Monday, May 18, 2009

AI CHỐNG ĐỐI NHÀ NƯỚC CHXHCNVN ?

Ai chống đối nhà nước CHXHCN?
Phạm Văn Hải
VietCatholic News (18 May 2009 05:54)
http://vietcatholic.net/News/Html/67296.htm
Vừa hay nhà riêng Luật sư Lê Trần Luật lại bị khám xét, tịch thu máy tính, tài liệu. Lại manh nha ý định đưa anh ta vào tội "tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam". Anh Luật có phạm vào điều luật 88 của bộ luật hình sự không?
Cho dù luật pháp Việt Nam còn nhiều vướng mắc (như lời ông thủ tướng Dũng đã nói), thì với hiểu biết của một luật sư, anh Luật chẳng dại gì mà để dính vào cái điều khoản ấy.

Dựa vào đâu mà người ta hô hoán rằng anh vào cái tội "tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam"?
- Vì bào chữa cho giáo dân Thái Hà? Đó là công việc của nghề luật sư, anh Luật không bào chữa thì làm gì? Đứng ra kết tội họ à?
-Vì anh "tàng trữ" hồ sơ của doanh nhân Phạm Bá Hải, ký giả Trương Minh Đức... ? Không riêng gì các luật sư cần lưu trữ những tài liệu có liên quan đến tội phạm, luật pháp để phục vụ cho chuyên môn của mình. Tôi là một công dân bình thường vẫn có quyền đó, quyền được hiểu biết!

Thôi không bàn chuyện anh Luật có chống đối nhà nước hay không. Giả sử cá nhân tôi - một công dân Việt Nam - đứng ra hô lên: "Tôi chống đối nhà nước CHXHCN Việt Nam nè!"
- Mày ngon! Dám chống cả nhà nước cộng sản nữa!
- Mày ngu! Muốn xộ khám hả?

Tôi không ngon, mà cũng chẳng ngu! Vì còn chưa biết tôi chống về chuyện gì mà.
Nếu nhà nước này có những chủ trương, chính sách đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, của quốc gia, tôi sẽ chống đối và chống đối đến cùng.

Nhà nước Cộng sản Việt Nam có phải là một thực thể tuyệt đối, không bao giờ sai lầm?

Những chuyện trước 1975 như Nhân Văn Giai Phẩm, Cải cách ruộng đất, Thảm sát Mậu Thân... vẫn còn đó.
Những chuyện sau 1975 còn nhức nhối hơn nhiều: Đánh tư sản, Trại tù cải tạo, Cấm chợ ngăn sông, Thuyền nhân tị nạn...

Mới đây, thành phố Đà Nẵng vừa bổ nhiệm chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa và phát động phong trào dự thi viết về biển đảo. Tại sao không làm việc này từ 34 năm trước, khi Internet còn chưa phổ biến, có phải là ưu thế về chủ quyền trong chuyện tranh chấp sẽ mạnh hơn nhiều so với bây giờ hay không?

Năm 2007, khi tôi vận động biểu tình chống Bắc Kinh trên mạng, một em sinh viên đã email nói với tôi: "Sao em search trên Google thấy nó cũng có nói Hoàng Sa là của Trung Quốc?". Đây là hậu quả của việc bưng bít thông tin về Hoàng Sa của nhà nước sau 1975. Em sinh viên ấy nói cũng không sai, nếu trước 12/2007 thì khác. Bây giờ, lên Google search sẽ thấy rất nhiều kết quả, video và hình ảnh về các cuộc biểu tình, những dòng chữ "Hoàng Sa là của Việt Nam!", "Trường Sa là của Việt Nam"... đã tràn ngập trên các trang tìm kiếm. Đó chính là nhờ tinh thần mạnh mẽ của giới sinh viên, trí thức, nhà báo, văn nghệ sỹ, cựu chiến binh... và đồng bào yêu nước ở hải ngoại kết hợp cùng sức mạnh của Internet.

Nếu không có Internet, sinh viên không xuống đường ở Sài Gòn và Hà Nội cuối năm 2007 và đầu năm 2008, không rộ lên phong trào phản đối nghị quyết Tam Sa của các blogger... liệu nhà nước có bổ nhiệm chủ tịch huyện Hoàng Sa và phát động của thi biển đảo năm 2009 hay không? Còn quy kết những người biểu tình vào tội chống đối nhà nước không?

Vai trò của nhà nước rất lớn, mỗi chính sách, chiến lược đều ảnh hưởng đến hàng chục triệu người, tác động qua nhiều thế hệ.

Nhân Văn-Giai Phẩm, Cải cách ruộng đất, Thảm sát Mậu Thân, Đánh tư sản, Trại tù cải tạo, 10 năm cấm chợ ngăn sông, Thuyền nhân tỵ nạn, Hoàng Sa... từng ấy sai lầm gây hậu quả thế nào cho đất nước? Ai chịu trách nhiệm? Ai ra tòa?

Tôi không phản đối, anh im lặng, mọi người né tránh... để rồi các thế hệ sau lại tặc lưỡi kể thêm một vài sai lầm nữa (có thể mang tên bauxite Tây Nguyên chẳng hạn).

Tại sao không ngăn chặn từ đầu, để đất nước này, để các thế hệ đi sau không phải trả giá cho những sai lầm mang tên "Nhà nước CHXHCN Việt Nam"?

Phạm Văn Hải

No comments: