Monday, April 27, 2015

Nguyễn Văn Lục và “Hai mươi năm miền Nam 1955–1975” (Trịnh Bình An - DCVOnline)





Trịnh Bình An
Posted on April 24, 2015 by editor — 0 Comments

Miền Nam của Nguyễn Văn Lục có sông nước và điệu Vọng cổ, có lãng mạn thanh niên và tham vọng con người, có những thành tựu xây dựng và chia chác phe phái nhưng nổi bật, vượt trên tất cả vẫn là Tự Do.
Phải công nhận Nguyễn Văn Lục viết khoẻ!

Nếu ông Lục ngoài đời đúng là “một người đã nghỉ hưu, một tuần xoa mạt chược hai, ba ngày, như bà Hoàng Dược Thảo mô tả, thì viết như Nguyễn Văn Lục nghĩa là còn sung sức lắm.

Bài của ông Lục đăng nhiều nơi, báo giấy có, báo mạng có. Ngay trong email bạn bè truyền nhau cũng có Nguyễn Văn Lục. Loạt bài “Lịch Sử Còn Đó” của ông đã được đăng nhiều kỳ trên DCVOnline.net và in thành sách.

Giống như món phở được nhiều người ăn nên nhiều người bán, những đề tài ông Lục khai thác: lịch sử, miền Nam, Công giáo, Phật giáo, ông Diệm, ông Nhu… là đề tài nhiều người thích đọc nên nhiều người thích viết, thành thử đủ cả lời chê lẫn tiếng khen. Coi món phở “vàng” kia, người thích sẽ gật gù ấy bùi bổ béo, người không thích sẽ lắc đầu nguầy nguậy mỡ ễnh thế ăn vào có mà “đi” sớm. Ý kiến bạn đọc về Nguyễn Văn Lục cũng vậy, có người khen, cám ơn tíu tít một bài; nhưng ngay đấy cũng có người bĩu môi, chê ra rả.

Theo tôi, văn ông Lục hơi bị lung tung. Nói tử tế là “thiếu trật tự, lớp lang”, nói để chọc cười là “hầm bà lằng xắng cấu”. Đọc văn ông Lục cũng như bước vào một tiệm chạp phô Trung Đông. Tiệm bé tí nhưng chật ních; hàng họ chất lên nhau lung tung lẫn lộn và choán hết chỗ. Khách phải đi nghiêng mới len được vào trong, cũng phải khẽ khàng tránh va đụng không kéo đồ bày lại kéo nhau nhau đổ rầm.

Vào một tiệm như thế khách thấy ngán vì không biết sẽ kiếm được gì trong đống đồ tạp lục đó, lại cũng thấy ngộp vì quá nhiều thứ cùng lúc lọt vào tầm mắt. Thế là khách lắc đầu hỡi ôi rồi quay lưng bỏ đi.

Nhưng vẫn có những người khách kiên nhẫn hơn, hay có nhiều thì giờ hơn; người đó cứ nhẩn nha nhìn ngắm từng đồ vật một. Sau một hồi rị mọ trong đống đồ bụi bặm dày cả tấc, khách có thể bất ngờ kiếm ra những thứ thật độc đáo: một cái dọc tẩu hình thù cổ quái, cái đèn đúng đèn A-la-đanh (!?), hay, một vật chẳng biết để dùng vào việc gì nhưng sao trông thích mắt thế.

“Hai mươi năm miền Nam 1955–1975” của Nguyễn Văn Lục đối với tôi cũng giống như cái tiệm chạp phô Mô-ha-mét ấy.

Hình bìa sách “Hai mươi năm miền Nam 1955–1975”

A… miền Nam, cái miền Nam của chúng ta – những người Việt bỗng một ngày nháo nhào tìm đủ mọi cách chạy trốn ra khỏi nó, để rồi những năm tháng sau cứ thấy váng vất trong lòng một nỗi nhớ đắng cay. Và người ta tìm kiếm, ngấu nghiến đọc những gì viết về mảnh đất miền Nam như để tự an ủi rằng mình vẫn chưa bị cắt lìa ra khỏi cái nơi thân yêu ngày cũ. Nhưng sự an ủi chỉ có khi những điều được viết là sự thực, chí ít cũng phải được viết với sự cẩn trọng; bằng không, đó chỉ là một trò đùa lố bịch, nếu không nói là một cái tát vào mặt người đọc.

Nhà văn Trùng Dương chắc cũng cảm thấy rát mặt vì cung cách hời hợt cẩu thả của một số sách viết về miền Nam nên đã phải viết “Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu” để chỉ chỗ kiếm tài liệu sao cho chính xác.

Công việc biên khảo quả có nhiều khó khăn như ông Vương Trí Nhàn nhận xét:

Cũng xung quanh vấn đề thiếu tài liệu, trong bài phỏng vấn của chị Thụy Khuê về văn học miền Nam, ông Vương Trí Nhàn, khi được hỏi “có thấy có những điều gì nói thêm về việc đưa Văn học miền Nam trở lại văn đàn, điều mà anh thật sự hết lòng mong muốn thúc đẩy”, đã trả lời như sau, xin trích lại nguyên văn:
“Tôi bị ám ảnh bởi một điểm là chúng ta đến chậm quá, làm muộn quá,” ông Nhàn nói. “Hiện nay nếu muốn quay trở lại Văn học miền Nam, ngoài khó khăn tôi nói trên về tư tưởng, các quan niệm, thì khó khăn vật chất cũng rất cụ thể. Như không khí chểnh mảng không ai chuyên tâm. Lòng người thì vẫn tâm lý hậu chiến, tức là vẫn bị ảnh hưởng ngày hôm qua, không tách ra được để nhìn đối tượng văn hoá, bình tĩnh làm công việc một cách tốt hơn. Thứ nữa, tư liệu thì mất rất nhiều. Gần đây trên mạng talawas cũng đã trích đăng lại một số tác phẩm cũ của Văn học miền Nam, ở bên Mỹ, nhiều tác phẩm cũ được in lại, nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ. Thỉnh thoảng trao đổi với một vài nhà nghiên cứu khác cũng thấy thế. Chúng tôi có cảm tưởng mỗi người nắm một tí, tức là mỗi người chỉ nắm được phần của mình thôi, còn sự thực người có khả năng bao quát chung thì không có.”

Khó đấy, nhưng vẫn có cách giải quyết:

Mặc dù Cộng sản Việt Nam hô hào đốt sách để thanh tẩy “tàn dư Mỹ Nguỵ” từ ngay sau khi chiếm miền Nam, kho tàng văn hoá phẩm của miền Nam thực ra đã được “tẩu tán” ra nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ, từ lâu rồi. Trước thời Internet, những văn hoá phẩm này nằm trong hai thư viện lớn bên Mỹ, đó là Thư Viện Quốc Hội ở Washington, D.C. và thư viện Kroch Asia thuộc hệ thống thư viện của Đại học Cornell ở Ithaca, New York. Muốn tham khảo những tài liệu này ta phải tới tận nơi lưu giữ chúng.
 Hóa ra, cái miền Nam bị xóa sổ kia vẫn còn sót lại vài mảnh, và khéo sao, những mảnh vụn vỡ ấy lại trôi dạt vào cùng một chỗ với nhau.

Tiệp chạp phô ở Istanbul. Nguồn: Bilouk-25/Flickr

Nói như thế không có nghĩa tôi sẽ lục tung thư viện Washington, D.C., thư viện New York để kiếm cho ra những cái sai, cái đúng trong “Hai mươi năm miền Nam”của ông Lục. Sức đâu! mà cũng không phải kiểu, bởi người đọc không có nhiệm vụ phê bình văn học, người đọc chỉ có một nhiệm vụ, nhiệm vụ với chính mình, đó là làm sao cho thời gian đọc sách trở thành những giây phút thống khoái nhất.

Một cách đọc cho khoái là thả mình theo bất kỳ dòng cảm xúc, suy nghĩ nào dấy lên trong khi đọc, cho dù đó có thể là những ý tưởng quái đản, điên rồ. Chớ cưỡng lại, cứ đi theo…

“Hai mươi năm miền Nam” gợi cho tôi một ý tưởng: Nguyễn Văn Lục là người như thế nào?

• Vớ vẩn, phàm sách biên khảo, quan trọng nhất là sự kiện, sai hay đúng; hà cớ chi săm soi tới tác giả?

• Xin thưa, biết bao nhiều sự kiện, diễn biến trong ngần ấy năm, tại sao chọn cái này mà không chọn cái kia, tại sao viết chuyện ni mà không viết chuyện nớ. Phải chăng bởi người viết đã chọn lựa sự kiện theo ý riêng của mình, vô tình tạo ra một bức self-portrait của chính mình.

• Cứ cho là có bức truyền thần ấy. Thế ta thấy được gì nào?

Tôi thấy Nguyễn Văn Lục đang sám hối.

Trước khi tìm hiểu Nguyễn Văn Lục sám hối chuyện gì, sám hối thế nào, tưởng cũng cần nhắc tới một số tác giả nổi tiếng đã viết về miền Nam: Vương Hồng Sển với “Sài Gòn năm xưa”, Sơn Nam với “Văn minh Miệt Vườn”, Võ Phiến với “Văn học Miền Nam Tổng Quan” và Hồ Trường An với những truyện diễm tình trong khung cảnh đặc thù miền Nam.

Nhìn chung, những tác giả đó dường như chỉ quanh quẩn trong mong muốn tìm lại chút hương xưa. Lời đề tựa ngay trang đầu của “Sài Gòn năm xưa” thể hiện ý hướng ấy: Tập biên khảo thường đàm nầy để tưởng niệm những phút êm đềm đã qua. Tác phẩm của họ không mô tả miền Nam như nó đã từng là ở những góc độ khác, những góc độ không đẹp, không vui, gai góc và vô lý đến không thể hiểu nổi.

Nguyễn Văn Lục không nhìn miền Nam qua những giây phút êm đềm. Ông nhìn miền Nam trong một bối cảnh chính trị phức tạp và rối loạn. “Hai mươi năm miền Nam 1955–1975” có 3 chương thì chương 1, “Sinh hoạt chính trị miền Nam”, mở đầu sách như nhấn mạnh tầm quan trọng của những biến cố chính trị, bắt đầu bằng cuộc di cư vĩ đại đi tìm tự do của đồng bào miền Bắc.

Di cư vào Nam 1954-55. Nguồn: LIFE magazine

Một vùng đất trù phú nhưng hoang sơ được bổ sung bằng lượng chất xám khổng lồ và tinh thần làm việc cần cù bền bỉ của các nông dân, tiểu thương, trí thức miền Bắc cộng với thể chế tự do dân chủ đã là bệ phóng cho nhiều đổi mới và phát triển tốt đẹp của miền Nam. Thế nhưng, tại sao kết quả cuối cùng vẫn là đổ vỡ?

Điều đáng buồn là bản tuyên ngôn hình thành bằng những bước chân dứt khoát ra đi dù phải đạp trên chông gai nguy hiểm của những người Việt Nam di cư 1954-1955 đã không thể vang vọng tới mọi nơi và đi đến với mọi người để thúc đẩy những hành vi tương tự.

Vì thế, cho tới nay, cơ may giải thoát con người khỏi tối tăm cơ cực để tìm lại cuộc sống con người vẫn còn nằm trong mong đợi.

Chương 1 của sách ghi lại những sự kiện chính trị quan trọng trong 20 năm, và tuy không đưa ra những kết luận cụ thể nhưng người đọc có thể tự tìm thấy lời giải đáp cho câu hỏi trên, hay chí ít, hiểu được nền tảng cho sự thất bại của miền Nam.

Một trong những điều của quá khứ nhưng vẫn đang và sẽ còn là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, đó là vai trò của trí thức. Trong tiểu mục “Trí thức miền Nam nhập cuộc” tác giả Nguyễn Văn Lục đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể để đi đến kết luận: giới trí thức miền Nam có khả năng cao về khoa học, nghệ thuật, văn chương nhưng như thế vẫn chưa đủ.

Nhược điểm lớn nhất của miền Nam là sự vắng thiếu ý thức đấu tranh cách mạng trong hàng ngũ trí thức – cụ thể là vắng thiếu đội ngũ lãnh đạo có đủ vốn liếng kinh nghiệm đấu tranh. Đó là sự vắng thiếu những hòn đá tảng có thể chuyển hướng một dòng sông.

Thực ra, miền Nam không thiếu nhân tài, có thể còn quá dư so với miền Bắc, nhưng thiếu một lý tưởng đấu tranh viễn kiễn. Lý tưởng “chống Cộng” biến miền Nam thành “tiền đồn của thế giới tự do” rõ ràng chỉ là yêu cầu giai đoạn của tình thế, không gắn bó lâu dài với vận mạng sống còn của đất nước. Kế tiếp là một thực tế không ai mong có từng được nhắc qua than thở của một nhân vật trí thức. Giáo sư Lý Chánh Trung từng lạy trời ban cho miền Nam một nhà lãnh đạo mà cái bụng nho nhỏ một chút và đi bằng hai chân.

Thiếu người lãnh đạo có tầm cỡ là nhược điểm từ đó dẫn tới những bất cập khác như việc báo chí (phương tiện chính trong mặt trận tuyên truyền) ngoảnh mặt quay lưng với chính trị, tuồng như coi đó không phải là việc của mình.

Tuy nhiên, đa số báo miền Nam được xuất bản đều nhắm mục tiêu thương mại nên không đặt nặng các đòi hỏi chính trị và nghề nghiệp. Đặc tính này giúp giảm nhẹ không khí căng thẳng khó tránh cho chính quyền khởi từ các hoạt động nghề nghiệp của báo chí, nhưng lại biến báo chí thành vùng đất màu mỡ cho các âm mưu xâm nhập, lũng đoạn do chủ nhiệm nhiều tờ báo không lưu tâm đến xu hướng chính trị của cộng sự viên, trong khi chính quyền chỉ đặc biệt lưu tâm tới những tờ báo có tiếng nói đối lập công khai.

Tìm hiểu vai trò của báo chí ngày trước là điều hữu ích cho tình hình hiện nay, giúp chỉ ra những sai phạm, lầm lỡ cần tránh. Một trong những sai lầm đó là tách rời chính trị ra khỏi văn chương, báo chí. Tiếc thay, nhiều người đã coi thái độ tách rời đó là một thể hiện của tự do.

Giới trí thức trẻ tại thành thị với khung cảnh giáo dục và xã hội thông thoáng có cơ hội tiếp xúc với nhiều chân trời lạ lại gần như thiếu hẳn hiểu biết về diễn biến lịch sử của đất nước Việt Nam trong giai đoạn trước đó. Kết quả là nhiều hướng nhìn trái ngược về cuộc sống tới mức hỗn loạn để xé nát giới trí thức ra nhiều mảnh vụn rã rời hoặc đối nghịch lẫn nhau.

Tự do ví như đôi cánh rộng, nhưng nếu không được hỗ trợ bằng ý thức chính trị vững chắc, tự do chỉ còn là đôi cánh bằng sáp của Incarus, đôi cánh giúp anh thoát trốn ngục tù nhưng nhanh chóng rệu rã dưới nắng mặt trời. Tự do không giúp trí thức miền Nam vượt qua những thử thách khắc nghiệt thời ly loạn để rồi họ, cũng như Icarus, rơi thảm thiết xuống cái vùng trống hoác dưới chân.

Cho tới nay, chính trị với nhiều người vẫn bị coi là một thứ độc địa, tồi bại, không nên dính vào. “Tôi chỉ làm nghệ thuật, tôi không làm chính trị” – Câu này nghe thường lắm. Nhiều “nhà” văn, “nhà” báo, “nhà” nghệ thuật, “nhà” phê bình… của miền Nam cho tới nay vẫn tự hào về cái mác phi-chính trị, cố tình không hiểu thái độ dửng dưng ấy đã là cái đinh đóng chặt quan tài chôn chết miền Nam của họ. Nguyễn Văn Lục thì không, qua những trang sách “sặc mùi chính trị”, ông đã dứt khoát đứng về một phía: phía của những người dấn thân.
Có thể ông thày dạy môn triết ngày nào cũng thờ ơ như bao kẻ khác, cũng chỉ quẩn quanh vui vầy với nào sen hồng nào phượng thắm; chỉ khi trở thành kẻ tha phương trên đất khách, nhớ lại cũng cái thời phượng thắm sen hồng kia mới bàng hoàng bừng tỉnh hiểu ra rằng sự trốn tránh đối đầu năm xưa của mình đã định đoạt số phận thê lương ngày nay của bản thân, của cả dân tộc.

Nguyễn Văn Lục không đấm ngực “mea culpa”, nhưng cố gắng của ông – lục lại những trang sử cũ, những trang sách cào cấu tim gan, để người sau có dịp nhìn kỹ và suy gẫm – đã là lời sám hối chân thành nhất.

***

Viết như trên kể cũng đủ dài về một người, nhưng xét ra vẫn chưa đủ nếu đã đọc “Hai mươi năm miền Nam”. Nếu bảo sách là tranh vẽ chân dung tác giả, thì đó là một bức chân dung nhiều chiều.

Tôi còn nghe “sách nói” Nguyễn Văn Lục là người mơ mộng.

Thế nào là mơ mộng? Theo nghĩa đơn giản nhất, mơ mộng là ước muốn những điều ngoài tầm tay mình. Vậy ông Lục mơ gì? Nguyễn Văn Lục mơ làm người khác Nguyễn Văn Lục, người khác ở đây là Bùi Giáng, Phạm Duy và… Lệnh Hồ Xung.

Trong 6 tiểu mục của chương hai “Sinh hoạt Văn học miền Nam”, có phần dành riêng hẳn hoi cho Bùi Giáng và Phạm Duy: “Bùi Giáng giữa chúng ta” và “Phạm Duy còn đó hay đã chết”.

Cứ cho rằng Bùi Giáng và Phạm Duy quả có những sáng tác vượt trội trong giới văn học nghệ thuật nhưng xét cho cùng tài năng của họ vẫn là cái tài trời cho. Phạm Duy và Bùi Giáng là những người ngoại hạng, cuộc đời và sản phẩm họ tạo ra không hẳn đã gắn liền hay thể hiện hoàn cảnh đặc biệt của miền Nam lúc ấy.

Có nên cho rằng nhờ miền Nam tự do nên Bùi Giáng tự do điên, và Phạm Duy tự do viết lung tung đủ thứ. Cũng có thể lắm! Nhưng theo tôi, sở dĩ Nguyễn Văn Lục chọn hai vị này để viết có lẽ chỉ vì ông mơ mộng muốn được như họ.

Bùi Giáng từng bán tất cả ruộng vườn được thừa kế để lấy tiền in sách, Phạm Duy từng lang thang với những mối tình lãng mạn. Cả hai đều được coi là những kẻ ngông cuồng nhất, cao ngạo, bất chấp thiên hạ nhất. Thế nhưng không ai có thể phủ nhận những bài thơ, bài hát của Bùi Giáng, Phạm Duy đã ảnh hưởng sâu đậm tới tâm tư của nhiều thế hệ vì đậm đà tình người và ảo diệu ngôn ngữ.

Tưởng tượng cảnh một ông thầy dạy triết, sớm vác ô đi tối vác về, đứng trước bảng đen phấn trắng, trước đám học trò trung học e dè. Ông thầy nhìn ra cửa sổ, nhìn những con chim bay nhảy chuyền cành, giá mình được điên, được ngông như thế…

Nói về “thế giới Bùi Giáng”, ông Lục viết:

Đáng lẽ tôi cần đổi nhan đề bài viết Bùi Giáng giữa chúng ta thành Bùi Giáng không bao giờ ở giữa chúng ta cả. Thế giới của ông là thế giới bên kia, mù khơi và đầy những vùng tối mà một vài sợi thần kinh trục trặc là đủ thay đổi toàn diện cuộc sống một người. Đó là một thế giới không thể tiếp cận, cũng không thể hiểu, không lý giải được, không vào được – impénétrable.

Nếu rút cục chẳng lý giải được thì ông Lục mất công làm gì khi đã có rất nhiều người đã viết Bùi Giáng? Phải chăng dù không hiểu được thế giới kỳ quặc của người điên kia, ông Lục vẫn cho đó là một thế giới kỳ thú và mơ mộng giá mình cũng biết ti ti về nó chắc sẽ khá là sướng.

Và nếu làm được như Phạm Duy hẳn cũng sướng!

Theo Nguyễn Văn Lục, Phạm Duy là người có nhiều khuôn mặt, hay có dở có; do đó nhạc Phạm Duy cũng có đủ cả hay lẫn dở.

Phạm Duy trái lại, đưa người nghe từ thái cực này đến thái cực khác, hay dở lẫn lộn, pha chế, dửng mỡ, thô tục, thanh cao, ngậm ngùi, tha thiết, xót xa, rẻ tiền… nói chung là lung tung, chắp vá và tùy tiện. Có vẻ ông muốn thay đổi, muốn có cái lạ, cái mới nhưng lại theo kiểu tiện đâu hay đó, hoặc có tiền thì làm, nên nhiều khi khiến người nghe khó chịu và bực dọc. So với các nhạc sĩ khác, Phạm Duy sáng tác nhiều nhất và cũng có không ít tác phẩm dở.

Ông Lục chê Phạm Duy sát ván thế, tại sao tôi cứ có cảm giác ông Lục muốn được như Phạm Duy? Bởi tuy chê ra rả đấy nhưng ông Lục vẫn thấy Phạm Duy là người đặc biệt vì Phạm Duy dám nói, dám yêu, dám làm những điều ông thích, nói tóm lại, dám sống hết mình.

Một nhận xét nhỏ của riêng tôi về con người Phạm Duy là ông không có một lời chê bai bất cứ ai, nhất là giới nhạc sĩ, dù trên thực tế ông luôn nói năng tùy tiện, lời lẽ huyênh hoang, suy đoán chủ quan về cái này cái kia. Đây là điều tôi ghi nhận khi đọc hồi ký của ông. Thêm nữa, cũng qua những dòng hồi ký, ông còn không ngần ngại kể lại đời tư của mình, ngay cả về những mối tình lớn nhỏ bất chấp khuôn nếp xã hội.

A… được lãng mạn với những-mối-tình-lớn-nhỏ-bất-chấp-khuôn-nếp-xã-hội phải chăng là điều ông giáo nghiêm cẩn kia mơ mộng?

Nhưng nghĩ kỹ mà xem, điên cỡ Bùi Giáng, ngông cỡ Phạm Duy cần có cái gan rõ to mới được. Không gan không dám nói: “Đây là con c… nhét vô cái l… Kim Cương” như Bùi Giáng, hay “Tôi thấy cách mạng bắt đầu lẩm cẩm khi kết án Vọng cổ trong các Đại hội (ĐảngCS) mà tôi vừa tham dự” như Phạm Duy. Thành thử, muốn điên muốn ngông như 2 người họ thật không dễ chút nào.

Thôi thì, mơ làm Lệnh Hồ Xung vậy.

Trong chương 3, “Sinh hoạt dịch thuật và báo chí miền Nam”, phần nói về Kim Dung và sách võ hiệp, Nguyễn Văn Lục chọn Lệnh Hồ Xung là nhân vật được nhiều độc giả thời ấy ưa thích nhất.

Chỉ nhìn vào nhân vật Lệnh Hồ Xung, phán định đầu tiên có thể là một sự chê bai hoặc ít nhất cũng là ý nghĩ coi thường. Trước tiên, nguồn gốc nhân vật không có gì đáng kể với gốc rễ ti tiện và cảnh ngộ mồ côi. Tính cách của nhân vật cũng không có gì nổi trội mà ngược lại còn sa đà vào nếp sống phóng túng như đam mê rượu chè, đắm đuối yêu đương và luôn bị cuốn theo tiếng kêu phiêu bạt để lê gót giang hồ sống vô định hướng.
Với nếp sống đó, nhân vật gần như không bao giờ biết phân biệt chính tà nên kết giao với bất kỳ loại người nào kể cả loại bị đời coi là cặn bã. Thế nhưng trong thế giới tiểu thuyết Kim Dung, chính nhân vật ấy đã nổi danh trên chốn giang hồ và đặc biệt đã trở thành mẫu người cuốn hút thiện cảm của hết thảy người đọc.
Giải đáp ra sao về sự trạng này?

Và ông tìm ra lời giải đáp:

Lời giải đáp cho thắc mắc đã nêu, do đó, có thể dựa trên một số nét tiêu biểu của nhân vật.
Trước hết Lệnh Hồ Xung không phải là kiểu mẫu lý tưởng mà là một mẫu người thực, gần gũi với mọi người về tính chất vì vẫn mắc nhiều nhược điểm. Kế tiếp, Lệnh Hồ Xung có con tim trong sáng hợp với sự trông đợi của mọi người và cũng gần gũi với mọi người.
Từ đây, Lệnh Hồ Xung đã thể hiện cuộc sống nằm trong khát vọng tìm kiếm của mọi người, cuộc sống thảnh thơi, vô tư, không gây tì vết cho cái nền nhân tính. Đó là cuộc sống của con người bình thường luôn gắn bó với ý hướng vĩnh cửu của sự sống là đạt tới khát vọng thể hiện tình người và tự do tuyệt đối. Cuộc sống được gọi là ước mơ hay đúng hơn đã biến thành một ước mơ trong chuỗi mơ ước liên tục và vô tận của cõi đời.


… mơ làm Lệnh Hò Xung. Nguồn: T.S. Tiếng Quê Hương.

Vậy nếu ông Lục hay bất kỳ ai có mơ được như Lệnh Hồ Xung cũng đáng lắm chứ, vì xét cho cùng đó là một ước mơ chân chính, mơ ước được thấy tình người hòa lẫn với khát vọng tự do.

Tính bộc trực vì thế càng bùng phát để con tim cất cao tiếng nói tự do. Cũng vì thế, Lệnh Hồ Xung có thể thoải mái khước từ không tiếc xót các cơ may nắm giữ vai trò lãnh đạo võ lâm và mở rộng vòng tay giao kết với mọi người, vừa thể hiện tấm lòng tương thân quảng đại vừa thảnh thơi tiếu ngạo giang hồ…

Tới đây tôi chợt nhớ tới bức hình chụp chân dung Nguyễn Văn Lục ở đầu sách. Một Nguyễn Văn Lục mặt vuông chữ điền; miệng cười rất tươi, rất bè bạn, rất tiếu ngạo giang hồ!

***

500 trang sách viết về miền Nam của tác giả Nguyễn Văn Lục chắc chắn không thể tóm gọn trong 1, 2 bài nhận xét cũng như một người khách không thể nhìn ra hết những đồ quý hiếm trong tiệm chỉ qua 1, 2 lần. “Hai mươi năm miền Nam 1955–1975” chứa đựng nhiều sự kiện, mỗi sự kiện lại hàm ẩn nhiều ý nghĩa khác nhau thành thử người đọc nếu muốn rút tỉa những điều hữu ích cần dành cho sách một sự chiếu cố đặc biệt. Nhưng đó chính là cái hay của một cuốn sách biên khảo, dù gấp sách xếp lên giá người đọc vẫn biết mình rồi sẽ phải quay lại với nó.

Miền Nam của Nguyễn Văn Lục có sông nước và điệu Vọng cổ, có lãng mạn thanh niên và tham vọng con người, có những thành tựu xây dựng và chia chác phe phái nhưng nổi bật, vượt trên tất cả vẫn là Tự Do. Dù tự do có vô tình đẩy miền Nam vào thảm họa nhưng cái mầm tự do gieo trồng vào mảnh đất miền Nam, vào con người miền Nam dù bị vùi lấp nhưng sẽ mãi còn đó và luôn tìm mọi cách bật dậy để vươn lên.

“Hai mươi năm miền Nam”của Nguyễn Văn Lục không là cuốn sách dễ đọc và có thể làm người ta buồn phiền nhưng đó là cái khó, cái phiền cần có của một người mắc bệnh tới lúc phải biết mình bị bịnh gì để rồi tìm ra cách chữa.

Tôi chỉ không thỏa mãn vì vẫn còn nhiều thứ “Hai mươi năm miền Nam”chưa đề cập tới như sinh hoạt của người Hoa, các ngành nghề tiêu biểu của miền Nam, sách báo dành cho trẻ em: Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Thiếu Nhi…và nhất là các trường trung học, đại học của miền Nam mà chỉ người trong nghề như ông giáo Lục mới có cái nhìn chính xác nhất. Thôi thì mong sao mai mốt sẽ có “Hai mươi năm miền Nam – Tập II”.

Cuối cùng, quay trở lại câu hỏi ban đầu: “Nguyễn Văn Lục là ai?”

Theo Uyên Thao: “Nguyễn Văn Lục không là sử gia, không là học giả, không là nhà văn và cũng không bao giờ là chính khách…” thế nhưng sách của Nguyễn Văn Lục lại có “tác động gợi nhắc từ những con người, những sự kiện đã ghi dấu một thời oan nghiệt của nhiều thế hệ con dân Việt Nam…”

Được như thế hẳn vì Nguyễn Văn Lục không phút nào quên mảnh đất miền Nam và con người miền Nam. Trong một buổi hội luận văn học, ông viết: “Tôi nhìn thấy nhiệm vụ của mình bây giờ là cày xới lại 20 năm văn học miền Nam để cho mọi người chưa có dịp biết thì biết.”

Và tôi thấy chân dung rõ nét nhất của Nguyễn Văn Lục: một người không là gì cả nhưng vẫn tự đặt lên vai mình trách nhiệm với đất nước, với những thế hệ sau.

Chúc tác giả Nguyễn Văn Lục tiếp tục tiếu ngạo giang hồ và tiếp tục viết với niềm đam mê mãnh liệt nhất.

© 2007 DCVOnline








No comments: