Saturday, May 16, 2009

HỒI KÝ BÍ MẬT của TRIỆU TỬ DƯƠNG RA ĐỜI

Hồi ký bí mật của Triệu Tử Dương ra đời
Nguyên Hân – Tổng hợp
16-05-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6309
BẮC KINH – Hai thập niên kể từ ngày ông bị thất sủng và bốn năm sau ngày ông qua đời, nhà lãnh đạo Trung Quốc có đầu óc canh tân đã đánh tan sự im lặng của nhà nước về chuyện trấn áp ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989, lên tiếng tố cáo chuyện thảm sát những người biểu tình ở Thiên An Môn là một “tấn thảm kịch”.
Trong hồi ký được thâu lại qua băng một cách bí mật trong thời gian ông Triệu Tử Dương bị quản chế tại gia, ông đã thách thức những nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện thời, đầy cẩn trọng ngay trước ngày đánh dấu lần thứ 20 ngày 4 tháng Sáu, là ngày quân đội Trung Quốc nghiến nát những người biểu tình đòi hỏi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn Bắc Kinh.
Ông ca ngợi nền dân chủ phương Tây và lên án chuyện trấn áp người biểu tình bằng vũ lực, khi xe tăng và quân đội tràn xuống đại lộ Chang’an bắn thẳng tay người biểu tình lẫn người đi xem năm 1989.
“Vào đêm 3 tháng Sáu đó, trong lúc ngồi ngoài sân với gia đình, tôi nghe tiếng súng bắn dồn dập, dữ dội,” ông Dương nói. “Một thảm kịch làm chấn động thế giới đã không thể nào ngăn chận được.” Ông Dương, tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc dạo đó năm 1989, phủ nhận chuyện nhà nước Trung Quốc lên án những sinh viên biểu tình là một phần của một âm mưu chống đảng Cộng sản.
“Tôi đã từng nói dạo đó là hầu hết người ta chỉ đòi hỏi chúng ta sửa những lỗi lầm, chứ không phải họ cố lật đổ hệ thống chính trị của chúng ta,” ông Dương nói trong cuốn sách “Tù Nhân Của Nhà Nước”, sẽ được xuất bản bởi nhà xuất bản Simon and Schuster bằng tiếng Anh trong tháng này.

Trái: Triệu Tử Dương đang nói chuyện với sinh viên biểu tình đòi dân chủ và cải cách. Phải: hình chụp 10 năm sau ngày ông Dương bị thanh trừng và bị quản chế tại gia năm 1990. Nguồn: Reuters
http://www.dcvonline.net/php/images/052009/ttd-pano.jpg

Cuốn hồi ký dài 306 trang, ghi lại từ khoảng chừng 30 cuốn băng đã được thâu, đã được trao cho ba người bạn tín cẩn và chuyển lậu ra khỏi Trung Quốc. Hãng thông tấn Reuters đã có được một bản thảo.

Câu chuyện kể lại của ông Dương về chuyện những nhà lãnh đạo kỳ cựu thời đó đã trục xuất ông ra khỏi quyền lực đã hắt một ánh đèn hiếm hoi lên chuyện phe cánh chính trị đằng sau chuyện biểu tình đã làm chấn động Trung Quốc 20 năm về trước, lên tới cực điểm qua chuyện khai trừ ông và đi kèm với chuyện trấn áp bằng bạo lực làm chết hằng trăm người trên đường phố Bắc Kinh.
Ông Triệu Tử Dương đã thu băng một cách bí mật hồi ký của mình trong những năm ông bị quản chế tại gia suốt 15 năm kể từ khi bị khai trừ cho đến khi ông qua đời vào tháng Một năm 2005. Trong đó, ông công khai chỉ trích những gì mà ông cho là con đường bảo thủ sai lầm được đảng Cộng sản Trung Quốc chọn đi và ông muốn thuyết phục một sự chuyển hướng dần dần về nền dân chủ kiểu phương Tây.
“Nếu chúng ta không đi về hướng này, nó sẽ là bất khả để giải quyết những điều kiện bất bình thường trong nền kinh tế thị trường của Trung Quốc,” ông nói.

Một trong những biên tập viên chính của cuốn hồi ký này là ông Bao Pu, con của ông Bao Tong - là người phụ tá cao cấp nhất của ông Dương - nói rằng ông Dương rõ ràng có ý muốn trình bày những sự cố này dưới cái nhìn của ông để thách đố sự lên án chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc dành cho những người biểu tình phản đối ở Thiên An Môn năm 1989 và cũng như sự cầm quyền độc đảng.

Trái: Sinh viên biểu tình đòi dân chủ và cải cách. Phải: Quân đội Nhân dân tràn vào Thiên An Môn "bắn thẳng tay Nhân dân" năm 1989. Nguồn: DCVOnline tổng hợp
http://www.dcvonline.net/php/images/052009/ts-pano.jpg

Cuốn hồi ký này “sẽ đưa về lại cho lịch sử những gì đã bị người ta cố tình xóa bỏ hoặc bóp méo.”
“Ông Dương đã không để lại chỉ thị gì… nhưng rõ ràng là ông muốn cuốn hồi ký của ông được tồn tại,” ông Bao nói, công ty xuất bản New Century Press của ông đang tiến hành xuất bản cuốn hồi ký này bằng tiếng Hoa.

Khi được hỏi liệu cuốn hồi ký này sẽ gây nên tác động gì, ông Bao Tong, cho đến nay vẫn sống ở Bắc Kinh dưới sự canh chừng của công an nhưng được cho phép tiếp xúc với nhà báo ngoại quốc, đã nói với Reuters: “Tôi nghĩ nó sẽ làm cho đảng viên suy ngẫm lại chuyện này một cách sâu sắc.”
Ông nói ông chắc chắn 100 phần trăm giọng nói trong băng là của ông Triệu Tử Dương sau khi được nghe một vài đoạn.

Mạch văn chính xuyên suốt hồi ký của ông Triệu Tử Dương là mối quan hệ đắng cay với ông Đặng Tiểu Bình, người lèo lái Trung Quốc đến với cải cách thị trường nhưng bác bỏ – sau rốt là với vũ lực - những lời kêu gọi cho một sự thay đổi dân chủ.

Ông Đặng Tiểu Bình được vinh danh bởi Trung Quốc như là người tiên phuông đằng sau những thành tựu kinh tế, và ông Triệu Tử Dương như người đi hàng hai và phản bội dưới trào ông Đặng có lẽ làm khó chịu những nhà lãnh đạo đương thời của Trung Quốc.

Ông Dương bác bỏ ý niệm cho rằng ông Đặng Tiểu Bình có khuynh hướng nới lỏng chính trị theo bản năng nhưng bị dẫn đi lạc đường bởi những người bảo thủ. Những ý niệm về dân chủ của ông Đặng “không gì hơn là những lời nói rỗng tuyếch,” theo ông Dương.
Ông Dương nói rằng để trục ông ra khỏi quyền lực, ông Đặng Tiểu Bình, cùng ông thủ tướng dạo đó là Lý Bằng và những người bảo thủ trong đảng đã chà đạp những luật lệ nhắm vào chuyện ngăn chận sự trở lại những năm tháng khi mà quyền lực tập trung vào trong tay một người, và chuyên quyền độc đoán dưới thời Mao Trạch Đông.
Phương cách cứu chữa những vấn nạn của Trung Quốc, ông Triệu Tử Dương nói, nằm trong sự vận động thay đổi từ từ nhưng không ngừng nghỉ hướng về nền dân chủ. “Tôi tin rằng thời cơ đã đến cho chúng ta để đối diện và giải quyết vấn đề này một cách nghiêm chỉnh,” ông kết luận.

“Một thảm kịch làm chấn động thế giới đã không thể nào ngăn chận được,”, theo ông Triệu Tử Dương. Nguồn: Reuters
http://www.dcvonline.net/php/images/052009/ts-2.jpg

Được biết, ông Triệu Tử Dương đã là Thủ tướng CHND Trung Quốc trong tám năm từ 1980 đến 1987, trước khi trở thành tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm 1987-1989. Ông được ghi nhận là có công lớn trong việc thúc đẩy Trung Quốc cải cách kinh tế theo chiều hướng kinh tế thị trường, gia tăng sản xuất và ngăn chận tình trạng quan liêu cũng như tham nhũng vô phương cứu chữa ở Trung Quốc trong thời gian đó. Đã từng được xem như là người kế vị Đặng Tiểu Bình, nhưng ông Triệu Tử Dương đã bị thanh trừng và hạ bệ sau biến cố Thiên An Môn vì ông có cảm tình với những sinh viên biểu tình này.

Ông nói rằng nhà nước lên án những cuộc biểu tình này là một phần âm mưu lật đổ đảng và nhà nước. Nhưng nhà nước thất bại trong việc trưng bằng chứng. Trong cuốn hồi ký này, ông có kể lại về một buổi họp mật của Bộ Chính trị, và ông nói "Ở lúc đó tôi cực kỳ phẫn nộ. Tôi tự nói với mình là bất luận chuyện gì xảy ra, tôi từ chối là người Tổng bí thư đảng huy động quân đội để trấn áp sinh viên."

Ông Triệu Tử Dương đã bị quản chế tại gia trong suốt 15 năm cho đến khi ông qua đời. Cuốn hồi ký của ông cũng có đề cập đến những năm tháng cô đơn khị bị lưu vong trên chính quê hương của ông, và bị cô lập bởi những người đã một thời là đồng chí của ông: “Lối vào nhà tôi là một chốn hoang tàn đổ nát, và lạnh lẽo.”

Một vài trích đoạn trong hồi ký của Triệu Tử Dương

VỀ CUỘC ĐÀN ÁP ĐẪM MÁU Ở THIÊN AN MÔN NĂM 1989
… “Vào đêm 3 tháng Sáu đó, trong lúc ngồi ngoài sân với gia đình, tôi nghe tiếng súng bắn dồn dập, dữ dội. Một thảm kịch làm chấn động thế giới đã không thể nào ngăn chận được và cuối cùng rồi cũng đã xảy ra...”
…“Người ta xác định phong trào sinh viên này là một âm mưu có tính toán, có lãnh đạo nhằm chống đảng, chống nhà nước. Bây giờ, chúng ta phải hỏi, ai là người lãnh đạo phong trào này? Họ có kế hoạch gì? Những bằng cớ nào để xác minh điều này?...”
…“Người ta nói rằng sự cố này nhằm mục đích lật đổ đảng Cộng sản và nhà nước Cộng hòa Nhân dân. Bằng chứng đâu? Tôi đã từng nói dạo đó là hầu hết người ta chỉ đòi hỏi chúng ta sửa những lỗi lầm, chứ không phải họ cố lật đổ hệ thống chính trị của chúng ta.”… VỀ HỆ THỐNG LẬP PHÁP CỦA PHƯƠNG TÂY

“… Hệ thống dân chủ với ngành lập pháp của phương Tây đã chứng tỏ sự tồn tại lâu dài nhất (vì tính hiệu qủa của nó). Hệ thống này hiện hay nhất từ xưa đến nay. Nó có khả năng biểu thị tinh thần dân chủ và thỏa mãn được những đòi hỏi của một xã hội hiện đại ngày nay…
… Nếu một đất nước mong muốn canh tân, thì không những chỉ có áp dụng nền kinh tế thị trường là đủ, nhưng cũng cần đi kèm theo đó là chọn và thực hiện một nền dân chủ lập pháp (parliamentary democracy) như là hệ thống chính trị cho mình. Còn không, đất nước này sẽ không thể có một nền kinh tế thị trường hiện đại và sung túc, mà nó cũng không có khả năng trở thành một xã hội hiện đại với cơ chế pháp quyền.” VỀ CẢI CÁCH CHÍNH TRỊ

“Nếu chúng ta không đi về hướng này, nó sẽ là bất khả để giải quyết những điều kiện bất bình thường trong nền kinh tế thị trường của Trung Quốc: Những vấn đề như một thị trường không lành mạnh, lợi dụng quyền lực, tham nhũng phổ biến tràn lan và khoảng cách lớn lao giữa người giàu có và kẻ nghèo khó. Một cơ chế pháp quyền khó mà trở thành hiện thực.”

© DCVOnline

-----------------------------------

Nguồn:
(1) Out: Zhao Ziyang's secret memoirs. Reuters, 15 May 2009
(2)
Secret memoir of China's Zhao Ziyang. The Associated Press, 14 May 2009
(3)
Secret Tiananmen Square memoirs of Zhao Ziyang to be published. Timeonline, 14 May 2009


TÀI LIỆU LIÊN QUAN :

Triệu Tử Dương đánh giá Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10549&rb=0402

No comments: