Saturday, April 4, 2015

Thỏa thuận hạt nhân Iran : Thắng lợi của Obama ? (Thu Hằng - RFI)





Thu Hằng  -  RFI
Đăng ngày 04-04-2015 

Năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức đã đạt được một thỏa thuận nguyên tử với Iran vào hôm qua, ngày 03/04/2015, vẫn là chủ đề chính trên mặt báo Pháp số cuối tuần.

Trên trang nhất, báo Le Monde đưa tin : « Barack Obama kí một thỏa thuận lịch sử về nguyên tử với Iran ». Tờ báo  khẳng định : « Barack Obama đã thắng cuộc », đồng thời cho rằng thỏa thuận khung tại Lausanne cho thấy chiến lược của tổng thống Mỹ về hồ sơ hạt nhân Iran đã giành thắng lợi.

Từ khi nhậm chức, ông Obama luôn trung thành với chiến lược giải quyết vấn đề hạt nhân tại Iran bằng đường ngoại giao. Lần đầu ông đề cập tới vấn đề này vào tháng 07/2007, trong cuộc tranh luận với các ứng viên khác của Đảng Dân chủ trong cuộc đua ứng cử viên tổng thống Mỹ. Ông cho rằng con đường đàm phán luôn mang lại những kết quả tốt hơn là « ngăn chặn » hay can thiệp quân sự.

Đây không phải là chiến thắng đầu tiên của ông Obama bằng đàm phán ngoại giao. Gần đây, các cuộc thương lượng với chế độ của chủ tịch Cuba, Raul Castro cũng đạt được những kết quả tốt, mở ra triển vọng chấm dứt hơn 50 năm chiến tranh lạnh. Nhưng thỏa thuận với Iran lại khác, vì đây là khu vực chiến lược, đang trở thành miếng mồi cho các bất ổn triền miên.

Từ khi lên nắm quyền, tổng thống Obama đã duy trì đường lối ngoại giao kiên định. Sau thất bại của kế hoạch « bắt tay » vào năm 2009, ông tập trung vào chính sách đối thoại. Một năm sau, ông thực hiện chiến lược cô lập Iran khỏi Nga và Trung Quốc để dễ thông qua các biện pháp cấm vận quốc tế. Ngày 09/06/2010, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu trừng phạt Iran, ngày càng gắt gao hơn, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dầu khí và ngân hàng.

Với việc ông Hassan Rohani trở thành tổng thống Iran kể từ tháng 06/2013, chiến lược của ông Obama bắt đầu có những dấu hiệu khả quan. Ngay tháng 11 năm đó, 5 nước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức đã đề ra với Iran một kế hoạch hành động và ấn định ngày 31/03/2015 là hạn chót để đưa ra một thỏa thuận chung. Sau đó, hai bên sẽ tiếp tục bàn bạc chi tiết nội dung trong vòng ba tháng sau đó. Hạn định này cũng nhằm xoa dịu những căng thẳng trong Quốc hội Mỹ, mà đa số là phe Cộng hòa, luôn nghi ngờ các cuộc thương lượng này.

Thế nhưng, Đảng Cộng hòa vẫn không hài lòng với kết quả đạt được và cho rằng nó quá lợi cho phía Iran. Tổng thống Obama tuyên bố sẵn sàng tranh luận với các nghị sĩ đảng đối lập. Ông cũng nhấn mạnh rằng các trừng phạt với Iran chỉ được từ từ xóa bỏ tùy theo việc nước này áp dụng các điều khoản của thỏa hiệp đến đâu. Ngoài ra, ông vẫn cam đoan duy trì các trừng phạt liên quan tới việc Iran ủng hộ khủng bố và chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Trong bài phát biểu ngày 02/04, ông cũng không ngại đe dọa rằng : « Nếu Quốc Hội giết chết thỏa thuận trên mà không có giải pháp thay thế hợp lý, Hoa Kỳ sẽ bị khiển trách về thất bại này. Sự đoàn kết quốc tế sẽ biến mất và nguy cơ chiến tranh sẽ lớn hơn ». Tổng thống Mỹ cũng trấn an các đồng minh của mình trong khu vực, như tổng thống Israel Nétanyahou, song không đạt được kết quả.

« Đối với Benyamin Nétanyahou, các cường quốc đã phản bội Israel ». Đây là nhận định trên tờ Le Figaro. Le Monde thì đánh giá thỏa thuận đạt được với Iran là « Một sự thất bại đối với chiến lược của ông Nétanyahou ». Còn với Libération, thỏa thuận trên giúp « Téhéran chinh phục lại đế chế của mình ». Iran hy vọng sẽ nâng tầm ảnh hưởng về chính trị, tôn giáo và văn hóa trong khu vực Trung Đông, từ Bagdad tới Sanaa.







No comments: