Sunday, May 24, 2009

KẾT LUẬN THANH TRA : CÔNG KHAI . . . TRONG BÍ MẬT

Kết luận thanh tra: Công khai trong... bí mật!
7h:26' - 25/5/2009
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Gio-Thu-25/Ket-Luan-Thanh-Tra-Cong-Khai-Trong-Bi-Mat.html
Luật quy định kết luận thanh tra phải được công khai nhưng nhiều kết luận đóng dấu “Mật” to đùng!

Ngày 22-5, đề tài khoa học cấp bộ của Thanh tra Chính phủ “Vai trò của báo chí đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra” đã được nghiệm thu loại xuất sắc. Đề tài đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến những rào cản mà báo chí gặp phải khi tiếp cận thông tin từ cơ quan thanh tra.

“Có vấn đề” là cộp dấu “Mật”

Chủ nhiệm đề tài, ông Vũ Văn Chiến, Tổng biên tập Tạp chí Thanh Tra, cho hay Luật Phòng chống tham nhũng và Quy chế hoạt động của đoàn thanh tra (do Thanh tra Chính phủ ban hành) đều quy định: Kết luận thanh tra phải được công khai. Ông Chiến nói đó là quy định tiến bộ, song thực tế việc công khai kết luận thanh tra mới dừng ở mức gửi cho đối tượng thanh tra và công bố tại nơi thanh tra. Với báo chí, hầu hết đều gặp rào cản do nhiều kết luận đóng dấu “Mật” và sự e dè từ chính cơ quan thanh tra.
Thực tế này được TS Trần Ngọc Liêm - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Thanh tra Chính phủ xác nhận, dù rằng việc báo đăng các kết luận thanh tra là tốt song có nhiều thông tin mà ông - người phát ngôn cũng chẳng dám phát ngôn. “Nếu tránh được việc phải phát ngôn thì tốt hơn, dù tôi rất muốn. Bởi lẽ kết luận thanh tra “có vấn đề” một tý là đóng dấu “Mật”” - ông Liêm nói. Viện phó Viện Khoa học thanh tra Đinh Văn Minh băn khoăn: “Người phát ngôn mà không dám phát ngôn thì rõ là có vấn đề. Ngay như tôi hàm vụ phó nhiều khi muốn trả lời đài, báo một vấn đề pháp lý cũng phải xin phép tới lui”.
Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương, TS Nguyễn Thế Kỷ, cũng cho biết thường xuyên nhận được văn bản - hầu hết của đối tượng bị thanh tra - đề nghị chỉ đạo báo chí chưa đăng kết luận thanh tra. “Kết luận thanh tra nếu công khai trên công luận, mức độ tác động sẽ rất lớn vì ai cũng biết. Có doanh nghiệp lo rằng ảnh hưởng đến thương hiệu, song có nơi muốn ém nhẹm những sai phạm của mình” - ông Kỷ nói.

“Nhạy cảm” nên phải ém?!
TS Kỷ cho biết thêm, Trung ương đã có Quy chế 157 xác định rõ những tin nào thuộc diện nhạy cảm, tin nào không. Thế nhưng nhiều đối tượng bị thanh tra vẫn “luồn” nhiều lý do để xếp những sai phạm của mình vào diện nhạy cảm để tránh bị báo chí phê phán.
Chủ nhiệm đề tài Vũ Văn Chiến lý giải, thực tế là ngành thanh tra chưa có quy chế chung về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Quy chế của Thanh tra Chính phủ còn bó hẹp phạm vi, quyền hạn của người phát ngôn. Một số thanh tra bộ, ngành, địa phương còn “đóng cửa” với báo chí. Hơn nữa, Luật Thanh tra và Nghị định 41/2008 hướng dẫn luật này cũng chưa đề cập cụ thể đến việc xử lý kết luận thanh tra. “Thực tế có một số kết luận thanh tra liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước, an ninh quốc gia, bí mật riêng tư và quyền dân sự của công dân nên việc công khai cần tính toán thấu đáo và thận trọng. Do đó về mặt lý thuyết thì kết luận thanh tra phải công khai nhưng thực tế lại hạn chế” - ông Chiến nói.
TS Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, cũng thừa nhận rằng đang có sự “vênh” về tính công khai giữa Luật Thanh tra và Luật Phòng chống tham nhũng, dẫn đến việc công khai kết luận thanh tra còn hạn chế.

Sửa luật
Nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật, đề tài nêu rõ phải giảm thiểu tối đa phạm vi bí mật nhà nước theo đúng Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Tiếp cận thông tin (đang soạn thảo). Thậm chí tất cả hoạt động của đoàn thanh tra cũng được đề nghị công khai. Hiện tại, theo Quyết định 588/2004 của bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ “Mật” của ngành thanh tra thì: “Tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận thanh tra là tài liệu mật”. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng quy định đó có nhiều hạn chế, bởi sự khép kín sẽ dẫn đến tùy tiện trong đoàn thanh tra, sự can thiệp từ bên ngoài.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất giao cho một đầu mối theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị nêu trong kết luận của cơ quan thanh tra. Và ngay cả quyết định xử lý sau thanh tra của thủ trưởng cơ quan quản lý cũng phải công khai để mọi cơ quan, tổ chức, báo chí và nhân dân biết, giám sát.

----------------------------

Để báo chí có nhiều thông tin hơn
Chủ nhiệm đề tài Vũ Văn Chiến đề xuất: Tại Thanh tra Chính phủ cần duy trì họp báo ít nhất tháng/lần; mở rộng thành phần báo chí tham dự, thậm chí mời cả báo chí nước ngoài. Trong các cuộc họp báo cần lựa chọn cung cấp nhiều hơn các thông tin cụ thể liên quan đến các cuộc thanh tra. Ngoài ra phải nâng cao chất lượng website của Thanh tra Chính phủ để tiến tới đăng tải các kết luận thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra lớn, thu hút dư luận; lập phòng thông tin báo chí tại Văn phòng Thanh tra Chính phủ làm đầu mối cung cấp tin. Đề tài cũng kiến nghị trao quyền cung cấp tin cho các vụ trưởng, cục trưởng thuộc Thanh tra Chính phủ chứ không bó hẹp quyền phát ngôn chỉ có chánh văn phòng như hiện tại.

---------------------------------------

Những vụ phối hợp tốt

“Nhiều cuộc thanh tra, vụ việc khiếu nại, tố cáo, trong đó có những cuộc thanh tra lớn, phức tạp do Thanh tra Chính phủ tiến hành như các cuộc thanh tra đất đai ở Đồ Sơn, Hải Phòng, hồ Trị An, Đồng Nai, Tổng Công ty Hàng không, ngành thuế... đã được báo chí cập nhật, đưa tin, phản ánh giúp cho công luận hiểu rõ hơn về bản chất vụ việc, kết quả hoạt động của ngành thanh tra.”
(Nguồn: Đề tài khoa học của Thanh tra Chính phủ)

(Theo PL TPHCM)

No comments: