Tạp ghi Huy Phương - Người Việt
Sunday, April 26, 2015 2:43:16 PM
“Hoan hô giải phóng, hoan hô phỏng..!
Ruột héo gan bầm có biết không?”
(PĐ.)
Ruột héo gan bầm có biết không?”
(PĐ.)
30 tháng 4, ngày mà Võ Văn Kiệt, một người của “bên thắng cuộc”đã cho rằng đó là: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn!” Hôm nay, nhìn lại đất nước, chắc là số triệu người buồn nhiều hơn số triệu người vui.
Trang báo New York Times ngày 30 tháng 4, 1975.
Đó là ngày mà, người dân miền Nam có nhiều tên gọi:
“Ngày Quốc Hận - Ngày Mất Nước - Ngày Đứt Phim - Ngày Tan Hàng - Ngày Miền Nam
Sụp Đổ - Ngày Sài Gòn Thất Thủ - Tháng Tư Đen...” “Ngày Đại Hồng Thủy,” “Ngày Đại
Họa” và tiếp theo là “Tị nạn và hội nhập,” “Hành Trình Đến Tự Do...” để ngậm
ngùi tưởng nhớ.
Bắc Việt gọi ngày này là “Ngày Giải Phóng Miền Nam,”
ngày “Thống Nhất Đất Nước” “Đại Thắng Mùa Xuân,” tổ chức ăn mừng, diễn binh, đốt
pháo hoa... nhưng không bao giờ tự hỏi, chúng đã đưa đất nước này đi về đâu?
Trong những cái tên, tên “Giải Phóng” phải được coi là trơ trẽn nhất, mà một số
nhỏ người Việt tị nạn Cộng Sản không ở lại với “giải phóng” chạy sang đây, mà đầu
còn đặc, trí chưa thông vẫn còn dùng một cách vô ý thức những câu “trước giải
phóng,” “sau giải phóng!” Những người “lính cụ Hồ” luôn luôn mang theo hai chữ
“giải phóng” bên mình, họ tự nhận là “giải phóng quân,” “quân đội giải phóng.”
Giải phóng được coi như là làm cho thoát khỏi sự áp
bức, giam hãm, như chuyện nước Pháp và Paris bị Đức Quốc Xã chiếm đóng trong 4
năm và thế giới vẫn dùng danh từ “giải phóng Paris,” để nói đến việc De Gaulle
tiến vào Paris trong những ngày cuối tháng 8, 1944. Giải phóng như chuyện Tết Mậu
Thân ở Huế, quân đội VNCH chiếm lại Huế sau 23 ngày, dân chạy về phía “lính
mình,” nơi có ngọn cờ vàng, mừng rỡ ứa nước mắt. Bắc Việt không thể cắt nghĩa
hai tiếng “giải phóng” khi lính Việt Cộng vào đến đâu, dân chúng ùn ùn bỏ nhà
chạy “giặc” ở đó. Tiếng “giặc” mà người miền Nam dùng ở đây chính là để chỉ những
người mang danh “bộ đội giải phóng.”
Sau khi Hiệp Định Geneve 1954 giao miền Bắc cho Cộng
Sản, đã có gần một triệu người dân Bắc di cư vào Nam, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
(CSBV) đã khiếu nại cho rằng việc di cư là do cưỡng bách. Ủy Hội Quốc Tế Kiểm
Soát Đình Chiến đã mở cuộc điều tra, trong số 25,000 người ủy hội tiếp xúc,
không có ai nhận là họ bị “cưỡng bách di cư” hay muốn trở về Bắc cả.
Sau đó, theo những ghi chép của học giả Đoàn Thêm
(*):
- 4 tháng 10, 1956: 3 người liều chết bơi qua sông Bến
Hải vào Nam tìm tự do.
- 19 tháng 11, 1956: 19 người dân Nghệ An dùng ghe
vượt biển vào Nam.
- 8 tháng 4, 1957: 41 người dùng thuyền vượt tuyến
vào Nam.
- 28 tháng 10, 1957: 2 sinh viên vượt tuyến vào Nam.
- 11 tháng 2, 1958: 14 người xuyên qua Lào đến được
miền Nam.
Tiêu biểu là câu chuyện một người đã tập kết ra Bắc
là nhà văn Vũ Anh Khanh, nhưng ba năm sau, ông thấy rõ bộ mặt của Cộng Sản, muốn
trở lại miền Nam, ông bơi qua sông Bến Hải và bị bắn chết giữa dòng. Chúng ta
chưa nói đến những người mất xác trên con sông chia cắt hai miền hay chết trước
khi qua sông đến được bờ Nam. Chưa thấy có ai khùng điên bơi qua sông Bến Hải
qua bờ Bắc để được hưởng độc lập - tự do - hạnh phúc!
Từ tháng 3, 1975, khi nghe tin Bắc Việt sắp giải
phóng Huế rồi Đà Nẵng hàng chục nghìn người dân miền Nam đã liều chết lên tàu,
ghe, thuyền, và những chiếc “sà lan” không thức ăn, nước uống, chấp nhận cái chết
để tránh xa “quân đội giải phóng!” Nhưng tiếc thay, vì quân “giải phóng” lại đuổi
kịp, nên không phải ai khi đến được Cam Ranh, Phú Quốc hay Sài Gòn cũng đều có
cơ hội được ra đi!
Từ ngày 28, 29 tháng 4 từ các hàng không mẫu hạm của
Hạm Đội Số 7 ngoài khơi Thủy Quân Lục Chiến Mỹ dùng trực thăng di tản một số
người Việt, trong đó có chiến dịch Babylift. Trong tình trạng này ai cũng muốn
ra đi, nên cảnh hỗn loạn xảy ra trên những bến tàu, sân bay vì không có đủ
phương tiện cho những người đang chen chúc để tìm một chỗ “đứng” để ra đi. Hơn
50,000 người đã di tản từ nhiều điểm ở Sài Gòn ra đi an toàn trước khi Việt Cộng
vào thành phố. Lần này không nghe Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khiếu nại cho rằng
việc di tản là do cưỡng bách.
Sau khi Việt Cộng lập chính quyền ở miền Nam, và những
biện pháp trả thù, vơ vét xảy ra như chính sách tập trung quân-cán-chính vào trại
tù, chính sách đánh tư sản, đổi tiền, lùa dân đi vùng “kinh tế mới,” bần cùng
hóa nhân dân, kỳ thị, phân biệt “cách mạng” với “phản động” đã xô đẩy người dân
miền Nam vượt biên, vượt biển tìm đến các đất nước tự do. Đây là cuộc “bỏ nước”
vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam.
Theo số liệu của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn,
trong khoảng thời gian 1975-1995 đã có 849, 228 người vượt biên bằng đường biển
và đường bộ. Nhưng sự thật con số này là con số ước tính còn xa sự thật.
“Trước đó, không một ai có thể tiên đoán được phong
trào vượt biên sẽ xảy ra đến mức lớn lao như thế. Phong trào vượt biên kéo dài
từ 1975 đến 1996 ngang bằng với thời gian chiến tranh từ 1954 đến 1975. Tổng số
người rời bỏ đất nước bằng tất cả các cách, cộng với những người tử nạn trên đường
vượt biên, lên đến khoảng gần bằng tổng số dân chúng và quân nhân Việt Nam cả
Nam lẫn Bắc tử trận trong cuộc chiến từ 1954 đến 1975 (khoảng 3 triệu người)." (Theo Trần Gia Phụng)
Giải thích việc dân chúng miền Nam chạy trốn Cộng
Sản trong những ngày Sài Gòn thất thủ, phe chống miền Nam giải thích rằng đó là
sự “hoảng loạn” nhưng sao mãi đến 38 năm sau, chỉ riêng năm 2013, đã có gần 800
người Việt vượt biển đến Úc, và trong số này phần lớn là xuất phát từ Nghệ
An-Hà Tĩnh, đất “cách mạng,” quê hương của Nguyễn Tất Thành. Mới tuần trước đây
hải quân Úc đã đưa trả gần 50 thuyền nhân Việt Nam về nước sau khi chặn bắt được
nhóm này ngoài khơi vùng biển phía bắc Úc hồi đầu tháng 4.
Tại sao đất nước đã “được giải phóng” gần 40 năm mà
vẫn còn người liều chết ra đi tìm một nơi có tự do và cơm áo.
Trong thời gian bức tường Berlin, được Đông Đức (Cộng
Sản) dựng lên từ ngày 13 tháng 8 năm 1961 đến ngày 9 tháng 11 năm 1989, khoảng
5000 người đã tìm cách vượt qua bức tường này để sang Tây Berlin. Số người bị
thiệt mạng khi vượt khoảng từ 86 đến 200 người.
Từ ngày Nam Bắc Triều Tiên bị chia cắt ở vĩ tuyến
38, đã có hơn 23,000 dân Bắc Hàn đã vượt biên giới đến được Nam Hàn. Những người
kém may mắn nếu không bị bắn chết trên đường di tìm tự do thì cũng đang bị giam
cầm trong số 200,000 tù nhân ở các trại tù “lao cải.”
Khi Cuba ngã theo Liên Xô, thoạt đầu, từ năm 1980,
nước này đã mở cửa, để cho bất cứ ai cũng có thể ra đi với giấy thông hành, gần
125,000 người Cuba đã chạy sang Mỹ. Sau khi Fidel Castro cấm cửa, đã có hàng
nghìn người Cuba bằng mọi cách, vượt biển sang Hoa Kỳ, mà con dường ngắn nhất
là tới Florida. Chỉ mới năm ngoái, 2014, tuần duyên Hoa Kỳ đã chặn bắt được hơn
2,000 di dân Cuba liều chết mạo hiểm tìm đường vượt biển chạy khỏi chế độ Cộng
Sản.
Chế độ Cộng Sản chưa bao giờ là thiên đàng, đem tự
do và hạnh phúc lại cho con người, “sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân
lý ấy không bao giờ thay đổi!” Nhà văn Nguyễn Khải trong bài viết “Đi tìm cái
tôi đã mất” đã miêu tả rất đúng dân tình miền Bắc sau khi “bộ đội giải phóng”
vào Hà Nội tháng 10, 1954:
“Một nửa nước được độc lập nhưng lòng người tan nát
vì tài sản một đời chắt chiu của họ bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ
trở thành người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chả có tài sản gì ngoài
cái đầu được tư duy tự do thì cái đầu cũng được trưng thu luôn, từ nay họ chỉ
được nghĩ, được viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết, một đường lối...”
“Một nửa nước” năm 1954 được đổi lại là “cả nước”
năm 1975!
Vậy thì, nói chuyện, ngày 30 tháng 4, 1975 là
ngày miền Bắc Cộng Sản “giải phóng miền Nam” là một chuyện hoang tưởng, trơ trẽn.
Ai cần ai “giải phóng?”
Tôi xin mượn lời dân gian, nôm na, mách qué để kết
luận bài này:
- “Giải phóng gì ông, phỏng giái tôi!”
(*) Ghi lại tài liệu của Viên Linh
No comments:
Post a Comment