Đăng
ngày 26-04-2015
« Nhập cư : Thất bại
của người châu Âu, không phải của châu Âu », đó là
tựa đề bài xã luận trên báo Le Monde hôm nay. Bài báo phê phán tình trạng mỗi
nước có cách đối phó riêng, không có một sách lược chung cho Liên hiệp Châu Âu
trước thảm nạn thuyền nhân Địa Trung Hải.
Tờ
báo viết, người ta biết được con số trong mười ngày qua : ít nhất 1.200 thuyền
nhân từ châu Phi, Trung Đông và Bắc Phi đã bị chết đuối tại Địa Trung Hải. Người
ta trông thấy hình ảnh hàng ngàn con người kém may mắn chạy trốn chiến tranh và
nghèo đói, chen chúc trên những con tàu tử thần, trôi dạt đến miền đất hứa châu
Âu.
Người
ta biết những gì đang chờ đợi ở phía trước : cả triệu người từ Libya, Syria,
Irak, châu Phi hạ Sahara và vùng Sừng châu Phi tìm cách nhập cư vào châu Âu.
Theo tác giả, không nên ảo tưởng : châu Âu không thể giải hòa giúp thế giới Ả Rập,
mang lại hòa bình cho Libya hay giúp cho Somalia, Eritrea, hay các nước vùng
Sahel trở nên thịnh vượng.
Từ
đó rút ra một kết luận hầu như chắc chắn : trong mười năm tới, các quốc gia
Liên hiệp Châu Âu (EU) sẽ phải đối đầu với một vấn đề khổng lồ là nhập cư.
Trước
thử thách ấy, các quyết định được loan báo hôm 23/4 tại hội nghị thượng đỉnh
Bruxelles chắc chắn đã gây thất vọng. Châu Âu tăng gấp ba ngân sách cho chiến dịch
cứu hộ và giám sát Triton, từ 2,9 lên 9 triệu euro mỗi tháng. Chiến dịch này được
tiến hành năm 2013 rồi bị ngưng vào tháng 10/2014 do không được ủng hộ về tài
chính.
Không
hề có một sự tỉnh thức trước các thảm họa nhân đạo đang diễn ra, không có gì
cho thấy khởi động một chính sách nhập cư thực sự mà châu Âu đang cần. Nhưng có
nên kết tội Liên hiệp Châu Âu hay không ? Có nên tiếp tục tố cáo những thiếu sót
của châu Âu trước một bi kịch biết trước là sẽ kéo dài hay không ? Bài báo cho
rằng dư luận đã sai lầm khi cáo buộc châu Âu. Trong vụ này, các định chế châu
Âu hoàn toàn bất lực vì một lý do chính : vấn đề nhập cư không nằm trong lãnh vực
chung của cộng đồng này.
Không
có nước nào trong số 28 quốc gia thành viên muốn đóng góp một số tiền kha khá
hơn để giúp cơ quan Frontex – cánh tay vũ trang của châu Âu chuyên giám sát
biên giới. Từ Vácxava (địa điểm lý tưởng cho các vấn đề Địa Trung Hải), Frontex
hoạt động chỉ với một phần ngàn ngân sách của Liên hiệp Châu Âu, để đối đầu với
vấn đề gai góc nhất trong những năm sắp tới.
Hai
mươi tám nước châu Âu không muốn định ra một sách lược tị nạn chung : không hề
có chính sách chung về visa. Tương tự, EU cũng không đồng thuận trong vấn đề
tương trợ, như việc phân bố người nhập cư trên toàn lãnh thổ EU tùy theo nhu cầu
và khả năng tiếp nhận. Cuối cùng, cũng không có chính sách chung đối với các nước
là điểm xuất phát của thuyền nhân, hay các nước trung chuyển người tị nạn.
Tất
cả đều do chính phủ mỗi nước quyết định, thân ai nấy lo, chứ không phải là nhiệm
vụ được EU giao cho. Vì sao ? Đó là vì vấn đề nguyên tắc : các Nhà nước thành
viên từ chối giao phó cho Liên hiệp. Thường các chính phủ ngả theo ý kiến của
đa số cử tri, từ chối nhượng lại quyền quyết định dù nhỏ nhất trong lãnh vực
này. Trong khi cần phải huy động các phương tiện của cộng đồng châu Âu để có được
hiệu quả, các Nhà nước lại hành động đơn lẻ.
Le
Monde kết luận, không phải là Liên hiệp Châu Âu đã thất bại thảm hại trong vấn
đề nhập cư, mà là các quốc gia châu Âu, những người lãnh đạo và cử tri của các
nước trong liên hiệp.
Đưa
người vượt biên : Lợi nhuận 8 tỉ euro một năm
Cũng
liên quan đến vấn đề nhập cư, Courrier International trích dịch một bài đăng
trên tờ báo Đức Focus, cho biết mỗi năm hoạt động đưa người vượt biên mang lại
đến 8 tỉ euro cho bọn buôn người.
Bài
báo mang tên « Món lợi béo bở của dịch vụ đưa người vượt biên » trích
số liệu của Amnesty International cho biết nạn đói, chiến tranh và khủng bố đã
khiến 57 triệu người trên thế giới phải đi tị nạn trong năm 2014. Chỉ riêng tại
Syria, đã có hơn ba triệu người bỏ trốn khỏi đất nước. Đa số hướng đến châu Âu,
đặc biệt là Đức với 202.815 người xin tị nạn trong năm ngoái.
Tất
cả các tổ chức tội phạm đều nhúng tay vào lãnh vực béo bở này, từ mafia Nga, Ý,
Tam Điểm Trung Quốc cho đến yakuza Nhật. Theo một tài liệu mật của tình báo Đức
mà tờ Focus có được, thì hệ thống đưa người vượt biên hoạt động y như một công
ty du lịch thông thường.
Bọn
chúng quảng cáo trên Facebook, hay trong các phóng sự đăng báo hoặc truyền
thanh, thu hút các nạn nhân bằng đề nghị « trọn gói ». Muốn đến Hy Lạp từ Irak
hay Syria, giá phải trả từ 3.500 đến 8.000 euro, còn từ Istanbul đến Athens chỉ
mất 2.500 euro. Nếu trả thêm 600 euro, người vượt biên có thể đuợc mài nhẹ hay
gây phỏng bằng hóa chất các đầu ngón tay, thậm chí mua được thẻ căn cước mới.
Mới
đây, cảnh sát liên bang Đức đã phá được một mạng lưới đưa người vượt biên ở
bang Saxe, trong đó có cả người Đức, Bungari, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan. Băng này
chuyên cung cấp giấy tờ giả cho các trung gian người Kurdistan và Việt Nam, lo
cả việc chở người sang Đức bằng xe hơi, xe tải, máy bay ; thậm chí lo cả việc
làm đám cưới giả với người quốc tịch Bungari hay tìm việc trong các nhà hàng Đức.
Giá dịch vụ trọn gói có thể lên đến 30.000 euro.
Còn
với đường biển, bọn tội phạm mua lại các tàu vận chuyển gia súc cũ kỹ, với giá
150.000 đến 200.000 euro, chi thêm số tiền tương đương cho thù lao thủy thủ
đoàn và các món hối lộ. Với giá trung bình 5.000 euro một người, những kẻ đưa
người vượt biên nhồi nhét khoảng 1.000 người trên tàu, bỏ túi 4,8 triệu euro nhẹ
nhàng cho mỗi chuyến đi. Một người lính biên phòng nhận xét : « Khi lợi
nhuận lên đến bằng ấy tiền, sinh mạng con người không được đếm xỉa ».
Học
sinh Hàn Quốc trước áp lực trong nhà trường
Nhìn
sang châu Á, nhật báo Libération cho biết ngày càng có nhiều phụ huynh Hàn Quốc
bắt đầu quay lưng với trường công, cho con đi học các trường tư đặc biệt hoặc
trường quốc tế.
Hiện
nay có khoảng 300 trường loại này tại Hàn Quốc. Đó là vì các vị phụ huynh không
muốn con cái suốt ngày phải chúi mũi vào học tập do chương trình học rất nặng,
chịu đựng không khí độc đoán, cạnh tranh cao độ nơi các trường công.
Các
công trình nghiên cứu cho biết học sinh Hàn Quốc là ít hạnh phúc nhất trong số
các nước phát triển. Trong thập niên 90, khi tỉ lệ tự tử của thanh thiếu niên
lên đến mức báo động, một phong trào ủng hộ trường học mang bộ mặt nhân bản hơn
đã ra đời. Học sinh được học thêm các môn nghệ thuật, thể thao, tập cách tự quản.
Bên
cạnh đó là các trường quốc tế, nơi học sinh hòa nhập với môi trường kiểu phương
Tây, phải nói tiếng Anh ngay cả ngoài giờ học. Học phí cho bậc tiểu học lên đến
19.000 euro một năm, còn trung học là trên 24.000 euro, và nếu nội trú thì phải
trả thêm 12.000 euro. Trường Korea International School (KIS) nổi tiếng ở Jeju
hiện có 600 học sinh chủ yếu người Hàn Quốc, nhưng nhu cầu của các gia đình
Trung Quốc cũng rất cao, với 300 em đang trong danh sách dự bị.
Trong
lúc nhiều thanh niên Hàn Quốc đầy bằng cấp đang phải đối đầu với nạn thất nghiệp,
đất nước này bắt đầu nghĩ đến những gì phía sau những điểm số cao của học sinh.
Bộ trưởng Giáo dục hứa không chỉ xem xét thành tích học tập, mà ưu tiên cho sự
thoải mái của các em.
Các
trường nghề được coi trọng hơn, và từ năm tới sẽ dành một tam cá nguyệt với các
môn nghệ thuật và thể thao cho học sinh trung học. Tuy nhiên hiện chưa có cải
cách nào về kỳ thi tú tài, mà theo các nhà giáo, đây phải là bước khởi đầu của
cải tổ giáo dục.
Nạn
sử dụng súng bừa bãi tại Cam Bốt
Cũng
trong lãnh vực xã hội, tại Cam Bốt, việc sử dụng súng lâu nay vẫn phổ biến
trong giới nhà giàu, viên chức cao cấp, những người có thế lực. Nhưng nay chính
quyền Phnom Penh bắt đầu tìm cách hạn chế tình trạng này – theo tờ Phnom Penh
Post.
Ông
John Mueller, Tổng giám đốc Global Security Solutions, công ty vệ sĩ tư nhân đầu
tiên tại Cam Bốt cho biết: « Dù là cảnh sát, quân nhân hay quan chức, rất
dễ dàng mua vũ khí». Các thiếu gia có thể thoải mái sử dụng súng ống,
còn lỡ bị bắt thì cha mẹ cũng bảo lãnh ra. Một điều tra viên của một tổ chức
nhân quyền nhận xét : « Mỗi lần có một vụ đọ súng, lực lượng an ninh
khoanh tay đứng nhìn, đợi lệnh trên ».
Theo
ông Mueller : « Có thể tìm thấy đủ loại vũ khí ở khắp nơi. Bất kỳ người
Cam Bốt nào có tiền cũng mua súng được. Năm 1992, để mừng sinh nhật tôi, có người
đã tặng tôi một khẩu AK 47. Tôi từ chối món quà đó. Nhưng súng nơi nào cũng có,
khoảng 200 đô la một khẩu ».
Tuy
nhiên gần đây dường như gió đã đổi chiều : sau vụ chạm súng mới nhất trước một
hộp đêm sang trọng, con trai của một quan chức cao cấp ngành hải quan đã bị
truy tố. Những người lâu nay sẵn sàng bóp cò vì một lý do vụn vặt, giờ đây sẽ
phải biết kiềm chế hơn.
Những
người bán báo lậu ở Cuba
Nhìn
sang châu Mỹ la-tinh, Courrier International trích dịch bài phóng sự trên mạng
Cubanet mang tựa đề « Những người bán báo lậu », cho biết để
kiếm sống, những người già phải lén lút bán báo trên đường phố La Habana dù có
nguy cơ bị phạt vạ.
Đó
là những người về hưu hoặc thất nghiệp, cố gắng kiếm thêm vài đồng bằng cái nghề
bị coi là bất hợp pháp này. Họ bị các kiểm soát viên, cảnh sát truy lùng, hăm dọa,
bị phạt tiền thậm chí tịch thu hàng hóa. Cho dù những tờ báo họ rao bán chẳng
có gì là nguy hiểm : ba tờ báo lớn nhất ở Cuba là Granma, Juventud Rebelde và
Trabajadores, cộng thêm những tờ báo địa phương.
Mỗi
ngày từ sáng sớm, những người bán báo lậu đến sạp báo hay bưu điện để lấy những
tờ báo đầy những giấc mơ ảo ảnh, hay các thông tin tôn vinh chủ nghĩa cộng sản,
đem rao bán trên đường phố. Một người về hưu cho biết, với vài đồng peso kiếm
được, ông có thể mua thuốc hút, uống một ly cà phê, và đôi khi một bánh pizza,
những thứ mà người con nghèo khổ của mình không thể lo nổi. Một cựu nhân viên
bãi giữ xe thổ lộ, tuy cực khổ hơn nhưng đi bán báo có thu nhập gấp năm lần.
Tuy là một công việc lương thiện, nhưng họ lại bị coi như những kẻ phạm pháp.
Được
hỏi bao giờ mới hợp pháp hóa những người bán báo dạo, một nhân viên Bộ Thông
tin Cuba nói rằng : « Việc công nhận nghề nhân viên viễn thông (tháng
8/2013) là một sự kiện tích cực trước đây, còn các nghề tự do khác vẫn đang
trong vòng nghiên cứu ».
No comments:
Post a Comment