“Đầu độc” 8.000ha đất sản xuất nông nghiệp
Ngày 25.05.2009 Giờ 16:23
http://www.sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=51908&fld=HTMG/2009/0524/51908
SGTT - Tám tuyến kênh chính phục vụ tưới tiêu cho 8.000ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc năm xã của huyện Bình Chánh và Hóc Môn bị ô nhiễm trầm trọng: kiến, cá chết, cây cối đổi màu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Trong khi ấy, các cơ quan chức năng lại bất lực đứng nhìn, chưa tìm ra phương thuốc đặc trị hữu hiệu nào để cứu đất, cứu lúa
Hệ thống thuỷ lợi của huyện Hóc Môn – bắc Bình Chánh bao gồm tám tuyến kênh chính: kênh Thầy Cai, kênh An Hạ, kênh An Hạ – kênh C, kênh liên vùng, kênh ranh Long An, kênh A, kênh B, kênh C… Hệ thống này đảm bảo tưới tiêu cho trên 8.000ha đất nông nghiệp, trong phạm vi các xã Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc B (Bình Chánh); xã Xuân Thới Sơn, Tân Thới Nhì (Hóc Môn), và một phần quận Bình Tân.
Theo kết quả phân tích chất lượng nguồn nước kênh Thầy Cai, An Hạ, kênh B, C của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM cho thấy, các thông số COD, BOD5, Coliform (các chỉ tiêu xác định mức độ nhiễm bẩn của nước) đều vượt tiêu chuẩn chất lượng nước dùng cho thuỷ lợi và tiêu chuẩn nước thải công nghiệp từ vài lần đến hàng chục ngàn lần.
Nhà máy, khu công nghiệp “giết” ruộng lúa
Có mặt tại kênh B và C ngày 24.5, chúng tôi nhận thấy từng dòng nước có màu nâu đen, mùi khó chịu chảy về các nhánh. Nhiều hộ dân, sống dọc theo con kênh này cho biết, kênh B, C thường xuyên bốc mùi hôi thối. Nguồn nước hai kênh này bị ô nhiễm bởi khu công nghiệp, cụm công nghiệp Lê Minh Xuân và các cơ sở nhỏ lẻ dọc kênh.
Đại diện của sở NN&PTNT cho biết, khu công nghiệp Lê Minh Xuân tập trung chủ yếu từ kênh C12 đến C18. Đây là khu công nghiệp tập trung nhiều ngành sản xuất có tính chất ô nhiễm nặng. Khu công nghiệp này hiện có khoảng 277 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các ngành nghề như: sản xuất sơn, bao bì nhựa, cao su, bình ắcquy. Khu công nghiệp này tuy đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất 4.000m3 khối/ngày nhưng chưa có giấy phép xả thải vào hệ thống công trình thuỷ lợi.
Việc ô nhiễm kênh B và C đã ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước tưới toàn bộ khu nam tỉnh lộ 10 thuộc hệ thống thuỷ lợi Hóc Môn – bắc Bình Chánh (trên 4.500ha).
Kênh Thầy Cai – con kênh đầu nguồn của hệ thống nước phục vụ tưới tiêu toàn công trình thuỷ lợi Hóc Môn – bắc Bình Chánh (trên 8.000ha) và nguồn nước sông Sài Gòn phục vụ các dự án cấp nước thành phố còn ô nhiễm nặng nề hơn. Kết quả quan trắc chất lượng nước tại đây cho thấy, năm 2008 chỉ tiêu COD vượt tiêu chuẩn 1 – 2 lần, chỉ tiêu Fcal Coliform vượt từ 1 – 120 lần.
Theo quan sát, con kênh này bị ô nhiễm bởi nguồn chất thải của khu xử lý chất thải rắn Hiệp Phước và khu công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi). Khu công nghiệp này mặc dù đã xây dựng được nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng hệ thống đấu nối, thu gom nước thải chưa hoàn chỉnh nên nhà máy này chưa vận hành được. Các đơn vị sản xuất trong khu công nghiệp xử lý cục bộ và xả nước thải riêng lẻ, trực tiếp vào kênh Thầy Cai.
Đại diện sở NN&PTNT cho biết, nguồn nước bị ô nhiễm đã ảnh hưởng đến công tác điều tiết phục vụ tưới tiêu, ngăn mặn, xổ phèn và phòng chống cháy rừng, đặc biệt là ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, sức khoẻ của người dân quận vùng ven và các huyện ngoại thành. Trong nhiều năm qua chất thải ô nhiễm từ khu công nghiệp Lê Minh Xuân đã gây ra hiện tượng cá chết, vịt chết (2004), cây cỏ biến đổi màu (2007), cá sấu chết, kiến chết hàng loạt (2008)…
Bất lực trong kiểm soát?
Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, thông thường quyết định kiểm tra phải thông báo cho doanh nghiệp được kiểm tra biết khi tiến hành kiểm tra; do đó, doanh nghiệp thường thực hiện tốt việc vận hành hệ thống xử lý chất thải, hoặc đối phó bằng cách tạm ngưng hoạt động sản xuất. Trường hợp kiểm tra đột xuất, doanh nghiệp thường từ chối phối hợp với lý do không có chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện để làm việc.
Mặt khác, do hạn chế về nhân lực, thiết bị chuyên ngành mà phần lớn các đơn vị sản xuất chưa tách riêng hệ thống thu gom nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt và hệ thống thoát nước mưa. Ngoài ra, việc đấu nối không rõ ràng đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; thiết kế đường ống ngầm nhưng không có sơ đồ hệ thống đường ống gây nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, giám sát việc xả chất thải.
Còn theo lãnh đạo của phòng PC36, nhiều doanh nghiệp chỉ vận hành hệ thống chất thải mang tính đối phó, thậm chí không vận hành mà tìm cách xả trực tiếp các loại chất thải ra môi trường. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm chủ yếu mới dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính. Nhưng ngay cả phạt hành chính cũng không nghiêm hoặc có xử phạt nhưng không có điều kiện bắt buộc khắc phục hậu quả, dẫn đến thiếu tính giáo dục, răn đe và khó khăn trong việc xử lý tiếp theo.
An Vũ Nguyên
No comments:
Post a Comment