Saturday, May 2, 2009

HỢP ĐỒNG NÓI DỐI

Khi người ta phải hợp đồng để nói dối
V. Quốc Uy
Đăng ngày 02/05/2009 lúc 09:20:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3735

Trong bài
“Chữ ký của một kỳ nhông” [1] (web Bauxite Việt Nam, ngày 28/04/2009), tôi đã phác họa chân dung hai ông Hà Văn Thịnh ngược nhau, một CHÍNH, một TÀ, có vẻ trắng đen phân biệt, nên khó tin là một người. Nhưng sau khi đọc “Thư Ông Hà Văn Thịnh gửi những người đã ký kiến nghị” thì tôi lại tưởng tượng chân dung ông Hà Văn Thịnh sinh động hơn, chẳng ra CHÍNH cũng chẳng ra TÀ, có thể là “ cải TÀ quy CHÍNH”, rồi “cải CHÍNH quy TÀ” hoặc “TÀ CHÍNH luân phiên”…, và tôi thấy câu chuyện trở nên thú vị.

Thiên hạ bắt đầu bàn tán.

Người thì cảm động trước “lời thú tội” thành thực của ông Thịnh, chỉ thương chung cho cái kiếp nhà báo nhà văn Xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, có người càng mất cảm tình với ông Thịnh hơn , vì ông đã lôi cả đám cùng nhúng chàm vào để làm nhòe đi cái trách nhiệm và tư cách cá nhân. Người ta nhại:
Bút nô là tại hướng đình
Cả làng nô bút, đâu mình Hà Văn…?
Phải ghi nhận công của ông Hà Văn Thịnh trong bức thư này là đã nói toẹt ra (một cách hơi Chí Phèo) về cái “hướng đình” (định hướng) đã làm cho “cả làng toét mắt”. Tôi thấy nên cảm ơn ông vì với bức thư ấy ông đã cung cấp những sự thực của một “người trong chăn”, để nhắc nhở cả làng phải mau mau xoay lại cái “hướng đình” (nếu không thì chẳng những toét mắt mà còn mù cả lũ cho mà xem).

Xin trích mấy câu của ông Thịnh để ghi lại cái công ấy:
“Nói là bồi bút cũng phải, không sai đâu. Thế nhưng, cần phải lật ngược vấn đề rằng có ai ăn lương hiện nay mà đã không từng một lần “bồi bút” ? CNXH khoa học sai nhiều như thế, ai nói ?”
“Còn nói dối ? Không có một nhà giáo dạy KHXH nhân văn nào không nói dối để, nhận lương !”
“Xin các quý vị hiểu biết lịch sử đúng như nó cần phải được hiểu như thế!”.

Nhưng thành khẩn thế thì chết “người ta” rồi. Đã lộ bem (BM) lại còn khái quát mới khổ. Chỉ có hai câu ngắn ngủi mà ai cũng hiểu rằng không chỉ báo Lao Động (là báo đã ký hợp đồng với ông Thịnh), mà cả cái “lề đường bên phải”, cả ngành giáo dục và tất tần tật các ngành khoa học xã hội và nhân văn… hóa ra chỗ nào cũng bồi bút và nói dối? (Đời thuở nhà ai đã ký hợp đồng nói dối mà lại nói toẹt điều ấy ra với thiên hạ thì còn nói dối cho ma nó nghe à?).

Đã ở trong nghề hẳn ông Thịnh phải biết rằng một khi báo đã đăng
“Kết luận của Bộ Chính trị về Bôxít” với lời lẽ chung chung, vừa phải, hứa hẹn, dễ nghe, để xoa dịu (nhưng bên trong vẫn quyết tâm xúc tiến), thì đi kèm theo đó phải có ngay một loạt bài vừa tán dương tinh thần ấy, vừa phải đe, phải canh chừng cánh “phản biện” cho họ biết đâu là điểm dừng. Sứ mạng ấy đặt lên vai những Xuân Quang (báo Nhân Dân), Hà Văn Thịnh (báo Lao Động), Thái Nam, Phạm Gia Minh, Nguyễn Ngọc Trân, vân vân.

Nếu ông Hà Văn Thịnh quán triệt tinh thần ấy, thì ông phải hiểu tại sao Ban biên tập phải tự động bổ sung vào bài của ông câu sau đây: “Đảng lắng nghe và thấu hiểu ý kiến trí thức, nhưng không có nghĩa bỏ qua việc một số người lợi dụng điều đó để xuyên tạc, chống phá”. Vừa trấn an vừa phải trấn áp, không cài câu ấy vào thì để bọn xấu nó làm loạn à? Cái câu vừa nịnh Đảng vừa nạt “kẻ xấu” ấy đã là công thức chứ mới mẻ gì? Đã hiểu thế thì ông Thịnh phải nhận câu ấy chính là của mình viết ra mới phải. Ông lại tông tốc tâu với thiên hạ rằng câu ấy là ông bị chịu oan? Khi viết liền 5 bài “đả” cụ Hoàng Minh Chính chắc ông chẳng lạ gì điều này.

Nhưng có lẽ ông Thịnh không đến nỗi yên tâm làm công cụ như những người khác, không hỗn láo như thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, dám văng vào mặt những trí thức (mà chính những người lãnh đạo cấp cao cũng phải kính nể) những lời khiếm nhã như “xuyên tạc sự thật – nhằm dụng ý xấu – hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động”. Ông Hà Văn Thịnh, không biết do bị bạn bè phê phán, hay do sự day dứt của một người đứng trên bục giảng mà trong giây phút nào đó ông đã không chịu nổi cái thân phận bồi bút, khiến ông quên cả giữ gìn mà tố cáo ra những điều cần phải tố cáo? Cuộc vật lộn giữa vị giảng viên đại học với tên bồi bút dối trá thường không phải một lần đã phân thắng bại, nhưng bạn bè và sinh viên cổ vũ cho ai, đâu là vinh đâu là nhục thì người thày giáo chắc phải cảm nhận được.

Nhiều bài nhắc đến tên ông Hà Văn Thịnh, vì đó không chỉ là tên một người mà còn là tên một hiện tượng: hiện tượng Hà Văn Thịnh, đầy kịch tính.

Những người như ông Hà Văn Thịnh không ít. Nhưng nhiều, mà vị nào cũng thấy cô đơn. “Chính quyền cho tôi vào sổ đen, còn người trung nghĩa gạt tên mình ra. Đời thật là bi kịch”, ông tâm sự rất thật như thế. Thấy ông nói ngược nói xuôi lung tung, nhiều người cảm thấy khôi hài, nhưng ông tự xác nhận là “bi”. Song còn thấy “bi” là còn tốt. Đấy cũng là bi kịch cho tất cả những ai còn chọn cách sống “đi hai chân trên hai băng chuyền” mà lương tâm còn biết cắn dứt.

Nói chuyện này ra tôi không ngại ông Hà Văn Thịnh buồn hay giận vì ông bảo “tôi đã bị nhiều lần như thế, quen rồi. Không sao đâu” (tuy câu này khiến tôi hơi buồn). Trái lại, tôi thấy vụ ký Kiến nghị về Bôxit Tây nguyên này, tuy chưa biết có đủ sức ngăn chặn một hiểm họa kinh hoàng cho đất nước hay không, nhưng rất bổ ích về nhiều mặt, biết đâu chẳng là chỗ rẽ cho nhiều người như ông Hà Văn Thịnh?

Có thể ta sống bên nhau năm này sang năm khác nhưng như sống trong hầm hay trong hỏa mù nên vẫn chẳng biết mặt nhau. Nay nhờ chấn động Bô xít, “long mạch bị xới tung”, ánh sáng lọt vào, mặt nạ rơi lả tả nên nhà thơ Bùi Chí Vinh mới chua chát thốt lên
“Chào một ngày soi rõ mặt anh em!”. Ta như một đoàn khiếm thị bỗng một hôm nhìn thấy mặt nhau.Vụ Bôxit cũng làm rạch ròi được nhiều khuôn mặt, nhiều mưu đồ. Đồng thời cũng xuất hiện nhiều hiện tượng mới, trong đó có hiện tượng Hà Văn Thịnh.

Vì lý do ấy và những lý do khác, tuy ông Hà Văn Thịnh nghĩ rằng “còn người trung nghĩa gạt tên mình ra” nhưng tôi đề nghị Ban soạn thảo kiến nghị đừng gạt tên ông, một cái tên không thể quên trong vụ Bôxit này. Mất tên ông cũng buồn.

V.Quốc Uy
30/04/2009

Bài liên quan:
«Gánh nặng của thế hệ hôm nay»,
«Sáng tỏ sự cân bằng đúng».
«Kính thưa Quý vị đã ký tên trên Bản Kiến nghị Bauxite!».
«Phản kiến nghị bauxite». Blog Everywhere Land, ngày 30/04/2009.
© Thông Luận 2009


No comments: