Ngô Nhân Dụng
Friday, April 03, 2015 7:11:32 PM
Tổng
Thống Barack Obama đã gọi điện cho Thủ Tướng Netanyahu, báo tin đã ký kết với
Iran thỏa ước sơ bộ ngăn vũ khí nguyên tử; với mục đích nhắc lại cam kết Mỹ sẽ
bảo vệ nước Israel đến cùng. Trong câu chuyện, hai người chắc không cảm ơn lẫn
nhau; nhưng đáng lẽ họ phải cảm ơn.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, ông thủ tướng làm cho nhiều
cử tri Israel nghĩ đây là một chọn lựa giữa Obama và Netanyahu. Ông tái cử, sẽ
thành người cầm quyền lâu nhất trong lịch sử nước ông, sau khi mô tả cuộc đàm
phán Mỹ Iran là mối đe dọa trên an ninh Israel; biến nó thành đề tài tranh cử lớn
khiến dân chúng quên tình trạng kinh tế, trong khi các đối thủ tấn công ông về
đời sống mắc mỏ và chênh lệch giàu nghèo. Khi nghĩ an ninh bị đe dọa, cử tri
thường ngả về “phe diều hâu,” ở nước nào cũng vậy.
Ông Obama đáng lẽ phải cảm ơn ông Netanyahu, vì nhờ
ông ta và Đảng Cộng Hòa ở Mỹ chống đối kịch liệt bất cứ một thỏa ước nào cho
nên phái đoàn Mỹ ở Lausanne, Thụy Sĩ đã có thể ép phái đoàn Iran nhượng bộ, viết
trong văn bản thỏa hiệp nhiều chi tiết tỉ mỉ, mà có lẽ họ không muốn ghi vào.
Ngoại Trưởng Kerry có thể đã nhiều lần lắc đầu nói riêng với Ngoại Trưởng Zarif
rằng, “Thỏa hiệp đại khái như vậy thì khi tôi về nước sẽ bị Đảng Cộng Hòa họ
đem ra ném đá giữa chợ!”
Có
thể nói thỏa ước Lausanne là một thành công ngoại giao lớn của chính phủ Mỹ, vì
đã ghi đầy đủ những điều Iran phải theo: Giảm bớt số các
trung tâm nguyên tử đang hoạt động và chấp thuận một hệ thống kiểm soát gắt gao
trong 15 năm tới. Trong khi đó Mỹ, Anh, Pháp, Đức và các nước Châu Âu chỉ hứa hẹn
sẽ giảm bớt dần dần cuộc phong tỏa kinh tế sau khi các thanh tra Liên Hiệp Quốc
chứng nhận Iran đã thi hành đứng đắn.
Trong bản thỏa hiệp, Iran sẽ chỉ còn giữ 6,000 lò
tinh luyện uranium, trong số 20,000 lò đang có. Những lò còn hoạt động đều cũ,
thuộc thế hệ 1970 của Âu Châu, Iran không được xây dựng những lò theo mẫu mới.
Những lò luyện không sử dụng sẽ được thanh tra Ủy Ban Nguyên Tử Lực Quốc Tế
(IAEA) theo dõi trong 15 năm tới. Iran sẽ chỉ được giữ 3% số uranium đã tinh
luyện, khoảng 300 ký lô so với 10,000 ký lô đang có.
Hai lò uranium được chú ý nhất tại Arak và Fordo, cả
hai đặt trong hầm núi đá khó dùng bom để tấn công. Iran sẽ ngưng tinh luyện
uranium tại lò Fordo trong 15 năm, sau đó chỉ hoạt động cho mục tiêu y học. Tại
Arak, Iran sẽ hủy hoặc xuất cảng các chất plutonium đã có, và sẽ phải thay đổi
thiết kế lò này để không thể sản xuất plutonium có khả năng chế bom nguyên tử.
Bản thỏa ước sơ bộ còn nói tới cả việc sản xuất hỏa
tiễn có khả năng mang đầu đạn nguyên tử và các thứ vũ khí quy ước khác. Bản văn
viết: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ thông qua một quyết nghị mới thay thế
những nghị quyết cấm vận Iran, trong đó sẽ hạn chế số hỏa tiễn bắn vòng
(ballistic missiles) và vũ khí quy ước ... nghị quyết này sẽ được ghi trong bản
thỏa ước chính thức.”
Vấn
đề khó thỏa hiệp nhất, một trở ngại chính khiến hai bên phải mất 18 tháng mới
thỏa hiệp, là hệ thống thanh tra. Iran không những
chấp nhận các lò luyện nguyên tử bị thanh tra thăm viếng theo chương trình của
họ, mà còn chịu để cho IAEA tới thanh tra cả hai loại địa điểm khác, trong 20
năm tới. Một là những mỏ uranium cùng những nhà máy sản xuất biến quặng uranium
thành sản phẩm dùng được. Hai là những cơ xưởng sản xuất các lò tinh luyện
uranium hoặc các phụ tùng cần thiết cho công tác tinh luyện (người ta thường dịch
là “làm giàu,” dịch nguyên văn chữ enrichment). Không những thế, mỗi khi đặt
mua các khí cụ trong việc tinh luyện nguyên tử, Iran phải xin phép cơ quan
IAEA. Nếu Iran muốn xây dựng các lò tinh luyện nguyên tử mới, phải báo cho IAEA
biết trước khi khởi công. Trước đây Iran chỉ chịu thông báo cho IAEA trước khi
đưa nguyên liệu tới lò; bây giờ họ chấp thuận điều kiện báo trước này.
Chấp nhận một hệ thống thanh tra kiểm soát ngặt
nghèo như vậy chứng tỏ Iran muốn thật sự thi hành bản thỏa ước mới được sơ thảo.
Với các điều kiện gắt gao như thế, Iran biết rằng nếu họ làm sai bản thỏa hiệp
thì cũng không che được mắt các thanh tra của IAEA. Cho nên Tổng Thống Obama có
thể nói rằng, “Nếu Iran gian lận, cả thế giới biết ngay.” Iran chứng tỏ rằng họ
có ý định tôn trọng các thỏa hiệp, sẽ được ký kết vào cuối tháng Sáu năm nay, với
các chi tiết kỹ thuật đầy đủ hơn.
Trở ngại thứ hai khiến năm nước thường trực trong Hội
Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh) cùng nước Đức và
Iran phải họp đêm họp ngày trong tuần lễ sau cùng, là từ lâu Iran vẫn khăng
khăng đòi hỏi Mỹ và các nước Châu Âu bãi bỏ cấm vận ngay sau khi ký kết thỏa ước.
Cuối cùng, họ đã chịu nhường, để tỏ thiện chí. Việc bãi bỏ cấm vận sẽ tiến hành
từng giai đoạn, tùy theo chứng nhận của của các thanh tra Liên Hiệp Quốc. Và nếu
Iran làm sai bản thỏa hiệp, các nước sẽ cấm vận trở lại. Tất cả bản thỏa hiệp
sau cùng sẽ phải được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua.
Tại
sao Iran đã nhượng bộ nhiều điều quan trọng như vậy?
Có hai lý do trực tiếp.
Thứ
nhất là cuộc cấm vận đã thanh công. Từ năm 2002, Mỹ và
Châu Âu, được Nhật Bản và Nam Hàn ủng hộ, đã thi hành các biện pháp cấm vận làm
cho kinh tế Iran ngày càng suy sụp. Ảnh hưởng nặng nề nhất nằm trong lãnh vực
xuất cảng vàng và đá quý, dầu thô, khí đốt và cấm các ngân hàng không được giao
dịch với Iran.
Hậu quả là số dầu thô xuất cảng đã giảm từ 2.2 triệu
thùng mỗi ngày (năm 2011) xuống chỉ còn 700 ngàn thùng; Iran giảm số thu nhập từ
4 đến 8 tỷ đô la mỗi tháng. Năm 2011 Iran thu vào 95 tỷ đô la bán dầu, năm 2012
chỉ còn 74 tỷ. tổng sản lượng nội địa đã giảm gần 2% năm 2012, giảm thêm 1.3%
năm 2013. Vì cấm vận kinh tế, đồng tiền Iran (Riyal) đã mất giá 40% đối với Mỹ
kim, hàng nhập cảng tăng giá, lạm phát tăng, thực phẩm đắt, thanh niên khó kiếm
việc làm, nhiều nơi đã biểu tình vì sinh hoạt đắt đỏ.
Khi Iran bầu một vị tổng thống mới, bắt đầu ngồi vào
bàn hội nghị kỳ này, Iran đã giảm bớt hoạt động tinh luyện uranium, đổi lại,
các nước đã giải tỏa một số điều cấm. Iran đã xuất cảng được một triệu thùng dầu
mỗi ngày, thâu được thêm 7 tỷ đô la, và được sử dụng hơn 4 tỷ đô la bị phong tỏa
trong các ngân hàng quốc tế. Ngay sau khi đạt được thỏa hiệp sơ bộ, giá dầu
trên thế giới đã giảm ngay 5 đô la mỗi thùng trước viễn tượng Iran sẽ được xuất
cảng thêm dầu lửa.
Lý
do thứ hai khiến Iran chịu nhượng bộ là lòng dân. Ngay khi thỏa hiệp được công bố, phóng viên AFP cho biết dân thủ đô
Teheran đã dân đổ ra đường ca hát, nhẩy múa trên đại lộ chính Vali Asr, đường bị
kẹt xe trong khi xe cộ bóp còi liên tục để reo mừng. Một sự kiện bất ngờ là
chính quyền Iran đã cho chiếu trên đài truyền hình IRINN của nhà nước toàn thể
bài diễn văn của tổng thống Mỹ. Nhiều thanh niên Iran đã dùng điện thoại tự chụp
hình trước máy ti vi với hình ảnh ông Obama để đánh dấu biến cố này.
Nhiều người Iran coi thỏa ước Lausanne là một thắng
lợi! Từ lâu, chính quyền vẫn tuyên truyền rằng Mỹ và Châu Âu cố tình ngăn cản
chương trình nguyên tử của Iran, dù mục đích hoàn toàn hòa bình. Cựu Tổng Thống
Mahmoud Ahmadinejad, từ 2005 đến 2013, được hoan hô khi khẳng định, “Iran có
quyền sản xuất năng lượng nguyên tử, một quyền bất khả xâm phạm.” Ngày nay, tổng
thống mới, ông Hassan Rohani phải chứng tỏ với các giáo sĩ rằng ông “không đầu
hàng” Mỹ. Ông có thể giải thích thỏa ước mới là một thắng lợi, vì sáu cường quốc
đã chính thức công nhận “quyền bất khả xâm phạm” mà ông Ahmadinejad đề cao.
Iran lại có quyền xuất cảng các uranium và plutonium được tinh luyện. Cho nên
ông Rohani đã ra lệnh phái đoàn Iran phải tiếp tục thương lượng các chi tiết
ngay lập tức, cho kịp kỳ hạn cuối Tháng Sáu. Một thường dân Iran, ông Davoud
Ghafari, ngoài 50 tuổi, nói với AFP, “Thôi, từ nay chúng tôi được sống bình thường
như các dân tộc khác!”
Cuộc
đàm phán về vũ khí nguyên tử với Iran là một cuộc “đánh cá” lớn của Tổng Thống
Barack Obama. Khi nhậm chức, ông thừa hưởng hai cuộc chiến tranh ở
Iraq và Afghanistan. Ông hứa sẽ rút quân Mỹ về, nhưng sau 6 năm vẫn chưa thực
hiện được. Việc đàm phán với Iran là một bước ngoặt trong chính sách của chính
phủ Mỹ, vì từ năm 1979 đến nay các tu sĩ lãnh đạo Iran vẫn bị coi là không thể
tin tưởng được.
Nhưng trong trường ngoại giao quốc tế, người ta chỉ
hội đàm và ký kết các thỏa ước khi không tin nhau. Đối với những người đã tín
nhiệm nhau rồi thì chỉ cần bắt tay nói một câu cũng đủ. Nhiều nước ký kết thỏa
hiệp, và họ sẽ tôn trọng thỏa ước đã ký vì chính quyền lợi thiết yếu của họ, chứ
không phải họ bỗng dưng trở thành người tốt. Ông Obama đã đánh cá rằng chính phủ
Iran đang muốn cầu hòa, vì điều đó có lợi cho họ. Bản thỏa ước Lausanne cho thấy
ông đã đoán đúng một điều: Iran rất cần được bãi bỏ cấm vận, hơn nữa, muốn được
công nhận như một quốc gia bình thường để gia tăng ảnh hưởng của họ trong vùng
Trung Đông, bảo vệ các tín đồ phái Shi A Hồi Giáo.
Trong thực tế, Mỹ và Iran đang hợp tác tại Iraq,
cùng chống lại đạo quân ISIS. Nước Á Rập kình chống Iran nhất là Saudi, theo
phái Sun Ni. Hai nước đang đối đầu với nhau tại Yemen, đứng về hai phe chia rẽ
về giáo phái. Nhưng quốc vương Saudi đã chúc mừng Tổng Thống Obama về bản thỏa
hiệp sơ bộ vừa qua, cho thấy họ thỏa mãn. Chính phủ Israel chắc chắn sẽ tiếp tục
phản đối mọi thỏa hiệp, cũng như giới lãnh đạo Đảng Cộng Hòa ở Mỹ. Nhưng họ sẽ
giúp cho chính phủ Obama có thể đạt được các lời cam kết của chính phủ Iran cụ
thể, dễ kiểm soát chặt chẽ hơn.
Việc thảo luận các chi tiết kỹ thuật sẽ tiến hành
trong ba tháng tới, hai nhân vật quyết định là ông Ernest J. Moniz, và Ali
Akbar Salehi. Hai người đều được huấn luyện về nguyên tử năng, Moniz 70 tuổi,
là giáo sư đại học MIT đang làm bộ trưởng năng lượng Mỹ; Salehi 66 tuổi, cựu
sinh viên MIT, đang đứng đầu chương trình nguyên tử năng của Iran. Ngoại trưởng
Iran Mohammad Javad Zarif từng sống ở Mỹ từ năm 17 tuổi, tốt nghiệp các đại học
ở San Francisco và Denver. Hy vọng những người này sẽ nói cùng một ngôn ngữ:
Mong muốn được sống cuộc đời bình thường, ở một nước Iran bình thường.
No comments:
Post a Comment