Bài 1: Trào lưu “đánh hàng Quảng Châu”
Ngày 15.05.2009 Giờ 10:47
http://www.sgtt.com.vn/detail5.aspx?newsid=51440&fld=HTMG/2009/0514/51440
Hàng hoá Trung Quốc đang chảy rất mạnh vào thị trường Việt Nam. Những dòng người ngược xuôi “đánh hàng” như những gọng kìm bọc nhung đang siết chặt, bóp nghẹt nền sản xuất Việt...
Mua tận gốc – bán tận ngọn
“Bạn có thể giảm được 50% giá thành nếu có thể nhập trực tiếp từ các nhà cung cấp tại Trung Quốc. Tuy nhiên mua tận gốc, bán tận ngọn không phải ai cũng có thể làm được vì gặp trở ngại trong việc tìm đối tác, thanh toán, nhập khẩu” – thông tin trên được truyền bá rộng rãi trên mạng, cùng với sự mời chào tham dự hội thảo miễn phí ngay tại TP.HCM giới thiệu “công nghệ đánh hàng” từ Quảng Châu gây được sự chú ý của nhiều người. Chỉ cần gõ vào Google cụm từ “đi mua hàng ở Quảng Châu”, sẽ có một loạt những hướng dẫn chi tiết, cụ thể và giản đơn đến kỳ lạ để thu hút mọi người, mọi nhà tham gia vào hành trình nhập khẩu hàng Trung Quốc.
Theo lời một tiểu thương ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội đi chuyến xe Hà Nội – Hữu Nghị Quan – Bằng Tường – Quảng Châu, bây giờ chính là thời “nhà nhà xuống đường đi buôn hàng Trung Quốc”. Chưa có một thống kê nào về lượng người Việt Nam đang qua lại kinh doanh tại Quảng Châu, tuy nhiên, có thể nhìn thấy được một phần của số lượng đông đảo này qua lượng “tai” (thông dịch kiêm hướng dẫn viên cho người Việt tại Quảng Châu) và lượng xe du lịch.
Theo Hoàng Trạch Nam, một “tai” kỳ cựu tại Quảng Châu, thì có khoảng hơn 1.000 người làm nghề này, chưa kể lực lượng du học sinh thỉnh thoảng cũng… kiếm thêm. Một con số khác, Thuỷ – giám đốc khu người Việt của khách sạn Đức Chính – Quảng Châu cho rằng lượng “tai” có thể hơn 1.500 người. Lượng phiên dịch đông là vậy, nhưng lúc nào họ cũng có lịch làm việc dày đặc. Đó là chưa kể đến lượng thương nhân Việt Nam nói được tiếng Hoa hoặc có đủ kinh nghiệm và mối làm ăn mà không cần đến “tai”. Con số thứ hai, là mỗi ngày, sẽ có bốn chuyến xe (40 khách/xe) đi từ Bằng Tường đến Quảng Châu và bốn chuyến quay chiều ngược lại. Đó là chưa tính lượng khách đi bằng máy bay. Mọi người đều lao lên xe, theo sự hấp dẫn của lợi nhuận đặc biệt được mọi người truyền tụng, không biết rằng, họ đang là cánh tay nối dài của các nhà sản xuất Trung Quốc vốn đang gặp khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trung tâm thương mại quốc tế
Không phải đợi đến khi tổ chức tự xưng là “trung tâm tư vấn và hỗ trợ của China Trade Corp với các doanh nghiệp Việt Nam” ra đời tại TP.HCM, thì rất đông người Việt đã nhanh chóng có mặt tại trung tâm Tràm Xoáy, nơi được mệnh danh là trung tâm thương mại quốc tế của Quảng Châu. Ở đó, doanh nhân, nhà buôn hay người bình thường từ mọi nơi trên thế giới đều có thể tha hồ mua sắm, đặt hàng và vận chuyển đủ mọi thứ, từ cỗ máy hiện đại nhất, món hàng nhái cao cấp nhất, sản phẩm đóng mác “sản xuất tại Việt Nam” hay những mặt hàng kém phẩm chất giá rẻ như cho. Chỉ cần ra dấu, không cần biết từ tiếng Hoa nào, người ta cũng dễ dàng tiếp cận chợ quần áo, chợ đồ da, chợ đồ lưu niệm, chợ máy tính, chợ điện thoại di động… Và chỉ cần nói “anh từ đâu đến”, hàng hoá sẽ được vận chuyển chính xác đến khu đóng hàng của mỗi quốc gia.
Việc đi buôn, hoá ra lại giản đơn vô cùng. Mang tiền đến “văn phòng đại diện” tại Hà Nội hoặc TP.HCM của khách sạn Đức Chính gởi, sẽ tự khắc có tiền khi sang Quảng Châu. Đặt vé xe qua điện thoại, ngủ một giấc là thấy thủ đô hàng hoá trước mắt. Chỉ việc chọn hàng, thoả thuận giá. Việc khuân vác đã có “tai”. Việc đóng hàng đã có một nhóm người bản xứ làm dịch vụ. Ai đi Quảng Châu cũng kéo vali to đùng trống không để mua và còn đóng hàng thành kiện hơn 100kg để chuyển về.
Giá chuyển hàng của Đức Chính là 1,5 triệu đồng/kiện hàng về Hà Nội và 2,5 triệu đồng về Sài Gòn. Tuy nhiên, Đại Xà Thầu đang là một mối chuyển hàng lớn hơn, do người Trung Quốc tổ chức. Theo một nguồn tin, ông chủ của Đại Xà Thầu là đàn em thân tín của trùm cửu vạn tại vùng biên Lũng Vài. Một nhà buôn khác cho rằng, có ít nhất năm con đường để đưa hàng về Việt Nam, và người ta có thể vận chuyển khoảng ba container một lúc mà không phải đóng đồng thuế nào.
Ngày nối ngày, từng đoàn người nối tiếp nhau đến rồi đi, hỉ hả vui cười vì lượng hàng “đánh” được từ khu thương mại Tràm Xoáy. Những tiệm buôn lẻ chỉ cần vài chục triệu là xong một lần đi. Những nhà buôn sỉ thì ăn dầm nằm dề ở Quảng Châu để chờ đơn hàng từ Việt Nam gởi sang và gom mỗi lần cả chục kiện. Những nhà “siêu buôn sỉ” thì mua hẳn nhà ở Quảng Châu và tổ chức một đường dây đưa hàng về khắp các tỉnh thành với số lượng không ai kiểm chứng được. Hàng Trung Quốc, mà chủ yếu là dệt may, da giày cứ thản nhiên xâm nhập thị trường Việt Nam một cách tự nhiên.
Trần Nguyên
---------------------------------
“Việt Nam có tài nguyên, có thị trường, hãy để Trung Quốc cung cấp hàng hoá cho các bạn sử dụng”, tiến sĩ Lê Đăng Doanh dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc nói tại một diễn đàn quốc tế
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, cách đây một năm, ông đã nhận được thông tin từ một công ty tư vấn có văn phòng tại Hong Kong về việc Trung Quốc đã sẵn sàng một chiến dịch tổng tấn công thị trường Việt Nam.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã thu hẹp sản xuất, chuyển sang gia công hàng hoá tại Trung Quốc vì giá rẻ, mẫu mã thay đổi nhanh chóng và chất lượng không tệ. Điều này ngày một nhiều hơn, và những nhà kinh doanh bám trụ với kênh sản xuất thuần Việt đang hết sức khó khăn để có thể cạnh tranh với loại hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng dán nhãn “Made in Vietnam”.
Phương thức tổ chức của kế hoạch này khá bài bản, chuyên nghiệp và có ý định rất rõ. Chính vì thế, đây là bài học rất lớn mà Việt Nam cần phân tích và tìm hướng ra để cứu nền sản xuất có khả năng bị tiêu diệt bởi hàng hoá Trung Quốc.
Không loại trừ khả năng chính sách kích thích kinh tế trong nước sẽ kích cầu cho hàng Trung Quốc.
Bài 2: Hội chợ Quảng Đông và nghệ thuật “cứu doanh nghiệp”
http://www.sgtt.com.vn/Detail5.aspx?ColumnId=5&newsid=51571&fld=HTMG/2009/0517/51571
Người Trung Quốc bị hạn chế đi vào khu vực triển lãm, trong khi khách Việt Nam được chào đón nồng nhiệt. Hội chợ hàng xuất khẩu thuộc loại lớn nhất thế giới ở Quảng Đông đón khách bằng câu chuyện lạ lùng của chính sách thúc đẩy thị trường nội địa
Toàn bộ khách sạn ở Quảng Châu đồng loạt tăng giá 300% trong dịp hội chợ, bởi lượng người đổ về thành phố thương mại này lớn hơn bao giờ hết: 165.436 khách tham dự chính thức đến từ 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng tá những dịch vụ ăn theo phiên chợ hàng xuất khẩu này cũng tấp nập hẳn lên.
“Giao điểm thương mại toàn cầu”
Hội chợ hàng xuất khẩu Trung Quốc (hội chợ Quảng Đông, 15.4 – 7.5) được xem là một trong những hội chợ có quy mô lớn nhất thế giới hiện nay với mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu hàng Trung Quốc. Mùa suy thoái, hội chợ dù đã đẩy mạnh hàng loạt chương trình truyền thông, gởi thư mời khắp nơi nhưng vẫn giảm gần 10.000 khách tham quan so với năm trước. Tuy nhiên, năm 2009 đánh dấu bước chuyển đổi của cơ cấu xuất khẩu Trung Quốc: khu vực EU, Trung Đông và Mỹ giảm mạnh, trong lúc những thị trường mới nổi như Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á tăng nhanh.
Đại diện thương mại của tập đoàn bánh kẹo Zhenmei Quảng Châu Nabin Shrestha nồng nhiệt: “Chúng tôi rất mong tìm kiếm những đối tác đến từ Việt Nam. Tôi biết các bạn có một thị trường tuyệt vời…”. Cô thoăn thoắt giới thiệu, thoăn thoắt lấy hàng mẫu và khoe ngay với các đồng nghiệp xung quanh: “Đây là khách hàng Việt Nam của mình”. Cùng một kiểu cách ân cần đó, là giám đốc hãng túi xách Mộc Lâm. Ông chìa cái giỏ da rất đẹp ra và giải thích: “Cái này dùng da loại tốt nhất nên có giá 60 USD. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu thị trường Việt Nam sẽ chuộng loại khác, nên sẽ sản xuất loại có mẫu y chang như vầy nhưng với giá 6 USD. Còn nhãn hiệu thì muốn chọn loại nào cũng được” – “Tôi muốn ghi nhãn Made in Vietnam có được không?” – “Tất nhiên là được rồi, tôi cũng có một khách hàng đồng hương của anh chọn phương án này”… Điều này làm gợi nhớ rất nhiều sự cố máy móc, thiết bị được trúng thầu tại Việt Nam với nhiều xuất xứ sang trọng nhưng sau đó vỡ lở ra nguồn gốc thực tế đều là hàng Trung Quốc. Thế nhưng, những sản phẩm này vẫn đang thuyết phục nhiều nhà kinh doanh Việt Nam xông pha trong hội chợ, bởi nó đem lại lợi nhuận lớn. Một vị khách Việt Nam không nói được tiếng Hoa, lúng túng với tiếng Anh đang cố gắng đặt một lô hàng thiết bị y tế công cộng đã phải nhờ chúng tôi phiên dịch giúp.
Tại hội chợ, gần như tất cả mọi thứ hàng trên cuộc đời đều có mặt, tất cả công nghệ đều được giới thiệu. Hàng Trung Quốc đang thay đổi: không còn giá rẻ chất lượng kém nữa, mà là giá vừa chất lượng tốt. Chẳng thế mà có ít nhất 12 công ty Việt Nam thực hiện tour đưa khách đi hội chợ.
Ứng cứu nền sản xuất Trung Quốc
Tại phòng họp báo ở hội chợ, những viên chức cấp cao khá dè dặt trong việc cung cấp thông tin về chính sách của nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Huo Jianguo, chủ tịch phòng Thương mại hỗ trợ xuất nhập khẩu thực phẩm – nông sản cho biết: “Chúng tôi giảm nhiều trong xuất khẩu. Chính phủ đã đề ra những chính sách cấp thời như giảm thuế xuất khẩu của một số nông sản, giảm hoặc bỏ hoàn toàn thuế xuất khẩu của một số mặt hàng ngũ cốc…”. Quả thật, đi dọc 300 gian hàng của khu vực nông sản – thực phẩm, sẽ nhận ra kết quả bước đầu của kế hoạch hỗ trợ tài chính cho “nông nghiệp, nông dân và các vùng nông thôn”. Khoảng 700 tỉ nhân dân tệ đã được đầu tư để hỗ trợ cho việc xây dựng nền nông nghiệp.
Thêm vào đó là việc thắt chặt các đạo luật về an toàn thực phẩm cùng với việc hạ giá bán trong nước của một số nông sản đã giúp giảm nhẹ các lệnh cấm từ thị trường thế giới. Định hướng thúc đẩy xuất khẩu nông sản Trung Quốc là: làm cho thế giới thấy những điểm riêng biệt và vượt trội của nông sản Trung Quốc thông qua các dịch vụ kèm theo và công nghệ sản xuất. Sau những sự cố về vấn đề chất lượng an toàn thực phẩm xảy đến cho các sản phẩm Trung Quốc, các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện hệ thống phân tích rủi ro, theo dõi chất lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ, áp dụng thương mại điện tử… “Bên cạnh đó, chúng tôi còn áp dụng hệ thống eBASE của Nhật – hệ thống CRM mã nguồn mở, nhằm giúp các doanh nghiệp thực phẩm Trung Quốc tiếp cận với các doanh nghiệp Nhật, qua đó học hỏi kinh nghiệm của họ về xây dựng hệ thống phân phối và cung cấp, hệ thống an toàn…” – vừa cầm chai nước lựu, ông Huo Jianguo vừa khẳng định thêm về khả năng ứng phó với những rủi ro an toàn thực phẩm nước này.
Ông Wang Shenyang, chủ tịch phòng Thương mại hỗ trợ xuất nhập khẩu ngành dệt may nói thêm: “Với sự hỗ trợ từ các chính sách, rất nhiều các doanh nghiệp dệt may đang tiến hành các cải tổ, thay đổi đường lối phát triển và nêu bật khía cạnh kỹ thuật của các sản phẩm và dịch vụ nhằm giữ khách hàng. Một tập hợp các thương hiệu 256 doanh nghiệp cùng với các nhãn hàng được sự hỗ trợ đặc biệt từ bộ Thương mại sẽ đóng vai trò đầu tàu, làm hình mẫu cho cả ngành dệt may đang lao đao”. Treo rất to khẩu hiệu của Trung Quốc trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quay lại thị trường nội địa sau sự sụt giảm của các đơn hàng gia công – xuất khẩu: “định vị, dẫn đường, tư vấn và dịch vụ”, ông Wang cho rằng giải pháp tìm kiếm thị trường mới đang là nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức này. “Một mặt, chúng tôi cấp nhiều loại dịch vụ thông tin hữu ích cho doanh nghiệp, hướng dẫn họ nâng cao chất lượng sản phẩm và thay đổi hình thức phát triển xuất khẩu của họ. Chúng tôi cũng cung cấp thông tin và tư vấn với những nhà làm luật nhằm có các thay đổi kịp thời. Chúng tôi là cầu nối giữa chính phủ và các doanh nghiệp, nhằm giúp hai bên hiểu rõ nhau hơn. Và qua đó, với sự cố gắng từ hai phía, doanh nghiệp – tìm kiếm các cơ hội, kết chặt mối quan hệ với các doanh nghiệp và ngành nghề khác cùng với chính phủ – hỗ trợ về mặt pháp lý và chính sách cho các doanh nghiệp”.
Trần Nguyên
Bài 3: Mềm mại bủa vây thị trường
Ngày 20.05.2009 Giờ 16:18
http://www.sgtt.com.vn/Detail5.aspx?ColumnId=5&newsid=51654&fld=HTMG/2009/0519/51654
SGTT - Những phiên chợ tấp nập mua bán. Những chuyến hàng len lỏi ngược xuôi. Những hợp đồng gia công ào ạt ký kết. Hàng hoá Trung Quốc len lỏi theo những dòng chảy tự nhiên, thấm dần và ăn mòn thị trường Việt Nam
Nếu như việc đi “đánh hàng” từ Quảng Châu về Hà Nội, Sài Gòn đã trở thành chuyện thường ngày với những người nhanh nhạy trong kinh doanh, thì rõ ràng, công tác “làm thị trường” của người Trung Quốc đã thành công.
Những đường dây “cò con”
Không cần quảng bá, không cần tiếp thị, cũng không cần hỗ trợ, tự thân một con đường “tơ lụa” kiểu mới đã được hình thành. Người ta kháo nhau để đi. Người ta hướng dẫn nhau để chọn hàng. Người ta chia sẻ thông tin cho nhau trên khắp các diễn đàn trực tuyến. Một người bạn vừa trở về từ Quảng Châu thốt lên: “Bây giờ mà không tranh thủ đánh hàng Trung Quốc thì cũng hơi khờ dại!”
Và một hệ thống phục vụ cho những chuyến đi này đã nhanh chóng mọc ra, từ việc đổi tiền, chuyển tiền, đặt xe, mua thẻ điện thoại, thuê phiên dịch… mọi thứ đều có thể tiếp cận tại những văn phòng đại diện không bảng hiệu tại Hà Nội và TP.HCM. Thậm chí, một trung tâm được giới thiệu là “cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam – Trung Quốc” đã ra đời, đặt tại một căn hộ chung cư ở đường Hậu Giang, quận 6, TP.HCM chuyên để phục vụ nhu cầu lấy hàng hoá giá rẻ của người dân miền đồng bằng sông Cửu Long.
Một chuyến đi buôn bằng máy bay chỉ tốn có 12 triệu đồng, bao gồm vé máy bay (đã xấp xỉ mười triệu đồng), tiền ăn ở bốn ngày, đi lại, phiên dịch và giới thiệu các nhà máy, chợ sỉ… Họ lo tất tần tật mọi khâu, từ lựa chọn đối tác theo đúng nhu cầu, đặt hàng, vận chuyển, nhập hàng… Cơ quan này thể hiện rõ việc không mặn mòi với những doanh nghiệp sành sỏi ở thành phố, bởi thị trường mà họ đang quan tâm là khu vực nông thôn. Lãnh địa có hơn 70% dân số của đất nước khao khát tiêu dùng đang bị bỏ trống. Và những chuyến hàng giá rẻ từ Quảng Châu, Đông Hưng qua cửa Lạng Sơn, Móng Cái đang rầm rộ chuyển về.
Lận lưng vài chục triệu, một cậu sinh viên năm nhất đại học Huflit cũng đã tự mình sang Quảng Châu, gom được một kiện hàng quần áo và nửa kiện thiết bị nhà bếp ghi nhãn lập lờ đánh lừa người tiêu dùng là “công nghệ Hàn Quốc”, “tiêu chuẩn Nhật Bản”… Cậu chỉ mới tập tành bán mớ hàng này trên các mạng bán hàng trực tuyến, nhưng sau thành công, thì lập tức gom thêm tiền, mang hàng về nhiều hơn. Chuyện học hành dần bị sao nhãng vì mơ ước mở một công ty nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc đang đến gần hơn bao giờ hết.
Và những “hàm cá mập”
Cuộc họp chuyên gia định kỳ của câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao đặt lên bàn bài toán nan giải: phải ứng xử thế nào với các “đại gia” hàng Việt sau khi “vả thuốc” vì kẹt tiền trong chứng khoán và bất động sản, trong núi hàng tồn kho không bán được, trong mớ bòng bong thủ tục, gíá điện, giá xăng, giá thuê mặt bằng tăng vọt. Mọi thứ đều tăng chỉ có sức mua là giảm, thì họ đã phải đóng máy, bán máy, cho công nhân nghỉ và họ đặt hàng gia công từ Trung Quốc. Rẻ, nhanh, thuận tiện, mẫu mã mới và phong phú, khỏi động tay động chân mà lời hơn nhiều.
Những câu chuyện thương hiệu thời trang N., hãng giày lừng danh V. hay nhóm hàng của hệ thống C. thực chất chỉ là hàng đi đặt ở Quảng Châu mang về đã âm ỉ rất lâu trong những cuộc bàn tán của giới doanh nhân. Một chuyên gia thốt lên: “Nếu ai cũng mang hàng sang gia công bên Trung Quốc, thì nền sản xuất Việt Nam sẽ bị bóp chết hay sao?” Những người tiêu dùng thiết tha với cuộc vận động “người Việt – hàng Việt” để khắc phục cơn suy giảm kinh tế trong nước, vô tình đang ủng hộ một nền sản xuất khác mạnh hơn rất nhiều.
Hàng hoá Trung Quốc hiện giờ đang thực sự bủa vây thị trường trong nước, từ thứ dễ nhìn thấy nhất là quần áo thời trang, giày dép cao cấp và rẻ bèo, cho đến các thiết bị gia dụng, hoa giả, hoá mỹ phẩm... Những ông chủ lớn chuyên nhập hàng Trung Quốc số lượng lớn đã bắt đầu xuất hiện tại chợ Đồng Xuân, chợ An Đông và các đường dây buôn bán đã bắt đầu “chảy”. Những hè phố có người bán đồ chơi, thì 99% là đồ chơi Trung Quốc. Những sạp bánh mứt Hà Nội, Đà Lạt, cũng nhập nhẹm rất nhiều “đặc sản địa phương” được nhập khẩu từ biên giới phía Bắc. Những xe bong bóng đủ sắc màu, những người bán dạo khắp hang cùng ngõ hẻm cũng chỉ toàn phân phối bánh kẹo Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể chuyện, một doanh nhân muốn tìm mua hệ thống máy móc đã dễ dàng được hướng dẫn sang Trung Quốc, đến tận nơi, gặp tận mặt những người tự xưng là “làm việc lâu năm trong các nhà máy sản xuất của Mỹ, Nhật để học hỏi công nghệ và kỹ thuật”. Và anh này đã đồng ý nhập ngay vì giá thành chỉ chưa đến 1/3 nếu mua của một quốc gia khác.
Bà Lai Kim, tổng giám đốc công ty may Nhật Tân cười buồn: “Bây giờ mà nói hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém là không hợp thời nữa. Tôi chuyên gia công cho những hãng thời trang lớn nhất thế giới mà cũng phải thừa nhận là hàng thời trang Trung Quốc quá đẹp, quá hợp lý về giá. Tôi nói đùa với mọi người, là mùa đông, người Hà Nội được làm đẹp bởi hàng thời trang Trung Quốc”.
Trần Nguyên
No comments:
Post a Comment