Saturday, April 4, 2015

Câu chuyện Nigeria (Lê Phan)





Lê Phan 
Saturday, April 04, 2015 3:46:30 PM

Hôm Thứ Tư vừa qua, đương kim Tổng Thống Nigeria Goodluck Jonathan nhấc điện thoại lên gọi đối thủ trong cuộc bầu cử vừa qua là ông Muhammadu Buhari để công nhận đã thất cử và để chúc mừng đối thủ của mình đã chiến thắng.

Ðối với chúng ta, những người đã may mắn sống trong chế độ dân chủ, chuyện đó rất là bình thường, xảy ra mỗi mùa bầu cử. Nhưng ở Nigeria, chuyện đó có một không hai.

Hành động đó của ông Jonathan đã được ông Buhari kể lại như sau, “Vào đúng 5:15 tối hôm qua, Tổng Thống Jonathan gọi điện thoại cho tôi và chúc mừng tôi chiến thắng. Cho điều này tôi muốn tất cả mọi người Nigeria hãy cùng tôi ca ngợi và cảm tạ tổng thống cho sự minh mẫn của ông. Tổng Thống Jonathan đã tranh cử đứng đắn và là một đối thủ xứng đáng.” Mà quả đáng ca ngợi thật vì không những chấp nhận thất cử, ông Jonathan còn yêu cầu những người ủng hộ mình hãy chấp nhân thua. Ông còn bảo họ, “Không có một tham vọng chính trị của bất cứ một ai đáng để phải đổ máu.” Và cuộc chuyển quyền đã xảy ra trôi chảy.

Muốn hiểu sự khác thường của một cuộc chuyển quyền như vậy thì phải trở lại với lịch sử của Nigeria. Kể từ khi dành được độc lập từ Anh năm 1960, sau vài năm bầu cử rối loạn, từ năm 1966, quốc gia này liên tiếp bị cai trị bởi những chính quyền quân nhân và những cuộc đảo chánh rồi phản đảo chánh. Với miền bắc đa số theo Hồi Giáo và miền Nam đa số theo Ki-tô Giáo, Nigeria còn là một tập hợp của nhiều bộ tộc mà tranh chấp kéo dài liên miên. Năm 1967, khu vực miền Ðông tuyên bố độc lập và một quốc gia mới ra đời mang cái tên Cộng Hòa Biafra. Cuộc nội chiến sau đó xảy ra khi quân đội của chính phủ Nigeria với đa số là binh sĩ từ miền Bắc và miền Tây, tấn công miền Ðông Nam. Cuộc chiến kéo dài 30 tháng đã dẫn đến từ 1 đến 3 triệu người chết vì chiến tranh, bệnh tật và nạn đói. Sau đó, khi dầu hỏa trở thành một nguồn lợi tức lớn, và liên tiếp các ông tướng tá thay nhau cầm quyền.
Phải đến năm 1999 một hình thức dân chủ mới bắt đầu khi Nigeria bầu ông Okusegun Obasanjo, một cựu tướng lên làm tổng thống, chấm dứt gần 33 năm của liên tiếp các chính quyền quân phiệt. Và tuy là cuộc bầu cử năm đó và cuộc bầu cử năm 2003 đưa ông Obasanjo lên cầm quyền lần thứ nhì đều đã bị chê là không công bình và cũng chẳng tự do, nhưng tình hình bắt đầu cải thiện. Sau cuộc bầu cử năm 2007, tuy cũng vẫn bị chỉ trích là không công bằng, Ðảng Dân Chủ Nhân Dân PDP lên cầm quyền với ông Umaru Yar'Adua là người miền Bắc và ông Goodluck Jonathan đại diện cho miền Nam. Ông Yar'Adua qua đời vì bệnh, ông Jonathan lên thay và sau đó ứng cử và đắc cử một nhiệm kỳ nữa. Sau cuộc bầu cử, mặc dù ông Buhari, ứng cử viên đối lập nhận thất cử, dù không vui vẻ gì cho lắm, nhưng bạo động vẫn xảy ra ở miền Bắc.

Lần này, theo các nhà quan sát, lần đầu tiên Nigeria có một cuộc bầu cử có thể nói là dân chủ và công bằng nhất. Bất chấp mọi khó khăn, Ủy ban bầu cử độc lập INEC đã tổ chức được một cuộc bầu cử đáng tín nhiệm. Sự việc này tự nó cũng đã là một thành quả bất ngờ và chứng tỏ một sự trưởng thành của các định chế dân chủ tại Nigeria.

Qua việc có được một cuộc bầu cử tương đối ôn hòa và một cuộc chuyển quyền dân chủ êm thấm, Nigeria đã tham gia vào con số rất nhỏ các quốc gia Phi Châu có được dân chủ. Nhưng sự thành công của một nền dân chủ ở Nigeria sẽ có ảnh hưởng quan trọng hơn ở các nơi khác nhiều bởi Nigeria là người khổng lồ của Phi Châu. Với một dân số chiếm đến gần một phần tư của Phi Châu hạ Sahara, Nigeria cũng có một nền kinh tế khổng lồ chiếm đến một phần ba GDP của toàn vùng. Ðiều gì xảy ra cho Nigeria vô cùng quan trọng cho Phi Châu. Một số nhà bình luận còn bảo là những gì đã xảy ra ở Nigeria chẳng khác gì “giây phút của Bức Tường Berlin” mở đầu cho một thời đại mới.

Dĩ nhiên một cuộc bầu cử chưa làm nổi một nền dân chủ và tương lai vẫn còn nhiều bất định. Chuyện đầu tiên mà nhiều người đặt câu hỏi chính là về tổng thống mới đắc cử Buhari. Năm nay đã 72 tuổi, lần trước khi ông tổ chức đảo chánh lên nắm chính quyền cách đây 32 năm, thành tích của ông cũng chẳng tốt đẹp gì hơn ai cả. Thành tích nhân quyền của ông lúc đó thì quá tệ. Ông bắt giam nhiều ngàn đối thủ, kiểm soát chặt chẽ báo chí, cấm các cuộc tụ họp chính trị và xử tử hình vô tội vạ cho những tội không đáng để xử tử. Ông cũng đã trục xuất 700,000 di dân với ảo tưởng là việc đó sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho người Nigeria. Chính sách kinh tế của ông lúc đó, kẻ cả việc ấn định giá cả và cấm mọi nhập cảng “không cần thiết,” đã vừa thiếu thông minh vừa thiếu hiệu quả.

Nhưng có người nói là chúng ta có thể hy vọng là ông đã học bài học của quá khứ. Tuy không phải luôn luôn chấp nhận một cách vui vẻ, ông Buhari đã ba lần chấp nhận thất bại trong ba cuộc bầu cử tổng thống trước đây. Là một người miền bắc, một tín đồ Hồi Giáo và một cựu quân nhân, ông có nhiều triển vọng hơn trong việc tái lập lại tinh thần cho quân đội Nigeria, vốn tối cần thiết để dẹp đám phiến quân Boko Haram.

Ðảng APC của ông tuy là một liên minh lỏng lẻo của nhiều đảng, nhưng theo tờ The Economist, khả năng của một số những nhân vật nổi bật khá hơn là những nhân vật chóp bu của đảng PDP của ông Jonathan vốn vừa thiếu khả năng vừa tham lam. Và hơn thế, ông Buhari là một con người phải nói là khổ hạnh, nổi tiếng lương thiện và mặc dù đã cầm quyền nhiều năm, ai cũng công nhận là một người liêm khiết. Tham nhũng ở Nigeria đã ăn sâu vào xương tủy nên không ai hy vọng là ông có thể dẹp yên được qua đêm. Nhưng điều quan trọng là tân tổng thống không phải là kẻ tham lam của hối lộ. Ông còn có một phó thủ tướng là một tu sĩ vốn đã tranh đấu cho nhân quyền và chính phủ sạch sẽ.

Tờ Financial Times bảo điều đáng nói nhất về tổng thống mới đắc cử là lần trước ông cũng đã lên cầm quyền trong giai đoạn mà giá dầu sụt giảm mạnh và nền kinh tế Nigeria lâm vào khủng hoảng. Sự thiếu hụt trong lợi tức nhờ dầu thô đã cho thấy chính quyền tham nhũng và xa hoa đến mức nào. Nigeria mong muốn có một người dám chống lại tham nhũng và “lập lại kỷ cương.” Dĩ nhiên hành động thái quá của ông sau đó khi nhiều trăm người bị bỏ tù chỉ vì nghi ngờ gian lận, đã làm nhiều người chán ngán, nhưng nó cũng làm một số thán phục. Họ nghĩ là nếu ông không bị lật đổ sau 20 tháng có thể ông sẽ chấn chỉnh lại được đất nước.

Trong những năm sau đó, giá dầu tăng cao và khi vào năm 2011, Tướng Buhari tìm cách ra ứng cử thì ông đã thua, bởi với giá dầu thô, vốn chiếm đến 70% lợi tức cho ngân sách, lên cao, không ai thấy cần chính sách khắc khổ của ông cả. Nhưng nay khi nền kinh tế lại đi vào khủng hoảng vì giá dầu sụt giảm, có lẽ hứa hẹn sẽ giảm bớt sự xa hoa lãng phí của giới cầm quyền cộng với hứa hẹn sẽ đối phó với đám khủng bố Boko Haram ở miền bắc khiến ông đã trở thành một ứng cử viên sáng giá.

Tướng Buhari thuộc một nhóm các ông tướng đã từng tổ chức rất nhiều cuộc đảo chánh trước đây và nay vẫn còn có ảnh hưởng. Hồi còn trẻ họ nhập ngũ thời thập niên 1960 với hy vọng tìm cách làm sao cho miền Bắc Hồi giáo bắt kịp với miền Nam trù phú hơn mà đa số theo Ki-tô Giáo. Vấn đề đó vẫn còn tiếp tục đến ngày nay.

Ra đời ở tiểu bang Katsina ở miền bắc, kế cận vùng sa mạc Sahel, Tướng Buhari nay ngồi trên đỉnh của một liên minh phức tạp vốn đã giúp ông thắng được miền Nam nơi mà lần bầu cử trước ông không lấy được đến một lá phiếu. Với thời gian ông cũng đã bớt khắt khe và nay đã bắt đầu biết cười.

Phi châu, vốn trong nhiều năm đã phải chịu đựng quá nhiều nhà độc tài, với dân chủ chỉ nở hoa trên một vài quốc gia, hành động chịu thua của ông Jonathan đã là một thúc đẩy quan trọng cho dân chủ của lục địa này. Mọi sự nay trông cậy vào ông Buhari. Hy vọng là ông ta sẽ không để cho người dân Nigeria thất vọng. 






No comments: