẫn là người em gái thân thương của các anh."
Tiếng hát Hoàng Oanh với những bản nhạc ngày xưa cô đã nhiều lần hát trong chương trình của Dạ Lan để chia sẻ nổi khổ cực của các anh chiến sĩ nơi tiền tuyến.

Khán giả đã ở lại đến phút chót của chương trình, chúng tôi về đến khách sạn đã gần 4 giờ sáng. Chỉ kịp chợp mắt vài giờ trước khi ra sân bay về San Jose.

Hạnh phúc lắm cuộc đời đã cho tôi.

© 2009 Đàn Chim Việt Online

Xem hình nơi trang chính :
http://danchimviet.com/articles/1120/1/Khi-vn-con-nng-m-la-thng-yeu/Page1.html

No comments: