Thursday, April 30, 2015

30 Tháng Tư với Mỹ và Trung Cộng (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Tuesday, April 28, 2015 4:44:32 PM 

Ngày 30 Tháng Tư năm 1975 chấm dứt “Cuộc Chiến tranh Quốc-Cộng” tại Việt Nam. Tranh chấp Quốc-Cộng đã bắt đầu từ hơn 50 năm trước, khi phong trào tranh đấu chống Pháp của dân ta đang bùng lên. Năm 1925, người Cộng Sản bắt đầu tuyên truyền chủ nghĩa của họ vào nước ta. Mục đích họ nói rõ là muốn đưa dân Việt Nam gia nhập cuộc cách mạng thế giới của Ðệ Tam Quốc Tế do Liên Xô cầm đầu. Vì nặng lòng yêu nước, đại đa số người Việt không chấp nhận cộng sản quốc tế vì họ muốn xóa bỏ biên giới giữa các quốc gia. Năm 1945 cuộc tranh chấp Quốc-Cộng lên cao, đảng Cộng Sản chiếm quyền lãnh đạo gạt phe quốc gia ra ngoài việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, phe quốc gia có cơ hội nắm quyền ở miền Nam, nhưng sau cùng khi chiến tranh chấm dứt đảng Cộng Sản là “bên thắng cuộc.”

Nhưng chiến tranh Việt Nam chỉ là một bộ phận trong cuộc tranh chấp giữa hai khối tư bản và cộng sản trên thế giới. Ngày 30 Tháng Tư năm 1975 không chấm dứt mối tranh chấp toàn cầu này mà chỉ đánh dấu một ngả rẽ trong cuộc tranh hùng; trước khi chiến tranh lạnh tự động chấm dứt năm 1989 vì khối Cộng Sản tan rã.

Sau năm 1945, các chính phủ Mỹ coi mối đe dọa lớn nhất đối với nước họ là Nga Xô mà địa bàn chính họ phải đối đầu là Châu Âu. Họ cần giúp chính phủ các nước Tây Âu trong khi Nga Xô đang dần dần đem các nước Ðông Âu vào cùng một khối. Liên Xô có thể khuynh đảo cả các nước như Pháp, Ý, Hy Lạp, sau khi đã chiếm gần một nửa nước Ðức. Ðối với Châu Á, người Mỹ vẫn nghĩ rằng Trung Cộng là một bộ phận do Nga Xô kiểm soát chặt chẽ. Trong khung cảnh đó, sau năm 1949, nước Việt Nam ở rất xa chỉ đáng chú ý vì mảnh đất này có thể là một nút chặn cuộc bành trướng của khối Cộng Sản xuống vùng Ðông Nam Á.

Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, nước Mỹ đi khỏi theo một chính sách đã được thông báo cho Nga Xô biết trước đó bảy năm. Năm 1968, trong khi đang tranh cử tổng thống, ông Richard Nixon đã sai Henry Kissinger đến gặp riêng đại sứ Nga tại Washington là Anatoly Dobrynin, một người làm việc trong Sứ Quán Nga ở Mỹ từ năm 1944, rồi giữ chức đại sứ qua sáu đời tổng thống Mỹ, đến năm 1986 mới thôi. Kissinger báo cho Dobrynin biết ông Nixon chủ trương sẽ rút quân Mỹ khỏi Việt Nam, rồi sau đó miền Nam Việt Nam theo chế độ nào cũng được, ông Dobrynin thuật lại trong hồi ký. Ngày 9 Tháng Giêng năm 1971, Kissinger gặp Dobrynin, cho biết chính phủ Nixon không đòi quân Bắc Việt phải rút khỏi miền Nam để đánh đổi việc Mỹ rút quân, và tương lai chính trị miền Nam “không còn là mối quan tâm của nước Mỹ, mà đó là vấn đề của người Việt Nam với nhau nếu sau khi Mỹ rút quân họ lại đánh nhau thêm.” (Then “it will no longer be [the Americans'] concern, but that of the Vietnamese themselves if some time after the U.S. troop withdrawal they start fighting with each other again.” (Trích National Security Archive, Soviet-American Relations: the Détente Years, 1969-1972, Documents 109 and 110).

Năm 1971 cũng là bước ngoặt trong chính sách ngoại giao của Mỹ ở vùng Ðông Nam Á. Trước đó, Mỹ nhìn Nga Xô và Trung Cộng như một khối thuần nhất. Cuộc chiến bên bờ Hắc Long Giang ở biên giới cho thấy tình trạng đã thay đổi, nước Mỹ có thể lợi dụng hai nước cộng sản lớn chống nhau mà thay đổi chiến lược toàn cầu. Sau đó, Nixon gặp Mao, như chúng ta đã biết. Trung Cộng đã hòa hoãn với Mỹ trong khi vẫn chống Nga; bỏ Việt Nam nhưng Mỹ vẫn đứng vai bá chủ trong phần còn lại ở Á Ðông, đặc biệt là miền Ðông Nam Á.
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã thay đổi đến vận mệnh tất cả các nước Ðông Nam Á. Ông Lý Quang Diệu viết trong cuốn “From Third World to First - The Singapore Story 1965-2000” rằng, “Năm 1965, khi quân đội Mỹ đổ vào miền Nam Việt Nam ào ạt thì bên trong Thái Lan, Mã Lai Á và Phi Luật Tân đang bị đe dọa bởi các nhóm Cộng Sản võ trang nổi dậy. Trong khi các cơ sở bí mật của cộng sản vẫn hoạt động tại Singapore. Hoa Kỳ vào Việt Nam đã giúp các nước không cộng sản tại Ðông Nam Á có cơ hội chấn chỉnh nội bộ. Ðến năm 1975 thì tình hình các xứ này đã khả quan hơn, nên họ có sức đương cự Cộng Sản.” Ông Lý Quang Diệu công nhận: “Các nền kinh tế thị trường mới phát triển của khối ASEAN đã được nuôi nấng trong những năm chiến tranh Việt Nam.”

Ông Lý Quang Diệu mô tả thành tựu của các nước Ðông Nam Á vào năm 1975 như là một chiến thắng, một chiến thắng của khối tư bản, còn gọi là kinh tế thị trường. Nhờ miền Nam Việt Nam đóng vai một nút chặn làn sống đỏ, các nước Ðông Nam Á vừa có thời giờ dẹp các đạo quân phiến loạn Cộng Sản lại vừa có cơ hội phát triển kinh tế theo lối các nước tư bản trong hơn 20 năm. Khi kinh tế đã cất cánh thì những lời tuyên truyền mê hoặc về cách mạng vô sản thành nhạt nhẽo, vô duyên. Nhất là khi mọi người đã nhìn thấy xứ Trung Hoa ngày càng nghèo đói, dân không đủ ăn lại hỗn loạn vì “cách mạng văn hóa.”

Trên toàn cõi Á Ðông và vùng Ðông Nam Á, từ năm 1950 đến 1975, nước Mỹ đã đóng vai cảnh sát, ngăn không cho các đạo quân sách động của Cộng Sản bành trướng. Nhờ núp bóng cái dù Mỹ che chở, thế các nước trong vùng được bình an, lo gia tăng sản xuất, trao đổi, thành lập các định chế kinh tế và chính trị có khả năng đứng vững lâu dài. Nếu không nhờ người Việt Nam cầm cự trong cuộc chiến này thì Ðông Nam Á không được hưởng nền Pax Americana đó.

Ba năm sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975 đến lượt Trung Cộng rút kinh nghiệm, học tập bài bản phát triển kinh tế của Nhật Bản, Nam Hàn, Ðài Loan, và các nước Ðông Nam Á. Ðặng Tiểu Bình được phục chức để dần dần thay đổi toàn diện các chính sách của Mao Trạch Ðông, mở cửa nước Tàu và cho phép dân được bắt đầu làm ăn tự do, từng bước một. Kinh tế Trung Hoa phát triển mạnh nhờ mô phỏng kinh tế tư bản thời hoang dã. Công việc phát triển này diễn ra nhờ nước Mỹ trong thời gian đó vẫn đóng vai cảnh sát bảo vệ trật tự và hòa bình cho cả vùng.

Nhưng dù Mao hay Ðặng, các hoàng đế đỏ trong Trung Nam Hải vẫn cùng theo một chính sách ngoại giao; mục tiêu là bành trướng thế lực Trung Cộng trên toàn thể Châu Á và vùng phía Tây Thái Bình Dương. Năm 1953, Trung Cộng đã buộc Việt Cộng phải mở rộng chiến tranh sang các nước Lào và Campuchia, đặt nền tảng cho việc bành trướng trong vùng Ðông Dương. Năm 1954 Trung Cộng bắt Việt Cộng phải ngưng bắn dù đang trên thế mạnh, vì sợ phải trực tiếp đụng đầu với Mỹ lần nữa, sau trận chiến tranh Cao Ly chết hàng triệu Hồng quân mà không chiếm được mảnh đất nào của Nam Hàn. Trung Cộng xúi giục Việt Cộng tấn công miền Nam để lấy đó làm “hàng mẫu” có thể xuất cảng sang các nước Á châu, Phi châu và châu Mỹ La Tinh, gây một phong trào “Chiến tranh giải phóng Made In China.” Vào năm 1965, trên thế giới có tới gần một trăm “Mặt Trận Giải Phóng” theo tư tưởng chiến lược “Nông thôn bao vây thành thị” của Mao Trạch Ðông. Nông thôn là các nước nghèo, thành thị là các nước Âu, Mỹ.

Trong chiến lược toàn cầu của Trung Cộng, Việt Cộng được coi là đạo quân tiền phong, vừa đóng vai tuyên truyền sách động, vừa đổ máu để buộc chân “đế quốc Mỹ” sa lầy vào một cuộc chiến không bao giờ chấm dứt vì chính phủ Mỹ đã ngầm thỏa thuận với Trung Cộng là không tấn công ra miền Bắc Việt Nam. Trong lịch sử, Mỹ chưa bao giờ tham dự một cuộc chiến tranh nào dài quá năm năm. Khi Mỹ mỏi mệt muốn rút lui, Trung Cộng được hưởng lợi. Chu Ân Lai được lịch sử Trung Hoa ghi công vì biết khai thác cơ hội chiến tranh Việt Nam để chiếm các quần đảo ngoài khơi Biển Ðông nước ta. Từ đó họ có thể tạo áp lực trên toàn vùng Ðông Nam Á và giành ảnh hưởng với Mỹ. Năm 1973, Chu Ân Lai đã chuẩn bị kế hoạch chiếm quần đảo Hoàng Sa sau khi Mỹ ký Hiệp Ðịnh Paris, đầu năm 1974 thì kế hoạch được thi hành.

Bốn mươi năm sau ngày ngày 30 Tháng Tư năm 1975, bàn cờ vùng Ðông Nam Á và Á Ðông lại thay đổi. Trung Cộng và Mỹ vẫn cộng tác với nhau trong việc giao thương, một bên xuất cảng hàng để dân có công việc làm, một bên được vay tiền với lãi suất thấp để tiêu thụ hàng rẻ tiền. Nhưng từ ba năm qua, chính sách Mỹ chuyển trục về Châu Á đã đưa hai nước đến thế đối đầu ngày càng rõ rệt hơn. Trung Cộng đang thành lập các liên minh kinh tế, với dự án Ðường Tơ Lụa Mới, Vòng Ðai Ðường Tơ Lụa Trên Biển, và Ngân Hàng Phát Triển Hạ Tầng Cơ Sở. Mỹ tái xác nhận các minh ước quân sự với Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Úc, với cả Singapore và Indonesia; đồng thời tổ chức thêm liên minh kinh tế qua tổ chức Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), không mời Trung Cộng tham dự.

Ðây là cơ hội cho nước Việt Nam cũng chuyển trục. Thay vì lệ thuộc vào một nước đã từng xâm chiếm và đô hộ nước mình cả ngàn năm, người Việt Nam phải tạo thế cân bằng giữa các thế lực quốc tế.

Một bức thư của hơn 40 nhà trí thức và đảng viên Cộng Sản đã khuyến cáo Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng, trong chuyến công du sắp tới hãy cố gắng để Việt Nam được gia nhập TPP. Họ viết: “TPP là lời tuyên bố tuyệt đối cam kết chiến lược của Hoa Kỳ về sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lâu dài, điều này có ý nghĩa thúc đẩy rất lớn với Việt Nam, đất nước đang cần bước đột phá để bứt lên. Chẳng những thế, TPP là một cách thức để bảo đảm rằng Hoa Kỳ không đơn giản nhường lại quyền đặt ra quy tắc cho Trung Quốc” như tuyên bố của Tổng Thống Barack Obama trong phát biểu thường niên trước Quốc hội Hoa Kỳ vào Tháng Giêng 2014.”

Vào Tháng Tư năm 1975, không ai có thể tưởng tượng có đảng viên Cộng Sản nào lại dám viết những lời “thân Mỹ” như thế.

Nếu năm 1975, Việt Cộng tôn trọng Hiệp Ðịnh Paris, không tấn công xâm chiếm, miền Nam được sống bình an, thì miền Bắc cũng có hy vọng. Hai cuộc chiến tranh Campuchia và chiến tranh biên giới có thể không xảy ra. Việt Cộng có thể bắt chước Trung Cộng từ năm 1979 thay đổi kinh tế, lại có thể yêu cầu Mỹ thi hành hiệp định viện trợ bốn tỷ đô la. Bốn tỷ đô la thời đó có giá trị gấp mười tính theo đô la năm 2015. Miền Nam được hòa bình, không bị đánh tư sản, không đi kinh tế mới, bao nhiêu con người có khả năng và can đảm không bị nhốt tù cải tạo, không phải vượt biển tìm tự do và chết trên biển cả, thì ngày nay cũng có thể giàu mạnh như Ðài Loan, Nam Hàn.

Nhìn lại sau 40 năm, trong cuộc chiến tranh chấm dứt ngày 30 Tháng Tư 1975 nước Việt Nam chịu mọi điều thiệt hại và khổ đau. Mỹ đạt được mục tiêu của họ là bảo vệ cho vùng Ðông Nam Á phát triển. Trung Cộng cũng đạt được mục tiêu liên kết với Mỹ và bành trướng trong Biển Ðông. Cộng Sản Việt Nam đã làm hại dân tộc vì tôn thờ Mao Trạch Ðông, làm theo Trung Cộng suốt trong lịch sử đảng. Ngày nay muốn quay đầu về phía Mỹ, nhưng phải biết chỉ có dân Việt Nam đang cần nhờ Mỹ tạo thế cân bằng với Trung Cộng. Còn đối với nước Mỹ thì có hay không có Việt Nam cũng không quan trọng lắm trên bàn cờ cả Châu Á và Thái Bình Dương.






No comments: